Cuộc thi Sáng tác và quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ở tỉnh Quảng Trị sơ kết đợt I vào dịp mùng 2/9/2009. Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều giới, nhiều ngành, của toàn xã hội vì Bác là lãnh tụ thiên tài của đảng Cộng sản và giai cấp công nhân Việt Nam, là danh nhân văn hóa thế giới, là người bạn cật ruột thân thiết của toàn thể nhân dân cần lao. Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã và đang xuất quân với các binh chủng hùng hậu như báo viết, báo nói, báo hình … Hội Văn học Nghệ thuật cũng đang ra quân với nhiều đội hình có nhiều lợi thế như Văn học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Nhiếp ảnh…trong đó Kiến trúc và Văn nghệ Dân gian, do tính chất đặc thù của chuyên ngành, tôi cứ nghĩ là khó có thể hưởng ứng tham gia cuộc thi về đề tài này một cách có hiệu quả. Nhưng đó chỉ là ngộ nhận ban đầu, khi đã bắt tay vào công việc thì kết quả có thể nói là hoàn toàn ngược lại mọi dự kiến.
Từ xa xưa, VNDG là những tác phẩm thơ ca hò vè, là thứ văn chương bình dân do các tầng lớp nhân dân lao động sáng tạo nên nhằm biểu lộ tư tưởng, quan điểm, tình cảm chung nhất của tầng lớp mình đối với một số vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống. Nó tồn tại, phổ biến, lưu hành trong nội bộ đời sống nhân dân. Về tổng thể, nó phóng khoáng, tùy hứng, không bị ràng buộc bởi khuôn thước nghiêm ngặt nào cả về đề tài, nội dung lẫn hình thức như văn học viết. Nó là sản phẩm mang tính tự phát của lòng người, tự sáng tạo, tự giải bày, tự hưởng thụ và vì thế phần lớn tác phẩm thuộc thể loại văn chương bình dân này chưa đạt tới trình độ mẫu mực nào, cái mà bây giờ ta gọi là đỉnh cao của văn chương bác học. Nhưng cũng như văn chương bác học, văn chương bình dân từ khi có Đảng, có Bác Hồ chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam, đã chuyển định vào mục đích chung là phản ánh công cuộc kháng chiến. Tất nhiên là văn chương bình dân biến chuyển chậm, không ồ ạt về mặt chiều kích và nội dung cũng không khúc chiết như văn học thành văn. Nhưng dù sao đây cũng là một đặc thù rất đặc biệt, rất mới lạ của kho tàng văn học dân gian từ khi có Đảng, trong đó có một bộ phận, chủ đề giành riêng viết về đề tài Bác Hồ.
Những gì sưu tầm được trong một thời gian rất ngắn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị* chỉ cho phép chúng tôi đưa ra những đánh giá mang tính chất nhận diện, sơ bộ ban đầu. Hay nói khác đi là tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh được thể hiện qua lăng kính văn chương bình dân (VCBD) nó như thế nào mà thôi.
Như đã trình bày, VCBD mang tính tự phát, tùy hứng…vì vậy nó không hệ thống, khúc chiết, triết lý triết luận như văn chương bác học. Ngoài khả năng thích ứng và sáng tạo đến kinh ngạc của sự vận dụng thể loại, sự kết hợp tài hoa mọi hình thức thể hiện giữa thơ với nghệ thuật biểu diễn như tấu, vè, hát nói, dân ca; lồng ghép nội dung lẫn hình thức giữa cái gọi là “bình cũ rượu mới”ra, nó chỉ là thứ văn chương bình dân mộc mạc, dung dị nhưng lại là một món ăn nghệ thuật đặc sản, không thua kém gì cao lương mỹ vị. Chính những đặc trưng nghệ thuật vừa nêu, VCBD viết về đề tài Bác Hồ có sự gặp gỡ, tương tác gần như chồng khít lên rất nhiều đức tính, phẩm chất, cốt cách của Hồ Chí Minh vĩ đại. Đó là tư tưởng yêu nước thương nòi, khát vọng cao cả cháy bỏng giành lại tự do độc lập cho dân tộc…đã được các tác giả dân gian xưng tụng:
Từ nhà Rồng Bác đã ra đi
Bốn biển năm châu “tìm hình của nước”
Ba mươi tư năm chỉ một điều mong ước
Dân ấm no, nước độc lập hòa bình…
Tư tưởng bác ái nhân văn của Bác không chỉ cảm hóa mạnh mẽ đối với kẻ thù thực dân xâm lược mà ngay những kẻ đối lập với giai cấp cũng phải tôn kính. Lòng nhân ái mênh mông của Bác không chỉ tỏa sáng mà còn tranh thủ được sự đồng tình của mọi tầng lớp, giai cấp, mọi dân tộc, tôn giáo… quay về với chính nghĩa, với cội nguồn dân tộc. Và hơn ai hết các tầng lớp nhân dân lao động là những người một lòng một dạ sắt son với Đảng, với Bác Hồ. Đây là tấm lòng của những người vợ bờ Nam có chồng tập kết:
Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn
Dạ lại dặn dạ dù đá nát vàng phai
Dù cho trúc mọc thành mai
Em đây quyết một lòng một dạ không theo ai
mà chỉ theo Cụ Hồ.
Và còn đây nữa niềm tin sắt đá của bà mẹ miền Nam khi biết chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm và Mỹ ngụy cố tình chia cắt đất nước, các mẹ vẫn một dạ sắt son:
Bấm tay mạ nhớ ngọn ngành
Hai mùa lúa chín con mình về đây!
Đêm đêm mạ nhớ tỏ tường
Ngàn năm mạ nhớ công ơn Bác Hồ
Tuổi cao mắt mạ có mờ
Dằn lòng son sắt mạ chờ Bác vô
Đêm đêm nhẩm đọc i tờ
Cầu sao viết được chữ Hồ Chí Minh
Nêu lên lá phiếu đinh ninh
Khắc sâu trong dạ mối tình Bắc
Đạo đức Hồ Chí Minh còn là lòng nhân ái thương yêu con người, coi trọng nhân phẩm, vì sự phát triển tự do và cơm ăn áo mặc cho người dân lao động:
Bác đi khắp mọi nẻo đường
Cùng dân tát nước lội mương thăm đồng
Bác về dân được ấm lòng
Tặng già vải lụa, nhi đồng áo hoa
Hàng tiêu, vườn chuối, luống cà
Có tình Bác đến nở hoa bốn mùa…
Bác là sự chắt lọc và tỏa rạng những tinh hoa truyền thống văn hóa của gia đình, quê hương xứ Nghệ, của cả dân tộc và nhân loại. Nhân dân ta vốn đã bình dân, khiêm tốn, giản dị nhưng luôn luôn học hỏi đức khiêm tốn, giản dị của Bác để xứng đáng là người con, người học trò của Người:
Ngôi nhà sàn Bác màu son
Cây xanh ôm bóng núi non thuở nào
Vẳng đâu tiếng guốc bên bờ
Bên song cửa sổ, rèm mờ bụi sương
Bác đi để lại tình thương
Mênh mông đất nước, vấn vương bóng hình!
Bác Hồ tuy đã đi xa, nhưng tư tưởng, tình cảm và những phẩm chất tốt đẹp của Người luôn luôn hiện hữu trong nếp nghĩ, cuộc sống thường nhật của người dân, gần gụi thiết thân đến nỗi chính họ nghi ngờ cả cái sự “đi xa” rồi của Bác: Ai bảo rằng Bác đã đi xa/ Dưới bầu trời tháng tám Bác đội mưa đi chống lụt/ Dưới nắng hè tháng tư Bác chống hạn đào mương…Bác là bậc Thánh, vị Tiên nhưng chẳng khác gì lão nông tri điền: Vườn xanh trái chín nặng cành/ Nghiêng soi bóng nước long lanh mây trời/ Bóng ai như Bác đâu đây/ Người đang gieo hạt, ươm cây, tỉa cành…Hay:
Bác chăm ao cá, xới vườn cây
Trắm chép lưng hườm, chuối trái sây
Đón xuân thu hoạch Bác chia khắp
Ý nhắc nuôi trồng phải góp tay!
Và còn bao nhiêu bài học quý giá khác mà vị cha già dân tộc đã nêu gương, nay nhân dân ta nhắc nhủ nhau học tập, làm theo theo cách riêng của mình. Nói có sách, mách có chứng- học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, người dân lao động thường trích dẫn, nhắc lại lời dạy của Bác ở vấn đề mình quan tâm và sáng tạo hơn là biết phát triển nó lên rất cụ thể. Đây là bài học đại đoàn kết: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong/ Lời Bác tạc dạ ghi lòng/ Ý Đảng lòng dân mà hợp lại thì lấp biển dời non cũng thành.Hoặc: Cụ Hồ với dân/ Như chân với tay/ Như chày với cối/ Như cội với cành/ Toàn dân dốc một lòng thành/ Làm tròn nhiệm vụ đáp tâm tình Bác mong!
Và đây là bài học “vì lợi ích mười năm trồng cây”: Nhớ lời Bác tết về không hái lộc/ Ghi ơn người xuân đến lại trồng cây… Hoặc đây nữa bài học CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH: Đảng viên phải CẦN, nhân dân phảiKIỆM/ Cán bộ LIÊM CHÍNH là việc phải làm/ Quyết tâm quýet sạch lũ tham/ Để cho dân giàu nước mạnh an khang mọi nhà…
Như đã nói từ đầu, công trình này do cá nhân một người sưu tầm trong thời gian nửa năm** nên chưa thể gọi là tổng kết được. Một vài trang đánh giá sơ bộ chỉ là phác thảo, nhận diện bước đầu nhưng nó đã và đang hé mở ra nhiều nội dung phong phú, đa dạng và thiết thực như mục đích yêu cầu của cuộc vận động và cuộc thi Sáng tác và quảng bá tác phẩm Văn học nghệ thuật và Báo chí theo chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chúng tôi coi đây chỉ sản phẩm Sơ kết đợt I, và chờ đợi kết quả sưu tầm, đánh giá tiếp theo của tập thể 7 tác giả thuộc Phân hội Văn nghệ Dân gian Quảng Trị đang tiếp tục thực hiện giai đoạn II. Để kết thúc, tôi xin mượn lời của dân gian ta vừa sáng tạo ra rất gần đây nhằm hưởng ứng cuộc vận động lớn của Đảng ta, rằng tinh thần nó rốt ráo, thiết thực và cụ thể như vầy:
Học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vĩ đại
Ta phải bắt đầu từ công việc nhỏ mà hiệu quả thật cao
Chớ nên chạy theo phong trào
Làm công việc lớn, chất lượng không cao
thêm tốn hao của tiền!
Cái gốc dân gian (nhân dân) bao giờ cũng vững chải và vĩ đại như Đảng và Bác Hồ từng đánh giá. Họ tuy chân lấm tay bùn, còn đầu tắt mặt tối, mộc mạc chân quê nhưng không phải vì thế mà không trí tuệ và sâu sắc. Ta thử hình dung cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh mà không có lực lượng đông đảo nòng cốt này tham gia thì nó trống vắng như thế nào? Và rất may là trong tay họ có cái diễn đàn muôn thuở là VCBD, văn nghệ dân gian nên đã góp vào cuộc vận động tiếng nói gốc sâu rễ bền, nặng nghĩa nặng tình với Bác mà đích thực, cụ thể. Quả là dân gian đến với đề tài Bác Hồ tự nhiên như sông về với biển cả:
Bến lại về thuyền, cành liền với cội
Quê hương tưng bừng mở hội hoa đăng
Mừng bốn mươi năm cháu con làm theo di chúc
Ngời trang sử Đản và rạng sáng danh Bác Hồ…
Y.T