B |
ữa ấy, trong dáng Thu gầy guộc giữa đất trời Quảng Trị, con người quê kiểng và con người thi ca nơi Võ Văn Luyến đưa tôi về quê nhà Hải Lăng của anh bằng con đò nan mộc mạc men theo dòng Ô Lâu trong vắt lời ca dao tình sử. Đó là lúc mỗi làng quê xanh mướt bên muôn khoảnh sóng Ô Lâu thanh bình là mỗi làng sương khói. Chợt, từ đâu đó hoặc sau lũy tre gió hòa tiếng lá hoặc trên dòng sông chảy qua làng yên rồi ra phá rộng vẳng lên giọng ngân vang dài: "Trăm năm đành lỗi hẹn hò/ Cây đa, bến cộ, con đò khác đưa/ Cây đa, bến cộ cònlưa/ Con đò đã thác năm xưa tê rồi". Từ đây, tượng đài tình yêu bất tử này ngấm vào tôi hồn quê Hải Lăng thuần hậu với cát rộng, tình dài.
Cát rộng Hải Lăng, chính phong thổ ấy trải ra trên bạt ngàn cồn cát ven biển, ven sông ở Hải An, Hải Khê, Hải Dương, Hải Tân, Hải Hòa, Hải Thọ, Hải Chánh... Trong màu nắng tươi của sắc Thu chiếu dọi, tôi đọc trên cát trắng Diên Sanh bài ca Mười trứng và nghe Luyến nói về sự uyên áo, lòng lạc quan tuyệt vời của người Hải Lăng và sự uyên áo, lòng lạc quan thuộc vào hàng bậc nhất trong văn học dân gian Việt Nam từ xa xưa: "Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn/ Tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay, đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua con gà mái về nuôi/ Hắn đẻ ra mười trứng: Một trứng ung/ Hai trứng ung/ Ba trứng ung/ Bốn trứng ung/ Năm trứng ung/ Sáu trứng ung/ Bảy trứng ung/ Còn lại ba trứng/ Nở được ba con: Con diều tha. Con quạ gắp (quắp). Con mặt cắt lôi/ Lấy chi đâm dánh (nhánh) nảy chồi/ Khổ như ri chừ đà quá khổ/ Lần hồi cũng qua". Theo sự tường minh của Luyến, tôi hiểu ra phẩm chất nghệ thuật rất tự do của bài ca dao này đã cho phép các yếu tố hiện đại có mặt một cách sống động trong một tác phẩm dân gian. Đến khi hòa vào lòng thương yêu của con người, của nhân dân nơi miền quê thường gặp nhiều gian khó, chính những tự do và hiện đại đó đã đưa bài ca dao Mười trứng đến một dị bản đáng kính cũng thuộc vào hàng bậc nhất trong văn chương truyền khẩu bởi lòng nhân hậu tuyệt vời: "Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn/ Tháng khốn, tháng nạn/ Đi vay, đi dạm/ Được một quan tiền/ Ra chợ Kẻ Diên/ Mua một vác tre về dựng cái quán/ Ai hờn ai oán/ Đốt quán tôi đi/ Tôi thương cái tranh/ Tôi nhớ cái tre/ Tôi thương cái cột/ Tôi nhớ cái kèo/ Bạn nghèo gặp nhau". Ngay trên miên man cát trắng ở nơi sản sinh bài ca dao kỳ diệu ấy, tôi thụ bẩm tinh thần lạc quan và lòng nhân hậu quý giá của con người Hải Lăng với niềm tin, Bùi Tả thị nổi tiếng công khanh, xứng danh cựu học-Bùi Dục Tàisớm nên sĩ vọng, đột phá khai hoa là nhân vật đã được un đúc bằng chính phong thổ tuấn dật của vùng đất thấp mà lại cao bên dòng Ô Lâu khắc ghi mối tình huyền sử muôn đời nuôi dưỡng những hy vọng và yêu thương. Trên cát rộng, tình người Hải Lăng dài lâu là vậy.
Bên khóm cúc vào Thu đà thêm già cốt cách, mùi vị ngọt mát thơm ngon thanh tao của món canh ám làng Lam được người vợ hiền của Luyến nấu đãi khách phong lưu khiến tôi lặng im nâng chén rượu Kim Long trong ngần sủi tăm bên thành sứ để cảm tạ tấm chân tình của bạn và phong vị quê nhà. Đây là lúc tôi hiểu, bởi từng chưa đến làng Lam Thủy của xã Hải Vĩnh nên tác giả của sách Ô châu cận lục đã không đưa món canh ám làng Lam vào phần Môn Phong tục trong sách của mình. Phải vậy thôi khi phần Nguyên chú ở trang cuối phần Môn Phong tục được tiến sĩ Dương Văn An viết rõ: "Một ngày bãi chầu xong, tôi ngồi tại bộ xem khắp bản đồ đất nước và tên các làng, xã, huyện trong hai phủ Tân Bình, Triệu Phong mới tùy hứng viết hai bài này. Đại để lấy tên làng để gợi ý, vì thế trong đó... được đằng này lại mất đằng kia, không khỏi gò ép, sai sót. Xin chờ các bậc quân tử học rộng, nghe nhiều lưu tâm bố chính". Vậy thì đến nay, người Hải Lăng đã giúp tiến sĩ Dương Văn An bố chính phong tục quê mình bằng những thành ngữ, tựa như: "Canh ám làng Lam, mắm đam Trà Trì"... Bên ngoài, dòng Vĩnh Định êm đềm chảy qua bờ đê rợp bóng dương liễu, chảy mãi vô cùng, chảy trên Cửu đỉnh ở Thế Miếu trong Đại Nội của cố đô Huế và thêm vào đất và người Quảng Trị niềm tự hào chinh phục tự nhiên, xây đắp phong vận tốt tươi của quê nhà.
Trong sự đi lên ngày càng tươi nhuận của đời sống, người Hải Lăng vẫn giữ nghĩa tình và làm việc thiện với cảm nghĩ vẻ vang hơn ăn ngon mặc đẹp. Nhờ thế mà họ hoan hỉ gìn giữ một cách nguyên vẹn khuôn mặt cổ sơ của rú Câu Hoan ở xã Hải Thiện để cùng muôn nhà lưu truyền câu thành ngữ rất đỗi tự hào "Rú Câu Hoan, quan Cổ Lũy" trồng cây xanh, lập làng sinh thái để xóa đi cái hiện tượng cát bay, cát nhảy, cát chạy, cát chảy, cát trôi, cát lấp trên một dải tiểu sa mạc hình chữ Nhất kéo dài từ Tây sang Đông; mang thêm sách vở và niềm vui học hành chữ nghĩa về với con trẻ ở các "càng" Cây Gia, "càng" Mỹ Chánh, "càng" Hội Điền, ''càng'' An Thơ của các xã vùng thấp trũng Hải Thọ, Hải Chánh, Hải Hòa... Để rồi những ngôi làng nơi miền quê tưởng chừng sẽ bị sa mạc hóa vào mùa nắng hoặc bị cô lập vào mùa mưa lũ đã có diện mạo mới với bao thôn xóm vui vầy nối tiếp nhau bằng những con đường thơm mùi nhựa mới. Những con đường ấy đưa người dân của làng này làng khác đi về phía trước với những cố gắng giã biệt bước chân bước thụt bước lùi trên cát mà vun trồng bản lai của sen Hải Lăng rực rỡ như ở Tây Hồ, đưa cháo bột vạt giường Diên Sanh và Kim Long mỹ tửu đến với tao nhân mặc khách muôn phương. Và, không ở đâu như ở đây, tôi nghe từ giọng nói trầm ấm mà nhỏ nhẹ của Luyến những câu chuyện về đất và người Hải Lăng chan chứa tình cảm đến vậy. Truyền qua tôi một cảm xúc bùi ngùi và trân trọng, Luyến bồi hồi với khẳng định chính vùng quê bĩ cực Hải Lăng chưa nắng đã hạn khô chưa mưa đã ngập lụt ngày trước đã rèn nên nhiều người con đỗ đạt, hữu ích với đất nước, từ Bùi Dục Tài rạng danh khoa hoạn là tiến sĩ đăng khoa đầu tiên ở Đàng Trong mà tên tuổi sáng tỏ trên bia tiến sĩ ở Văn Miếu-Quốc Tử Giám, ông Nghè Nguyễn Đức Hoan yêu quê và thương dân, đến biết bao bác sỹ, kỹ sư, giáo viên... trong hôm nay. Từ đất học Câu Nhi có người anh tuấn là vị tiến sĩ đã đưa nhân tài phong thổ Ô châu có thể sánh với miền ngoài, tôi theo Luyến qua làng Phú Kinh để được nghe các bô lão nói chuyện khuyến học với quỹ Học điền thuở trước cùng hương ước của làng hôm nay vẫn luôn ưu tiên chăm lo sự học. Trong câu chuyện mỗi lúc một thêm đầm ấm với trầu cay cau ngọt và nước chè xanh của các cụ, tôi hiểu thêm một điều rằng chính nết đất, hồn quê và sự học ở Hải Lăng đã sinh thành những con người cương thường, trung tín, chuộng nhân văn và trong số họ có những bậc nữ lưu mà nhan sắc và phẩm hạnh trinh thuận vẫn được các thế hệ hôm nay phụng thờ. Niềm ngưỡng mộ chân thành đã đến khi tôi nghe chuyện người con gái nết na Nguyễn Thị Bích của làng Câu Nhi, xã Hải Tân trở thành người vợ hiền thục của anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ-hoàng đế Quang Trung; chuyện cô gái xinh đẹp Dương Thị Ngọt ở làng Hội Kỳ của xã Hải Chánh là ái phi của vua Thành Thái mà cái chết oan uổng đã đưa cô trở lại nơi cắt rốn chôn nhau với nghi lễ của triều đình nhà Nguyễn dành cho một hoàng phi; chuyện bà Trương Thị Dương ở xã Hải Sơn là người phụ nữ được ghi tên trên bia mộ của hai chí sĩ yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân của phong trào Duy Tân bởi sự mưu trí, tận tâm và lòng dũng cảm khi bí mật cải táng hài cốt hai nhà chí sĩ của phong trào Duy Tân về yên giấc ngàn Thu giữa ngàn cây trên sườn đồi Thủy Xuân của miền núi Ngự sông Hương; chuyện về nữ anh hùng Trần Thị Tâm, người con gái anh dũng ngăn chặn thành công một trận càn của Mỹ-ngụy với nhiều đạn, pháo, xe tăng, máy bay yểm trợ và đã hy sinh oanh liệt trên cát trắng Hải Khê, trở thành bất tử trong lòng người và trong lịch sử dân tộc... Cát Hải Lăng rộng là vậy và tình người Hải Lăng dài lâu là vậy.
Mỗi khi lần giở cảo thơm, ắt mỗi người con Hải Lăng đều hiểu mình cần gắng gổ và chung sức góp phần bổ ích với phong hóa của quê nhà, nên hôm nay, trên khắp vùng cát Hải Lăng hiển hiện nhân văn quang rạng, phong quang ngợp mắt mà dẫu ở Thi Ông, Văn Quỹ, Đa Nghi, Diên Sanh, Câu Nhi, Mỹ Chánh, An Nhơn, Trà Lộc hay Trung An, Mỹ Thủy, Thâm Khê hoặc Phương Lang, La Vang, Thượng Xá, Long Hưng, Quy Thiện, Xuân Lâm... đều thật gợi hứng lòng người. Giữa làn gió thoảng đưa tiếng trống tựu trường, bước chân tôi bịn rịn trên cát ở vùng đất đang thêm an khang vào đời sống. Trong lời tiễn đưa và hẹn ước với tôi, con người quê kiểng và con người thi ca nơi Võ Văn Luyến mời tôi lần sau về Hải Lăng vào những ngày đầu Xuân bởi khi ấy người Hải Lăng mở hội đua bơi như hàng trăm năm trước đã được ghi vào sách quý của các bậc tiền hiền. Phong tục Hải Lăng thuần hậu vốn nhiều, sách Ô châu cận lục từng ghi và đang được hôm nay bố chính, nên ở đây, tôi cảm nhận được những xao xuyến tình quê và hiểu mạch nguồn sâu thẳm của câu thơ về phong thổ quê nhà mà Võ Văn Luyến từng viết: "Thế gian thay lạch đổi dòng/ Hiển tâm như cát thật không dễ gì".
Khi nắng rời mặt sông Ô Lâu và sương đã điểm những dấu chân trên cát, tôi nhẩm thuộc câu thơ: "Thì đã yêu con sông khi đi bên em/ Anh hoài cảm về cô lái đò ngày xưa ấy/ Nước vẫn chảy, bèo vẫn trôi nhưng hình hài trái tim ở lại/ Đập nhịp rộn ràng" (Đi bên dòng sông tình sử-Võ Văn Luyến).
N.B.N