Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 17/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuôi dòng Sê Păng Hiêng

Bút ký dự thi

 

C

ó những dòng sông chảy về với biển một cách “dễ dàng” mà ít vượt qua ghềnh thác hay ít nhất là rất ngắn về cự ly. Có những dòng sông chỉ cách biển vài chục cây số theo đường chim bay nhưng để gặp được biển phải trải qua hàng ngàn cây số. Sông Sê Păng Hiêng ở miền tây Quảng Trị cũng là một con sông mang số phận “truân chuyên” như thế khi chỉ cách Cửa Tùng chưa đầy 50 cây số mà phải chảy ngược qua đất Lào, hành trình qua bao ghềnh thác mới trở về với sông cái Mê Kông rồi trở ngược lại đất Việt trước khi hòa mình vào biển lớn.

Tôi đứng đây ở Động Mang phía tây huyện Vĩnh Linh nơi phát nguyên của hai con sông. Đó là sông Hiền Lương theo sườn Đông Trường Sơn đổ về hướng đông rồi vội vàng ra biển. Trong khi đó người anh em ruột của mình là Sê Păng Hiêng theo sườn Tây chảy qua Lào, băng qua địa phận xã Hướng Lập như một sự lạ lùng của một dòng sông chảy ngược. Và nếu lấy một bông hoa, tung ra từ đỉnh Động Mang, một nửa theo sông Hiền Lương chảy về xuôi, một nửa theo sông Sê Păng Hiêng chảy ngược để rồi ngồi ở biển Cửa Tùng hóng hay một nơi xa hơn tận miệt đồng bằng Nam Bộ để vớt hoa, đo thời gian hoa về với biển âu cũng là cách làm đầy tính lãng mạn!

Từ cầu Sê Păng Hiêng ngay cạnh Đồn Biên phòng Cù Bai ở xã Hướng Lập đi về bản Cuôi theo hướng huyện Vĩnh Linh bằng con đường men theo dòng sông đầy dốc. Một bên là vách núi, một bên là vực nhìn xuống dòng sông sâu. Dù được Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 của Quân khu IV đầu tư khai phóng, mặt đường khá lớn có thể chạy ô tô nhưng những con dốc và ổ gà, ổ voi cũng khiến người đi “thất kinh”. Thất kinh bởi đường khó và sự hoang vu. Chỉ có tiếng chim kêu, tiếng vượn hú, tiếng xe máy đơn độc dội vào vách núi như một lời độc thoại vô chừng.

Ven đường, những ghềnh đá như chặn ngang dòng sông, điều ta thường thấy ở thượng nguồn sông Thạch Hãn là sông Rào Quán. Những khối đá chặn lấy dòng chảy tạo nên nhiều thác nước hung hãn. Cũng có những đoạn sông yên ắng như phút tư lự của một người khi vừa đi qua những cuộc vui hoạt náo. Ngó xuống nước trong xanh thấy được đáy và nhìn được trời mây, cánh chim bay qua. Mỗi lần nhìn đáy nước, tôi lại nhớ cái nhìn của A Lay trong câu chuyện đầy huyền thoại của người Vân Kiều. Chuyện kể rằng thuở xưa có một gia đình nọ sống dưới chân đèo Sa Mù. Bố mẹ mất sớm, người chị có tên A Lư phải thay bố mẹ chăm sóc em trai mình là A Lay. Người chị dặn người em đừng lên đỉnh núi, nơi đó có con hổ trắng rất nguy hiểm. Nhưng với bản tính của một chàng trai đam mê săn bắn, A Lay đã rời bước chân khỏi nương rẫy của mình để đi tìm những thú vui của rừng. Người em không may lạc đường, không tìm được đường về đành trú tại một bản nhỏ giữa rừng sâu. A Lư đi tìm em trai không thấy, xuống dòng sông Sê Păng Hiêng ngồi phiền muộn, khóc và chết biến thành con cá sống trên dòng sông này. Lớn lên người em lấy vợ, tìm được đường về nhà cũ thì người chị đã không còn. A Lay được thần núi mách bảo chị A Lư chết biến thành cá sống dưới mạch nguồn Sê Păng Hiêng. Chàng ngó xuống dòng sông với đôi mắt đẫm lệ, thương nhớ người chị của mình. Từ đó về sau, những người mang dòng máu A Lay của người Vân Kiều không bao giờ ăn cá có tên gọi A Lư ở sông Sê Păng Hiêng.

Bản Cuôi nằm ở phía bắc sông Sê Păng Hiêng. Hầu hết là những hộ dân đến sau năm 1954. Theo lời của các già làng, sau khi hòa bình lập lại, họ đã chuyển từ bờ nam sông Sê Păng Hiêng sang bờ bắc với cụ Hồ khi hay tin phía Nam thuộc phần quản lý của Diệm và quân phản động Lào. Bản vẻn vẹn vài chục nốc nhà nằm khiêm tốn bên sông Sê Păng Hiêng. Người dân lên rẫy chỉ để lại đám con nít với những người già trông nom. Bản yên ắng đến nỗi có thể nghe thấy tiếng thác nước từ trên đỉnh núi cao dội về hay ít nhất cũng nghe dòng sông rì rào trước mặt. Cả bản chỉ có một quán bán tạp hóa với những thứ cốt yếu nhưng giá đắt đỏ vì cước vận chuyển xa xôi, khó khăn. Công an viên kiêm trưởng bản Hồ Văn Tiến đặt đứa cháu nội trong lòng ngồi kể chuyện những ngày tháng đã qua. Chuyện cách đây mấy năm, đường vào thôn Cuôi khó như lên… trời bởi con đường độc đạo lắm dốc, bị che khuất bởi cây cối và đá núi. Mùa mưa nước chảy xé đường tạo nên nhiều hố ngăn cách, mùa nắng lởm chởm ổ voi, bụi đỏ. Một lần đứa cháu chở ông Tiến ra trung tâm xã lấy thuốc, đường khó, xe gặp ổ voi đã “ném” hai ông cháu xuống đường. Kết quả một con mắt của ông hỏng từ vụ tai nạn tưởng chừng như giản đơn ấy.

Bản Cuôi bắt nguồn từ tên gọi của suối Cuôi. Theo thầy Hồ Quang Vinh giáo viên cắm bản thì suối Cuôi bắt nguồn từ phía đất Quảng Bình, chảy vào sông Sê Păng Hiêng. Ở cái ngã ba ấy là điểm trường thôn Cuôi, nơi có mấy lớp học ghép từ mầm non cho đến lớp 5. Trừ lớp mầm non ra, mỗi lớp tiểu học học sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Phòng học ngồi chung cho các lớp. Thầy giảng lớp này thì lớp kia ngồi nghỉ. Hòa chung với lời giảng của thầy Vinh là những bài hát lớp trẻ và mầm non của cô Nhung và cô Đa ngay cạnh vọng sang. Đó là thứ tạp âm vô thưởng vô phạt bên cạnh con suối Cuôi chảy róc rách ngày đêm. Thầy Vinh bảo lớp học nhiều chung (chung phòng, chung giáo viên) và lắm không (không thiết bị hỗ trợ giảng dạy, không nhà vệ sinh, không sóng điện thoại…) này là cách tốt nhất để duy trì giáo viên cũng như học sinh. Bởi nhà nước không thể xây một lớp học, đứng một giáo viên chỉ để phục vụ cho vài học sinh. Trông lớp học này như một chiếc hộp kim loại bởi mái tôn thấp lè tè, xung quanh cũng gia cố bằng tôn. Nắng thì nóng như rang. Tội nhất ngày mưa, thầy Vinh cho học trò ngồi nhìn mưa vì tiếng ồn của mưa át cả tiếng giảng của thầy.

Tôi nhận ra tay lưới đặt ở bếp ăn (cũng là phòng ngủ, sinh hoạt chung) và ngạc nhiên về nó. Thầy Vinh bảo cuối ngày thường ra sông bủa lưới cho đỡ buồn và kiếm thêm thức ăn. Ở đây chỉ đi chợ vào thứ hai và mua thức ăn dự trữ cho đến cuối tuần. Cá tôm từ con sông Sê Păng Hiêng góp phần đắp đổi ba người thanh niên cắm bản này. Hỏi thầy Vinh: - Sống ở nơi “cùng cốc” này buồn lắm phải không? Thầy Vinh: - Buồn chứ. Nhưng quen rồi. Không sóng điện thoại, không TV, không smartphone. Tối đến, món giải trí duy nhất là những cuốn sách, tạp chí. Nhưng đọc miết rồi cũng chán.

Ba con người, hai nữ một nam trong căn phòng chưa đầy 10m2 kiêm cả phòng ăn, phòng bếp và phòng ngủ. Nhìn hai chiếc giường đặt cạnh nhau, chỉ ngăn cách bởi tấm rèm đã ngả màu, chúng tôi mới thấy cuộc sống ở chốn này nó “đáng sợ” biết bao. Những ranh giới nam nữ, những tâm tư thầm kín, thậm chí những ham muốn chợt ẩn chợt hiện của họ được ngăn cách bởi một bức rèm. Đó là bức rèm mong manh nhất mà tôi từng chứng kiến. Một câu hỏi như xoáy vào nỗi cô đơn mà một người bạn đi cùng chúng tôi khi đến điểm trường này rằng khi một trong hai cô bị ốm không đến điểm trường này đứng lớp, thì căn phòng chỉ còn lại hai người, một nam, một nữ giữa chốn hoang sơn này, anh chị phải sinh hoạt thế nào? Câu trả lời rằng, một người ở lại điểm trường, còn lại phải vào nhà dân xin ngủ lại… Chia tay điểm trường nhỏ nhoi, khiêm tốn nằm bên bờ sông Sê Păng Hiêng. Nước vẫn cuồn cuộn âm thầm chảy qua đây và tuổi trẻ của những thầy cô cắm bản cũng nhẫn nạn để lại vùng sông này.

Sông Sê Păng Hiêng đi qua bản Cuôi, bản Tri chảy đến đoạn gặp đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây thì rẽ trái, rồi gần như chạy song song với con đường này. Sông và đường cùng song hành một đoạn chừng 3 cây số thì sông bắt đầu ngoặt qua hướng phải, cắt đường Hồ Chí Minh ở đoạn đồn Biên phòng Cù Bai. Đoạn này sông gặp núi Brai nên ngoặt phải. Từ cầu Sê Păng Hiêng nhìn lên hướng sông chảy, những nương ngô, đậu lạc xanh rờn. Đó là những cù lao nhỏ trên sông, mùa nước cạn người đồng bào ra đó canh tác. Từ đoạn này, sông tiếp tục “hành phương tây”, chảy đến thôn Cù Bai để rồi mất hút trên địa phận Lào. Ở huyện Hướng Hóa có đến hai con sông chảy về hướng mặt trời lặn. Đó là sông Sê Pôn, xuất phát từ đất Lào, đi qua các xã vùng Lìa, qua xã Tân Long, Tân Thành rồi đến thị trấn Lao Bảo làm ranh giới tự nhiên của hai nước, đến đoạn sát quốc môn cửa khẩu Lao Bảo thì chảy hoàn toàn trên đất Lào. Những năm khu thương mại Lao Bảo còn chưa phát triển, sông Sê Pôn chảy ngược còn hàng lậu chảy xuôi. Mỗi khi đò hàng lậu cập bến Việt Nam để trả hàng, các lực lượng chức năng ào xuống. Lúc này các đối tượng buôn lậu sẽ chèo đò ra giữa sông, qua phần đất Lào là lực lượng chức năng của Việt Nam chỉ còn nước “đứng ngó”. Và sông Sê Păng Hiêng là con sông chảy hướng tây nằm ở phía bắc huyện Hướng Hóa. Hai con sông hai số phận. Một bên cuộn trào, náo nhiệt bởi dịch vụ thương mại của cửa khẩu quốc tế; một bên êm đềm với những nương ngô, bãi sắn…

Bóng núi Brai cao vời vợi nằm bên sông ở đoạn cầu Sê Păng Hiêng như một đôi nam thanh nữ tú. Nhìn khung cảnh nên thơ ở đây tôi chợt nhớ đến danh thắng Đakrông, nơi có núi Klu nằm bên dòng sông Đakrông, có cầu treo, suối nước nóng đã trở thành điểm nghỉ dưỡng. Với Hướng Lập, có lẽ dáng núi Brai cùng với sông Sê Păng Hiêng, cầu Sê Păng Hiêng cũng là địa điểm “check in” đáng chú ý, nếu không nói là điểm đến đầy kỳ thú. Bởi lẽ, cách nơi này không xa có động Brai với hệ thống thạch nhũ đẹp có khả năng khai thác du lịch.

Để đi động Brai có hai đường. “Một đường ướt dép và một đường không”, như cách nói của anh cán bộ văn hóa xã Hướng Lập khi dắt chúng tôi lên động. Hướng “ướt dép” là hướng từ trụ sở xã Hướng Lập, lội qua đoạn sông cạn, lên bờ leo núi thêm đoạn nữa là đến cửa động. Còn nếu đi hướng “không ướt dép” phải băng qua mạn tả của sông Sê Păng Hiêng, leo xuống cầu thang bên chân cầu, men theo bờ mà đi chừng 500 mét nữa là đến chân hang. Nếu đi theo hướng này sẽ tiếp cận rất nhiều với lòng sông. Những rẫy ngô nằm giữa dòng sông, sông mùa khô chỉ còn những nhánh nước nhỏ chảy qua những nương rẫy. Từ bờ sông, trèo vách núi 50 mét mới tới miệng hang. Từ hàng triệu năm trước, có lẽ sông và miệng hang rất gần nhau, và con sông Sê Păng Hiêng đã có những đợt sóng dâng cao đến đây, theo thời gian, nước bào mòn vách núi, cứ thế chui dần vào lòng núi như những con rắn tạo thành những hang sâu. Chưa ai đi hết tận cùng hang Brai. Gan dạ lắm, đủ điều kiện thám hiểm cũng mới vào tới được vài trăm mét. Những cột đá to như cột đình đỡ lấy trần hang có nhiều hình thù kỳ lạ. Len vào sâu tối đen như mực và mát như một chiếc tủ lạnh mở tung cửa. Đèn pin rọi vào vách đá, rọi vào hố sâu vô chừng. Nghe các chuyên gia hang động từng nhắc tới những con vi khuẩn sống trong hang sâu hun hút, suốt một đời không thấy ánh sáng chúng sẽ chết tức khắc khi bắt gặp ánh sáng.

Từ cửa hang đến đỉnh núi còn xa lắm. Những khối đá vôi hùng vĩ do mẹ thiên nhiên sắp đặt thật kỳ khôi. Tương truyền, trên những thớ đá cheo leo đó, bầy khỉ thường xuyên lui tới mỗi lần sinh nở. Ở những tảng đá nơi bầy khỉ nằm vượt cạn thường đọng một lớp máu mỏng tang được gọi là huyết lình (hay lục linh). Đó là thứ quý giá để bồi bổ sức khỏe, là bảo vật tượng trưng cho sự may mắn. Không biết thực hư thế nào, nhưng ở các vách núi ở xứ Brai này những đàn khỉ vẫn lui tới như một sự lưu luyến cái chốn sông núi hữu tình Sê Păng Hiêng - Brai.

Mặt trời đã gác núi. Con sông chảy theo hướng vệt sáng còn lại của ngày rồi mất hút sang phía Lào. Chúng tôi ngồi trong nhà sàn của ông Hồ Văn Rạc ở thôn A Sóc. Chén rượu của chủ nhà hiếu khách cùng với những câu chuyện gùi đạn, lương thực băng rừng, vượt sông Sê Păng Hiêng đánh trận Khe Sanh đã 50 năm giờ hiển hiện. Đó là những năm 1967 đến 1971, ông Rạc theo đoàn thanh niên xung phong của xã gùi lương thực, đạn pháo từ Quảng Bình vào chiến trường Khe Sanh. Mỗi ngày đi bộ, luồn rừng từ 10 đến 12 giờ đồng hồ. Đi dưới tán cây rừng, đi qua lèn đá, vượt sông… Thi thoảng máy bay địch từ Khe Sanh vòng ra do thám, bắn phá. Tay ông Rạc run run cầm ly rượu men lá cây, nhấp một ngụm với giọng bồi hồi khi nhắc lại cái đêm nghe tin chiến thắng: “Đêm ấy ở thung lũng Cù Bai, hơn 100 người xúm lại quanh chiếc Radio. Từ đó phát ra âm thanh đều đều rồi hồ hởi cao trào của giọng đọc phát thanh viên Đào Xuân Lộc trong chương trình sổ tay chiến sự. Rằng quân ta đã giành chiến thắng ở chiến trường Khe Sanh. Hướng Hóa là vùng đất đầu tiên được giải phóng. Cả khu rừng vỡ òa bởi tiếng hò reo, đến cả muông thú cũng phải giật mình”. Ông Rạc nói thêm, thương anh em chiến sỹ đã nằm lại ở bìa rừng. Nhiều lắm…

Sông Sê Păng Hiêng là dòng sông của lịch sử. Sông cuốn trôi bao tín vật của thời tiền sử nhưng cũng chứa đựng trong nó những ký ức nguồn cội. Tại khu vực lòng sông Sê Păng Hiêng, ven suối, đồi và thung lũng Cù Bai, các đoàn khảo cổ đã tìm thấy rìu đá mài. Đó là vật chứng còn sót lại của nhà nông làm nương theo kiểu hỏa canh, cách đây hàng chục ngàn năm. Phải chăng chủ nhân của các rìu đá mài đó là tổ tiên của đồng bào thuộc ngữ hệ Môn - Khơme như Vân Kiều, Pa Kô… Rồi đến thời hiện đại, thung lũng Cù Bai lại “mang” trong mình hàng ngàn quả bom do Mỹ ném xuống để đánh chặn cung đường chi viện từ miền Bắc theo sông Sê Păng Hiêng qua Lào để tiến vào miền Nam.

Đứng bên dòng sông Sê Păng Hiêng mới nghiệm hết câu nói “thương hải tang điền” (biển xanh biến thành nương dâu). Bây giờ đang mùa khô, những bãi bắp, đậu trên những cồn đất giữa sông sẽ mất dấu khi mùa mưa tới. Tự nhiên giật mình khi nhớ đến nhà địa chất Phạm Văn Quang với dự án khổng lồ gây chấn động dư luận khi ông muốn “dắt” sông Mê Kông vượt dãy Trường Sơn đổ vào Sê Păng Hiêng, vào Rào Quán - Thạch Hãn rồi chảy ra biển Đông qua Cửa Việt. Trong những ngày “lang thang” ở miền tây Quảng Trị, lên tận biên giới Việt - Lào nơi sông Sê Păng Hiêng mất hút giữa núi đồi rồi hòa mình cùng với sông Mê Kông, nhà địa chất Phạm Văn Quang đã ấp ủ dự án chặn dòng Mê Kông, nước dâng cao sẽ khiến cho dòng sông Sê Păng Hiêng chảy ngược về hướng đông. Sau đó đào một con kênh nối từ sông Sê Păng Hiêng đến sông Rào Quán (đoạn gần thủy điện Rào Quán) với cự ly đường chim bay chưa đầy 15 cây số. Từ đây, 30% lượng nước của dòng Mê Kông sẽ “quá cảnh” sang đất Việt rồi về Thái Bình Dương với cự lý rất ngắn. Dự án sẽ tạo nên kênh đào khổng lồ tốn nhiều tiền của gọi là kênh đào Đông Dương nhưng hiệu quả nó mang lại cũng rất lớn như cắt lũ ở vùng đồng bằng Nam Bộ, tạo con đường giao thương thuận lợi cho Thái Lan, Lào và Việt Nam thông qua kênh đào…

Tôi đang mường tượng một ngày nào đó dự án “không tưởng” này sẽ thành hiện thực. Con sông Sê Păng Hiêng cuộn trào chảy ngược lại hướng mình đang chảy hàng triệu năm nay. Dòng chảy ấy như chảy về quá khứ, về nguồn cội từ ngàn xưa đã chắt chiu từ Động Mang, từ rừng Trường Sơn xứ Việt.

Y.M.S

YÊN MÃ SƠN Yên Mã Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 292 tháng 01/2019

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

18/04

25° - 27°

Mưa

19/04

24° - 26°

Mưa

20/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground