Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

none

LTS. Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X- từ ngày 9 đến 17-7-2008, tại Hà Nội) đã bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó đã ra Nghị quyết "về nông nghiệp, nông dân và nông thôn".

 Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong sự nghiệp CNH-HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân (gọi tắt là tam nông) có ý nghĩa chiến lược quan trọng, là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế- xã hội bền vững, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái...

CV xin giới thiệu bài viết của nhà báo Đào Tâm Thanh bàn về vấn đề Tam nông cũng như một số thực trạng về vấn đề này ở tỉnh Quảng Trị để bạn đọc tham khảo.

PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN VÀ HIỆN ĐẠI HÓA NÔNG NGHIỆP LÀ KHÂU THEN CHỐT

Có thể khẳng định rằng, những thành tựu đạt được trong sản xuất nông nghiệp suốt hai thập kỷ qua đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trong công cuộc đổi mới đất nước.

Với đường lối đúng đắn của Đảng, nông nghiệp đã có bước phát triển thần kỳ. Cũng đồng đất ấy, con người ấy, tư liệu sản xuất ấy, nông nghiệp đã đi những bước vững chắc từ "khoán 100" đến "khoán 10", từ giao quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho nông dân, để cho nông dân tự suy nghĩ trên luống cày của mình đến hàng loạt chính sách tín dụng, đầu tư hỗ trợ cho nông nghiệp...đã phát huy cao nhất tính tự chủ của nông dân, tạo động lực mạnh mẽ, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng lao động, làm cho nông nghiệp ngày càng phát triển vững chắc và thu được những thành tựu to lớn. Từ một đất nước triền miên thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới. Đó là một kỳ tích khiến cho nhiều quốc gia  phải thán phục.

Bên cạnh đó, trong những thời khắc cam go nhất, đất nước phải đối mặt trước những tác động bất lợi của tình hình khủng hoảng tài chính thế giới, của tất cả các loại hình thiên tai, từ rét đậm, rét hại, lũ lụt, lốc xoáy, bão tố, dịch bệnh đến  lạm phát và "bão giá" trong nước thời gian gần đây,  nông nghiệp, với thế đứng vững chãi và sự thích ứng nhanh nhạy với thời cuộc, liên tục thu được những mùa vàng bội thu. Thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp là một điểm tựa tin cậy, một "liều thuốc an thần" để từng bước động viên và góp phần xốc dậy cả một nền kinh tế của đất nước.

Ở Quảng Trị trong những năm qua, mặc dù thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề ở nhiều nơi nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng trưởng, phát triển khá toàn diện. Giá trị tổng sản phẩm của ngành nông nghiệp hàng năm đạt trên 700 tỷ đồng. Sản lượng lương thực có hạt đạt 220.500 tấn (năm 2007). Kim ngạch xuất khẩu đạt 31 triệu USD, trong đó chủ yếu có sự góp mặt của các mặt hàng nông, lâm, thủy sản được sản xuất và sơ chế trên địa bàn.

Ở một tỉnh thuần nông như Quảng Trị, nông nghiệp càng có vị trí hết sức quan trọng.

Những thành tựu trong nông nghiệp đã góp phần tạo dựng một nền tảng có tính căn cơ và bức thiết, đó là đảm bảo vững chắc vấn đề an ninh lương thực trên phạm vi toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực cũng cho thấy, nền  nông nghiệp Quảng Trị đang vận hành đúng lộ trình, hợp quy luật. Trong lúc tỷ trọng công nghiệp- xây dựng tăng từ 27,7 % lên 30,9%, thì tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp giảm từ 34,7% xuống còn 32,1% (năm 2007). Vậy nhưng, trong nội tại  ngành nông nghiệp, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi lại diễn ra rất mạnh mẽ.  Có thể thấy rõ rằng trong trồng trọt, diện tích trồng lúa chỉ duy trì chừng 23.000 ha với việc đầu tư thâm canh đủ độ để có sản lượng cao nhất. Đồng thời với đó là việc quy hoạch diện tích để tập trung thâm canh lúa chất lượng cao, có khả năng trở thành hàng hóa xuất khẩu khoảng 10.000 ha ở những nơi có điều kiện, tập trung ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh. Những diện tích trồng lúa bấp bênh, hiệu quả thấp đã được chuyển sang các mô hình hiệu quả hơn như trồng lạc, nuôi ếch thương phẩm, nuôi tôm, cá, các loại thủy sản khác, trồng rau sạch hoặc kết hợp các phương thức canh tác như mô hình lúa-cá, lúa-sen-cá, cá-sen...Việc hình thành các vùng chuyên canh trồng và sơ chế sản phẩm từ hồ tiêu, cao su, cà phê, lạc, sắn nguyên liệu...đã tạo sự đa dạng hóa trong cơ cấu cây trồng, phù hợp với tiềm năng và lợi thế từng vùng. Tư duy làm ăn xoay quanh yêu cầu phải có mức thu nhập cao nhất trên diện tích canh tác nhỏ nhất đã thay dần kiểu làm ăn cũ, trồng lúa, trồng màu bằng bất cứ giá nào. Đó là sự đổi mới về nhận thức rất đáng trân trọng từ người nông dân.

Việc dồn điền đổi thửa, được ví như một cuộc cách mạng trên đồng ruộng cũng đang được tiến hành khẩn trương và được sự đồng thuận của người nông dân, nhiều nơi đã cơ bản hoàn thành như ở Hải Lăng, Triệu Phong. Từ đây đã góp phần ra đời những cánh đồng có mức thu kỷ lục 50 triệu, 60 triệu/ha/năm. Việc "tích tụ đất đai" trong hạn mức cho phép cũng đã thúc đẩy sự ra đời của trên 11.000 trang trại lớn nhỏ (với tiêu chí trang trại lâm nghiệp ít nhất là 5 ha, nuôi cá 2 ha, chăn nuôi trâu bò trên 50 con, chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên 5000 con...). Nhờ vậy, đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập ổn định, bước đầu hình thành sản phẩm hàng hóa, có sự liên doanh liên kết để hỗ trợ và phát triển.

Trong chăn nuôi, mặc dù gặp rất  nhiều bất lợi từ các loại dịch bệnh hoành hành trong một thời gian dài, ở diện rộng, trên tất cả các loại con nuôi chủ lực và là nguồn thu chính của người nông dân  như trâu, bò, gà, vịt, heo... để lại hậu quả hết sức nặng nề, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước và tính chủ động, thích ứng với hoàn cảnh rất cao của người dân nên khả năng vực dậy ngành chăn nuôi ngang với tổng đàn như trước khi có dịch ở tất cả các loại vật nuôi là rất khả quan. Cùng với các biện pháp ứng dụng tiến bộ KH-KT trong công tác giống để nâng cao chất lượng tổng đàn như cải tạo bò lai pha máu zêbu, sản xuất lợn lai giữa  giống ngoại với giống nội nhằm nâng tỷ lệ nạc, nuôi dê kiêm dụng thịt- sữa, gà lai thả vườn... người nông dân cũng đang chú ý phát triển các giống vật nuôi trước đây chưa đưa ra đại trà  như thỏ, ếch, ba ba, ong lấy mật...phấn đấu tăng tỷ trọng giá trị sản xuất của chăn nuôi từ 24-25% như  hiện nay lên 30% giá trị sản lượng nông nghiệp vào năm 2010, đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính.

Trong lâm nghiệp hiện đã có những chuyển biến rất tích cực. Việc khai thác rừng trồng từ khu vực ngoài quốc doanh (chủ rừng, chủ trang trại) chỉ đạt 60% vào năm 2000 nay đã tăng lên gần 80%. Những diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn toàn tỉnh, nhất là ở vùng gò đồi, miền núi cơ bản đã có chủ. Đa số diện tích này đã được trồng cây lâm nghiệp. Từ khai thác rừng tự nhiên bừa bãi, tác động xấu đến môi trường sinh thái, người dân sống gần rừng, dựa vào rừng đã chuyển sang trồng, chăm sóc, khai thác diện tích rừng trồng và sống được nhờ nguồn lợi từ rừng trồng đem lại, góp phần đưa tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh lên trên 40%, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Tóm lại, nền nông nghiệp Quảng Trị đã và đang tận dụng mọi tiềm năng, thế mạnh để phát  triển và trên thực tế đã thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đặt ra vẫn là, sản xuất nông- lâm- ngư nghiệp thiếu bền vững do gặp quá nhiều yếu tố rủi ro như thiên tai, dịch bệnh. Chưa gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế  biến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Thời gian nông nhàn còn nhiều và tình trạng nông nhàn còn đang phổ biến ở nông thôn. Thu nhập của người nông dân từ nông nghiệp còn thấp, chưa đủ tái sản xuất mở rộng, nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất từ sự tăng giá của các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, các mặt hàng chiến lược phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Trong điều kiện đất nước ngày càng hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới, với vị thế và tầm quan trọng trong cơ cấu kinh tế tỉnh nhà, nông nghiệp Quảng Trị không có con đường nào khác là  phải tự đổi mới để thích ứng  và phát huy hiệu quả tích cực trong điều kiện mới.

 Nghị quyết Đại hội X của Đảng, gần đây là Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7 (khóa X) đã khẳng định ý nghĩa to lớn và yêu cầu bức thiết của vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn trong giai đoạn mới, trong đó xác định phải xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao.

Để từng bước chủ động hội nhập, có 6 vấn đề cốt yếu mà nông nghiệp Quảng Trị phải tiến hành một cách đồng bộ và quyết liệt, thu được hiệu quả cao để tạo xung lực thúc đẩy toàn ngành phát triển đúng hướng, nhanh, mạnh và bền vững hơn trong tương lai.

Trước hết, việc cần làm là tiếp tục chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tập trung nâng cao trình độ thâm canh tăng năng suất cho nông dân, chú trọng đến chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp mà nông dân làm ra. Gắn bó bền chặt và cam kết chia sẻ trách nhiệm giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ  bằng những ràng buộc có tính pháp lý cao. Đây là một trong những mặt biểu  hiện cụ thể và có sức thuyết phục nhất về "hàm lượng" và tầm quan trọng của việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH trong nông nghiệp. Một sản phẩm của nông dân làm ra, trồng được, khi xuất thô thường cho giá trị thấp. Nếu qua sơ chế, chế biến thành phẩm, có bao bì, nhãn mác, thương hiệu, có các thông tin liên quan đến sản phẩm và tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, thì giá cả sẽ tăng gấp nhiều lần. Hồ tiêu, mủ cao su, tinh bột sắn...là những ví dụ sinh động. Đây cũng là khâu cốt yếu thể hiện sự liên kết "bốn nhà" để  tạo điều kiện cho nông dân đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa.

Cần có khảo sát chu đáo nhằm ổn định diện tích trồng lúa nước, làm cơ sở để quy hoạch xây dựng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao. Đánh giá toàn diện thực trạng hệ thống kênh mương, hồ đập thủy lợi để có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, xây mới theo lộ trình, đảm bảo cho các công trình thủy lợi hiện có đều phát huy tốt chức năng tưới tiêu, ngăn mặn, giữ ngọt, phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh.

Chọn một số cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực, đã từng chứng minh được tính phù hợp và hiệu quả cao trên từng chân đất để phát triển, mở rộng diện tích, đặc biệt là cây lạc (diện tích dự kiến 6.000 ha, tập trung chủ yếu vùng đồi, vùng cát trồng xen trên diện tích  cây công nghiệp dài ngày, vùng bãi bồi ven sông ở  những nơi có điều kiện). Mở rộng diện tích vùng sắn nguyên liệu bằng hình thức luân canh, xen canh với cây họ đậu để đất không bị thoái hóa, đảm bảo cung cấp cho hai nhà máy tinh bột sắn với quy mô khoảng 10.000 ha. Tập trung chăm sóc diện tích hiện có, tiếp tục trồng mới 1.000 ha cao su, 200 ha cà phê, 100 ha hồ tiêu ở các vùng đã được quy hoạch. Thực hiện chuyển đổi quỹ đất từ các nông- lâm trường quản lý, sản xuất không hiệu quả giao cho người dân có nhu cầu sử dụng.

Hiện nay, khi chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi heo ở vùng ảnh hưởng dịch  đang gặp nhiều khó khăn để khôi phục tổng đàn, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ thiệt hại và  khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ, sơ chế tập trung. Việc làm này nhằm tạo sự hợp tác giữa các nông hộ,  hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra và góp phần bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh xã hội hoá ngành lâm nghiệp theo hướng không để trống diện tích đất rừng khi người dân có nhu cầu trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Coi trọng  công tác trồng rừng kinh tế để ổn định quy mô vùng nguyên liệu cho nhà máy gỗ MDF.

Bên cạnh tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng biển phù hợp với từng vung (cửa lạch, bãi ngang), một việc không kém phần quan trọng là cần có cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến nông- lâm thủy sản, tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng và phù hợp, góp phần giải quyết lao động tại chỗ, hạn chế tình trạng nông nhàn khá phổ biến như hiện nay.

NÔNG DÂN LÀ CHỦ THỂ CỦA QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Ông Lê Huy Ngọ, Nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí  đã có một nhận xét xác đáng:" Tam nông là nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nói thì dài dòng vậy nhưng tựu trung của  ba vấn đề này chỉ là nông dân. Nông dân thì làm nông nghiệp và ở nông thôn. Trong một nước nông nghiệp và có tới 73% dân số là nông dân như Việt Nam, nông dân vẫn luôn là "hậu phương", là nền tảng tạo ra sự ổn định về chính trị. Chỉ khi giải quyết được vấn đề nông dân thì các vấn dề khác mới có cơ may giải quyết, chỉ khi nông dân được xác định là trung tâm của một chính sách, thì chính sách ấy mới có thể phát huy".

Trên thực tế, xét trong mối tương quan của "tam nông", CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các họat động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế- xã hội mà ở đó, nông dân là chủ thể, là lực lượng sản xuất căn bản, đóng vai trò quyết định. Đó phải là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống cho nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Ở Quảng Trị hiện nay, dân số sống ở nông thôn chiếm 75,5%, lực lượng trong độ tuổi lao động là nông, lâm, thủy sản chiếm 78,47%. Hội Nông dân tỉnh đã tập hợp vào Hội trên 75.000 hội viên, chiếm 78% số hộ nông nghiệp. Trong suốt chiều dài lịch sử, nông dân Quảng Trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đã có những đóng góp to lớn sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong công cuộc xây dựng quê hương, chấn hưng nền kinh tế, nông dân tỉnh nhà cũng đã phát huy đức tính cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, là lực lượng chủ công, nòng cốt trong khai thác mọi tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, tiếp thu tiến bộ KH-KT và công nghệ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, phát triển ngành nghề, phá thế độc canh, tự cấp, tự túc để tiếp cận thị trường, mở hướng phát triển cho ngành nông nghiệp một cách toàn diện. Thành tựu trong công cuộc đổi mới đất nước đã có tác động tích cực làm thay đổi nền kinh tế nông nghiệp theo hướng hiệu quả, cải thiện rõ rệt bộ mặt nông thôn, đời sống của người nông dân, điều kiện đi lại, ăn ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, trình độ dân trí được nâng lên. Một bộ phận nông dân đã tích lũy được kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng. Ở nông thôn hiện nay, ngoài sản xuất nông nghiệp là căn bản, ai giỏi nghề gì có thể đem lại thu nhập chính đáng, đều được tạo điều kiện để phát triển nghề đó. Các  hình thái giản dân tại chỗ, giản dân nội vùng, ngoại vùng, chuyển đổi nghề nghiệp, ly nông nhưng không ly hương để tìm kiếm việc làm, đem lại thu nhập đang được khuyến khích. Nhờ vậy, đại đa số người dân nông thôn hiện đã đủ ăn, nhiều hộ vươn lên làm ăn giỏi, trở thành triệu phú, tỷ phú thông qua phát triển kinh tế trang trại, mở mang ngành nghề, dịch vụ phù hợp với nhu cầu thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay thách thức đặt ra đối với người nông dân trên hành trình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và xây dưng nông thôn mới là vô cùng lớn. Tại Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2008-2013, đồng chí Nguyễn Viết Nên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã chỉ rõ: "Tình hình sản xuất nông nghiệp, nông thôn và phong trào nông dân chưa đảm bảo yếu tố bền vững, sản xuất và đời sống của nông dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp và không ổn định. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, sản phẩm làm ra chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường, chưa có thương hiệu nông sản thực sự, có uy tín để tham gia cạnh tranh và hội nhập. Thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn bấp bênh. Chưa phát huy được vai trò kinh tế tập thể cho phát triển kinh tế hộ nông dân, việc liên kết "4 nhà" chưa được thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó, các vấn đề về thiên tai và rủi ro trong nông nghiệp ngày càng tăng mà chúng ta chưa có biện pháp bảo vệ và chống đỡ một cách hữu hiệu, khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị còn khá lớn. Đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân vẫn còn thấp, số hộ nghèo còn cao, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng thường bị thiên tai..."

Theo khảo sát của chúng tôi, khó khăn lớn  nhất mà người nông dân Quảng Trị đang phải đối mặt hiện nay chính là tình trạng sức ép về việc làm bắt nguồn từ sự gia tăng dân số và  quỹ đất nông nghiệp ngày càng co lại do quá trình đô thị hóa, mở mang dịch vụ và cơ sở công nghiệp... Nông thôn tỉnh ta có khoảng trên 220.000 lao động, hàng năm có thêm chừng 12.000 lao động tăng thêm ở khu vực nông thôn. Trong lúc đó, diện tích đất nông nghiệp bình quân một hộ (2,5 lao động) khoảng 5 sào ruộng. Với diện tích nhỏ nhoi này, tất cả các thao tác trên đồng ruộng của người nông dân chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, dao động từ 90 ngày đến 120 ngày nhưng cao điểm vẫn là khi xuống vụ,  khi thu hoạch và chỉ cần 1 lao động là có thể đảm đương được. Do vậy, khoảng từ 30-40% lao động nông thôn  lâm vào cảnh nông nhàn, không có việc làm ổn định, không có thu nhập. Trong số lao động này, những người trẻ, khỏe chọn cách  rời địa phương, lên thị xã, thành phố, bổ sung vào lực lượng lao động khu vực đô thị. Quá trình này dẫn đến một hệ lụy là lao động nông thôn ngày càng già đi, dẫn đến việc áp dụng tiến bộ KH-KT trong canh tác gặp khó khăn hơn, sự năng động, mở hướng đột phá trong sản xuất nông nghiệp khó trở thành phong trào trên diện rộng.

Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, những nguyên nhân chính gây thiệt hại cho hộ nông dân là ốm đau, chết chiếm 40,7%, dịch bệnh vật nuôi, mất mùa chiếm 37,9% và thiên tai là 16,7%. Mức độ và nguyên nhân của rủi ro đối với người dân nông thôn biến động tùy theo từng địa phương, nhưng có thể nói là rất cao. Các hộ nông dân thường dựa vào chính sức lao động của mình để đối phó với rủi ro. 66,2% hộ tự xử lý bằng cách bán tài sản, giảm mức tiêu dùng. Những biện pháp chính thức hỗ trợ của Nhà nước đóng vai trò rất khiêm tốn, giúp giảm 1,2% mất mát. Các khoản vay ngân hàng chỉ giúp làm giảm 7,25% thiệt hại, bảo hiểm chính thức chỉ giúp xử lý 2,9% trường hợp rủi ro, còn lại là vay mượn bạn bè, người thân giúp đỡ.

Bên cạnh đó, điệp khúc "được mùa, mất giá", giá lúa và nông sản của người nông dân làm ra không theo kịp với tốc độ tăng giá "phi mã" của các loại vật tư đầu vào, của các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, rồi các khoản đóng góp tự nguyện, vận động ở  nông thôn, gánh nặng chi phí học hành, hiếu hỉ, chữa bệnh...tất cả đều trông chờ vào nguồn thu chính từ nông nghiệp đã làm cho một bộ phận nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Để nông dân thực sự là chủ thể của quá trình  phát triển nông nghiệp, nông thôn công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo đường lối đổi mới của Đảng, trước hết người nông dân phải được quan tâm đầu tư nâng cao trình độ canh tác, áp dụng tốt KH-KT, giống cây con mới vào đồng ruộng thông qua các cuộc tập huấn, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thổ nhưỡng, thói quen canh tác và cơ cấu cây trồng, vật nuôi từng địa bàn. Đây phải là công việc thường xuyên, cập nhật, thực chất, tránh chạy theo phong trào. Sản xuất nông nghiệp hiện thời không thể đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả nếu làm theo kiểu kinh nghiệm, truyền thống, được chăng hay chớ. Việc xây dựng và chuẩn bị đưa vào họat động Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh (do Hội Nông dân tỉnh quản lý, đặt tại xã Gio Quang, Gio Linh) đảm trách dạy nghề cho nông dân là nhằm giải quyết một phần những bức xúc về đào tạo nghề và chuyển  giao KH-KT cho nông dân trong tỉnh.

Nông dân mong muốn Nhà nước có những điều chỉnh về chính sách đất đai theo hướng tạo thuận lợi cho những hộ nông dân có điều kiện về vốn, kinh nghiệm làm ăn, tâm huyết với nông nghiệp, có khát vọng làm giàu  phát triển quy mô trang trại, tạo ra sản phẩm hàng hóa. Việc dồn điền đổi thửa để quy hoạch lại đồng ruộng cũng cần được đẩy nhanh tiến độ và nhân rộng ra ở những vùng có điều kiện.

Khảo sát, thống kê chi tiết những khoản đóng góp ở nông thôn và có quy định công khai, minh bạch, bãi bỏ ngay những khoản thu bất hợp lý để khoan sức dân.

Nhà nước cần sát cánh với nông dân, có những chủ trương, chính sách, giải pháp thích ứng, can thiệp  hiệu quả những vướng mắc mà người nông dân gặp phải trong sản xuất nông nghiệp như sự tăng giá và không kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, giống cây trồng, vật nuôi... khả năng dự tính, dự báo thiên tai, thị trường tiêu thụ... Làm sao người nông dân có thể sống được và có tích lũy, tái sản xuất mở rộng từ nông nghiệp, lúc đó họ mới có điều kiện để góp phần xây dựng nông thôn mới, bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội vì con em nông thôn được tiếp cận với các cơ sở giáo dục tốt hơn, trình độ học vấn cao hơn, được đào tạo chuyên nganh chu đáo hơn. Mối liên kết "4 nhà" cũng cần đi vào thực chất hơn, thiết thực hơn, sao cho sự liên kết này cả bốn bên đều tìm thấy được lợi ích trong đó và phấn đấu cho lợi ích toàn cục, từ đó có sự ràng buộc trách nhiệm với nhau, chứ không chỉ hô hào chung chung như hiện nay.

Về phần mình, một bộ phận nông dân cũng phải nghiêm túc nhìn nhận và tìm cách thay đổi dần tâm lý tiểu nông để thích ứng với sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội. Nét đặc trưng của tâm lý tiểu nông là tư duy manh mún, tầm nhìn hạn hẹp, tính thụ động, ỷ lại, yên phận, ăn xổi, không dám mạo hiểm, sợ rủi ro, tác phong làm ăn tùy hứng, kỷ luật kém, tư tưởng bình quân chủ nghĩa, chấp nhận chịu cực chứ không chịu khó, bằng lòng với mức thu nhập thấp chứ không chịu vất vả để có thu nhập khá hơn. Những biểu hiện này là vật cản rất lớn trên con đường vươn lên, vượt qua thách thức, làm giàu chính đáng của người nông dân.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch đã từng khẳng định: "Nông dân ta chí khí rất anh hùng, kinh nghiệm rất nhiều, lực lượng rất to. Điều đó đã tỏ rõ trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Nếu lãnh đạo tốt thì khó khăn gì họ cũng khắc phục được, việc gì to lớn mấy họ cũng làm được".

Tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự quan tâm của Nhà nước và toàn xã hội cùng chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nước nhà, nông dân cả nước nói chung, nông dân Quảng Trị nói riêng sẽ có thêm điều kiện và cơ hội để vươn lên, làm tròn sứ mệnh là lực lượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị- xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng nông nghiệp, nông thôn trở thành nền tảng vững chắc cho công cuộc CNH-HĐH hóa đất nước.

ĐỊA BÀN NÔNG THÔN- "HẬU PHƯƠNG LỚN" CỦA

THỜI KỲ CNH-HĐH ĐẤT NƯỚC

Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong quá trình CNH-HĐH đất nước, luôn là nhiệm vụ chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, trong đó, nông nghiệp là cơ sở, nông thôn là địa bàn, nông dân là lực lượng đông đảo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định chính trị- xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng.

 Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông thôn là chủ thể của quá trình phát triển. Xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị theo quy hoạch là căn bản; phát triển toàn diện và hiện đại hóa nông nghiệp là khâu then chốt với mục tiêu tổng quát là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng, bền vững, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội hiện đại, có cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.

Đối với Quảng Trị, trong những năm đổi mới, bộ mặt nông thôn đã thay da đổi thịt từng ngày, từ  vùng đồng bằng, miền biển, vùng cát đến miền núi xa xôi hẻo lánh. Bốn tiêu chí trong kết cấu hạ tầng biểu hiện mức độ tiếp cận đời sống văn minh là điện lưới, đường giao thông, trường học, trạm xá, thì gần như 100% xã, phường trong tỉnh đã đạt được. Hầu hết các địa phương đã có đường giao thông về tận trung tâm xã. Diện phủ sóng truyền hình, thông tin liên lạc cơ bản đã rộng khắp. Trừ những vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, còn lại đại đa số người dân nông thôn vùng đồng bằng đã được tiếp cận với những tiện ích do đầu tư công mang lại, các hộ gia đình cơ bản đã có nước sạch để dùng, có phương tiện nghe nhìn, thông tin liên lạc, đi lại, nông cụ sản xuất khá hiện đại. Hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống dân sinh như kênh mương tưới tiêu, hồ chứa nước được xây dựng khá hoàn chỉnh. Nhờ kết nối vùng tiện lợi thông qua hệ thống giao thông và thông tin liên lạc nên khoảng cách địa lý giữa vùng nông thôn và thành thị đã trở  nên gần gũi hơn. Theo đó, trình độ dân trí, kỹ năng canh tác trong sản xuất nông nghiệp, cơ hội mở mang ngành nghề dịch vụ  của người dân đã  được nâng lên. Một nhu cầu bức thiết và quan trọng mà nhìn vào đó, sẽ cho thấy tương đối rõ mức sống của cư dân nông thôn, đó là hệ thống nhà cửa và các công trình phụ trợ. Theo khảo sát bước đầu, tỷ lệ nhà kiên cố ở nông thôn đã đạt 17,2%, nhà bán kiên cố 61%, nhà được xây dựng  khá vững chắc là 19,3%.

Quảng Trị là một vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa và truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. Mạch nguồn quê hương đã góp phần tạo nên tính cách con người  Quảng Trị bộc trực, thủy chung, kiên trung, son sắt.... Nông thôn Quảng Trị chính là mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị, bảo bọc, gìn giữ những giá trị truyền thống quý giá  và nuôi dưỡng, hun đúc nên những tính cách tốt đẹp ấy.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nông thôn Quảng Trị cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ.

Đó là sự phát triển làng nghề tràn lan, thiếu cân nhắc. Chính quyền địa phương chỉ động viên, khuyến khích người dân phát triển nghề phụ bằng mọi giá để có thêm thu nhập mà xem nhẹ yếu tố bảo vệ môi trường. Đây thực sự là một vấn nạn, tác động bất lợi đến sức khỏe người dân và cảnh quan môi trường nông thôn mà chắc chắn thế hệ tương lai sẽ phải trả giá rất đắt do hậu quả ô nhiễm môi trường mang lại.

Quy hoạch tổng thể vùng nông thôn hiện đang bị xem nhẹ. Khi người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa thì mạnh ai nấy làm, không tuân thủ theo một quy tắc ứng xử nào hết. Nếu cứ tiếp tục kéo dài tình trạng này, trong tương lai gần, bộ mặt nông thôn sẽ bị biến dạng, không kiểm soát được.

Do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và sự buông lỏng quản lý, tuyên truyền, định hướng của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương, hiện một số nơi ở nông thôn, mối quan hệ liên kết truyền thống gia đình, dòng họ, làng xã đang đứng trước nguy cơ bị xói mòn, phá vỡ. Tình hình  vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội ở nông thôn có chiều hướng gia tăng trong những năm trở lại đây.

Có thể nói, đất canh tác vừa là đối tượng lao động vừa là tư liệu lao động trong nông nghiệp. Là đối tượng lao động đặc biệt và là tư liệu lao động, đất canh tác nếu được khai thác và sử dụng hợp lý sẽ trở nên nhuần nhuyễn hơn, có độ phì tốt hơn và cho năng suất cây trồng cao hơn. Điều đáng nói là ở một số vùng nông thôn, do quy trình canh tác không phù hợp đã làm cho một số diện tích đất bị thoái hóa, cộng với quá trình phát triển đô thị, quy hoạch cụm công nghiệp, du lịch...làm cho quỹ đất nông nghiệp ở nông thôn ngày càng co lại, chất lượng giảm sút...

Để địa bàn nông thôn xứng đáng là "hậu phương lớn" của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội cần tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, đường, trường trạm, chợ nông thôn và an sinh xã hội cho nông dân. Đưa các cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa đi vào thực chất hơn, phát huy tác dụng tích cực trong cộng đồng, để ngày càng có nhiều hơn các gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, giữ gìn thuần phong mỹ tục, đẩy lùi tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nông thôn.

Coi trọng và gìn giữ môi trường thanh sạch ở nông thôn. Thông qua các chế tài, hương ước, quy ước để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc chung tay giữ gìn, tôn tạo cảnh quan nông thôn thanh bình, yên ả trước "làn sóng" đô thị hoá nông thôn như hiện nay.

Theo khảo sát hiện nay, thu nhập và mức tiêu dùng bình quân của nông dân ở nông thôn thấp hơn 2 lần so với thành thị và mức chênh lệch này ngày càng có nguy cơ doãng ra. Nếu tiếp diễn tình trạng này, tất yếu sẽ có sự dịch chuyển lao động ồ ạt từ nông thôn ra thành thị trong tương lai. Quá trình này sẽ làm cho  mức sống và sự phát triển ở nông thôn ngày càng có khoảng cách lớn so với thành thị. Để hạn chế vấn nạn này, sẽ phải giải quyết hàng loạt vấn đề đặt ra, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp và cải thiện bộ mặt nông thôn mới đồng bộ và hiện đại, đào tạo nghề, phục hồi nghề truyền thống có lợi thế, du nhập nghề mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn... đóng vai trò quan trọng.

Tóm lại, nếu khoa học công nghệ là cơ sở để đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu qủa thì đổi mới cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn lại quyết định toàn bộ sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Hay nói cách khác, đề cao trách nhiệm, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

* * *

Khi thực hiện bài viết này, đối với những đối tượng là nông dân, bao giờ chúng tôi cũng đặt ra một câu hỏi chung :"Nếu có ba điều ước, anh (chị) sẽ  ước điều gì?" .

Dưới đây là ba điều ước xuất hiện với tần suất dày đặc nhất, chúng tôi xin lấy làm ước mơ chung của người nông dân Quảng Trị.

1/ Nghị quyết "về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ và rõ rệt trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

2/ Cần nhận thức sâu sắc vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp nông dân Việt Nam, đặt nông dân vào vị trí trọng tâm của các chính sách cải cách ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, tạo sự thống nhất cao trong hành động và ý chí, cùng với toàn xã hội tập trung mọi nguồn lực, chăm lo cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của đất nước, xứng đáng với vị trí và tầm vóc của nó.

3/ Trong một thế giới đầy bất trắc và biến động như hiện nay, nông dân mong muốn và tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam sẽ giữ vững hòa bình, ổn định lâu dài, công cuộc đổi mới ngày càng thu được những thành tựu to lớn, để nông nghiệp, nông dân, nông thôn cùng với toàn xã hội có điều kiện góp phần chấn hưng đất nước "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như sinh thời, Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn./.

 

                                 Đ.T.T

 

Đào Tâm Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 170 tháng 11/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

2 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

2 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

2 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

2 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground