Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chân lý không lời

F

estival ở Huế với vợ chồng tôi thuần tuý là cuộc đi chơi, lễ hội chỉ là không khí. Tấm lòng, ý chí, nguyện vọng, mong muốn của con, dâu, rể là động cơ cũng là chút hạnh phúc riêng lẻ đan xen với ánh hào quang lễ hội toả rọi, chút âm ấm trong lòng, chút ngọt ngào len lỏi toả dần... Âu cũng là lẽ thường tình trong cảm nhận tính chất bĩ - thái.

Huế trong tôi - người Quảng Trị, thân thương quen thuộc như nó vốn vậy, tôi yêu cầu Trường Tiền, Thành Nội, khu Lăng tẩm, rừng Bạch Mã, biển Thuận An như yêu Cửa Tùng, Cửa Việt, Dốc Miếu, Nam Đông, Cồn Tiên; tình yêu ấy không chỉ là niềm tự hào địa phương mà đan xen từ trong xa thẳm của tâm thức tồn giữ niềm vui nổi buồn như một nhắc nhở, một trào dâng vô thức. Nam Đông, Cồn Tiên chỉ là cụm dân cư nhỏ, nghèo khó trái đường, đi qua không biết, dừng lại khó nhớ, nhưng nó sáng rõ trong tôi bởi nó là vùng đất thiêng, nơi chú tôi, ông Lê Bá Vận, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 95 đã ngã xuống trên đường đánh Tây, để lại cho gia đình và nhân dân ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế niềm thương tiếc khôn nguôi. Tôi yêu Thành Cổ, tình yêu ấy hình thành từ những ngày mặn chát mồ hôi, máu, khói lửa, đạn bom, chồng lên tất cả là nỗi kinh hoàng; tôi yêu Thành Cổ từ tính chất khốc liệt, bi thương lại rất đỗi hào hùng của nó, như yêu chính quê tôi làng Bích La Đông, nơi có những đêm mưa đông rộn ràng đèn đuốc đi bắt ếch trên cánh đồng lúa vại, tuy chưa xa nhưng chừ không còn cơ hội nữa. Tôi yêu chùa Từ Đàm, Thiên Mụ, yêu tiếng chuông khuya ngân vọng như yêu khu đình thờ, miếu vũ, mồ mả, cánh đồng làng, như yêu tiếng líu lo nồng nàn âu yếm lứa đôi của những con chim Rôồng Rôộc làm tổ trên ngọn tre cao. Huế đi vào tâm thức, tình cảm tôi từ những bình dị điệu ru trưa hè râm ran tiếng ve, bạt ngàn đồi thông thẳng tắp, đậm nhạt, lấp lánh, bất định như tự nó biết hoá trang, làm dáng, hiến dâng cho đời một cái gì của riêng nó, nhất là khi ngắm nhìn từ một ngọn đồi khác. Giữa màu xanh của cây lá, của mặt nước lửng lờ, tà áo trắng dịu nhẹ, thấp thoáng, thẹn thùng "Sợ lang quân em biết được", cái e lệ, bẻn lẻn của nón bài thơ mỏng manh, trong suốt, nghiêng che để Hàn Mặc Tử "Sương khói mờ nhân ảnh" là một bắt gặp thoáng chốc may mắn, đọng vào hồn thơ hoá thành thi ca muôn đời vang vọng. Những chùm dâu da mọng vàng, mũn mỡn, căng đầy hứa hẹn, e ấp nghiêng nhẹ ra đường lại gợi lên cảm giác khát thèm, háu ăn hơn bất cứ loại hoa trái nào thường gặp trên đất Huế. Tôi yêu cháo cá Diên Sanh, chè xanh Mỹ Chánh, nem lụi chợ Sải, bánh ướt Phương Lang xen lẫn cơm tấm Âm Phủ, bánh bèo chân núi Ngự Bình, chè trái - cũ Cồn Hến. Dẫu tất cả nó, dẫu chùm trái dâu da không phải là loại trái điển hình, cũng như khuôn mặt "Chữ điền" là một bắt gặp, một cảm nhận rất riêng của Hàn Mặc Tử. Một chiều quang mây, gió nhẹ, nữ sinh qua cầu Trường Tiền, thuở vắng xe cộ ấy, từ tả ngạn ngắm nhìn mặt nước sông Hương trong vắt, êm đềm, phẳng lặng, để mà... " Ô kìa chị Nguyệt...", để cảm nhận tính chất mong manh, sương khói, thực hư , diễm lệ, gợi lên từ tà áo dài lơi lả nhẹ bay, từ cô gái Huế thướt tha, chập chờn, thực ảo lẫn lộn, như từ trong Kiều đi ra " Sương in mặt tuyết pha thân - Sen vàng lững thững như gần như xa", để mà... một lần và mãi mãi. Sông Hương không có nhiều kỷ niệm như dòng Thạch Hãn, dòng Vĩnh Định, nơi tôi từng nô đùa, tắm mát, và cũng là nơi gắn liền tuổi thơ nhọc nhằn với những năm tháng còng lưng lấy nước lên đồng, chan mặn mồ hôi lên mo cơm nghèo khó, nơi máu lửa chiến tranh khắc sâu vào tâm khảm, nhưng sông Hương vẫn chia phần, lấn chỗ, và không biết tự lúc nào, nó tồn tại như một phần tự nhiên phải có. Huế, không có ranh giới trong tôi.

  Huế mùa lễ hội, ngày nắng đêm mưa, các hoạt động lễ hội lại thiên về đêm, thật bối rối, thật ngao ngán, thôi thì trùm áo mưa vào vậy, người xưa từng nói " Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả", hơn nữa đã lên đường không lẽ ngủ yên hay quay lại, đành hăng hái như tự động viên, như một niềm an ủi, dẫu sao đi trong mưa cũng có chút lãng mạn, góp vốn thăng hoa, lại hoà vào dòng người, có lẽ cùng tâm trạng, điều ấy đã được xác nhận, đám đông mỉm cười thân thiện, rõ ràng có sự đồng cảm.

  Không gian lễ hội khá rộng, không những đến tận đàn Nam Giao, đến tận Cầu ngói, mà còn cảm giác đến tận những quê hương xa xôi, các đoàn quốc tế. Niềm vui lâng lâng, sông Hương êm đềm, nước xanh trầm lắng như chấp cánh cho mộng mơ, tôi yêu những nghệ sĩ là các nhà điêu khắc đang cặm cụi trong lao động sáng tạo của mình, thành quả ấy sẽ rõ nét hơn khi nhìn từ một công viên sau lễ hội, tôi nghĩ vậy mà ngắm nhìn quả cầu bay lơ lửng trên cao, cháu tôi, anh Lê Nam - học hội hoạ, đang kinh doanh ngành Du lịch, khá thành đạt - tiếc hùi hụi, sao không bán vé cho khách yêu cái lơ lửng trên không trung ấy nhỉ. Trong guồng quay của thị trường các anh có nhìn thật là "thực tế", nhưng cũng hợp lý khi giải thích " các hoạt động lễ hội luôn luôn tồn tại song hành hai hình thái, một để quảng bá và một phải tận thu để nuôi cái quảng bá, hơn nữa phải gắn liền trách nhiệm của cả hai phía, công chúng - lễ hội, nhờ vậy lễ hội có cơ sở để lớn mạnh". Tôi có nhiều thiện cảm và thêm chút nể vì " ông cháu" này. Có cá tính rõ nét, đậm tính chất thực tế, nhưng lại bay bổng trong mộng mơ, mặt nào cũng gần với điểm cực đoan, tôi ở giữa hai đối cực ấy nên có khá nhiều điều để " đấu láo" cùng nhau.

  Buổi sáng đẹp trời, không mưa không nắng, đoàn rước đi qua, trang nghiêm, lộng lẫy, trầm hùng, bỗng thương mấy chú ngựa, một biểu tượng oai hùng, lãng mạn, hào hoa, luôn luôn sống động trong tâm thức, trong thi ca "Tuyết in sắc ngựa cầu giòn", gần hơn " Vó ngựa trập trùng lên ải Bắc", gần hơn nữa trong các cửa hàng tranh " Mã đáo công thành", thế mà trong đoàn rước Vua hồi cung lại thấy nhỏ nhoi, ốm yếu, tội nghiệp làm sao. Đâu phải vì mấy chú voi to xác lờ đờ, đâu phải vì đoàn tuỳ tùng đồ sộ dài hơn tàu lửa, một ý nghĩ cực đoan trỗi dậy, bùng phát, lẽ ra phải là ngựa, chính lực lượng xung kích mạnh mẽ này, không thể ai khác, làm nổi bật lễ rước Vua hồi cung.Bà xã tôi lại không quan tâm đến ngựa, mãi húc cùi " Kìa cái vòi ...", hầu như một bộ phận, một cử động nào của voi đều thu được sự quan tâm đúng mực, chung quanh cũng vậy, những tiếng đếm vang to, hai ông, bốn ông ... đủ nói lên điều đó. Sau này, trong lễ hội " Nhịp cầu xuyên á", nhớ đêm " Huyền thoại Trường Sơn", vào không được, về không xong, lộn đi lộn lại trên con đường non trăm mét, chợt thấy thương cụ Cường Để, đi vòng chữ "Khẩu" trên đất Nhật, chắc cũng tâm trạng bế tắc như mình, tiến thối lưỡng nan, bồn chồn, bực nhọc không biết đổ vào đâu, thật là phải đồng ngộ mới tương lân. Đoàn rước đông dài, người xem chật nghẹt cả hai vỉa hè, cảm giác bức rức lẻ loi, bà xã không nghĩ đến ngựa, đồng khí mới tương cầu. Uống tách cà phê, giá hai ngàn, tôi xúi dại, nhưng rất thực lòng, " Chị nâng giá lên chút đi, lễ hội mà", chút loé sáng niềm vui trong mắt chị, chị tiếp nhận ở kênh của lẽ yêu ghét, buồn vui thường tình. Từ chị lây qua, tôi may mắn bắt được nhịp vui cùng lễ hội, lại xông vào đám đông, xem đoàn rước dài hơn tàu lửa, định bụng ghi nhớ vài hình ảnh để kể cho bé út nghe, nó dại dột, tham gia lễ hội vào ngày khai mạc.

  Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi hoạ sĩ Lê Bá Đảng trưng bày tranh. Tôi gặp anh, tự giới thiệu nhận họ hàng, nghe từ Đông Hà đến, anh rất ngạc nhiên ngỡ đâu hải đảo xa xôi, thoáng chút không vui trong âm hưởng, hai mươi tám năm qua, anh về nước bao lần chừ mới gặp. Tôi cũng vô cùng ngạc nhiên pha chút ngỡ ngàng. Sao thế nhỉ? Chính tôi cũng không biết. Khi ngồi viết những dòng này trong thâm tâm vẫn chưa nhận diện, giải thích, nhìn thấy được... chỉ còn tự nhủ lòng đừng để tự xẩy ra lần nữa với ai đó. Thực ra, hồi anh về trưng bày tranh tại quê nhà, tôi có về, tự chìm vào đám đông vài ngàn người ấy, với ý định chưa nên làm bận rộn anh lúc này, chỉ mừng thầm " Tuổi cao nhưng linh hoạt, đi đứng thật khoẻ mạnh". Chừ gặp anh, đối diện cùng anh, tôi cũng không có cái gì để nói cả. Lại điệp khúc cũ " Vóc dáng, phong thái và nhất là dáng đi thật khoẻ mạnh". Trong bữa cơm trưa tôi nói lên nhận xét của mình, anh cười " mình miệt mài làm việc quên cả già", cháu tôi diễn dịch " Người nghệ sĩ cứ trẻ theo từng ý tưởng sáng tạo", điều này ngược với suy nghĩ của tôi, anh nhạc sĩ trẻ tôi quen, tóc lại bạc trắng, tôi "trách" tại chọn "sáng tác". Bữa cơm gia đình được hỗ trợ từ hào quang lễ hội vừa đầm ấm vừa rộn ràng. Vợ tôi nói khẽ " Chả ai biết gọi món ăn", anh tâm sự, đi khá nhiều nơi nhưng ăn ở quê mình thấy ưng ý nhất. Rõ khổ, xa quê hương lâu ngày, món ăn anh chọn... Âu cũng là một kỷ niệm.

  Tại phòng tranh, gặp Hoàng Phủ Ngọc Tường (HPNT), trước đây có nghe HPNT lâm trọng bệnh, rồi nghe đã vượt qua. Đối diện HPNT cũng nhận thức rõ điều đó. Từ lâu vốn có lòng quý trọng HPNT, khởi điểm từ huyền thoại những trí thức lên " Chiến khu", vào thời ấy là biểu tượng anh hùng cả trong ý thức, cả trong lãng mạn, được nhân lên, tô đậm bởi tính lén lút rỉ tai. Chụp chung cùng HPNT tấm hình, lòng rộn niềm băn khoăn, đa tài lắm bệnh nhỉ. HPNT cười cũng khó khăn, nói càng khó khăn hơn, viết thì thật là vất vả. HPNT vẫn cố gắng ghi vào sổ cảm tưởng. Thật là cái tình đối với Lê Bá Đảng.

  Lại chìm vào cái lan man của lẽ bĩ - thái. Bĩ cực - Thái lai. Đời người trong khoảng trăm năm, dù sâu lắng, dù sôi động cũng gập ghềnh trong quyền lực của bĩ - thái, hiện thân của cuộc sống.

  Bĩ và Thái là hai quẻ kép trong hệ thống 64 quẻ Kinh Dịch. Quẻ Thái trước, quẻ Bĩ sau, nhưng để phù hợp với tính chất lạc quan, tâm lý yêu thích kết cuộc có hậu, nên thường nói bĩ trước thái sau. Lẽ thực thì làm gì có sau trước. Đời người trên một trục thời gian, đi từ hôm qua " Sinh - Thành", đến ngày mai "Hoại - Diệt", hôm nay là cái "biến động" của cái hôm qua và cái ngày mai. Còn bĩ và thái lại là một phần cuộc sống của con người, trong bĩ có thái và ngược lại.

  " Mùa Xanh Muôn Một", là chủ đề, tên gọi, khẩu hiệu, ước muốn, điểm nhấn của phòng tranh. Tranh thì muôn màu. Phần lớn các bức tranh đều vẽ một dáng người ngồi tĩnh lặng, ở một số tranh còn có thêm hình chìm bên cạnh, góc ánh sáng nào đó thấy khá rõ, và cũng dáng ngồi tĩnh lặng. Tôi hỏi " Anh vẽ cái gì ", anh hỏi lại " Chú xem thế nào ", "Đẹp", "Thế là được", Anh nói thêm " ở Nhật họ thích lắm".

  Trong lời giới thiệu được phóng lớn:" - Không có ý đạo giáo... hay lý thuyết cao siêu. Nhưng nếu nói Phật Thiền thì đó là Phật Tính...", ở một đoạn khác: "Cũng không mỹ thuật cầu kỳ mà là một cảm giác thông thường, có thể làm vui con mắt, làm đẹp lòng người. Không chỉ thế, với những người thiếu may mắn, ốm đau, tinh thần bất hạnh có thể xem Mùa Xanh Muôn Một như một liều thuốc an thần, một niềm an ủi, tịnh tâm. mảng tranh hai mặt treo lủng lẳng, được giới thiệu: " Nếu nó đẹp thì cái đẹp này Mới, mà có xấu thì cái xấu này có vẻ Đẹp". Giới thiệu về tranh hai mặt này Thuỵ Khê viết: " hình thái ấy dấy lên cái gì bất định... Bởi nó biến dạng và di động không ngừng như cái tâm con người trong ngôn ngữ Thiền tông...". Chừng ấy lời giới thiệu cũng chẳng cho ta biết gì hơn về tranh, hãy trực tiếp xem lấy, tự cảm nhận, như Thuỵ Khê viết: " Lòng đến với lòng".

  Trong quyển sổ cảm tưởng tôi đọc được: " Cháu cảm ơn bác, cháu đau yếu dài ngày, cháu chán nản... nhưng khi xem tranh bác cháu thấy mình khoẻ ra, thanh thản lạ lùng". Điều gì giúp chị ấy? Thật lòng không biết. Cảm nhận tranh đến nhất tâm thế này chị đã góp phần tạo liên tưởng đến ý niệm " Tâm truyền tâm".

  Triển lãm tranh, thông thường nhằm quảng bá, bán tranh, trường hợp của anh không như vậy. Tôi nhớ câu thơ cổ, quên mất lời thơ, xin diễn ý: " Thiếp gọi người hầu vốn không có việc cần, chỉ mong chàng nghe được tiếng".  Đã có, ít ra là một người nhận được từ anh liều thuốc an thần, niềm an ủi, tịnh tâm. Anh đã thành công trong lòng công chúng.

  Gặp khá nhiều phóng viên, báo Viết, báo Nói, báo Hình đến phòng tranh, một nhận xét chủ quan, họ hầu như chỉ quan tâm sự kiện.

  Có cái gì hay hay, một nét tương đồng, một tính cách... giữa Thành phố và phòng tranh, giữa Huế và Mùa Xanh Muôn Một. Người ta hay nói: " Huế luôn luôn phô diễn vẻ ngoài bình lặng như ngầm che dấu sự sôi động dâng trào bên trong", tôi cảm nhận: " Mùa Xanh Muôn Một diễn dịch thế giới khách quan đầy sôi động, còn chủ thể nhận thức thật tĩnh lặng, hay chính sự tĩnh lặng ấy làm hiện rõ những xôn xao của muôn hình vạn tượng".

  Ngày chủ nhật phòng tranh khá vắng khách.

  Các đoàn Tây vào tham quan, đa số họ dừng lại khá lâu ở mảng tranh hai mặt, khổ nhỏ, treo lủng lẳng trên các cành cây. Anh nói: " Đây không phải tranh, cũng không phải tượng, tôi làm ra để người xem thấy vui mắt, thế là được". Nhận thấy cụm từ " thế là được " có tần số xuất hiện khá cao, âu đấy cũng là nét riêng duyên dáng cuả anh. Một nhận thức khác, là một danh hoạ,có đường hướng riêng đã được cả thế giới công nhận, giới thiệu về tác phẩm của mình thật là giản dị. Chân lý vốn không lời. Giản dị như " hạnh phúc" là một cảm nhận.

  Một tấm hình kỷ niệm bốn anh em - Bốn lão già. Các anh đùa để khi "ông" nào chết thì đánh dấu " nhân" vào đấy. Các bức tranh được xếp lại, lễ hội còn một đêm pháo hoa. Tấm ảnh lưu niệm gợi lên một cảm giác, ai được sự tĩnh lặng nhỉ? Hầu chặt đứt, phá bỏ, thoát ra ngoài tấm lưới bĩ - thái, để không còn cân, đong, đo, đếm - tịnh tâm.

                                                                                  L.T.T                    
  

 

Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 132 tháng 09/2005

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

9 Phút trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

5 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground