Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Về hình tượng Bác Hồ trong sáng tác của tôi

Tôi không có hạnh phúc được ở gần Người. Lần đầu tiên gặp Bác, là trong lớp học cán bộ tiếp quản Hải Phòng tại Hà Nội năm 1955. Bác đến rất “bất chợt” và đi cũng rất “bất ngờ”, đến những kẻ “ranh ma” như tôi cũng không đoán trước được.

Lần thứ hai được gặp Bác là sau tiếp quản Hải Phòng. Lần nay được nhìn Người gần hơn, kỹ hơn và được nghe Người dặn dò trực tiếp. Tôi nhớ hôm đó là hôm Bác Hồ họp với Thành ủy và những người phụ trách các cơ sở sau tiếp quản. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Thành ủy báo cáo tình hình, Bác nêu ngắn gọn một số nhận xét về ưu khuyết điểm trong công cuộc khôi phục kinh tế và bước đầu phát triển văn hóa đối với một thành phố mới giải phóng. Bất thình lình Bác hỏi:

- Chú nào phụ trách công tác thông tin tuyên truyền?

Tôi hồi hộp đứng dậy:

- Dạ thưa Bác, cháu ạ.

- Thông tin nhưng tin đã thực thông chưa?

Tôi ấp úng:

- Dạ thưa Bác, mới bước đầu thôi ạ.

Bác trìu mến:

- Phải làm nhiều hơn nữa. Khẩu hiệu còn ít lắm. Viết phải rõ ràng. Nhớ là viết để cho dân độc, dân hiểu. Đừng có “chua” lắm danh từ, ngữ nghĩa, chữ Hán vào, dân khó hiểu.

- Dạ thưa Bác vâng ạ.

- Thôi cháu ngồi xuống.

Rồi Bác nói sang chuyện khác. Đó có lẽ là lần đầu tôi được ngồi gần nhất và có dịp ngắm nhìn Bác lâu nhất. Chao ôi! Sao Bác giản dị và nhanh nhẹn đến thế! Lời nói, đôi mắt của Người mới hiền tư làm sao?

Trong giờ nghỉ thấy Bác rút ra một hộp thuốc lá “Trung hoa bài” và hút. Tôi và một anh bạn tò mò lên định xin Bác một người một điếu giữ làm kỷ niệm. Dường như đoán được ý đồ của bọn “cán bộ tinh ranh” này, Bác lặng lẽ cho hộp thuốc vào túi và nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Ngượng đến chín người, chúng tôi không dám ngỏ ý định của mình và rút lui có trật tự.

Sau này tôi còn được gặp Bác tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Bác đến thăm và phát biểu ý kiến ngắn ngọn cũng theo lối “bất chợt” đến và “bất chợt” đi như trước. Và đó cũng là lần cuối cùng.

Cuối năm 1966, tôi đi B. Mỗi độ xuân về phấn khởi bao nhiêu kthì đón thư chúc Tết của Bác thì đến 02. 9. 1969, càng đau xót bấy nhiêu và như sét đánh ngang tai, bủn rủn chân tay, tôi ngồi lịm giữa rừng già khi nghe tin Bác vĩnh vin ra đi…

* * *

Là nhạc sĩ, ai cũng muốn viết và viết hay về Bác. Nhưng ai cũng lắng vì thân thế, sự nghiệp, đức hạnh, tài năng của Bác quá lớn, mà sức suy tư của mình thì quá nhỏ và nghèo nàn.

Tôi đã từng nghe bài hát ca ngợi Lê nin, Mao Trạch Đông của Liên Xô, Trung Quốc, rất hay. Nhưng nếu viết về Bác theo cách ngợi ca như thế e khó đạt hiệu quả. Tôi cũng đã viết về Bác năm 1966 (lúc còn ở Hải Phòng) khi nghe Bác đọc lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước. Bài hát đó có tựa đề: “Lời Bác là lời nước non” được Hoàng Phú một ca sĩ quân đội đi học Liên Xô về trình diễn. Nhưng bài hát không có sức sống lâu bền, với những từ hoa mỹ và con khuôn sáo.

Khi nghe tin Bác mất, tôi cũng có viết một bài gián tiếp nói về Bác với đầu đề: “Nếu ai hỏi?”. Nội dung bài hát nói về một người mẹ già kiên quyết xông lên chặn giặc càn, thực hiện khẩu hiệu thi đau: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, biến đau thương thành hành động cách mạng” do Khu ủy Trị Thiên Huế phát động sau khi Bác mất. Nhưng rồi bài hát cũng đi qua, không để lại một dư âm nào. Nhiều lúc tôi nghĩ phải gác bút vì bất lực trong việc thể hiện một đề tài như vậy.

Cho đến đầu năm 1970, khi đi chữa bệnh, được nghe bài “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trn Kiết Tường, “Trồng cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận và “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh, tôi rất khâm phục vì đó là những bài hát để lại những ấn tượng sâu sắc. Từ trong những thành công của bạn bè, tôi nghiệm thấy mình viết về Bác chưa đạt vì chưa có cảm xúc thực, lại chưa có ngôn ngữ thể hiện thích hợp. Tôi chợt nghĩ phải nói cho được ngôn ngữ của nhân dân, vì Bác là nhân dân, Bác bình dị như một công dân bình thường và có lẽ nét vĩ đại nhất của vĩ nhân Bác Hồ chính là sự bình dị đó:

“Ôi Người cha đôi mắt mẹ hiền sao. Giọng nói Người không phải sấm trên cao. Thấm từng tiếng, âm vang lòng mong ước. Con nghe Bác tưởng nghe lờn non nước. Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…” (Tố Hữu).

Bác là một vị Thánh mà không là Thánh. Bác là một lãnh tụ mà không “lãnh tụ” vì:

"Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ”

(Tố Hữu)

Tôi tự xác định phải thực sự gắn bó với quần chúng, sống và rung động sự rung động của dân, thì mới viết được về Bác, vì Bác là hiện thân của quần chúng cần lao được giác ngộ và vươn dậy đấu tranh. Cũng từ đó, khi trở lại chiến trường vào mùa thu năm 1970, tôi đã thay đổi lối viết, đi sâu hơn vào khai thác các âm hưởng dân tộc, mà mở đầu đáng ghi nhớ là bài: “Em thương người trong Huế đấu tranh”. Với hiệu quả của bài hát, tôi vui mừng vì đã tỏ ra được một ngôn ngữ âm nhạc thể hiện phù hợp. Nhưng vẫn chưa có được một tác phẩm nào đọng lại và có giá trị về Bác, vì vốn hiểu biết về Bác còn quá ít. Phải đợi đến khi thống nhất đất nước, được ra Hà Nội công tác (1983), có điều kiện thăm lăng Bác, thăm chiếc nhà sàn đơn sơ, thăm hàng cây “xanh bốn mùa do Bác trồng, xem Bảo tàng Hồ Chí Minh”, về quê Bác, quan sát từng di tích: họp với các nhà Bảo tàng Hồ Chí Minh trong cả nước, thăm một di tích về Bác mà Bác chưa hề đến ở Long Đức, Trà Vinh, nhất là được nghe anh Vũ Kỳ thư ký của Bác kể cho nghe nhiều chuyện thì sự xúc động thực sự về đức hy sinh của Bác đã nhen nhóm trong tôi những nguyên liệu cần và đủ cho sự sáng tạo nghệ thuật.

Nếu “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu họ ví dặm” là một bài hát giàu suy tưởng, triết lý, do xúc động trước sự hưởng ứng nhiệt liệt của khán giả châu Âu với bài dân ca “Giận mà thương” do nữ ca sĩ Hồng Vân trình bày ở Mạc Tư Khoa mà có, thì phải đến cuối 1989, tôi mới thật nhập cuộc với đề tài về Bác. Thành thật mà nói, tôi rất lo lắng khi viết về đề tài này. Tìm cho mình nét riêng biết gì đây? Viết về Bác Hồ nên đi vào khía cạnh nào? Lãnh tụ hay công dân? Có đi vào đời thường không? Hư cấu hay không hư cấu? Về hư cấu, tôi tự giải đáp cho mình là không thể có bất kỳ một tác phẩm văn nghệ nào, không là hệ quá của trí tưởng tượng và sự hư cấu một cách nghệ thuật. Tôi nhớ Nguyễn Công Hoan có nói: “Viết tiểu thuyết là viết một câu chuyện bịa mà đọc nghe như thật”.

Về câu hỏi viết về vai trò lãnh tụ hay viết về cuộc sống đời thường của Bác, tôi suy ngẫm và mạnh dạn chọn cách thứ hai bởi hai lẽ:

Nếu viết về vai trò lãnh tụ đã có nhiều người viết rất hay. Đi vào khía cạnh này dễ trùng lặp và rơi vào keu gọi.

Ở khía cạnh viết về đời thường của Bác thì nhiều nhạc sĩ chưa khai thác được bao nhiêu. Nghe bài “Đôi dép Bác Hồ” tôi thật xúc động. Tôi quyết định chọn con đường này, vì có “đất” để sử dụng âm diệu dân tộc trong việc chuyển về những hành vi bình thương nhưng vô cùng cao cả của Bác.

Tôi lần lượt đi gặp các đồng chí ở gần Bác để hỏi chuyện. Các  anh Vũ Kỳ, Cù Văn Chước ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, Trần Viết Hoàn ở khu di tích Bác đã dắt tôi đi, chỉ cho tôi từng di tích của Bác trong Phủ Chủ tịch. Bùi Đình Hạ tạo điều kiện cho tôi xem những thước phim quay về sinh hoạt của Bác ở chiến khu: Bác đánh bóng chuyền, Bác hành quân, Bác tắm giặt ở suối. Tắm xong Bác lại tiếp tục hành quân. Bác vừa đi vừa nêu cao cây gậy mắc chiếc áo mới giặt để hứng nắng gió cho chóng khô. Đó là những hình ảnh cực kỳ chân thật và xúc động.

Từ những tư liệu đó, các bài hát: “Lời bác dặn trước lúc đi xa”, “Kể chuyện cây xanh bốn mùa”, “Thăm bến Nhà Rồng” lần lượt ra đời. “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” viết dựa theo một câu chuyện do anh Trần Viết Hoàn giám đốc khu di tích Bác Hồ thuật lại và chỉ cho tôi xem hàng cây Bác đã trồng. “Thăm Bến Nhà Rồng” bật ra sau khi thăm Nhà Rồng,  tâm sự với đồng chí phụ trách Bảo tàng, vừa nhìn Thủ Thiêm, Bến Nghé, vừa đặt ra những câu hỏi về Bác lúc ra đi tìm đường cứu nước như: Tàu đậu ở đâu? Bến tàu có nhiều dừa hay không? Có ai tiễn Bác không? Chắc là có tiếng còi tàu lúc rời bến? Và những câu hỏi đó, thường là không được trả lời chính xác. Tôi quyết định sử dụng lối kể chuyện để viết. Tôi rất thích thú với các nhân vật ông già cầm đàn đi hát rong trong phim thần thoại của Liên Xô, để kể những câu chuyện về đất nước, về anh hùng. Từ suy nghĩ đó, những ca khúc của tôi về Bác thường viết theo lối kể chuyện. Khi dàn dựng trên sân khấu ca nhạc, tôi chũng yêu cầu dàn dựng theo thể kể chuyện.

Kể chuyện, không về một Bác Hồ - lãnh tụ “đại chí”, “đại dũng”, “đại liêm”, không phải với khía cạnh nhà văn hóa lớn mà về khía cạnh một công dân Việt Nam, một người Cha, một người Anh sống gần gũi, dung dị trong tác phong, với một trái tim yêu nước và thương dân nồng nàn, bao la không gì so sánh được, qua những câu chuyện có thật về Bác.

Nếu như “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” muốn qua một câu chuyện để nhắc lại một di chúc không có trong di chúc chính thức của Bác, rằng “đã là người Việt Nam thì phải biết và yêu thắm thiết dân ca Việt Nam” thì “Kể chuyện cây xanh bốn mùa” lại dựa vào câu chuyện Bác đi tìm những loại cây không rụng lá, để cho người lao động phải bớt cảnh quét lá vàng vào những sớm mùa đông giá lạnh, nói đến trái tim nồng cháy yêu thương của Bác với những người lao động.

Có lẽ vì biết khai thác được những khía cạnh đặc biết về cuộc sống bình thường nhưng rất vĩ đại của Bác, mà một số bài hát của tôi “đứng” được chăng? Có lẽ biết dùng âm hưởng âm nhạc dân gian xứ Nghệ để kể chuyện nên đã đi vào lòng người chăng? Điều đó, còn phải đợi sự phán xét của công chúng và của thời gian. Riêng tôi, tôi viết từ sâu thẳm tấm lòng mình. Tôi viết từ sự rung động của trái tim và suy nghĩ của chính mình về Bác. Với những hình tượng bắt gặp ở Bác, được nhân dân Việt Nam chấp nhận. Tôi đã viết về Bác ở khía cạnh đời sống bình thường. Và phải chăng chính cuộc sống đời thường rất đỗi “nhân nghĩa” của Bác, đã tô đậm, làm sâu thêm cái vĩ đại của người anh hùng dân tộc, của nhà chiến lược vĩ đại về cách mạng Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của thế giới, người bạn kính mến của nhân dân bốn bể, năm châu...

T.H

 

Trần Hoàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Báo Quảng Trị tổng kết công tác năm 2024

19/01/2025 lúc 00:13

Sáng ngày 18/1, Báo Quảng Trị tổ chức hội nghị tổng kết công tác tuyên truyền, xuất bản năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang đã đến dự.

Ấm áp phiên chợ “xuân biên phòng - ấm lòng dân bản” năm 2025

18/01/2025 lúc 23:01

TCCVO - Ngày 18/01/2025, tại Chợ phiên biên giới Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo (BĐBP Quảng Trị) phối hợp với các đơn vị và chính quyền địa phương trên địa bản tổ chức Chương trình Chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng Dân bản” năm 2025 cho nhân dân hai bên biên giới. Tham dự Chương trình có đồng chí Thượng tá Hồ Phú Vinh - Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Trị, Đồng chí Trần Bình Thuận - Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, Thượng tá Phan Mạnh Trường - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng CKQT Lao Bảo.

Hội nghị Ban Chấp hành Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị (mở rộng) cuối năm 2024

18/01/2025 lúc 21:55

TCCVO - Sáng ngày 17/01/2025, tại Hội trường Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng phiên cuối năm 2024. Hội nghị có sự tham gia của các Ủy viên Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020 - 2025, đại diện các phân hội chuyên ngành; lãnh đạo Tạp chí Cửa Việt; chuyên viên Tổng hợp - Hành chính; chuyên viên theo dõi sáng tác, hội viên.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Trị gặp mặt báo chí Xuân Ất Tỵ 2025

16/01/2025 lúc 20:13

Sáng ngày 16/01/2025, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức buổi gặp mặt báo chí nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025. Tham dự sự kiện có đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, cùng lãnh đạo và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/01

25° - 27°

Mưa

23/01

24° - 26°

Mưa

24/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground