Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những sợi tóc

A

nh bảo đàn bà hay ngồi gấp áo quần một mình giữa đêm khuya thì sẽ khổ. Em chưa thành đàn bà, nhưng cũng không còn thời thiếu nữ. Chẳng biết mình có khổ không mà đã thấy nhiều cái kết hiện ra trước mắt, nào lâu la gì. Chỉ “cái kết” giữa anh và em là vẫn không đâu vào đâu. Có gì mà kết. Biết thế nào mà kết. Không đầu tiên, cũng chẳng sau cùng.

Em là một người biết chi ly đong đếm, đặc biệt với thời gian. Em đong đếm chính xác và cẩn trọng chín năm chín tháng mười hai ngày quen biết, kể từ lần gặp anh đầu tiên.

Ngày đó, em hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi, người ta ngây ngô lắm. Và hồn nhiên, và vô tư đến khờ dại. Bây giờ có lẽ em vẫn ngây ngô, vẫn hồn nhiên, nhưng không còn cả tin nữa. Khi người ta không còn cả tin thì ngây ngô hay hồn nhiên đều vứt. Bây giờ, em hồ nghi mọi thứ. Nhìn đâu cũng thấy người xấu. Nhìn đâu cũng thấy đàn ông một duộc với nhau. Nghĩa là toan tính đặt bẫy em, đánh úp em, vờn bắt em, cứ như em là thỏ. Ở cái tuổi này, không nghi kỵ không được. Không nghi kỵ thế, hẳn em đã lấy chồng. Suốt ngày vật lộn với thời gian. Suốt ngày quằn quạc giá chợ búa, bếp núp; và uỳnh uỵch áo quần cho một ông chồng, một lũ con nhút nhít. Không chừng lại trở thành một mụ đàn bà suốt ngày cẳm rẳm cảu rảu với chồng con, có khi lên lớp quên cả đeo nịt vú cũng nên.

Nghĩ thế mới thấy may. May em chưa lấy chồng. May em chưa thành đàn bà. May em chưa yêu ai đến mức đảnh đờ gật đầu lấy một chàng trai cù rờ cù rần nào đó. Nhưng trong cái may đó lại có cái rủi – ai đã nói vậy. Cái rủi của em có phải là anh, là chín năm cả tin không kết thúc, là đám cưới cười ra nước mắt trong tim em ngày anh lấy vợ hay không.

Anh lấy vợ vào ngày 27/7 Âm lịch, đúng vào ngày sinh nhật em. Cũng đúng vào ngày cuối cùng của mùa Ngưu Lang, Chức Nữ gặp nhau. Em vẫn có tật hay lấy người ngẫm mình, bởi thế mà thương vợ chồng Ngưu khóc sướt mướt. Rồi phóng xe ào ào trong mưa. Vuốt mặt. Cười rã rượi.

Ngày đó, em vẫn còn ngây ngô. Đã có lúc dám nghĩ mình sẽ thắt cổ tự tử trong thành phố, tự tử là chuyện cơm bữa. Thất tình, vỡ nợ, ly hôn, thi trượt…trăm ngàn lý do làm người ta muốn tự tử. Nhưng chẳng mấy ai chết thành công. Cứ như em ấy… Anh cưới vợ rồi em vẫn sống nhăn răng. Có lúc ngồi nghĩ lại, cũng không hiểu được mình nữa. Hay là trong tình yêu, người ta không yêu nhiều như vẫn tưởng.

Hồi đầu, chỉ nghe nhắc đến tên vợ anh em đã dị ứng. Mãi sau quen lại đâm thấy hay hay. Em không đem được đến cho anh thứ gì. Không tiền của. Không nhà lầu. Không đảm đang. Không cả sự dịu dàng và chịu đựng đến khủng khiếp. Mà chị ấy lại có tất cả những thứ đó. Từ bé đến lớn em nào biết nhường nhịn ai. Không biết nhường nhịn, chiều chuộng thì làm sao biết ghen tuông ích kỷ. Ngay cả khi ở bên anh em cũng cứ tồ tồ cạc cạc như thằng con trai kỳ vỡ giọng. Em chỉ biết xọc những ngón tay thô ráp, cứng quèo của mình vào tóc anh, vò rối rít. Hay chỉ biết đặt tay của mình vào tay anh rồi lặng lẽ chờ anh đan từng ngón tay em xiết chặt. Nhưng anh chẳng bao giờ làm điều đó lấy một lần. Tay anh mềm, ấm và thon như con gái. Lần đầu tiên anh cầm tay em phát ngượng. Giờ thì đã quen. Sáu năm anh lấy vợ, em vẫn quen tay anh mềm và ấm, quen cả mùi hoi hoi sữa của của con nít (chắc là của con trai anh) sau này.

Đến bây giờ em và anh vẫn không có kết thúc. Em loanh quanh thu hẹp cuộc sống của mình. Anh đi theo quỹ đạo riêng. Thi thoảng gặp anh và chị vợ, em vẫn chào hơn hớn. Rồi anh đi. Em quay về, nhìn hai con búp bê anh tặng ngày sinh nhật đang chổng mông vào nhau giận dỗi. Cười buồn.

Em vẫn giữ thói quen gấp quần áo vào nửa đêm khuya. Đã là thói quen thì cực kỳ khó đổi. Lâu lâu em lại xổ tung tủ áo quần, ngồi giữa đóng bề bộn ấy, thần mặt ra, rồi lẫn thẫn gấp gấp vuốt vuốt từng cái một. Nhiều khi đang gấp tiếng gõ cửa liền quýnh quáng tọng tất cả vào ngăn tủ, khóa chặt. Vào những giờ ấy, chỉ có anh. Em không biết bằng cách nào anh trốn vợ ra khỏi nhà được vào lúc đêm khuya. Anh đến, dù không để làm gì. Dù chỉ để tán phét, ba hoa. Dù chỉ để rình rình chộp tay em một lần hoặc im lặng chìa tay đợi em đặt vào tay mình vào đó (cái bàn tay chẳng bao giờ một lần xiết chặt). Rồi về. Em đã quen chấp nhận cách đến, cách đi ào ào như bão cuốn của anh, không thèm suy đoán. Mà suy đoán làm gì cho mệt xác. Em không còn biết cảm giác đợi chờ, mong mỏi thì suy đoán ích gì. Từ ngày anh có con trai, em đánh mất thói quen tự hỏi mình có yêu anh không, hay đến mức không thể nghĩ về một ai khác. Không có lẽ. Với em, anh như nước uống – không uống thì khát. Thế thôi. Đôi khi trong cuộc sống tồn tại nhiều cái ngu, người ta biết ngu đó mà vẫn làm. Thậm chí còn dâng hiến cả đời mình vì cái ngu đó với một niềm đau đớn ngấm ngầm, và thích thú nhấm nháp dư vị đau đớn đó của bản thân mình.

                                                                    * * *

Chiều nay anh lại đến. Vẫn ào ào như bão. Anh cùng một người bạn, cũng là bạn thân của em, lột quần dài ném lên bàn, nằm ường chờ xem em nấu ăn. Anh bảo: “Mực!” rồi chìa cho em tờ hai mươi ngàn xanh. Em cười. Dĩ nhiên là cầm. Hiểu nhau quá mà.

(Có lẽ vì những đĩa mực đặc biệt của em mà đi khắp gầm trời tìm chẳng ra nên anh không dễ dàng quên em được. Mực ống không bỏ nước đen, giã gừng tỏi gia vị, hấp lên… Dễ! Nhưng Restaurants lại không làm được – Vì có gì đâu, người ta chuộng hình thức nên chẳng bao giờ chẳng dám trình bày lên dĩa cái tin huyết ngọt ngào màu đen của biển).

Cầm chìa khóa xe anh, đề ga, em sực nhớ…Đêm qua em mới xếp lại tủ áo quần. Không những áo quqanf mà còn cả thư từ sổ sách. Có đến ba giờ sáng mới xong. Sách sổ không giá trị, đem cân giấy cũ. Thứ gì không muốn giữ: Đốt! Một số đồ không bán, cũng chẳng đốt được. Đó là di chứng của thời thiếu nữ khi tóc em còn dài, da em còn trắng, khi em còn sắc đẹp và trẻ trung làm giấy thông hành. Bây giờ em gần ba mươi tuổi. Da xuống cấp. Tóc cũng xác xơ, lại mắc bệnh mất ngủ. Số đêm ngồi lẫn thẫn xếp đồ như một bà già tăng lên bằng cấp số nhân…

Em nhảy xuống xe, chống chân, gọi bạn:

- Này, ra bảo!

- Gì!

- Thì ra đây!

Như một học trò lớn xác và ngoan ngoãn, cậu bạn thân kéo dép lê lẹt xẹt ra cửa. Anh ngồi trên giường, thõng đôi chân trần đầy lông xuống, cười. Chắc lại tưởng em mượn thêm tiền. Không hiểu sao chẳng thèm nói với cậu bạn một lời, em chạy vào nhà kéo chìa khóa ngăn tủ ra khỏi ổ, bỏ tọt vào túi. Anh nhìn, xẵng giọng:

- Này, đừng có lằm cái trò đó…

Anh biết trong tủ kia bao nhiêu là nhật kí. Em vẫn hay đùa mỗi cuốn nhật kí một cuộc tình.

Cười trừ.

Anh đứng dậy, xỏ quần. Anh không quay lại. Đĩa mực đen nằm trơ. Anh không biết trong cái tủ kia vừa có một cuốn sổ trắng tinh và những sợi tóc chớm bạc của một người đàn ông khác.

                                                                                                   L.T.M.Y

Lê Thị Mỹ Ý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 68 tháng 05/2000

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground