Miền nhớ thôi thúc họ khép lại những căn phòng ở trọ quanh năm, lỉnh kỉnh nhiều hành lý lao vội về phía những ga tàu, sân bay, bến xe. Đâu đó trên đường về, nhà nhà đã nghi ngút khói hương, phất phơ những đám tàn tro của vàng mã vừa dâng hóa. Cứ thấy dạ ngậm ngùi, thấy cay cay mắt, mới biết rằng Tết là của sum vầy để kết nối sự ấm cúng, linh thiêng giữa người sống - người đã khuất. Nghe chữ “về” bỗng thấy lòng tỏa sáng, thấy trời tỏa nắng, thấy sốt sắng được đặt ngay bước chân mình lên lãnh thổ chốn quê nhà (ở đó, có thể là thành phố, thị trấn nghèo, vùng nông thôn hẻo lánh của rạ rơm, khói đốt đồng, kênh rạch). Về để được đốt những bó nhang thơm lên bàn thờ tiên tổ, lên những mộ phần ở nghĩa trang gia đình. Thấy nắng phai, gió cũng phai theo nắng, như kiểu của đất trời vũ trụ đang đánh dấu vừa hết một năm.
Ảnh: Cáp Lộc Hàn Vũ
Về, bỗng thấy buồn, thấy xót xa cho người ở lại. Nơi ấy, bên căn nhà nhỏ nơi chung cư thành phố, có người tựa cửa nhìn theo. Giữa dòng tấp nập ngày cuối năm, họ đang hướng mắt xa xăm về phía ga tàu, về bến xe miền Tây, miền Đông, miền Bắc (ấy là tôi hình dung vậy). Đã đôi lần của chiều ba mươi Tết, khi nghe được giọng khóc, tiếng người gọi về qua điện thoại “mạ ơi, con nhớ nhà quá...”, chợt thấy tim mình nhói đau, chợt thương nhiều, thấu hiểu nhiều vì chốn về thăm thẳm.
Về, vừa kịp ấm trong vòng tay người thân, ấm trong bữa cơm ngày cuối năm đông đủ, buổi cà phê sáng cùng bạn bè bên phố xưa với câu chuyện, tiếng cười mãi không tan… rồi lại bịn rịn khăn gói lên đường.
Thành phố của chốn mưu sinh lập nghiệp chỉ đẹp, chỉ yên ắng, tản nhàn chừng ba ngày Tết thì người về không nhìn thấy. Đón tất thảy quay trở lại thường là gương mặt của phờ phạc, mệt nhoài. Họ mở cửa, nhìn xuống những con đường đông đúc, dòng sông chật hẹp, những ban mai đầy khói bụi, ồn ã náo nhiệt, không nền nã, không dịu dàng như quê trong ngày Tết.
Đằng nào cũng vậy, người ở hay người về đều có nỗi niềm nơi xứ xa…
N.T.N