Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm không tiếng bom rơi

N

gười đàn ông tần ngần định đưa tay lên nhấn vào cái nút nhỏ mầu đỏ gắn trên trụ cổng sắt, nghĩ sao lại buông thõng tay xuống. Rút mảnh giấy gấp tư trong túi áo, anh nhìn vào con số và tên đường, đúng đây rồi nhưng ngôi nhà to lớn làm anh ngại ngần. Nắng bắt đầu lên cao làm bỏng rát hai vai, lưng áo đổ mồ hôi dán sát vào da làm anh có cảm giác bức bối, một cơn gió thổi qua mang theo vị mặn của muối. Anh nghĩ, biển đang ở gần đâu đây. Anh quay người bước men theo hàng rào ngôi nhà, khác với cái cổng to xây kiên cố, hàng rào chỉ xây đến ngang lưng, những cọc sắt nhọn dường như đã mục nát, cái còn cái mất ngã nghiêng xiêu vẹo, khu vườn bên trong xanh um, tĩnh lặng như tờ, cách biệt với xung quanh. Bóng một người đàn bà mặc áo tím thoáng qua mấy bụi hoa nhài rồi mất hút không kịp để anh lên tiếng gọi. Tiếng lách cách nơi cánh cổng làm anh quay lại. Một bà già dáng người thấp nhỏ đang cố kéo sợi dây xích với cái khóa to đùng. Anh lên tiếng:

- Cụ làm ơn cho con hỏi, đây có phải nhà cô Huyên? Bà ngước lên nhìn anh, nghi ngại:

- Anh ở đâu? Hỏi Huyên làm gì?

- Cháu là bạn của Huấn - Anh bỗng khựng lại - Cụ, cụ là dì Linh phải không?

Bà cụ lập cập trông đến tội, kéo rộng cánh cổng, bà vồn vã:

- Vào nhà, vào nhà hẵng nói kẻo nắng!

Hoa sứ rơi đầy lối đi rải sỏi trắng, không gian thơm ngát mùi hoa, phòng khách bài trí đơn giản nhưng sang trọng, mắt anh dừng lại bức tranh vẽ một cô gái ngồi nhìn nghiêng ra cửa, suối tóc dài vén qua chảy tràn xuống ngực, rủ hững hờ xuống đôi chân xếp nghiêng, cô gái có nét gì đó giống Huyên nhưng trông già dặn hơn. Anh đoán là...

- Cháu là bạn lúc nhỏ của thằng Huấn à? Tiếng dì cất lên. Anh giật mình nắm lấy bàn tay nhăn nheo đầy những vết chai của dì. Anh ngậm ngùi.

- Dì còn nhớ o Trần không?

- Nhớ chớ sao không, con Trần con cụ Cửu Thang.

- Con là thằng Quân con ông Cả Trương anh ruột o Trần đây dì, bàn tay dì Linh bỗng lạnh toát trong tay anh, dì lắp bắp:

- Mi, mi là thằng Quân à? Rứa, rứa, giấy báo tử về nhà, chao ơi, con Huyên chờ mi đến tới chừng ni. Sao bây giờ mới tìm tới tận đây hở con? Bấy lâu nay ở mô? Hèn chi, con Huyên không tin là mi đã chết, hắn nói nếu mi chết thì đã về báo mộng cho hắn rồi!

- Chuyện dài lắm dì ạ! Tình cờ con gặp thằng Huấn bên Pháp, nhận ra nhau nửa cười, nửa khóc, biết dì và Huyên còn sống con mừng quá xin địa chỉ. Về là con bay thẳng vô đây tìm dì liền.

- Rứa mi đang ở mô, vợ con ra răng rồi?

- Con ở Hà Nội, vợ chồng ly dị ba năm nay rồi, con bé ở với mẹ nó.

Dì chặc lưỡi ngó ra khoảng sân chang nắng:

- Sống sao không biết nhịn nhau để tan đàn sẻ nghé rứa? Rồi con mi nó có tội tình gì? Cả một đời, người ta mong tìm một mái ấm còn không được!

- Con cố lắm mới sống bên cô ấy ngần ấy năm, mỗi lần nghĩ đến con bé là lại cố hàn gắn, rồi mọi chuyện cũng như cũ, thôi thì để cô ấy sống theo ý mình. Tụi con cũng không thù hằn gì nhau cả. Mỗi khi đi công tác về con vẫn ghé qua chỗ mẹ con cô ấy dắt đi ăn và dạo phố, tụi con bây giờ xem nhau như bạn. Anh dừng lại ngập ngừng: - Còn Huyên. Huyên dạo này sống ra sao, con hỏi mãi mà thằng Huấn không nói gì cả, chỉ bảo rằng về gặp dì mà hỏi.

- Nó đang ở đây với dì! Nó nấu cơm dưới bếp.

Anh đứng bật dậy:

- Vậy sao? Dì cho con gặp Huyên!

Dì khoát tay.

- Ngày còn dài, nghỉ ngơi đã, đi mô mà vội. Dì mỏi mệt đứng dậy: - Để dì ra sau nhà một lát...

* * *

Anh bước ra khu vườn rợp bóng cây ăn trái, gió thổi lao xao từng phiến lá trên đầu, nghe lách cách tiếng chim sâu trong bụi cây. Đây đó trong vườn đầy những hố nhỏ như ai vừa mới đào định trồng cây gì đó rồi bỏ quên. Mùi hương khói lẫn khuất trong không gian làm khu vườn trở nên u ám, có tiếng động mạnh làm anh ngẩng lên nhìn. Trước mặt anh một người phụ nữ mảnh mai không thể đoán tuổi nhìn anh trân trối, đôi mắt buồn buồn. Làn môi hồng nhợt hơi cong như môi trẻ con... Anh nhắm mắt lại hồi tưởng miên man... Một bãi cát vàng, mặt biển phẳng lặng, gió đùa những tán phi lao rào rào, cánh môi hồng trinh nguyên nụ hôn đầu, và những giọt nước mắt trong veo cho ngày anh đi không hẹn về và chiến tranh, chiến tranh tàn khốc, và làng quê xơ xác, người còn người mất, chia cắt, chia xa...

- Anh về khi mô mà ra vườn vậy? - Giọng nói mượt mà thân quen làm anh rung động.

- Huyên, Huyên phải không em? Em nhận ra anh liền à! Hàng mi dài rợp bóng, nước da trắng xanh, người đàn bà trước mặt anh vẫn nguyên vẹn hình dáng năm nào. Chị bước đến ngã vào vòng tay anh đang dang rộng, tiếng chị thì thầm như gió thoảng:

- Em nhận ra anh liền! Nãy giờ lén đi sau lưng anh. Em nhớ anh, sao lâu quá anh không ghé thăm em. Tụi con Thắm, con Lành chọc em hoài hủy! Có một điều gì đó không bình thường trong cách nói của cô nhưng niềm hạnh phúc ngọt ngào quá làm anh không để ý. Họ ngồi bên nhau trên chiếc ghế đá cuối vườn, im lặng tay trong tay. Sau lưng họ bà cụ rón rén quay lưng nén một tiếng thở dài...

* * *

Tiếng hét lanh lảnh trong đêm khuya làm anh giật mình tỉnh giấc, trở dậy đứng bên cửa sổ nhìn ra vườn. Anh cố đoán xem chuyện gì đang xảy ra, có tiếng chân ai chạy huỳnh huỵch rồi một bóng người lao vút qua, tiếng hét vọng vào:

- Máy bay tới. Nó thả bom xóm Cồn, xuống hầm mau lên mạ ơi! Con ra với tụi nó đây!

Tiếng cuốc bổ vào đất nghe phầm phập, rồi tiếng dì Linh van vỉ!

- Vô ngủ đi con, thằng Quân nó nghe chừ!

- Anh Quân đang chiến đấu, con Lành bị bom vùi rồi, mau mau, cuốc lên mạ, mau moi nó lên. Bom rơi, ối bom, mạ ơi, tụi nó thả nhiều bom quá, thịt da nát bét hết mạ ơi, Lành, Lành ơi, mi mô rồi Lành ơi!

Lần này anh nhận ra tiếng Huyên, anh nhào ra thì chị đã ngất lịm bên cái hố nông choèn, thì ra những cái hố nhỏ anh thấy lúc trưa là những cái hố mà chị đã cuốc trong cơn hoảng loạn, khuôn mặt già nua giàn giụa nước mắt. Dì ngẩng lên nhìn anh:

- Bồng nó vào nhà dùm dì đi con!

Bà đi trước anh, bước chân chuệnh choạng, tấm lưng còng xuống như đang gánh chịu một sức nặng oằn vai, nét tinh anh lanh lợi ban chiều như biến mất.

Anh ngước mặt nhìn lên đám mây không mang hình thù gì rõ nét bay ngang che khuất mảnh trăng non, mím chặt môi. Siết chặt vào lòng thân hình mềm oặt của người con gái một thời yêu dấu, dải ngân hà vắt ngang trời như mảnh lụa mỏng, những ngôi sao xa thấp, nhấp nháy anh nghe bên tai tiếng cười khúc khích và câu đồng dao xa xưa... một ông sao sáng, hai ông sáng sao...

* * *

Tiếng dì chìm lặng trong đêm thâu:

- Sau khi dân quân Cửa Tùng bắn rơi hai máy bay địch thì hôm sau xóm Cồn chìm ngập trong tiếng bom rơi, làng mình người sống còn không nom nữa. Con Huyên bị bom vùi, lúc moi được nó lên tiểu đội nó chẳng còn ai sống sót, con Thắm, con Lành tìm không ra xác. Thịt xương tụi nó tan trong đất cả rồi, đi viện về đêm nào giật mình thức giấc nó cũng vác cuốc ra Cồn cuốc lấy cuốc để tìm xác con Thắm con Lành rồi thì giấy báo tử con gửi về, mạ và dì giấu không cho nó hay. Giải phóng rồi nó chờ mãi con không về bịnh càng nặng thêm, rồi gia đình chuyển vô đây, thằng Huấn bảo vô đây khuây khỏa con Huyên có cơ may bớt bệnh, rồi vợ chồng cùng công tác ở nước ngoài như con đã biết, chỉ còn dì và nó trong ngôi nhà này, mấy mươi năm qua không đêm nào dì yên giấc, tội nghiệp nó... Kìa nó tỉnh rồi... Chắc không nhớ chuyện gì xảy ra mô, con lại với nó đi cũng gần sáng rồi...

Anh vuốt những lọn tóc lòa xòa trên trán chị, vầng trán nổi đầy gân xanh, trông chị mỏng manh như chiếc lá.

- Ngủ thêm một lát đi em!

- Em không thấy buồn ngủ tí nào, chừng nào anh đi.

- Chừng nào em đuổi thì anh đi, thôi cho anh ở luôn đi. Má chị ửng hồng, chị cười e ấp.

- Anh hỏi mạ đó!

- Đùa thôi, anh ở lại với em một tháng được chưa? Rồi anh ra làm thủ tục chuyển vô hẳn đây.

Anh nói thật hả anh!

- Ừ - Anh cúi xuống môi chị, có bao giờ anh dối em điều gì.

* * *

Ba mươi ngày ở lại bên chị, hai mươi chín đêm anh bồng chị từ vườn vào nhà, không biết những lúc không có anh, dì Linh làm sao đem được chị vào nhỉ?

Mà chỉ đêm thôi, ban ngày chị vẫn bình thường, như một người vợ hiền, chị giặt áo cho anh, đi phố với anh, cười đùa tung tăng bên anh vậy mà đến nửa đêm thì chị vùng dậy chạy ra vườn hét lên hoảng loạn, đêm không là giấc ngủ bình yên với người đàn bà anh yêu.

Với chị đêm đầy rẫy những hình ảnh chết chóc, hồi tưởng về những biến động đau thương của một vùng quê khói lửa, đêm với chị đầy tiếng bom rơi. Chiến tranh đã đi qua, giữa khoảng không gian yên bình những cặp tình nhân tình tự thâu đêm... thì người đàn bà của anh với niềm ký ức đau thương vật vã... Đêm cuối cùng anh ngồi với chị trong vườn, ngày mai anh đi, bàn tay nhỏ nhắn của chị không ngừng vuốt ve khuôn mặt anh, chị bỗng trở nên dạn dĩ, mãnh liệt, anh bồng chị trên tay vào nhà, chỉ khác đêm này chị áp mặt vào cổ anh thì thầm những lời vô nghĩa, thân hình chị nóng rực trong tay anh, ngang qua hàng hiên anh thấy dì Linh ngồi bất động với bóng đêm. Anh dừng lại nhìn dì rồi bồng chị đi về phòng mình. Anh nghe tiếng dì gài cửa rồi căn nhà chìm trong bóng tối, anh hôn chị dịu dàng, và lắng nghe từng nhịp rung của chị truyền qua anh, chị trườn người lên áp chặt vào anh, anh thấy mình trôi đi nhẹ tênh, và chìm ngập vào một vùng ánh sáng chói lòa. Đêm huyền dịu chị thiếp đi trong tay anh lúc gà eo óc gáy...

Anh đã nói hết với dì những dự định sắp tới. Anh sẽ vào đây làm một lễ cưới thật đơn giản. Dì đã chấp nhận, nhìn những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo anh thấy thương dì quá đỗi, ôm chặt đôi vai gầy guộc. Anh chào dì:

- Con đi nghe mạ, cho con gửi em Huyên, mạ nhớ nhắc em uống thuốc.

Dì gạt nước mắt cười rạng rỡ.

- Mồ tổ cha bây, chớ hồi nớ tới giờ ai trông cho nó.

* * *

Anh ra Hà Nội được mười ngày thì nhận được điện, anh vào nhưng không kịp nghe một lời nào của chị vào phút cuối, chị hôn mê hai ngày rồi ra đi nhẹ nhàng, vành môi cong nở một nụ cười mơ hồ...

Chiếc xe tải hất tung chị lên lúc chị băng qua đường.

Nỗi đau mà anh chịu đựng khi ngồi trên chuyến tàu tốc hành vô nam dường như trở nên vô nghĩa để nhìn mái tóc bạc trắng đi của dì. Anh nhớ tiếng thằng Huấn cười trong điện thoại: "Chúc mừng mày, bây giờ mày làm em rể tao, nhưng không được làm em tao đau đó, thằng trâu mộng...".

Anh có bao giờ muốn làm cho chị đau? Cả một nụ hôn anh cũng gượng nhẹ, vậy mà cái vật vô tri vô giác kia đã tông thẳng vào chị và còn hất tung lên nữa... Nụ cười chị vẫn e ấp trong tấm hình mờ mịt khói hương, đôi mắt rợp bóng mi dài nhìn anh đăm đăm... "Ngủ đi em yêu của anh, anh sẽ về đây ở với mạ để hằng ngày ra đây với em".

Tiếng dì Linh thì thầm bên cạnh trong trời chiều hoang vắng: "Đêm nó ngủ yên giấc, sáng đi chợ, về nhà líu lo như đứa trẻ, còn bảo cuối năm là mạ sẽ có cháu ngoại... Bây giờ con ngủ yên rồi con ơi, không còn thức giấc nửa đêm nữa mô...".

Trăng hạ cuối tuần buồn hiu hắt. Ngôi nhà nằm im lìm, hoa sứ khẽ khàng rơi từng cánh xuống đầy lối đi. Bầu không khí tẻ ngắt, ảm đạm, làm anh thấy trống vắng và buồn, một nỗi buồn đau đáu và nỗi cô đơn cùng cực làm anh như tê cứng mọi tế bào. Anh lặng lẽ đứng lên tì tay nơi thành ghế đá ướt đẫm sương đêm. Châm một điếu thuốc, từ ngày chị ra đi anh đâm nghiện thuốc, anh bước đi, chiếc bóng lẻ loi đổ nghiêng trên vạt cỏ trong vườn.

H.T.T

Huỳnh Thạch Thảo
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 55 tháng 04/1999

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground