B |
ên ngoài, mưa lất phất bay. Trời lạnh thấu xương. Tháng mười một ác nghiệt cứ kéo dài mãi như muốn đốn cho đổ hẳn mấy tấm thân già nua còm cõi còn tiếc rẻ cuộc sống gắng gượng trụ lại trên cõi đời này. Nhà văn Trần Thụy đứng bên cửa, co ro trong chiếc áo khoác bạc màu, áo quần, mũ mão, giày vớ đã nằm đúng vị trí nó phải nằm trên người ông rồi nhưng ông cứ lưỡng lự không dám phóng ra đường. Cái lạnh năm nay như cắt da cắt thịt con người ta. Và tuổi già cũng thật là khốn; nó run rẩy, yếu đuối khiếp sợ, chẳng chống chọi được cái gì lại cứ đầu nhức ghê gớm như có ai giần, ai đục vào xương. Hồi còn trai trẻ ông đâu có như thế này! Ông cứ phanh trần giữa cái lạnh miền Bắc và ông thách thức cả cái rét tê cóng ở Trường Sơn một thời đánh Mỹ.
Nhà văn đưa mắt nhìn ra ngoài. Bầu trời vẫn xám ngắt mưa phùn. “Cứ mưa luôn”, nhà văn lẩm bẩm. Ông bực dọc sửa lại chiếc mũ đã nằm ngay ngắn trên đầu, kéo chiếc áo khoác cũ kỹ vào thật sát người rồi giận dỗi bước ra khỏi nhà.
Vừa đặt chân xuống lề đường, một cơn gió lạnh ào tới, quất mạnh vào da thịt vốn đã tê buốt của nhà văn làm nhà văn rúm người lại. “Cứ kiểu chó này thì cóng chứ không chơi”, ông nghĩ và đi vội về phía bắc thành phố, nơi có căn nhà xinh xắn của tay bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, người sẽ lo liệu, sửa nắn hình thù cái miệng của ông.
Gần đây cái miệng của nhà văn cứ dài nhanh ra, đầu và cánh tay phải teo hẵn lại. Lúc trước, lâu lắm rồi, hồi ông mới tập tò viết văn cũng và lúc cái miệng
ông ráo riết hoạt động. Ông nói nhiều trong bàn rượu mà ở đó rượu chảy vào mồm. Ngôn ngữ rặt theo kiểu của những tay thị dân thô tục. Ông khoa trương về chuyện viết lách với dăm ba thằng bạn cũng gọi là yêu thích văn nghệ và cũng tập tò viết lách như ông. Rồi ông cho ra đời đôi ba tác phẩm, những cái chuyện tào phào mà ông rặn đẻ đến ngút hơi, chẳng ai lưu ý, trừ một vài nhà phê bình “cơ cấu” với ông ra sức “thổi”. Lúc này ông buộc cái miệng ông hoạt động ráo riết hơn. Ông đã nhận ra dấu hiện biến dạng của cái miệng nhưng nó diễn ra quá chậm nên ông tỏ ra khinh suất. Lại một vài tác phẩm nữa rặn đẻ, một vài lời khen của các bậc cao minh có uy tín lọt đến tai ông thế là ông hò hét. Ông tự coi mình là cái rốn của vũ trụ. Ông nói thao thao bất tuyệt trong các cuộc họp của Hội văn nghệ tỉnh nhà mà ông là thành viên trong ban chấp hành. Trong các cuộc chén chú chén anh ông hung hồn phát biểu quan niệm nghệ thuật của mình, mạt sát tất cả những ai trái ý ông, ông chê văn người này, ông kích truyện người kia. Ông đi hết nơi này đến nơi khác, tụ tập những cây bút trẻ đăng đàn, diễn thuyết truyền đạt những kinh nghiệm… Nhưng khốn thay, càng nói căn bệnh quái ác kia càng phát triển. Và bây giờ cái miệng ông giống hệt con số tám.
Thật khủng khiếp! Còn khủng khiếp hơn cái chết. Chết thì tuốt luốt hết còn ông thì luôn vướng bận với những thú vui của đời. Kể ra thì cũng ghê gớm thật đấy, nhưng rất có thể cái chết sẽ mang vinh quang đến cho ông. Người ta sẽ thêu dệt nên huyền thoại về nhà văn vừa quá cố. Đằng này, ông, một nhà văn tiếng tăm, lại phải sống để hứng chịu sự giễu cợt của đám người vô lại từng biết ông. Hừ! Nhà văn méo mồm. Chúng nó dám gọi ông như vậy cơ đấy! Không thể như thế được! Ông một nhà văn cần đi lại, cần xuất hiện trước công chúng với tất cả vẻ thanh lịch, trang trọng, với đồng nghiệp ông phải là một cây bút đàn anh đáng kính… Tóm lại ông phải là bậc cha chú thiên hạ. Ông không thể đứng trước mọi người như một thằng cha căng chú kiết, lố bịch. Thật là ghê gớm khi bọn đồng nghiệp của ông hùa nhau moi móc đời tư, xoi mói cái mõm dị dạng của ông đem trương lên mặt báo làm thành một chiến dịch phỉ báng ông…
Những hạt mưa nhỏ tê buốt cứ xỉa vào mặt nhà văn. Ông đưa bàn tay tái nhợt nhăn nheo liên tục vuốt mặt và rụt cổ lại, oằn người thấp xuống thấp cố đưa cái thân hình gầy gò xuyên mưa. “Khốn khổ thật”. Nhà văn Trần Thụy khóc thầm, ông muốn chửi vào mặt tất cả. “ Giờ này bọn nó ôm vợ ngủ mình thì lăn lộn…Thằng bác sĩ kia chắc cũng đang ôm vợ ngủ”. Ông muốn gào to trong mưa. Người ta phải cung phụng ông chứ! Từ lâu ông đã xa lạ với cái ý nghĩ rằng mình phải bỏ cái gì đấy, kể cả sự cầu cạnh. Bởi một điều dễ hiểu, ông đã cống hiến quá nhiều rồi!
Mưa vẫn cứ rơi, bầu trời nặng một màu chì. Kinh nghiệm nhà văn biết mưa vẫn còn rơi nhiều ngày nữa. “ Còn bị hành hạ cho đến chết mới thôi đấy!”. Có lẻ đó là lý do khiến nhà văn phải đi trong mưa. Cái mõm cứ từng phút giằng xé ông. Vậy mà đám con của ông chẳng thèm đếm xỉa gì, chúng rúc vào chăn đọc chuyện tình báo, ông không khiến nổi bọn chúng, cả việc khiến bọn chúng đèo ông đi chữa bệnh. “Khổ cái thân già”, ông lại than vãn…
Thế là nhà văn Trần Thụy cũng đặt được đôi chân tê cóng đến nhà bác sĩ Thuận. Cánh cửa sắt đóng kín, ông đứng sát vào tường, cố tránh những hạt mưa đâm xiên nhưng những hạt mưa vẫn như cố tình ném vào mặt ông không sao trốn được, ông giận dỗi đến phát cáu. Đôi tay run lẩy bẩy giật mạnh những nút áo mưa, ông cởi và rũ mạnh. Khi chiếc áo mưa đã được vắt ngay ngắn trên một cẳng tay thì nhà văn bắt đầu lay cửa. Không có tiếng trả lời. Mưa vẫn bay, mưa cho cả trái đất nhão nhoét ra hay sao ấy. Ông lại giật giật liên hồi cánh cửa sắt. Có tiếng đàn bà làu bàu rồi tiếng bước chân lệt sệt. Năm phút trôi qua cửa vẫn đóng im ỉm. “Quân giết người chó má!” nhà văn gào toáng lên rồi khóc tấm tức…Trong lúc này nhà văn chợt nhớ hình ảnh mấy con khỉ hám danh muốn mua danh bằng con đường văn chương thường đến đứng khép nép ở cửa nhà ông. Mãi rồi cánh cửa sắt cũng được mở ra. Đứng trước cánh cửa sắt một vị bác sĩ to béo tốt, nặng nề trong bộ đồ ngủ, đầu tóc bù xù, khuôn mặt nhừ nhừ ứ mở, nheo cái mắt có cái mí muốn sụp xuống lạnh lùng nhìn vào con người ốm yếu, rét mướt có cái mõm dị dạng, đang run rẩy tránh những hạt mưa
Mời vào. Vị bác sĩ uể oải kéo dài cái giọng ồm ồm còn ngái ngủ.
Nhà văn không thể phân định cái cảm giác của ông về cái con người béo tốt, hồng hào no đủ kia: Đó là thằng cứt đái quan liêu, xôi thịt giết người hay là vị cứu tinh của ông. “ Nó chỉ làm nghề sửa sắc đẹp mà lại béo phị ra. Hừ, đàn bà thật phù phiếm”, lát sau ông suy nghĩ.
Nhà văn gần như lê lết đi vào nhà.
Bác sĩ tiếp tục cất cái giọng khó chịu, có vẻ trách móc.
Nhà văn ngồi xuống chiếc ghế bọc nệm, một cảm giác ấm áp tràn ngập khắp người ông.
Uống trà đi. Vẫn cái giọng uể oải kéo dài như ra lệnh. Nhà văn cứ im lặng mắt dán vào cái khuôn mặt đầy ứ mỡ chờ đợi có vẻ cầu khẩn. Một lát sau, vị bác sĩ chợt hiểu ra. Bực dọc, khinh bỉ, vị bác sĩ buông một câu gọn lỏn:
- Chẳng kết quả gì!
Nhà văn như bị một đòn chí tử vào đầu. Vị bác sĩ đưa một bàn tay múp míp và bằng một động tác hết sức điêu nghệ, ông nâng tách trà còn bốc khói, thơm phức đưa vào mồm, khoan khoái nhấp từng ngụm nhỏ.
- Trời lạnh uống trà thú thật. Không phải thằng nào cũng bày đặt uống trà được đâu…Những bài học về nghệ thuật uống trà…Cơn hứng khởi của bác sĩ bị cắt ngang vì đôi mắt nhà văn cứ chằm chằm vào mình như muốn ăn tươi nuốt sống.
Nó cố tình giễu cột nỗi đau khổ của mình. Cái bị thịt này chỉ biết có mình nó. Với nó, nghệ thuật là cái quái gì? Mà nó cần quái gì văn chương nghệ thuật. Không có nghệ thuật nó vẫn sống...Còn mình, không có nó mình không sống nổi! Thằng cứt! Nhà văn hậm hực.
- Ồ bác sĩ nói sau khi hứa với ông lần đó, tôi đã bỏ công nghiên cứu kỹ các tài liệu. Nhưng ông có hiểu không. Thay đổi cả một hệ thống xương và rút ngắn nó lại là một điều mà khoa học chỉnh hình ngày nay vẫn còn lúng túng. Nếu có làm được một vài chi tiết chỉ bằng những ca phẫu thuật thì cũng chẳng ăn thua gì. Hoặc nó vẫn như thế hoặc nó biến dạng thêm.
- Còn cách nào không ông? Giọng nhà văn nghe nức nở.
- Ông đã học định luật Lamá chưa? Vị bác sĩ lạnh lùng hỏi.
- Chưa, định luật ấy như thế nào ạ?
Đúng là nhà văn các ông dốt khoa học. Các ông chỉ toàn vẽ vời những điều tào lao thì giỏi, ông nghe đây: Bộ phận nào có hoạt động nhiều thì nó phát triển về kích thước và có khả năng hoạt động lớn và ngược lại.
- Thế thì tôi có thể...chợt hiểu ra nhà văn reo lên, quên mất cái giận vừa bộc phát khi vị bác sĩ xúc phạm đến nghề nghiệp thiêng liêng, đến cái giới kỹ sư tâm hồn của ông.
- Nhưng ông nên nhớ, định luật Lamá chỉ đúng với những cá thể có những
cơ quan hoạt động bằng một quá trình. Nếu ông đã nói quá nhiều trong sáu mươi năm, thì ông cần sáu mươi năm im lặng. Lúc đó, miệng ông sẽ trở lại bình thường.
- “Tuổi già xồng xộc sau lưng rồi. Muộn rồi”. Nhà văn bàng hoàng nghĩ.
- Ông có tài liệu về định luật Lamá không? Nhà văn gắng rặn ra từng tiếng.
- Có đấy
Bác sĩ đi vào mang ra quyển sách bìa vàng cũ kỹ, hình như lâu lắm rồi không có bàn tay con người sờ vào trao tận tay nhà văn. Nhà văn ngơ ngác cầm tay lững thững bước về phía cửa chẳng một lời từ biệt.
Mưa vẫn lất phất bay. Nhà văn già thất thểu bước ra đường, nách cặp quyển sách vàng ố trong lòng khóc thầm lặng lẽ.