Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hàng xóm

C

ái hành lang xuyên suốt tầng hai khu tập thể. Tuy chật hẹp xong cũng được chia thành từng đoạn nhỏ bằng hàng chum vại hay cái bếp than. Nồi niêu, xoong chảo, chổi cùn, rế rách được tống tách ra hành lang cho sạch sẽ. Cái sạp hàng của bà Hiền choán gần hết phần hành lang nhà bà. Gọi là sạp hàng cho oai chứ thực ra chỉ là tấm phên nứa bắc trên mấy chục gạch có vài mớ rau muống, vài quả trứng gà, trứng vịt, ít ớt, tỏi, chanh, vài cà muối, gói mì tôm… Đại khái là cũng tạm đủ giải quyết cái nhu cầu đạm bạc của mỗi gia đìh. Gần chục gia đình là gần chục đoạn hành lang. Nhem nhuốc, bừa bộn vậy mà không có nó chắc cũng khó xoay sở. Cái hành lang chỉ có mỗi một thứ chung, ấy là cái thùng đựng cơm thừa canh cặn cho bà Loan tầng một xin nuôi lợn. Ngoài ra, mỗi nhà là một thế giới riêng. Nhưng đây đích thực là cái thế giới riêng của đám đàn bà con gái, các đức ông chồng ngoài việc thỉnh thoảng ló mặt ra đổ nước vào vại chẳng dại gì mon men ra đấy, chỉ tổ cho các bà trêu chọc. Rồi cũng đến đỏ mặt tía tai mà chuồn vào sớm.

Giờ nghỉ trưa còn đỡ, nhưng buổi chiều thì không khác gì cái chợ con. Các bà vừa băm chặt, vừa tán gẫu chuyện ngoài đường, chuyện cơ quan, than vãn chuyện con cái đến trường phải đóng nhiều tiền, kêu ca gạo răng, lương chậm… Chuyện lớn, chuyện nhỏ mang hết ra mà kể. Thì cũng phải, cả ngày chúi mũi vào công việc giờ mới có lúc xã hơi.

Thấy nồi cơm mấy bếp bên cạnh đã sôi sùng sục, bà Hiền cất giọng lệch vỡ:

- Đâu rồi! Lại ôm quyển sách phỏng? Có điện cơm nước gì không?

Tiếng tháo vọng ra, chắc cô nàng đang nằm trên giường đọc tiểu thuyết:

- Còn sớm mà, mẹ…

- Xem đồng hồ mấy giờ rồi mà bảo sớm! Định trương thây ra đấy à? Con gái con đứa lớn đùng rồi, lúc nào cũng trốn việc…

- Thôi thôi…con xin mẹ! Mẹ thì cứ thích to tiếng thế. Hàng xóm người ta cười cho…

- Cô mà cũng sợ người ta cười cơ à?

- Thôi…đã bảo con xin mẹ mà.

Có tiếng dép loẹt quẹt đi ra. Cô Thảo con bà Hiền xinh tệ da trắng, tóc dài… Bà Hiền vừa thoăn thoắt nhặt cà vừa nhìn con gái cong cong ngón tay búp năng nhón cục than tổ ong lên bếp. Mấy bà hàng xóm bảo trông dáng cô Thảo biết là cô ấy sẽ nhàn nhã, làm việc gì cũng thong thả. Nhưng bà Hiền thì bảo “nhàn nhã mà không có cái đút vô mồm thì nhàn làm gì. Nai lưng ra làm còn chẳng đủ ăn nữa là…”.

Khi các bà rôm rả hành lang phía sau thì hành lang phía trước là nơi tụ tập của đám đàn ông. Một nhóm chơi cờ, vài ông giương mục kỉnh đọc báo, vài ông bế con cho vợ… Khói thuốc lào phả ra mù mịt.

Phòng đầu tiên, chỗ cầu thang lên xuống là chỗ ở của vợ chồng anh Toái. Anh Toái chồng là nghê ba toa, sáng sớm đã đi, tối mịt mới về. Hôm nay anh về sớm, xách theo cái thủ lợn, vừa hì hục đẩy chiếc xe đạp cọc kềnh lên khỏi cầu thang đã bị bà Hà te tái chạy ra tóm lấy ghi đông, bà chỉ vào cái bô để ngay lối đi:

- Nhắc bao nhiêu lần rồi. Lối đi là lối đi chung, vậy mà chiều nào cũng chàn ành một cái bô cứt thế này thì ai chịu được. Nói nhiều cũng mỏi mồm rát tai lắm, mà chỉ như nước đổ đầu vịt vậy thôi….

- Vâng… vâng, chúng con xin lỗi các bác. Bác thông cảm, nhà con nó vô tâm lắm.

Bà Hà được bầu làm tổ trưởng tầng hai khu tập thể. Bà được cái mạnh mồm, không ưa ai hay có gì sơ suất bà cứ nói toẹt ra. Nói cho hết cơn vậy thôi chứ không để bụng, nên chẳng ai ghét bà được.

Đêm. Anh cặm cụi đánh máy dưới bóng điện đỏ quạch. Điện trong khu tập thể này lúc nào chả vậy. Cái bóng nê-ong từ ngày sắm đến nay chưa sáng được lần nào. Nhận được một lô văn bản chép tay lem nhem, từ chiều anh mừng ra mặt, bây giờ người tat rang bị máy vi tính nhiều nên việc của anh cũng hiếm đi. Ngồi ru con trong màn tôi định lát nữa nó ngủ sẽ xuống bể nước công cộng giặt giũ, sau đó còn đổ thêm nước vào thùng giá đậu, rồi còn kiểm tra lại sổ sách một lần nữa cho ngày mai Tài chính duyệt quyết toán. Chợt nhớ chiều nay mới lĩnh được một trăm ba mươi ngàn nhuận bút cho mấy bài thơ đăng từ bao giở bao giờ, tôi khoe chồng, anh phấn khởi:

- Thế hả! được bao nhiêu? Một trăm ba cơ à? Thế này thì anh cũng bỏ nghề đi viết văn làm thơ thôi.

- Mai… em làm bữa trưa nhé!

- Thôi để khi khác em ạ. Trả bớt tiền trông cu Tuyên đi. À mà cơ quan em có lương chưa?

…Hai vợ chồng xoay xở chật vật lắm mới hợp lý hóa được mọi khoản chi tiêu. Có thêm cu Tuyên phải cố gắng kiếm thêm. Anh đánh máy chữ thuê, tôi nhận hàng gia công về may, ủ cả giá đậu… Nhưng nói chung chẳng thấm vào đâu. “Không may” nhận vài cái thiếp mời thì coi như bay tháng lương. Cái nghiệp cầm bút cứ đeo đẳng tôi mãi. Bạn bè cùng học phổ thông đứa nào thấy tôi nhếch nhác cũng bảo ngày xưa tôi chọn nhầm nghề. Bây giờ con cái bíu rìu còn lo cho đủ miếng ăn, thời gian càng eo hẹp đi. Chồng tôi động viên, lúc nào thích viết cứ quẳng tất mọi việc đấy cho anh làm. Anh trông con, giặt giũ, đi chợ, nấu nướng… Các bà trong khu tập thể có trêu chọc anh chỉ cười trừ. Cuộc sống khó khăn, anh tự bỏ hết thói quen cà phê sáng, thuốc lá, thuốc lào…

                                                                     ***

Ông tổng biên tờ văn nghệ tỉnh gọi tôi đến đưa trả bản thảo:

- Hừm! Viết thế này chưa được. Phải sửa!

- Sửa ạ?

- Ừ, sửa!

- Nhưng…

- Chả nhưng gì cả. Muốn móc túi thiên hạ mua tờ báo thời buổi này không dễ đâu cậu ạ. Có ái gì nói tất tần tật ra, không tra mắm muối mì chính thì ai cũng thành nhà văn được à? Thôi… cố gắng nhé!

Sửa. Thì sửa. Nhưng sửa thế nào? Tôi dậy sớm bật đèn chụp lên định mang bản thảo ra sửa. Tiếng cô Toái vợ đằng kia gọi chồng. Cô hò như hò đò. Tội nghiệp, chắc tối qua về muộn quá. Cô con dâu bà Loan dọn hàng ra chợ dưới tầng một cứ huỳnh huỵch ra vào. Ai đã rao bánh sớm thế… “Ai mì dợm bao chưng rán dợm tẻ gai chuối dầy nào… bánh nóng đâ…â…y”.

Cũng trên tầng hai này có một ông họa sĩ, ông để tóc dài, chải ngược ra đằng sau. Ông sống độc thân, chẳng quan hệ với ai trong khu tập thể. Cũng chưa mời ai đến nhà mình. Ông ít ra khỏi nhà, trừ hai bữa cơm. Trưa, chiều, ông chụp cái mũ phớt dính nhem nhuốc màu vẽ lên đầu ra phố ăn cơm bụi. Ông cũng thỉnh thoảng có khách. Toàn khách phụ nữ. Trẻ có, trung trung có, nhưng phải nói ai cũng đẹp. Họ đến người không, khi về cũng vậy. Bọn trẻ con hay nhòm qua khe cửa rồi thì thào vào tai nhau cười phá lên ra chiều khoái chí lắm. Chúng bảo trong nhà ông họa sĩ có cô gái cởi trần. Nhưng bọn trẻ nhòm mãi rồi cũng chán. Chúng bảo ông họa sĩ chẳng làm gì cả mà cô gái cũng thế. Chỉ vậy thì chả có gì đáng để ý nếu như không có một ngày ông Dương không lôi xềnh xệch ông họa sĩ từ tầng một lên cầu thang. Vừa đi vừa đấm bùm bụp. Theo như ông Dương thì ông bắt quả tang ông họa sĩ với cô Hằng vợ mình đang tòm tem nhau ngay dưới gầm cầu thang. Tong ông họa sĩ thật tội nghiệp, đã lẻo khoẻo lại bị đấm nữa, ông xanh như con nhái bén. Mọi người không kịp can thì thế nào ông cũng được nằm viện vài ngày.

Cô Mẫn vừa băm thịt vừa hỏi với sang bà Hiền:

- Cái Thảo có người rồi đấy hả bác? Trông cu cậu cũng sáng sủa khôi ngô đấy chứ!

- Vâng… bà Hiền tủm tỉm – Cháu nó đang học Đại học Kiến trúc, cũng sắp ra trường rồi.

- Trông cô cậu rõ đẹp đôi. Nghề Kiến trúc bây giờ có giá lắm, sau này bà Hiền tha hồ nhờ… - Mấy người bên cạnh đế thêm.

- Tôi chả cần. Cô cậu ấy tự lo được cái thân đã phúc lắm rồi.

Chẳng biết cái anh sinh viên Kiến trúc ấy có phải là anh chàng tôi gặp đang hôn cô Thảo tối hôm nọ không nhỉ? Đi qua tôi còn thấy nóng đỏ bừng cả mặt mà họ cứ tự nhiên như không vậy thôi.

Ngày chúng tôi yêu nhau chẳng bao giờ dám hôn nhau lộ liễu vậy cả. Bố tôi nghiêm khắc lắm. Cụ ngồi đọc báo trên chiếc ghế đẩu ngay cạnh cửa, nhưng thỉnh thoảng vẫn nhìn hai đứa qua cặp kính trễ xuống sống mũi, “e hèm” lúc thấy cần thiết làm chúng tôi vừa sợ vừa buồn cười. Anh ngồi đến đúng chín giờ, ấm chén trên bàn vẫn sạch bóng. khoanh tay chào bố tôi nhận ở cụ câu “không dám!” rồi về. Tôi chỉ dám đưa đến cửa. Cưới nhau xong hai đứa dắt díu nhau về khu tập thể…

Không biết có phải tại hộp sữa quá hạn không mà cu Tuyên bị đi tướt mấy ngày liền. Đánh vật với con, cu Tuyên khỏi bệnh thì tôi ốm. Thể chất của tôi vốn thế, dính vài giọt mưa là có thể nằm mất vài ba ngày. Tội nghiệp chông tôi, anh cứ bấn lên với don dẹp nhà cửa, bếp núc, trông cu Tuyên… Tôi bảo anh đi kiếm mấy lá trầu không với chén rượu về đánh cảm, long ngóng mãi chẳng biết đánh thế nào lại phải nhờ chị Mẫn. Chị Mẫn làm cùng cơ quan với chồng tôi, chồng chị trước lái công nông rồi nghiện hút đến bán cả xe, tống tất vào nỏ điếu. Nghe chồng tôi hỏi nay em thích ăn đậu luộc hay rán, chị bảo “hiếm thấy có người như chú ấy. Sướng nhất cô đấy. Nghèo một tí mà biết chung lưng đấu cật thì sóng gió gì cũng qua khỏi. Chả như tôi…”. Giọng chị đã nghèn nghẹn. Chồng tôi chẳng biết có nghe thấy không. Anh vẫn đang nựng con, thằng bé cười khanh khách.

Nằm gối đầu lên tay anh, tôi nắm nắm mấy cái xương sườn của chồng đùa “ra chợ nhớ tránh xa mấy hiệu thuốc bắc nhé. Em sợ người ta mang anh đi nấu cao lắm”. Anh cười bảo: “Đừng có chê. Vậy mà khỏe lắm đấy, em có thấy anh ốm bao giờ không nào!”.

Lúc chập tối bà Hiền sang mời hai vợ chồng chủ nhật này dự đám cưới cô Thảo. Tôi vẻ mừng hỏi:

-Cậu ấy ra trường rồi à bác? Đã xin việc ở đâu chưa ạ?

- Cậu nào cơ? A anh Tiến hả, Còn nữa năm nữa, nhưng ra trường chả dễ kiếm được chổ làm đâu cô ạ.

Vậy ra cô Thảo không lấy cậu thanh niên đẹp trai ấy. Cô lấy một anh ở phố trên “có hàng đồ điện tử lớn lắm” – Bà Hiền bảo vậy, vẻ mãn nguyện. Tôi đâm ra cứ băn khoăn, chả biết con bé xinh xắn ấy có được yêu không” còn chồng tôi thì bảo “Lại đi bay mấy hộp sữa dinh dưỡng của con trai bố rồi”.

Tiếng reo hò đập bàn đập ghế của đám thanh niên xem bóng đá từ tầng trên dội xuống làm cả ba bố mẹ con chẳng ngủ được. Cu Tuyên thò tay vào áo mẹ đòi sờ ti… Tôi đã ngỉ mai đi làm ghé vào hội văn nghệ bảo ông tổng biên tập rằng cái truyện ngắn ấy tôi chả sửa được đâu, ông có dùng thì dùng. Chồng tôi lục đục dậy “hai mẹ con cứ nằm đấy, anh tranh thủ xuống bể giặt giũ kẻo ngày mai hết nước” đã khuya lắm rồi còn gì. Hàng xóm hình như cũng còn thức cả.

                                                                                                   Đ.B.T

Đỗ Bích Thúy
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 68 tháng 05/2000

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

18 Phút trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground