- Về du lịch, có ý kiến cho rằng việc tỉnh xác định du lịch ngành kinh tế mũi nhọn là đúng đắn nhưng cần phải ưu tiên để đầu tư con đường ven biển. Cũng về phần này có ý kiến đề nghị nên bổ sung thêm ý xây dựng (hoặc rà soát) chiến lược phát triển ngành để định hình đặc thù thương hiệu du lịch Quảng Trị hay nói cách khác là “đặc điểm nhận dạng” du lịch Quảng Trị so với các địa phương khác. Chẳng hạn như: du lịch Đà Nẵng gắn với du lịch biển, du lịch Huế gắn với du lịch văn hóa, du lịch Quảng Bình gắn với du lịch tự nhiên (đặc biệt là hang động), đó là những giá trị cơ bản mà ngành du lịch tại một địa phương đem đến cho khách hàng và tạo nên thương hiệu riêng. Với Quảng Trị, đặc thù thương hiệu này dựa trên các sản phẩm du lịch trải nghiệm tại các di tích chiến trường xưa. Đây là yếu tố tạo sự khác biệt giữa du lịch Quảng Trị so với các tỉnh bạn và từ đó, tạo điều kiện để Quảng Trị tận dụng được cơ hội từ sự phát triển du lịch chung của vùng miền Trung đồng thời hạn chế những điểm yếu hiện nay về cơ sở hạ tầng, sản phẩm hỗ trợ… Cũng có ý kiến khi tỉnh đã xác định xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì có giải pháp mạnh mẽ, rõ ràng quyết tâm cao, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng của Quảng Trị.
- Có ý kiến đề nghị khổ 3 (trang 49): “Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên của Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; khuyến khích thực hiện các hoạt động tư vấn, phản biện, phát huy sáng tạo trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học kĩ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh” nên viết lại như sau: “Quan tâm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hội VHNT, Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật và các tổ chức thành viên, xây dựng tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khuyến khích các hoạt động tư vấn phản biện, năng lực sáng tạo văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh…”./.