Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Chẳng biết tên gọi đậu hũ có từ bao giờ nhưng khi chúng tôi lớn lên nó đã có và gắn bó từ những ngày khó khăn lam lũ. Miền Bắc gọi là tào phớ, miền Nam gọi là tàu hũ. Dù khi chúng tôi đi xa, một vài địa phương trên khắp đất nước hình chữ S này, tên gọi đậu hũ có khác và khác cả về cách chế biến, hương vị nhưng chúng tôi vẫn không quên màu sắc riêng, tiếng rao vang vọng và nụ cười của mẹ - người đã tần tảo với quang gánh đậu hũ, cơ cực nuôi anh em chúng tôi trưởng thành.

Ngày mẹ theo ba từ miền Nam về miền Trung cát trắng, gió Lào làm dâu, mới đầu lạ nước, lạ cái, ngôn ngữ và phong tục của người miền Trung cũng khác lạ nên mẹ rất khó khăn khi tiếp xúc và giao tiếp với mọi người. Mặc dù đã trải qua nhiều nghề để mưu sinh ở miền đất lạ từ việc cày thuê, trồng trọt, chăn nuôi rồi buôn thúng bán buôn từ làng này qua chợ nọ nhưng vẫn không có một nghề chính để bám trụ. Nhiều lần ba mẹ bàn với nhau quay lại miền Nam lập kế mưu sinh để nuôi mấy anh em chúng tôi ăn học. May thay, mẹ nhờ một người chị hàng xóm bày cách nấu món đậu hũ, là món gia truyền của gia đình chị trước khi chị chuyển ra miền Bắc sinh sống. Mẹ nấu rồi gánh đi bán, được nhiều người khen ngon và lúc nào cũng bán hết sạch. Gánh đậu hũ đã  theo mẹ từ ngày đó.

Đậu hũ là món ăn dân dã, gắn bó  với tuổi thơ của nhiều người - Ảnh: I.T

Đậu hũ là món ăn dân dã, gắn bó với tuổi thơ của nhiều người - Ảnh: I.T

Mẹ gánh đậu hũ đi bán vậy mà đã hơn hai mươi năm, người ăn ít cũng là một lần nhưng người ăn nhiều chẳng nhớ là bao nhiêu lần. Mẹ chẳng nhớ mình đã đi qua bao nhiêu con hẻm, bấy nhiêu con đường vì mẹ bán đến đâu, hết đến đó. Miệng nói, tay này thoăn thoắt cầm chén và tay kia cầm cái gạt, gạt những lát đậu mỏng mịn vừa phải cho vào chén rồi thêm một muỗng đường và vắt một ít chanh, quậy nhẹ là có thể thưởng thức được. Cái vị ngọt dịu của đường, vị chua của chanh tươi và hơi nóng bốc lên từ chén đậu hũ vừa múc ra, khiến người ăn xuýt xoa vừa thổi vừa ăn. Chao ôi, nó đậm đà và thanh thoát biết bao. Nhìn thì đơn giản vậy đó nhưng cả một quá trình vất vả từ công đoạn chọn đậu nành, xay mịn cho đến ngâm đậu theo tỉ lệ riêng, rồi lọc kỹ và nấu để tạo ra khối đậu hũ núng nính đạt chuẩn. Mỗi gánh đậu hũ của mẹ hoàn thành để đi bán được ngoài sự tỉ mỉ, cần mẫn và những giọt mồ hôi, nước mắt còn có cả sự kỳ vọng thành công. Mặc dù, tay nghề đã thuần thục nhưng chỉ cần sơ suất một công đoạn nhỏ, coi như gánh đậu hũ đó bỏ đi. Mẹ nói, bí quyết để làm ra món đậu hũ thơm ngon là tỉ lệ hợp lý giữa đậu và nước, chính xác bao nhiêu thì tùy kinh nghiệm mỗi người.

Những ngày thời tiết nắng nóng cao độ ở miền Trung, ăn một bát đậu hũ là đúng “bài”, người khỏe và khí thế hẳn lên. Nhiều người nhận xét, vị đậu hũ mẹ làm không thể lẫn với hàng quán nào khác, đã ăn là nhớ mãi. Nên đã tốn công ghé hàng của mẹ thì phải ăn hai đến ba chén mới đã miệng.

Tôi còn nhớ như in, trước đây, một chén đậu hũ chỉ năm trăm đồng. Lúc đó mấy đứa trẻ con trong xóm xin mẹ một ít tiền lẻ để nghe tiếng rao văng vẳng “đậu hũ đây” là tụi nhỏ ra đứng trước cổng chờ sẵn. Những trưa trời nắng nóng, các cô chú đi làm đồng về, ghé gánh đậu hũ của mẹ làm một chén thanh mát rồi mới chịu về nhà. Những lúc ấy, mẹ múc không kịp trở tay nhưng không bao giờ mẹ để cho mọi người chờ lâu. Mặc dù thoăn thoắt là thế nhưng khi nào mẹ tôi cũng cười tươi và hỏi han đủ chuyện với các cô chú.

Gánh hàng của mẹ có hình dáng rất đặc trưng. Gánh đằng trước gồm ba tầng: tầng thứ nhất là thau nước rửa, ướp nước dứa và vài lát chanh, tầng thứ hai đựng chanh, đường, tầng thứ ba là hộp đựng tiền, được mẹ “che chắn” rất kỹ càng, trên cùng là mấy cái chén sứ trắng phau nằm ngay ngắn. Gánh đằng sau là chum đựng đậu hũ được đậy kín để giữ cho đậu hũ luôn nóng hổi. Món ăn đặc biệt nên công cụ lao động cũng được “thiết kế” rất sáng tạo. Ngày nay, đậu hũ được người ta cho thêm hạt trân châu, nước cốt dừa và đường đen nhưng gánh đậu hũ của mẹ vẫn giữ hương vị truyền thống đặc trưng. Ngày nào không nghe tiếng rao của mẹ và không được ăn đậu hũ của mẹ thì người dân trong xóm nghèo như thiếu đi một thứ gì đó. Nhiều người ăn miết thấy nghiện, thấy thèm.

Gánh đậu hũ của mẹ đã gồng gánh cả gia đình qua những tháng ngày vất vả. Có những lúc tưởng chừng mẹ bỏ ngang, nhưng vì chúng tôi, vì cơm áo gạo tiền hằng ngày cộng thêm ý chí và sự quyết tâm, mẹ đã theo nó đến tận bây giờ. Sau những ngày bận rộn lo toan với bộn bề công việc, tôi chỉ mong về nhanh với gia đình để được sum họp, chuyện trò và đặc biệt hơn là để thưởng thức món đậu hũ của mẹ. Gánh đậu hũ của mẹ không chỉ đơn thuần là ký ức tuổi thơ của riêng tôi mà còn là nỗi nhớ của bao người xa quê. 

N.V.N.T

 

NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH (Trường THPT Vĩnh Định, Triệu Phong, Quảng Trị)
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 356

Mới nhất

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

6 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/11

25° - 27°

Mưa

25/11

24° - 26°

Mưa

26/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground