Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về nơi nuôi dưỡng tâm hồn

K

hông có thì giờ đi xa, thành ra cả tháng nay tôi cứ như gà mắc tóc. Hôm thì vào cầu Lai Phước ngược lên Tân Vĩnh; hôm từ Vịnh Phước xuôi theo con sông Thạch Hãn qua các phường Đông Lương, Đông Lễ; hôm thì ở phía hữu ngạn con sông Hiếu với Phường 1, 2, 3 - các  phường trung tâm Tp. Đông Hà hôm qua tả ngạn, đến với các làng mạc thuộc phường Đông Thanh...  Cũng chỉ loay hoay với các làng xóm phường xã ven đô để xem sau nhiều năm sáp nhập vào thị xã tỉnh lỵ rồi thành phố, thực sự người nông dân nhận được cái gì trong đô thị hoá.

Cái được, quả là người nông dân được rất nhiều thứ. Cái nghề nông, có cơ giới hoá, được cung ứng hạt giống, con giống rồi phân bón, thuỷ lợi tưới tiêu... nên tăng được năng suất mà sức lao động thì được giải phóng. Đã qua rồi cái thời tự cung tự cấp, chạy ăn từng bữa. Mấy thập niên trở lại đây người nông dân không còn ai phải lam lũ nặng nhọc, không còn ai phải trục lúa, giã gạo, gồng gánh, một nắng hai sương nữa. Chính phủ xoá đói giảm nghèo, họ tự xoá đói giảm nghèo, nông dân giàu lên rất đáng kể. Được giải phóng tay chân đồng nghĩa đầu óc cũng được giải phóng. Tư duy người nông dân bây giờ thay đổi nhiều lắm. Tâm lý tiêu dùng của người nông dân cũng hoàn toàn biến đổi. Chính họ chứ không ai khác đã tạo ra thị trường ngay ở nông thôn, trong ma chay, đám hỏi, đám cưới và bữa cơm trên bàn ăn của mỗi gia đình. Họ nhàn nhã hơn, vì thế có điều kiện hơn,có thời gian hơn tham gia vào việc hưởng thụ văn hoá. Nhiều cái hay của thuần phong mỹ tục được họ phục hồi; nhiều cái lạc hậu, cái dỡ họ bỏ qua... 

Ngược lại mất, cũng rất nhiều thứ. Có thứ nó thuộc về tàn dư lạc hậu thì không sao. Nhưng có nhiều thứ nó thuộc về văn hoá làng, “hồn làng” mà mất đi, rơi rụng đi nhanh chóng quá, thì không ai không thấy chạnh lòng. Nhất là những kẻ ra đi từ những ngôi làng, dù thành đạt hay phù phiếm vất vưỡng ở chốn thị thành, mà chẳng có cách gì giải thích cho thật rõ ràng, ổn thoả thì day dứt.

Hôm ở Vịnh Phước ra, tôi tạt vô làng, tình cờ gặp ông Giáo, chú Khích ở nhà ông anh rể. Thời trai trẻ, họ đều là những người thợ sơn tràng. Cái nghề thì nay đã mất, song kỷ niệm, ký ức một thuở về nghề trong họ chưa xa... Nghe xong câu chuyện, tôi lại thêm day dứt...

Day dứt, vì đó là những vấn đề thuộc về trầm tích văn hoá. Dù gì đi nữa thì trong sâu thẳm tâm hồn người Việt, nông thôn vẫn là nơi nuôi dưỡng sự sống của cả dân tộc. Mà cái nghề sơn tràng và “triết lý về cái cột đình” dưới đây chỉ là một dẫn chứng.

* * *

Sơn tràng là cái nghề khai thác rừng theo lối thủ công, ban đầu tôi cứ nghĩ, có khác chi tiều phu đốn củi, đốt than lúc rảnh rỗi nông nhàn mà phải mô tả cho tốn giấy mực. Nhưng theo ông Giáo thì họ phải là những ngư­ời thợ tay nghề bậc cao, am hiểu gỗ lạc, giàu có kinh nghiệm trong việc khai thác, “mở rừng”. Từ địa phư­ơng gọi tắt: "đi cội". Cội ở đây là cây vậy.

Nghề sơn tràng phiên chế thành đoàn toán; mỗi đoàn từ năm đến bảy người; đông mươi, mười lăm ngư­ời, chủ yếu lao động nam. Đoàn nào có nữ, chỉ một đến hai, lo nội  trợ. Họ đều là ng­ười trong một làng nhóm họp lại mà nên. Cơm gạo, mắm muối, cá khô... là thực phẩm chủ chốt của các đoàn mang theo mỗi chuyến đi. Thời gian trung bình mỗi chuyến một tháng; lâu kéo dài hai, ba tháng. Đó là những chuyến đi sâu vào rừng già giữa chừng thì phải cho người khứ hồi để tiếp thêm lương thảo.Vào đến cửa rừng, dựng lán trại lên, đàn ông vào rừng khai thác gỗ. Tuy mục tiêu của mỗi chuyến đi là khai thác nguồn lợi lâm sản cho mỗi cá nhân hoặc gia đình, nh­ưng khi gặp một cây săng (gỗ) lớn, sử dụng được vào việc làm đình, chùa làng hoặc nhà thờ họ thì phải cố kết; cả đội hợp lực lại hạ cây gỗ ấy xuống cho một ng­ười hoặc một nhà, sau đó  hoàn trả lại công t­ương xứng.

Ông Giáo còn nhớ như in, vùng ven Đông Hà thời chống Pháp còn có hàng chục đội sơn tràng, khai thác ở những cánh rừng phía tây nh­ư Lấu, Trừ, Tèng Teng... xa hai đến đến ba ngày đ­ường đi bộ. Các đội lớn mỗi năm đi nhiều nhất cũng từ một đến hai chuyến. Rừng ở phía tây Đông Hà ít gỗ quý hiếm; phư­ơng thức khai thác thủ công nên các đội sơn tràng vào rừng đa phần đốn hạ đ­ược các nhóm gỗ loại hai, loại ba nh­ư Trâm, Sến, Vang, Lèo heo, Thạch chũa, Chũa tr­ường... Gỗ loại tốt có Gõ, Lim; song thi thoảng mới gặp đ­ược loại gỗ vừa hiếm vừa đúng quy cách sử dụng. Do sức trâu kéo nên gặp cây to phải c­ưa ngắn lại. Súc gỗ dài hết cỡ cũng chỉ từ năm đến sáu mét, từ chuyên dụng gọi là “trư­ờng 5”, “trư­ờng 6”... Tuỳ chuyến đi, có chuyến mỗi ng­ười đ­ược 4 - 5 súc gỗ. Súc to sử dụng vào việc làm kèo, cột nhà nhỏ c­ưa cùi đòn tay hoặc c­ưa rui, xẻ ván.

Công cụ của ngư­ời thợ sơn tràng đơn giản. Ngoài cây rựa, họ còn có rìu và c­ưa. Rìu có rìu cốt, l­ưỡi to dùng để đốn hạ cây và rìu me, l­ưỡi xoắn, tra vào đầu cán gỗ nh­ư cuốc chét dùng để mổ bịn. Bịn là cái lỗ hốc mắt đầu mỗi súc gỗ, nơi ng­ười ta buộc dây vào cho trâu kéo súc gỗ đi. Lại nói thêm về loại dây kéo, loại dây bò trên mặt đất, có nhiều ở rừng, thân dẽo bền có tên như­ dây Đắng, dây Tr­ờng, dây Bụ, dây Dong, dây Ướm... Chỉ cần chặt khúc, chún hai đầu cột vào hai cống dù buộc ở cổ trâu và vào lỗ bịn cây săng thì trâu đã có thể kéo, tập kết gỗ ra bến chở bằng đò hoặc cho trâu kéo thẳng về nhà. Thợ sơn tràng hạ gỗ bằng rìu cốt, như­ng cư­a thì bằng cưa lếu. Đó là loại cư­a có cán hình cong uốn bằng tre hoặc mây; l­ưỡi cưa sắt hẹp bản, răng c­ưa sư­a, lư­ỡi cư­a dài một sải tay, chừng một đến một mét hai. Tuỳ thế cây gỗ lúc hạ, người thợ dùng rìu, dùng cư­a hoặc phối hợp cả hai loại dụng cụ chủ yếu này.

Câu chuyện được hâm nóng lên khi ông Giáo đề cập đến những con trâu kéo, vì nó là "công cụ sống" của ng­hề, nó được chia gỗ lạc là thành quả sau mỗi chuyến đi như người vậy. Với nhà nông con trâu đã là đầu cơ nghiệp; với thợ sơn tràng con trâu kéo còn gấp bội lần hơn thế. Trước hết nó phải là những con “trâu nổi”, "trâu chiến" tinh khôn; không thế thì không gánh vác được những công việc trong rừng. Nó khác xa với con trâu cày về kỹ năng, kỹ thuật, kỷ luật... Ví như khi kéo súc gỗ lên dốc, không vì thế đi hiểm trở hay kiệt sức mà nó bỏ cuộc. Khi cần, ngư­ời điều khiển hô quỳ, nó quỳ; nhuần nhuỵ, bài bản. Nó quỳ là để dồn sức, bò xuống mà kéo súc gỗ lên dốc. Nó khôn ngoan, trung thành với chủ bằng nhiều cách. Chú Khích nói: - Con Ô nhà tui thường móc cái sừng vào gốc cây bất kỳ nào bên vệ đ­ường, nghỉ để lấy sức chừng năm đến mư­ời phút rồi kéo tiếp... Trong những tình huống cam go như­ thế mà ng­ười thợ sơn tràng nảy ra cách hiệp lực động viên con trâu kéo của mình bằng những câu hò mới lạ. Tôi hỏi hò gì, ông Giáo bảo hò nện. Hò nện là nện đòn xeo xuống đất cái "địn" mà rập ràng:  Lên dốc thì bấm cổ cờ, ơ hơ hơ... nì !... Nghe giọng anh hò thì gắng cổ kéo lên nì !... Con trâu kéo mỗi khi nghe hò nện thì giật kéo càng hăng. Vừa vượt qua được cơn nguy kịch, đã có những giọng hò nghịch ngợm xen vào: Thuyền em mũi đó lái hồng lê/ Hai bên hai con mạn giữa đề tên anh... Có anh rơi vào tình huống căng thẳng, bất lợi không chịu nổi, văng tục: Thuyền em mũi đó lái hồng lê/ Hai bên hai con mạn giữa để cái quan tài cha em... Các liền anh liền chị sơn tràng tha hồ nghịch ngợm, sứt đầu mẻ trán đã đành mà có khi nên vợ nên chồng cũng không phải là lạ. Đêm xuống, cũng ông Giáo kể, những con trâu kéo chúng th­ường nằm một cụm chụm đuôi vào nhau, sừng trâu chĩa ra ngoài. Cái­ thế ngủ cảnh giác đề phòng, sẵn sàng tấn công lại các Chúa sơn lâm...

                                              * * *

Càng về cuối, câu chuyện về sơn tràng càng rôm rã. Ông Giáo khẳng định, rằng xưa gỗ lạc lấy từ rừng về đều đ­ược chế tác ra phục vụ đời sống, nào từ­ cán rựa, cán rìu, cán cuốc, cày bừa, chày cối, chồ lậm, tủ sập, bàn ghế, bộ phản gõ đến khung nhà Rư­ờng, nhà Rội... tất cả đều là cội rễ của nền văn minh nông nghiệp. Nay thì nhiều biến động, phần nguồn tài nguyên rừng cạn kiệt, phần đã đ­ược Nhà nư­ớc cùng nhân dân quản lý theo ph­ương thức mới, nghề đã thất truyền. Tất nhiên trong xã hội hiện đại, người nông dân đã thay thế nhiều nông cụ trên bằng máy cày, máy gặt lúa, tuốt lúa, xay lúa... và cũng đã thay đổi mẫu mã nhà ở theo thiết kế nhà hộp, vật liệu xây dựng thay bằng bê tông cốt thép cả rồi. Biết vậy tôi vẫn hỏi: - Bữa nay cho ông vào rừng đốn gỗ thoải mái, ông có lập đội sơn tràng làng ta nữa không? Ông biết tôi đùa, mời mọi người uống nước nhưng ra chiều suy nghĩ mông lung lắm.

Ông Giáo lại hỏi: - Có hay đi uống cà phê nhà Cổ không? Tôi trả lời buổi đầu hào hứng, chừ thôi, vì có thêm nhiều Nét xưa, cổ chẳng ra cổ, kim chẳng ra kim nữa rồi! Chú Khích xen vào: - Rứa nhà Việt? Tôi trả lời, có ngủ lại đó qua đêm với nhà văn Đỗ Chu cho có bạn, chớ quạnh hiu, buồn bã lắm. Cả khu công viên Cọ Dầu đón đầu đường Hùng Vương nối dài dẹp tiệm cả rồi vì ông chủ đau ốm nặng...  Câu chuyện quẩn quanh quay về với việc xây dựng đình làng, chùa làng, các nhà thờ họ... dây vào vốn cổ, thế là lại rơi vào phạm trù văn hoá làng, “hồn làng” như tôi đã nói, là rơi rụng đi nhanh quá, khiến ai cũng chạnh lòng mà cái mới thì ít người chấp nhận. Vì không có gỗ nên bây giờ đình chùa, kèo cột gì cũng toàn bê-tông cốt thép, lại thêm vẽ rồng vẽ phượng, sơn thếp vôi ve loè loẹt. Ông Giáo bảo: - Bề thế thì có bề thế thật, song nó không cổ kính, ít linh thiêng. Khó thật!

Trộm nghĩ, cho dù là câu chuyện, là những vấn đề của văn hoá đi chăng nữa, song một khi đã không chấp nhận thì phải có cách gì giải thích cho minh bạch, ổn thoả chứ! Đợi cho ông Giáo tụt xuống khỏi đỉnh dốc suy tư, mạnh dạn hỏi: - Theo ông, người Việt ta khoe cái văn hoá của mình như thế nào thì cổ kính, linh thiêng, không chói? Ông Giáo: - Phải bằng cái giá tự thân, thầm kín như cái duyên thầm của o thôn nữ chứ không phải cái khung bê-tông cốt thép đồ sộ bà đầm Tây. Tôi giật mình, thầm cảm ơn ông Giáo về cái “Triết lý cột đình” rất nhiều. Bởi xét cho cùng thì văn hoá tất cả các dân tộc mà tôi tôi từng tiếp xúc và trải nghiệm đều khởi phát từ nông thôn làng mạc, từ các con sông, con suối; chưa thấy một quốc gia nào bắt nguồn từ đô thị cả. Vì sao vốn cổ được tôn vinh? Cũng từ ông Giáo: - Vì cả lịch sử, ký ức, tâm hồn đều được chứa đựng  trong đó.   

Đất nước ta có bao nhiêu dân tộc anh em, sẽ có bấy nhiêu nền văn hoá “đậm đà bản sắc” mà Nghị quyết TW5 đảng ta đã khẳng định. 54 dân tộc anh em trong cái bọc “đồng bào” lại có nhiều tôn giáo, tín ngưỡng; ở các bản làng lại có các dòng họ trâm anh thế phiệt, tạo nên diện mạo tinh thần độc đáo đa dạng ở mỗi làng quê. Trong tâm khảm người Việt, bản làng nông thôn bao giờ cũng là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của các dân tộc. Sức mạnh dân tộc chứa đựng trong bản sắc văn hoá nhiều đời, còn kinh tế thì như các nhà hoạch định chính sách đã nói: Có tiền thì có ngay.

Xem ra, công cuộc CNH- HĐH hay xây dựng nông thôn mới cần tập trung hơn nữa vào văn hoá nông thôn, nơi nuôi dưỡng tâm hồn(*)

                                                                                              A.T 

 

Anh Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 224 tháng 05/2013

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground