Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuyên Á

“Một cửa hai nhà”
Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- Đen sa vẳn nằm trên đỉnh Trường Sơn, nhìn về mái đông là đất Việt, ngoảnh sang bên tây là nước Lào. Nơi đây từng thấm máu bao người con yêu Lào - Việt và ghi dấu những chiến công oai hùng của quân dân hai nước trên chiến trường đường Chín - Nam Lào.
Ngày nay, Lao Bảo - Đen-sa-vẳn trở thành một cánh cửa lớn trên hành lang kinh tế Đông Tây, là niềm tự hào và là biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân Việt - Lào mà trước tiên là mối tình keo sơn giữa đồng bào hai tỉnh kết nghĩa Quảng Trị - Sa-vẳn-na-khệt. Cán bộ, chiến sĩ Biên phòng, Hải quan thường ví nơi này là “một cửa, hai nhà”.
Mỗi bận đưa tiễn liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam tại Lào về nước, nhiều bà mẹ Lào lại ra tận cột mốc biên giới, nghẹn ngào khóc: “Tà hán (bộ đội) Việt ơi, con về nhé!” Dù đã nằm xuống, những người con Việt ấy từ lâu đã trở thành ruột thịt của bà con các bộ tộc Lào. Tình cảm từ những năm kháng chiến mãi mãi in đậm trong ký ức nhân dân ở hai mái Trường Sơn, để rồi hôm nay trong công cuộc dựng xây đất nước, người Việt, người Lào vẫn không quên sẻ chia những đắng cay, ngọt bùi...
Hiếm có nghĩa tình nào như nghĩa tình Lào Việt, “sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Không chỉ là hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước từ Trung ương xuống tỉnh, huyện đến tận cơ sở mà trong từng cảnh đời đều có mối thâm giao. Có nghĩa tình nào hơn khi nửa đêm bên bản Lào có người ốm nặng, đèn bản Việt lại chong lên, rồi những ngày giáp hạt, những kỳ thiên tai người Lào thiếu ăn, thiếu mặc, người Việt sẻ áo, nhường cơm?...
Quảng Trị là tỉnh nghèo, nhưng với bạn Lào ở Sa-vẳn-na-khệt kết nghĩa Đảng bộ và chính quyền địa phương xác định rõ trách nhiệm của người anh em tốt. Chủ trương của tỉnh là tất các các ngành ở địa phương đều tổ chức kết nghĩa với đồng ngành phía bạn, từ các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp đến các tổ chức đoàn thể quần chúng... với những nội dung thiết thực nhất. Bắt đầu là cuộc chiến chống đói nghèo.
       Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc bên Việt, bà con Lào dọc biên giới vẫn tồn tại tập quán lạc hậu trong sản xuất và sinh hoạt. Với kinh nghiệm của mình, tỉnh Quảng Trị đã giúp áp dụng những mô hình sản xuất phù hợp với từng vùng đất và trình độ, tập quán canh tác phía bạn. Bởi vậy những vườn sắn nguyên liệu cho nhà máy chế biến ở Sê Pôn đã mọc lên nhờ nỗ lực của ngành nông nghiệp và Công ty Thương mại Quảng Trị. Rồi đột phá mở ra vùng chuyên canh cao su trên năm ngàn ha cũng bắt đầu hình thành ở Savẳnnakhệt bằng nguồn lực của Công ty Cao su Quảng Trị. Nhân dân các huyện Hướng Hoá, Đakrông đã quyên góp hàng ngàn con lợn giống, hàng vạn cây giống để tặng bà con ở các huyện Sê Pôn, Tù Muồi, Mường Noòng để phát triển kinh tế gia đình, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho hàng ngàn hộ. Điện lưới quốc gia Việt cũng đã toả sáng các trung tâm dân cư biên giới của Lào với mỗi tháng trên 600 ngàn KWh.
       Dẫu nguồn thu của một tỉnh nghèo chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu phát triển của địa phương, thế nhưng Quảng Trị đã thắt lưng, buộc bụng để đầu tư hàng chục tỷ đồng giúp tỉnh bạn khắc phục khó khăn về kinh tế, xã hội. Trong đó phải kể đến việc tu sửa quốc lộ 9 qua địa phận Sa vẳn na khệt, xây tặng nhà ga tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo- Đen-sa-vẳn, xây tặng nhiều trường học cao tầng các huyện dọc biên giới. Hầu hết các ngành của hai tỉnh đều có sự trao đổi kinh nghiệm hoạt động, mà hiệu quả lớn nhất là trau dồi nghiệp vụ hành chính và kiến thức khoa học. Như việc liên kết trong đào tạo tiếng Việt, tiếng Lào và công nghệ thông tin ở hai trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Sa-vẳn-na-khệt.
Những người đi tìm thương hiệu:
Sôi động nhất là những hợp tác trên hành lang kinh tế Đông Tây (EWEC). Sau khi các nước tiểu vùng Mê Kông chọn quốc lộ 9 nối từ Việt Nam, Lào qua Thái Lan đến My-an-ma bên bờ Ấn độ dương làm trục hành lang kinh tế thì Quảng Trị và Sa-vẳn-na-khệt trở thành những đối tác lớn, có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế, xã hội.
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen-sa-vẳn Chính phủ hai nước Việt Lào đã thống nhất cam kết cùng xây dựng khu vực phát triển kinh tế thương mại với những chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế. Phía Việt Nam, khu thương mại đặc biệt Lao Bảo đã trở thành điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư và khách du lịch. Trong vòng năm năm, hơn hai ngàn tỷ của 45 nhà đầu tư trong ngoài nước đã được triển khai tại đây. Khu thương mại đặc biệt Lao Bảo của Quảng Trị nối liền với Khu thương mại Đen-sa-vẳn của Sa-vẳn-na-khệt và trở thành “bà đỡ” và là một đối tác quan trọng để phía bạn đẩy nhanh tốc độ phát triển khu thương mại này. Tỉnh Quảng Trị cùng với nhiều bộ, ngành ở Trung ương được Chính phủ giao nhiệm vụ giúp phía bạn qui hoạch khu Đen-sa-vẳn. Tỉnh Quảng Trị có nhiệm vụ thường xuyên quảng bá, kêu gọi đầu tư từ Việt Nam và nước thứ ba vào Đen-sa-vẳn. Nhiều nhà đầu tư đã vào Đen-sa-vẳn, mà lực lượng tiên phong là các doanh nghiệp đến từ Quảng Trị- Việt Nam. Với những gì đã và đang diễn ra tại Lao Bảo- Đen-sa-vẳn cho thấy rõ nét nhất “nhiệm vụ chung” của hai người anh em Lào Việt...
Trong chiến lược khai thác lợi thế hành lang kinh tế Đông Tây để phát triển, Đảng bộ Quảng Trị đề cao quan hệ hợp tác với bạn Lào với những chính sách ưu đãi đặc biệt, trên tinh thần vừa hợp tác vừa giúp đỡ để cùng phát triển, trước hết là lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Đại diện đầu tiên của giới doanh nghiệp chủ nhà trong cuộc đua trên hành lang kinh tế Đông Tây chính là Công ty Thương mại Quảng Trị. Không có lợi thế về vốn liếng và kinh nghiệm trên những sân chơi lớn, Công ty Thương mại Quảng Trị chọn cách riêng của con nhà nghèo với phương châm lấy ngắn nuôi dài và đa thâm canh. Bởi thế họ đã biết đặt những bước chân khiêm nhường nhưng có định hướng trên hành lang này. Không có những dự án hàng triệu USD, hay hàng ngàn tỷ đồng như các bậc anh chị, nhưng chỉ trong vòng năm năm, Công ty Thương mại Quảng Trị đã trình làng một thương hiệu mang tên con sông chung của hai nước Việt- Lào: Sê Pôn!
Giám đốc Hồ Đại Nam, “thủ lĩnh” của đội quân đi tìm thương hiệu Sê Pôn đuợc coi là doanh nhân có khả năng linh cảm thương trường. Hàng trăm chuyến con thoi trên hành lang kinh tế Đông Tây từ khi chưa khai mở, anh đã nhìn thấy những cơ hội vàng cho doanh nghiệp mình và nỗ lực theo đuổi. Cho đến khi thông tuyến, lữ khách trên hành lang kinh tế ngày càng tấp nập thì Sê Pôn đã trở thành thương hiệu khá vững vàng. Giờ đây, Sê Pôn đã có một khách sạn lớn tại Trung tâm Thương mại Lao Bảo và Trung tâm lữ hành quốc tế chuyên mở tua du lịch khám phá hành lang Đông Tây. Với thương hiệu Sê Pôn, Công ty Thương mại Quảng Trị đã trở thành nhà phân phối sản phẩm độc quyền của tám tập đoàn lớn của Thái Lan, như Lion Corporation Co., Ltd với sản phảm hoá mỹ phẩm, Compass East Industry Public Co., Ltd với sản phẩm các loại quạt trần trang trí cao cấp, Lactasoy Co., Ltd với chế phẩm sữa, J.C.P Plastic Ltd., Part, với các sản phẩm nhựa cao cấp dành cho lò vi sóng v.v. và v.v...Từ Sê Pôn người tiêu dùng trong nước bắt đầu làm quen với các sản phẩm cao cấp Made in Thai Lan thông qua các hệ thống phân phối thương mại lớn như Coop Mart, Maximart, Diamond Plaza, Melinh Plaza, Intimex...Hệ thống siêu thị mi ni của Sê Pôn cũng đã có mặt tại các trung tâm lớn ở Hà Nội, Đà Nẵng. Sê Pôn cũng đã trở thành đối tác góp vốn liên doanh của nhiều doanh nghiệp mạnh trong nước như Saigon Tourist, VIP Tour, Centimex, Tổng công ty Thương mại Hà Nội...
Không chỉ hoạt động trên lĩnh vực thương mại, Công ty Thương mại Quảng Trị còn  làm đòn bẩy để phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào dân tộc vốn rất khó khăn trên biên giới. Nhà máy tinh bột sắn và vùng nguyên liệu do Công ty đầu tư đã thực sự trở thành một lối ra thiết thực cho sự nghiệp xoá đói giảm nghèo, góp phần quan trọng cùng với địa phương chuẩn bị lộ trình cho nhiều xã đặc biệt khó khăn rút tên khỏi diện đói nghèo.
Bây giờ thì trên hành lang đông tây, người ta đã bắt đầu quen với những thương hiệu như Sepon Tapioca (Tinh bột sắn), Sepon Travel (Lữ hành), Sepon Hotel (Khách sạn) và Sepon Minimart (Siêu thị mi ni). Lữ khách đầu tiên trên hành lang đông tây này đã làm một cuộc bứt phá ngoạn mục, trong vòng bốn năm đã tăng giá trị tài sản cố định lên gấp sáu lần, lợi nhuận bình quân tăng bốn lần...
Trên hành lang kinh tế…
Nỗ lực của các quốc gia trên EWEC đã chinh phục một cách ngoạn mục những cửa ải lớn. Đáng kể nhất là công trình cầu Hữu Nghị II bắc qua sông Mê Kông nối hai nước Thái- Lào, tuyến đường số 9 vượt qua dãy Trường Sơn hoặc mở hầm đường bộ đèo Hải Vân... Một hành lang kết nối 13 tỉnh với 25 triệu dân của bốn nước Mianma, Thái Lan, Lào và Việt Nam đã cơ bản thông suốt.
Từ Quảng Ngãi ra Quảng Trị, qua Lào và đến Thái Lan, chúng tôi chứng kiến một “cuộc đua” lớn trên EWEC mà sôi động nhất phải kể đến khu vực miền Trung Việt Nam.
Đón đầu EWEC, những năm qua phía Việt Nam đã tập trung nguồn lực để đục hầm qua đèo Hải Vân, nâng cấp quốc lộ 9, quốc lộ 1A và hệ thống cảng biển. Đến nay EWEC đã nối liền với những hải cảng lớn ở miền Trung, như cảng Chân Mây (TT- Huế) cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) cho tàu trọng tải 50.000 DWT, với công suất cụm cảng khoảng sáu triệu tấn/năm. Hệ thống sân bay quốc tế ở Đà Nẵng, Huế được nâng cấp để đón mỗi năm khoảng tám triệu lượt khách. Cùng đó là hàng loạt các khu kinh tế, khu thương mại mở ra với những chính sách ưu đãi đặc biệt, như Lao Bảo, Chân Mây, Hoà Khánh, Chu Lai, Dung Quất...
Năm 2006 tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực miền Trung đạt 11% (cao hơn mức bình quân của cả nước). Đến nay đã có 252 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký trên ba tỷ USD, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng và dịch vụ du lịch.
Trên đà này, các tỉnh miền Trung đã công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư với tổng vốn khoảng 15-16 tỷ USD, mỗi năm sẽ thu hút khoảng năm tỷ USD. Trong đó có những dự án lớn về giao thông như đường cao tốc Đà Nẵng- Dung Quất 500 triệu USD, cảng Liên Chiểu 200 triệu USD, khu hậu cảng Dung Quất 430 triệu USD v.v...
Trên đất Lào, những dự án đầu tư ven EWEC đang được triển khai, hứa hẹn một tương lai sáng sủa và là niềm tự hào của những người dân nơi đây. Bởi thế mà hai người bạn Lào cùng đi với chúng tôi là Phu-mi-lạt và Bun-Chít không ngớt lời mời năm sau đến Khu cửa khẩu Hữu Nghị nơi có một “Lát vê gát” phương Đông hay Đen-sa-vẳn, một “thiên đường mua sắm”. Phía bạn Thái Lan dẫu không sôi động về xây dựng các khu kinh tế nhưng hoạt động thương mại và du lịch hướng về phía Đông rất mạnh và có chiều sâu ở cả 17 tỉnh Đông Bắc, và thực tế những năm gần đây, giới doanh nhân Thái đã gặt hái được rất nhiều từ EWEC thông qua đầu tư vào các tỉnh miền Trung Việt Nam và Lào.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhờ tác động của EWEC, những năm gần đây kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan, Lào tăng mạnh. Riêng giai đoạn 2001-2006, kim ngạch XNK giữa Việt Nam với Lào tăng gấp đôi, và giữa Việt Nam với Thái tăng đến 3,5 lần. Khách du lịch đến các nước trên EWEC tăng gấp đôi so với trước khi có hành lang Đông Tây với mức bình quân 15 triệu lượt người/năm.
Dù mới kết nối cơ bản, nhưng hiệu quả EWEC mang lại cho các quốc gia và địa phương thật to lớn. Bởi vậy tại Tuần lễ này rất nhiều ý kiến nêu ra cần phải mở rộng EWEC không chỉ một tuyến như hiện nay mà tạo thêm các tuyến mới thông qua đường 7 (Nghệ An), đường 8 (Hà Tĩnh), đường 12 (Quảng Bình) đường 49 (TT- Huế) và không chỉ giới hạn 13 tỉnh của bốn nước, mà cần phải kết nối rộng hơn, xa hơn. Bức tranh chung của những địa phương dọc EWEC là nguồn tài nguyên đất đai vô cùng dồi dào chưa được khai thác và cuộc sống của một bộ phận không nhỏ cộng đồng các dân tộc đang rất khó khăn. Mục sở thị những cánh rừng bạt ngàn, những vùng đất hoang dại ẩn dấu bao tiềm năng nhưng không nuôi nổi những bản làng nghèo xơ xác ven đường số 9 qua đất bạn Lào mà chẳng ai cầm nổi xót xa, càng nhân lên quyết tâm hoàn thiện EWEC, đầu tư mạnh mẽ để khai thác tiềm năng và cải thiện đời sống cho những cộng đồng tại các địa phương.
Có dịp đi qua những vùng ®Êt trên EWEC, chúng tôi mới hiểu hết câu nói của ngài Phó Thủ tướng Lào Xổm xa vặt Liêng xa vắt: “Chúng ta kết nối để nhân lên sức mạnh của chính mình”. Với Việt Nam, cơ hội cho khu vực miền Trung tăng tốc phát triển là rất lớn. Nhưng sức mạnh đó không chỉ nằm ở Dung Quất, Đà Nẵng, Chu Lai, Chân Mây hay Lao Bảo... Ông Bảo Hoà một chuyên gia đến từ Califonia (Mỹ) của Hãng UPS (mạng lưới chuyển phát nhanh toàn cầu) tâm sự với chúng tôi về ước muốn được làm gì đó cho mảnh đất miền Trung quê hương ông. “Tôi có cảm giác mình mang tội với tổ tiên nếu không làm được điều gì đó trên mảnh đất này”. Ông buồn vì chuyến khảo sát EWEC cho thấy với cơ sở hạ tầng về giao thông và dịch vụ bưu chính, viễn thông hiện nay, ở miền Trung Việt Nam hay Lào và Đông Bắc Thái Lan chưa thể phát triển mạng lưới chuyển phát nhanh toàn cầu của UPS được. Nhưng ông kiên quyết sẽ quay lại để làm cho kỳ được “một cái gì đó” cho quê hương.
Rồi một đêm cùng bà con Việt Kiều ở Thái với bao niềm xúc động. Nghe tin có đoàn Việt Nam sang thăm, bà con ra tận cửa khẩu đón, như gặp lại người thân sau nhiều năm xa cách. Dẫu thăng trầm đến mấy, cộng đồng người Việt ở Thái Lan luôn hướng về Tổ quốc. Như dịp 2-9 này, bà con kéo đến những ngôi chùa làm lễ mừng Quốc khánh và cầu cho nước nhà cường thịnh. Ông Trần Văn Đông, Việt kiều ở Mục-đa-hản kể rằng ở đây mộ người Việt đều quay đầu về hướng đông, phía Tổ quốc. “Lá rụng về cội”, “cáo chết quay đầu về núi”... vốn là lẽ đời của người Việt từ ngàn năm nay.
Thế mới biết trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây này đâu chỉ có chuyện kết nối những đối tác để tăng trưởng kinh tế hay giao lưu giữa các nền văn hoá? EWEC còn là một chiếc cầu lớn để những tấm lòng Việt bước lên đó mà hướng về đất tổ. Và đó chính là những mạch nguồn để nhân lên sức mạnh của đất nước, dân tộc Việt Nam.
Đ.N.H
Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 182 tháng 11/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground