Ông HỒ VĂN BỀN, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Đakrông:
Quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào thiểu số
Những năm qua, với sự quan tâm sâu sát của Đảng, Nhà nước nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện trên nhiều mặt. Tuy vậy, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao. Đến năm 2020, tỉ lệ hộ nghèo ở huyện Đakrông còn gần 33,75%... Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi mong muốn Đảng ta tiếp tục có chủ trương, chính sách tốt hơn nữa đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đây là những yếu tố quan trọng giúp đời sống người dân được nâng cao, từ đó góp phần giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong rằng, trong tiến trình hội nhập và phát triển như hiện nay, đại hội sẽ có những chính sách đúng đắn, phù hợp để xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần, đồng thời bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đã có lâu đời trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Có chủ trương đột phá trong tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong niềm phấn khởi chung của tuổi trẻ cả nước hướng về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi tin tưởng và kỳ vọng đại hội sẽ phát huy tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ cao nhất để đề ra đường lối xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời có những quyết sách mang tính đột phá về phát triển kinh tế - xã hội, tạo bước chuyển mạnh mẽ để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, tôi đặc biệt tâm đắc với thông điệp nhấn mạnh việc khơi dậy và phát huy “Khát vọng Việt Nam” được đề cập ngay trong chủ đề báo cáo chính trị: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại… phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đó là một tuyên bố chính trị có sức thu hút mãnh liệt đối với Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Khát vọng đó sẽ là nguồn lực nội sinh, tạo động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Nhằm bồi dưỡng và phát huy khát vọng ấy, tôi nghĩ cần tập trung xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để có đủ sức mạnh phát triển đất nước. Vì vậy, tuổi trẻ chúng tôi mong muốn đại hội sẽ chú trọng bàn bạc, thảo luận để quyết định những giải pháp căn cơ, có tính đột phá trong việc tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đặc biệt là các chính sách phát triển nguồn nhân lực trẻ, tăng cường các chính sách hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế, khởi nghiệp. Tiếp tục bổ sung, phát triển các chính sách thu hút tài năng trẻ thông qua những môi trường làm việc phù hợp để giới trẻ được khẳng định mình, được phát huy và cống hiến cho quê hương, đất nước.
Quan tâm hơn đến công tác xây dựng Đảng và phòng, chống tham nhũng
Trong những ngày đầu xuân năm 2021, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả dân tộc Việt Nam hướng về Thủ đô Hà Nội, nơi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII diễn ra, quyết định những vấn đề quan trọng của Đảng, dân tộc, đất nước.
Đất nước đang đứng trước những vận hội mới sau thành công của 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, cũng như muôn triệu người dân Việt Nam, tôi kỳ vọng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ phát huy trí tuệ tập thể để giải quyết những yêu cầu cấp thiết của Đảng, của dân tộc, đưa đất nước phát triển lên tầm cao mới.
Gửi trọn niềm tin tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có hai vấn đề mà tôi trăn trở, mong muốn các đại biểu tham dự đại hội quan tâm. Đầu tiên là công tác xây dựng Đảng, đây là vấn đề sống còn để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thời gian qua, Đảng ta thường xuyên quan tâm nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo lời dặn của Bác Hồ. Tôi mong rằng đại hội sẽ có những quyết sách hiệu lực, hiệu quả hơn để tiếp tục chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác cán bộ của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược có đủ đức, đủ tài để gánh vác nhiệm vụ là rường cột của nước nhà; kiên quyết loại bỏ những người cơ hội, tham vọng quyền lực, quan liêu, vụ lợi ra khỏi các cơ quan lãnh đạo của Đảng.
Điều thứ hai mà tôi và nhiều người khác mong muốn là đại hội sẽ có những định hướng, đề ra các chủ trương, chính sách để bịt kín các “khe hở”, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, không để thứ “giặc nội xâm” này phá hoại đất nước. Thực ra, từ lâu, Đảng ta đã xác định tham ô, lãng phí, quan liêu là nguy cơ cản trở mục tiêu xây dựng CNXH ở nước ta. Đây có thể xem là “giặc nội xâm”, làm suy yếu đất nước, xói mòn lòng tin của Nhân dân. Thời gian qua, Đảng đã có nhiều chủ trương, hành động để tuyên chiến, đấu tranh, ngăn chặn nhằm đẩy lùi nguy cơ này, qua đó đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa.
Chú trọng đầu tư cho sản xuất nông nghiệp
Hiện nay, kinh tế vùng nông thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, mặc dù Đảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhưng chưa đem lại hiệu quả như mong đợi, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn chưa đồng bộ, xuống cấp. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác, xử lý chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn nhiều bất cập, hạn chế tác động xấu đến ý thức sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng và gây ô nhiễm môi trường nông thôn…
Trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, tôi mong muốn đại hội lần này sẽ có thêm những chủ trương, chính sách nhằm tiếp tục đầu tư hiệu quả hơn cho hạ tầng sản xuất nông nghiệp, nhất là giao thông, thủy lợi để thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất, thu hoạch nông sản cũng như bảo đảm canh tác trong điều kiện khô hạn và xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên. Hạn chế tình trạng sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác và nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường sinh thái của người dân.
Mong đại hội quan tâm hơn việc dạy và học ở vùng sâu, vùng xa
Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và nỗ lực của cán bộ, giáo viên, học sinh, chất lượng giáo dục ở nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa đã có bước chuyển biến tích cực, nhất là cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ dạy, học và chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn. Tuy vậy, nhìn chung việc dạy và học của thầy trò ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều khó khăn.
Là một nhà giáo có nhiều năm công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôi đặt nhiều niềm tin, kỳ vọng vào Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và mong muốn đại hội thảo luận và quyết định các chủ trương, giải pháp sâu sát, hiệu quả hơn đối với sư nghiệp giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Trong đó ưu tiên hàng đầu là phát triển mạng lưới trường học, trường phổ thông dân tộc bán trú và điểm trường bán trú, đồng thời tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học, nhà ở cho giáo viên. Ưu tiên tuyển dụng kip thời, đủ biên chế cán bộ, giáo viên. Có chính sách hỗ trợ tốt hơn cho học sinh người dân tộc thiểu số và giáo viên các điểm trường lẻ.
Cần có chủ trương, chính sách tốt hơn cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng
Những năm qua, công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng cho thiếu niên và nhi đồng thường xuyên được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú như: Sinh hoạt dưới cờ, hái hoa dân chủ; tổ chức các hoạt động tọa đàm, giao lưu, các hội thi viết, vẽ, sáng tác, thi tìm hiểu, thi báo ảnh, hội diễn, liên hoan thiếu nhi, ra quân làm sạch đẹp khuôn viên trường lớp, đường làng, ngõ xóm; tổ chức các hội thi hát dân ca, trò chơi dân gian, các hoạt động về nguồn... Gắn với đó là các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc, giúp đỡ thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Bên cạnh những kết quả này, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế...
Tôi mong muốn, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ thể hiện được ý chí, nguyện vọng của người dân, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời đề ra những quyết sách đúng đắn, phù hợp để công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng đạt hiệu quả tốt hơn. Có sự quan tâm, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những thiếu niên, nhi đồng tài năng, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và các hoạt động khác. Nhà nước cần có chính sách hiệu quả hơn để thu hút toàn xã hội quan tâm, chung tay đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng trong thời kỳ mới.
Kỳ vọng về một nền nông nghiệp sạch
Sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ đang là xu thế được nhiều nông dân quan tâm và Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển. Bản thân tôi cũng triển khai chăn nuôi gà, lợn rừng, cá sạch, hữu cơ cũng như thực hiện liên kết với doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm này có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng quan tâm lựa chọn.
Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của nông dân sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ hiện nay là vấn đề thiếu vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thương hiệu và đầu ra ổn định cho sản phẩm. Vì vậy, tôi mong muốn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII tiếp tục quan tâm hơn đến sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, có thêm nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ người dân vay vốn, tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật về lĩnh vực này và hỗ trợ giống cây con gắn với có chiến lược tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm. Ngoài ra cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về lĩnh vực này cũng như quản lý chặt chẽ chất lượng các mặt hàng nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chăn nuôi để hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn cho người sử dụng.
(còn nữa)
Nhóm phóng viên (lược ghi)