Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cảm ơn cô Hiệu trưởng "quốc dân"

Những ngày đầu bước vào cánh cổng trường THPT Hướng Hóa, tôi không thể nào quên được cảm xúc của mình lúc ấy, vừa vui, vừa hạnh phúc nhưng cũng không kém phần hồi hộp, lo lắng khi gặp nhiều bạn bè, thầy cô mới.

Ngày khai giảng tại ngôi trường mới, tôi đã rất vinh dự khi là một trong năm học sinh có điểm xét tuyển cao nhất và được nhà trường trao tặng học bổng, đó là khởi đầu tuyệt vời, là sự động viên mà trường THPT Hướng Hóa đã gửi gắm đến tôi trong những tháng ngày bỡ ngỡ. Có lẽ ngay từ đầu đã có một chút gì đó thật tự hào nên những năm tháng ở dưới mái trường này, tôi hạnh phúc khi hiểu được giá trị của bản thân.

Lần đầu tiên cô Nguyễn Thị Thanh Nga xuất hiện trước mắt chúng tôi với tà áo dài thướt tha truyền thống, một nụ cười ấm áp và ánh mắt trìu mến. Dường như lúc này, tôi đã cảm nhận được một chút gì đó từ cô, cô không phải là kiểu mẫu hiệu trưởng mà bấy lâu nay tôi và các học sinh khác “gắn nhãn”. Với dáng người xinh xắn, gương mặt rạng ngời, cô Nga luôn thân thiện, yêu quý đồng nghiệp, các em học sinh như người thân trong gia đình. Là người luôn say mê tìm tòi những giải pháp để đổi mới sáng tạo, xây dựng nên một “ngôi trường hạnh phúc” nên qua những buổi sinh hoạt, những tiết chào cờ, cô đều nhẹ nhàng góp ý và định hướng giáo viên những phương pháp, hình thức tổ chức hấp dẫn lôi cuốn học sinh. Cô luôn là tấm gương sáng cho chúng tôi noi theo, những gì cô làm cho tập thể, cho ngôi nhà chung mang tên THPT Hướng Hóa đã khiến cho tôi cảm phục và yêu quý cô hơn. Cô là người chăm chỉ, tự học, tự nghiên cứu, cập nhật sách báo phục vụ cho công việc, luôn biết vận dụng những kiến thức khoa học vào trong công việc cũng như trong cuộc sống.

 “Cô Nga đã truyền cho học sinh  niềm đam mê đọc sách”  - Ảnh: NVCC

“Cô Nga đã truyền cho học sinh niềm đam mê đọc sách” - Ảnh: NVCC

Trước giờ, tôi luôn phát ngán tiết chào cờ. Các bạn biết vì sao không? Vì nó chán, chán đến mức tôi không thể nào tìm ra trong đó một chút thú vị. Thế mà lên cấp 3, tôi đã yêu tiết chào cờ từ lúc nào chẳng hay biết. Những tiết mục văn nghệ hiện đại, đặc sắc, những chương trình ngoại khóa hấp dẫn, có tính giáo dục cao, những diễn giả từ các trường Đại học đến và chia sẻ cũng như định hướng trong việc chọn nghề nghiệp và trang bị thêm cho chúng tôi những kỹ năng để bước tiếp trên con đường cuộc sống… Đó cũng là mục đích, là khát khao của cô Hiệu trưởng cũng như các thầy cô khác trong nhà trường muốn chúng tôi đạt được trong các tiết chào cờ đầu tuần.

Năm lớp 10 thì thực sự tôi và cô Nga cũng chưa có nhiều kỷ niệm bởi lúc đó tôi còn là một học sinh rụt rè, luôn thu mình lại trong thế giới nhỏ bé. Tôi đã theo dõi Facebook của cô Nga bởi cô luôn đem đến cho chúng tôi một năng lượng tích cực. Lúc ấy, cô Nga thường viết bài giới thiệu về sách và tầm quan trọng của việc đọc sách. Những bài viết rất ngắn gọn, dễ đọc chứ không dài dòng, văn tự. Bạn thử hỏi mà xem? Có bao nhiêu học sinh hứng thú với việc đọc sách, có bao nhiêu học sinh xem sách là một hình thức giải trí sau giờ học căng thẳng? Thực tế chắc chắn rằng số lượng học sinh mê sách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi cũng thế, tôi cũng từng chán sách, tôi chẳng tìm thấy một chút hứng thú nào khi đến với trang sách. Nhưng từ khi tôi đọc những bài viết của cô Hiệu trưởng về sách, tôi đã thử thách bản thân mình: tập đọc sách mỗi ngày, bất cứ khi nào rảnh.

Tôi đã từng tìm tòi những cuốn sách hay mà cô đã giới thiệu như: Tony buổi sáng, Trên đường băng, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu,... mỗi một cuốn sách đều để trong tôi những kinh nghiệm, bài học quý báu. Vừa lan tỏa tình yêu đọc sách, cô lại còn lan tỏa tình yêu quê hương, đất nước mà cụ thể hơn hết đó là yêu những điều bình dị ngay chính trên mảnh đất Hướng Hóa anh dũng này. Nếu có thời gian bạn cứ thử đến với trang cá nhân của cô Nga, bạn sẽ thấy được những bài chia sẻ, những bài viết hay về tiềm năng du lịch của huyện nhà… Đây chính là một trong những nguồn cảm hứng để tôi đến với cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2021”. Vốn có một chút năng khiếu về môn Ngữ văn, đam mê viết lách ngay từ nhỏ nên khi nhận thông báo về cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tôi đã không ngần ngại tham gia. Lúc đầu, cá nhân tôi chỉ cảm nhận thông thường, dự định viết một bài văn “truyền thống” về những chủ đề quen thuộc. Suy nghĩ, lựa chọn đề tài, chủ đề tham gia dự thi là một khó khăn lớn nhất đối với tôi trong cuộc thi này. Vì tôi hiểu bản chất nghệ thuật phải sáng tạo, mới mẻ, có lối đi riêng thì mới thành công. Những chủ đề về tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, tình bạn thiêng liêng,… thực sự không còn mới lạ để thu hút, lôi cuốn, kích thích sự tò mò của bạn đọc. Sau một hồi trăn trở, lạc mình trong những suy nghĩ ngổn ngang, tôi nhận được những lời góp ý từ các thầy cô khác trong trường và đặc biệt là qua những trang viết về quê hương Hướng Hóa mà cô Thanh Nga bộc bạch trên mạng xã hội. Tôi lên ý tưởng viết về mảnh đất Khe Sanh kiên cường, quật khởi và tôi đã chọn viết tiếp cuốn tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Sự thành công ở cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc 2021” của tôi có sự khích lệ từ cô giáo Hiệu trưởng - người ham đọc sách và lan tỏa những năng lượng tích cực, với cô Người đọc sách chưa chắc đã thành công, nhưng người thành công luôn luôn đọc sách”.

Trần Đức Nhật Toàn  tặng tác phẩm dự thi  đạt giải nhất cuộc thi  “Đại sứ Văn hóa đọc”  cho cô giáo Nguyễn Thị  Thanh Nga  - Ảnh: NVCC

Trần Đức Nhật Toàn tặng tác phẩm dự thi đạt giải nhất cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc” cho cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nga - Ảnh: NVCC

Tôi còn khâm phục, trân quý cô hơn khi cô luôn là người biết chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh. Chính những hành động bình thường và giản dị mỗi ngày của cô đã hình thành nên trong tôi một lối sống tích cực, cho đi và nhận lại. Tôi vẫn nhớ như in trận mưa lũ lịch sử năm 2020, hàng nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hàng trăm héc-ta ruộng đất, hoa màu bị tàn phá và cuốn trôi theo dòng nước lũ. Cô đã cùng với một số thầy cô khác và các bạn đoàn viên thanh niên tình nguyện vào xã Húc để hỗ trợ, giúp đỡ phần nào đó để bà con vượt qua cơn khó khăn hoạn nạn. Tôi còn biết cô Thanh Nga luôn hỗ trợ giúp đỡ những em nhỏ không được đến trường, thường xuyên trao học bổng cho những học sinh vượt khó. Những việc làm của cô bình thường nhưng cũng rất đỗi phi thường, đó là sức mạnh mà cô muốn tiếp thêm cho những người xung quanh bởi với cô “Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim” .

Được học tập dưới mái trường THPT Hướng Hóa quả là một hạnh phúc lớn lao đối với tôi. Khi đặt chân vào cánh cổng này, bạn sẽ chẳng bao giờ phải đơn độc bởi ở đó thầy cô, bạn bè trang lứa luôn niềm nở chào đón bạn và đặc biệt có một “thuyền trưởng” thân thiện, sẵn sàng lắng nghe những tâm sự, những áp lực mà bạn phải trải qua. Là một người có trái tim ấm áp, cô Thanh Nga đã trở thành một người chị, người mẹ đối với học sinh trường THPT Hướng Hóa. Để dễ dàng thấu hiểu học sinh, cô đã thành lập tổ tư vấn tâm lý học đường và hòm thư “Điều em muốn nói” để học sinh thỏa sức bày tỏ những nỗi niềm, mong muốn, uất ức của mình và tôi luôn nói rằng: Cô Thanh Nga đã mang đến liều thuốc chữa lành mọi vết thương tinh thần cho học sinh. Cô luôn tôn trọng sự tự do, tính dân chủ trong nhà trường nhưng vẫn không quên giữ “khoảng cách”, tự do ở đây là tự do trong khuôn khổ, chính vì lẽ đó mà sự tâm lý và nhẹ nhàng của cô vẫn là phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả nhất.  

Cô luôn đề cao sự thực hành, trải nghiệm, học đi đôi với hành nên khi được học tập dưới mái trường thân yêu này thì bạn không chỉ được học những kiến thức bổ ích qua sách vở mà còn được trải nghiệm thực tế bởi với cô Hiệu trưởng: “Đi khám phá là giết chết thành kiến, sự cố chấp và những đầu óc hạn hẹp. Tôi là một học sinh, một Bí thư chi đoàn của trường THPT Hướng Hóa. Ngày 22/12 hàng năm, tôi và bao học sinh khác được đến dâng hương ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện nhà, được di chuyển đến địa phận xã Hướng Phùng để viếng thăm và bày tỏ sự tri ân đối với 22 chiến sĩ Đoàn kinh tế quốc phòng 337. Chúng tôi cũng được đến thăm nhà tù Lao Bảo, biết thêm về cây ngô đồng, về những chiến tích vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Hay gần đây nhất, khi tôi cùng với 41 bạn học sinh khác đã đạt giải ở kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh, cô Thanh Nga đã thưởng cho chúng tôi một phần thưởng mà chúng tôi chưa bao giờ mường tượng đến, đó là một chuyến đi đến với Đà Nẵng - thành phố đáng sống nhất Việt Nam và được trải nghiệm ở trường Đại học FPT - một trong những ngôi trường danh giá ở nước ta. Thực sự trải nghiệm là điều vô cùng quan trọng bởi nếu con người chỉ quẩn quanh trong những không gian chật hẹp, quen thuộc, nhận thức cũng sẽ hạn hẹp, lạc hậu và từ đó dễ dàng hình thành những thành kiến, những suy nghĩ cố chấp. Có lẽ đó cũng chính là điều mà cô Thanh Nga muốn gửi gắm đến với chúng tôi trên hành trình trưởng thành.

Không chỉ có thế, cô Thanh Nga còn là một người luôn tôn trọng niềm đam mê và sở thích của học sinh. Chính vì lẽ đó mà cô đã thành lập rất nhiều những câu lạc bộ để các em có thể thỏa sức sáng tạo và phát huy. Nếu bạn là một người thích vẽ, đắm chìm trong thế giới hội họa thì sẽ có câu lạc bộ mỹ thuật, nếu bạn có năng khiếu viết lách và đam mê chụp hình, quay phim, làm phóng sự thì câu lạc bộ truyền thông sinh ra là để dành cho bạn, còn nếu như bạn đam mê với những điệu múa dân ca, những bước nhảy hiện đại thì bạn có thể thoải mái tham gia vào đội văn nghệ xung kích của nhà trường… Ở trường THPT Hướng Hóa, bạn hoàn toàn có thể phát huy, sáng tạo với những sở trường của bản thân.

 Trong suốt hành trình gắn bó với mái trường THPT Hướng Hóa, với chúng tôi, cô Thanh Nga như một bông hoa hướng dương hướng đến ánh sáng chói chang của mặt trời bởi cô đã sống với một niềm tin rất mãnh liệt cùng sứ mệnh của một người đi gieo trồng những giấc mơ. Nhà giáo dục học Uyliam Batơ Dit từng nói rằng: “Nhà giáo không phải là người nhồi nhét tri thức mà đó là công việc của người khơi dậy ngọn lửa tâm hồn.” Đúng thế! Dẫu cho năm tháng cứ vô tình chảy trôi, dẫu cho bước đi của thời gian cứ thế mà vội vã nhưng hình bóng của cô Thanh Nga trong chúng tôi sẽ chẳng thể nào phai, với những công ơn mà cô mang đến, chúng tôi sẽ viết tên cô vào trái tim. Cảm ơn cô  - “người lái đò thầm lặng”, cảm ơn cô Hiệu trưởng “quốc dân”…

T.Đ.N.T

TRẦN ĐỨC NHẬT TOÀN ( Lớp 12 A1, trường THPT Hướng Hóa, Quảng Trị)
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

5 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground