(TCCVO) Sáng ngày 25/9/2020, Sở Thông tin & Truyền thông phối hợp với Nhà xuất bản Dân Trí tổ chức buổi tọa đàm “Lịch sử thời đại Hùng Vương qua khảo cứu Hùng Vương thánh tổ Ngọc Phả”. Tham dự có đồng chí Hà Sỹ Đồng, UVBTV TU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Nhóm nghiên cứu trả lời các câu hỏi của diễn giả khách mời
Tại buổi tọa đàm đã giới thiệu về cuốn sách “Hùng Vương thánh tổ Ngọc Phả sưu khảo” do Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân biên soạn. Sách được Nhà xuất bản Dân Trí xuất bản gồm 240 trang, in 4 màu đúng vào dịp giỗ tổ 10/3 năm 2020 với những nội dung quan trọng. Đây là bản sưu tầm, dịch và phiên chú đầy đủ tư liệu phả ký lưu giữ tại Hùng Vương miếu ở thôn Vân Luông, xã Vân Phú, Việt Trì, Phú Thọ.
Cuốn sách này cung cấp các tư liệu ngọc phả về Hùng Vương được lưu truyền ở ngôi đền cổ “Hùng Vương từ” tại thôn Vân Luông của thành phố Việt Trì. Các tư liệu được nghiên cứu khảo sát trên các bản gốc chép tay trên giấy dó lưu giữ tại Ban quản lý di tích đền Vân Luông, kết hợp đối chiếu với bản sao năm Bảo Đại thứ 33 (1938) được lưu trong Thư viện Khoa học xã hội Việt Nam. Nội dung bao gồm các phần: Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền, Hùng Vương tự lệ, Nam Việt Hùng Thị sử ký, Văn chào dùng để cúng ở lăng thờ Sơn Tinh trước đền. Bản chữ Nôm kèm phiên âm chữ quốc ngữ, các sắc phong của đền Vân Luông, khảo luận Ngọc phả và tục thờ Hùng Vương trên miền đất Tổ……
Trong cuốn sách này, nhóm tác giả nghiên cứu đã tiến hành dịch và giới thiệu với bạn đọc nội dung các ngọc phả trên. Đặc biệt bản dịch này được làm trên cơ sở tôn trọng văn bản gốc nên các tên địa danh, nhân danh được đề cập đến đều được ghi đúng nguyên gốc. Những chỗ cần thiết, nhóm nghiên cứu có chú thích thêm cho các tên riêng này, do cách đọc và cách hiểu nhân danh, địa danh trước đây khi soạn ngọc phả có thể không tương đồng với quan niệm chung hiện nay.
Tại buổi tọa đàm, ông Trương Sĩ Tiến, Tiến sĩ Nguyễn Bình, ông Phan Văn Hiền… với tư cách các diễn giả khách mời đánh giá cao nhóm nghiên cứu, có hướng tiếp cận khác với cách làm của sử học truyền thống, đó là khảo cứu nội dung các Ngọc phả cùng với tục thờ cúng Hùng Vương trên đất Tổ; cũng như thái độ làm việc nghiêm túc, cẩn trọng để cho ra đời cuốn tư liệu quý có ý nghĩa và giá trị lịch sử của tổ tiên, tiền nhân khai sáng trải dài hàng ngàn năm của dân tộc Đại Việt.
Tin, ảnh: Minh Anh