Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có tuổi hai mươi tạc vào nỗi nhớ

            “Khi người lính lặng im tan vào đất

            Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông”(*) 

“M

ới đây có trường hợp thân nhân một liệt sĩ viết thư yêu cầu xin được đặt tên cho một ngôi mộ chưa biết tên ở nghĩa trang theo niềm tin nội tâm của gia đình đã làm chúng tôi lúng túng chưa biết xử lý như thế nào” - Dương Phước Tuấn, cán bộ công tác ở phòng chính sách Sở LĐ - TB & XH Quảng Trị đã khởi đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.

Sống trên vùng đất thiêng Quảng Trị, tôi được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ. Chẳng hạn chuyện có nhiều mộ liệt sĩ trùng tên. Cắt nghĩa điều này là do chiến tranh nhiều chiến sĩ có hoa tay, thường khắc tên mình vào những cây bút, sau đó tặng lại cho người khác. Khi quy tập mộ liệt sĩ, vì không còn tên tuổi, căn cứ vào tên khắc trên cây bút còn lại, thế là người ta ghi tên liệt sĩ vào hồ sơ quy tập mộ. Hoặc như chuyện có liệt sĩ đã hy sinh mấy chục năm rồi khi phát hiện được trong hài cốt vẫn còn vẹn những bức thư viết cho gia đình, những bức hình của người thân còn có thể nhận diện được…

Lần này câu chuyện về nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ Ngô Chí Thành đã cuốn hút tôi. Lần theo các tài liệu, hồ sơ còn lại, tôi được biết thêm về anh. Ngô Chí Thành sinh năm 1953 tại phố Minh Khai, thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Năm 1971 anh nhập ngũ, là binh nhất, chiến sĩ thuộc C8 - D14 - E68 - F304. Năm 1972 đơn vị anh chiến đấu ở vùng ngoại vi thị xã Quảng Trị. Theo nhật ký của anh - một cuốn sổ tay bìa nilon màu nâu đang ghi dở được viết từ chiến hào trong những ngày khói lửa đạn bom ác liệt - để lại, có dòng viết sau cùng của đồng đội thì anh hy sinh vào 5 giờ chiều ngày 28 - 4-1972, nghĩa là chỉ còn mấy ngày nữa là Quảng Trị được giải phóng (1 - 5 - 1972). Ngày đầu tiên của cuốn nhật ký anh ghi là ngày 17 - 4 -1972, viết liên tục cho đến ngày 27 - 4 - 1972. Đấy là những ngày chuẩn bị bước vào cuộc chiến khốc liệt để giải phóng Quảng Trị. Trong nhật ký, anh viết về cuộc sống chiến đấu gian khổ của anh cùng đồng đội - những người lính pháo binh khi ở Thượng Phước, chuẩn bị đánh căn cứ Ái Tử. Đó là những ngày chân tay bê bết bùn vì đào công sự, là những đêm nằm hầm tránh pháo địch, là những lần vác đạn, kéo pháo vào ra; là niềm tin về chiến thắng ngày mai và cuộc sống thanh bình sẽ trở về trên mảnh đất này; là nỗi nhớ âm thầm về miền Bắc xã hội chủ nghĩa cùng bao người thân đang chờ đón tin thắng trận. Ấn tượng nhất là những trang viết ghi lại cuộc chiến đấu của anh cùng đồng đội vào ba ngày trước khi anh hy sinh. Ngô Chí Thành viết:

Ngày 25 - 4 - 1972.

Có lẽ từ đây, những ngày ác liệt hơn bao giờ hết đang chờ đợi chúng tôi. Mọi công việc chuẩn bị đã xong. Hôm nay một bộ phận mang pháo, một bộ phận vác gỗ lại mang vào Thượng Phước. Muốn làm trận địa ở Thượng Phước phải mang gỗ từ đây vào  đi khoảng ba tiếng. Lúc ra đến bờ sông bị ngay pháo địch bắn dữ dội (có lẽ là đã bị lộ). Thật là một sự may mắn hiếm có. Rất nhiều người đi nhưng không ai việc gì cả, mặc dù pháo kích ngay bên cạnh, mảnh bau rào rào. Mãi sau nửa tiếng mới thoát ra khỏi làn đạn của địch. Tới đây phải dừng lại cho trời tối hẵn mới đi. Dọc đường cách Thượng Phước chừng 30 phút gặp trinh sát 20 cho biết ở Thượng Phước vẫn còn địch ở đầu làng. Thế là trong đêm tối quan quân mò mẫm đi đến nơi tìm chỗ đào hầ trú. Nói đúng hơn là bới hầm vì ở đây không dám phát ra tiếng động mạnh. Bụng đói, nước không có. Kỳ cục mãi sáng mới xong hầm. Thế là qua được một ngày nguy hiểm, một đêm thức trắng.

Ngày 26 - 4- 1972.

Mới hơn 4 giờ sáng. Bộ binh đánh ngay bên cạnh ầm ầm. Súng các cỡ bắn như mưa. Bên cạnh đây, trận địa 82 bắn cầm chân bị phản tương đối mạnh. Cả buổi sáng, bọn tôi nằm chết dí trong hầm không đào ra công sự pháo được vì bắn rát quá. Thú thật lúc này cũng chỉ chờ một tích tắc không may con người ta sẽ về thế giới bên kia.

Gần trưa, có lệnh chuẩn bị công sự nhanh để kịp thời chi viện cho bộ binh. Thế là mặc cho người mệt lữ vì mất ngủ, bụng đói meo vì không có cơm ăn vẫn phải lao vào làm cho nhanh.

Thỉnh thoảng máy bay ném bom gần. Pháo kích bên cạnh lại chui vào hầm. Đến chiều thì làm xong công sự. Lúc này người đói và mệt vô cùng. Họng khô không tí nước, nằm dựa vào thành công sự thiu thiu ngủ một tí thì anh nuôi mang cơm vào. Người mệt mà cơm chẳng ra gì nên không ăn được, đành làm tí lương khô, xin được ngụm nước lả.

Buổi tối - giờ nổ súng đã đến. Mặc cho bom đạn địch bắn ầm ầm, những viên đạn được lau chùi sạch sẽ lần lượt được lao đi tới mục tiêu. Kho đạn địch bị cháy nổ suốt cả đêm không ngớt. Pháo địch bị câm họng. Bộ binh ta xông lên đánh chiếm nhiều vị trí bên ngoài. Trung tâm Ái Tử nằm cô độc. Số phận chúng sẽ bị kết thúc không còn xa.

Đêm nay, lại một đêm nữa không được chợp mắt. Người ngợm tọp đi trông thấy. Tuy nhiên trong sự mệt nhọc vì điều kiện chiến đấu vẫn hé lên sự tự hào hãnh diện vì chúng ta là người chiến thắng. Và trong sự gian khổ, cảnh ngày mai kia Ái Tử ta sẽ làm chủ, cả vùng đất Quảng Trị sẽ thuộc về ta. Đường ta, ta sẽ đi. Dân ta sẽ trở về làng cũ làm ăn. Cảnh hòa bình ở vùng này sẽ đâm chồi.

Ngày 27 - 4 - 1972.

Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn. Bộ binh ta vẫn đang vây ép. Pháo binh vẫn chi viện đắc lực. Vòng vây ngày càng thắt chặt. Cấp trên ra lệnh phá cầu Quảng Trị để không cho địch rút về Huế, bắt chúng phải chịu tội. Pháo bắn suốt ngày tai ù không nghe rõ nữa, nhưng không ăn thua gì cả. Tất nhiên, cuối cùng chúng sẽ bị tiêu diệt.”

Đó là những dòng cuối cùng trang nhật ký chiến trường của chiến sĩ trẻ Ngô Chí Thành. Đọc đi đọc lại cuốn nhật ký xinh xẻo với nét bút tuổi học trò được viết bên công sự giữa hai trận đánh vương đầy khói lửa đạn bom, tôi nhẩm tính khi anh đang chiến đấu ở Thượng Phước thì tôi còn là đứa bé lên tám ở cách đó không bao xa. Ngày ấy tôi còn nghe rõ cả tiếng súng vọng từ tuyến trước. Tôi nghĩ nếu còn sống, chắc chắn anh sẽ là một cây bút viết rất hay về cuộc sống, chiến đấu của anh, của đồng đội anh, bởi những dòng nhật ký của anh mà tôi đọc được đã thể hiện một cách rất chân thật cảm xúc của người lính ở chiến trường. Nhưng trước ngày chiến thắng ba hôm, anh đã hy sinh ở tuổi hai mươi, mãi mãi tuổi hai mươi. Cuốn nhật ký của anh được đồng đội Phan Văn Kỳ viết tiếp, những dòng chia buồn cũng như ghi nhận tinh thần chiến đấu anh dũng của anh:

“Qua hai ngày 27, 28 - 4 - 1972, đồng chí Ngô Chí Thành đã chiến đấu rất ác liệt, cùng khẩu đội lập chiến công xuất sắc đánh trả địch quyết liệt, chi viện kịp thời cho bộ binh tấn công. Đúng 5 giờ chiều ngày 28 - 4 - 1972, địch đánh vào trận địa. Gần một tiếng đồng hồ chiến đấu với kẻ địch rất dũng cảm, giờ phút này đồng chí Ngô Chí Thành đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, đã hy sinh vào ngày giờ trên. Toàn bộ cán bộ chiến sĩ KI rất đau buồn đã mất một người bạn chiến đấu kiên cường. Giờ phút này toàn bộ cán bộ chiến sĩ KI cùng chia buồn đồng chí Thành và cả gia quyến, bạn bè anh. Chúng tôi cũng hứa với gia đình sẽ nổ lực biến đau thương thành hành động để trả thù cho đồng chí đã hy sinh, diệt nhiều địch, đánh địch quyết liệt. Cuối cùng chúng tôi gửi đến gia đình lời chia buồn - Đồng đội: Phan Văn Kỳ”. Cuối cuốn nhật ký anh Phan Văn Kỳ có ghi thêm mấy dòng: Đồng chí Ngô Chí Thành đã hy sinh tại mặt trận Trị Thiên trong lúc đánh trả địch quyết liệt, vào hồi 5 giờ chiều ngày 28 - 4 -1972 tại phía tây thị xã Quảng Trị khoảng 6km. Đơn vị đã tổ chức mai táng rất chu đáo và sạch sẽ, đầy đủ, đặt tại làng Thượng Phước, cách sông Quảng Trị 200m”

Chiến tranh, những người lính luôn tiến về phía trước. Mãi đến ngày 13 - 7 - 1973, đơn vị mới có điều kiện bàn giao các di vật cùng cuốn nhật ký của liệt sĩ Ngô Chí Thành cho gia đình. Đất nước hòa bình thống nhất, nỗi thao thức của gia đình là đi tìm lại phần mộ của liệt sĩ Ngô Chí Thành. Người anh em của liệt sĩ Ngô Chí Thành là Ngô Chiến Công hiện công tác ở tỉnh Vĩnh Long và chị gái là Ngô Thị Kiều Như đang ở Hà Nội đã cất công vào Quảng Trị để tìm phần mộ của đứa em. Họ đã đến Sở LĐ - TB & XH tỉnh, Bộ CHQS tỉnh, phòng  LĐ - TB & XH Triệu Phong, về xã Triệu Thượng, gặp những người từng chiến đấu, tiếp xúc với một số bà con từng bám trụ nơi này, đi thăm lại chiến trường xưa… để lần tìm mộ phần của liệt sĩ Ngô Chí Thành. Ở đâu họ cũng được đón tiếp ân cần, hướng dẫn chu đáo nhưng vì thời gian đã qua lâu, họ không nhận được những thông tin cần thiết. Chắp nối thông tin, gia đình chỉ biết được toàn bộ liệt sĩ hy sinh tại chiến trường Thượng Phước đã được quy tập vào nghĩa trang xã Triệu Thượng, nay là nghĩa trang huyện Triệu Phong. Trong nghĩa trang hiện có rất nhiều mộ liệt sĩ chưa biết tên. Bằng niềm tin nội tâm, gia đình tin rằng mộ của liệt sĩ Ngô Chí Thành nằm trong số các ngôi mộ chưa biết tên nơi đây. Nguyện vọng mà thân nhân liệt sĩ Ngô Chí Thành đề đạt đến ngành LĐ - TB & XH là được đặt tên cho liệt sĩ trên bia mộ ở khu liệt sĩ chưa biết tên ở nghĩa trang liệt sĩ Triệu Phong.

Dương Phước Tuấn cho tôi biết trong thời gian làm ở phòng chính sách của Sở LĐ - TB & XH tỉnh, anh đã gặp nhiều trường hợp nguyện vọng đề đạt của gia đình thân nhân liệt sĩ rất chính đáng nhưng chưa có chính sách, hướng dẫn của trên nên khó có thể giải quyết. Về trường hợp nguyện vọng của gia đình liệt sĩ Ngô Chí Thành, Tuấn cho tôi biết lãnh đạo ngành đang xem xét để trả lời cho gia đình. Đề xuất này là rất mới và được đáp ứng như thế nào là tùy vào sự nghiên cứu xem xét của ngành, còn tôi thì nghĩ rằng cuộc chiến đã lùi xa hơn ba mươi năm. Ba mươi năm, có biết bao nhiêu bản tin vẫn phát trên sóng của đài, đăng trên các báo mà vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ về với người thân. Đi suốt cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, ngày ấy cả nước tập trung đánh Mỹ và tay sai, chúng ta chưa có sự chuẩn bị kỷ cho hậu cuộc chiến tranh. Những lọ pinicilin đựng tên tuổi liệt sĩ, những tấm bia khắc vội trên đá, trên mảnh bom đạn pháo dọc đường chiến trận… đã bị phong hóa bởi thời gian. Tên tuổi, thân xác của nhiều liệt sĩ đã hòa vào khí thiêng sông núi, hòa vào đất đai để kết nên sắc xanh cuộc sống hôm nay. Bởi thế cho nên thân nhân của liệt sĩ cần một nơi chốn để đi về thăm viếng, thỏa nỗi nhớ mong và cũng một phần an ủi người đã khuất là một việc làm chính đáng.

Tôi lại nhớ đến những dòng nhật ký của liệt sĩ Ngô Chí Thành. Mới năm nào đây thôi khi anh ngồi viết những trang nhật ký nóng hổi giữa hai trận đánh. Hôm đó nhìn về dòng sông Thạch Hãn, thấy “bờ sông nhô lên những cồn cát vàng óng, nhìn những đồi tranh lơ phơ gió thổi trong một chiều Thượng Phước” (18 - 4 - 1972), anh đã mơ về một ngày mai. Và, trong những ngày chiến tranh khốc liệt đó, dù rất gian khổ nhưng anh vẫn tự hào hãnh diện vì “chúng ta là người chiến thắng”, vì mai này “Cả vùng đất Quảng Trị sẽ thuộc về ta. Đường ta ta sẽ đi. Dân ta sẽ trở về làng cũ làm ăn. Cảnh hòa bình ở vùng này sẽ đâm chồi” (26 - 4 - 1972)

Vâng, hòa bình đã vãn hồi hơn ba mươi năm, đất này đã đơm hoa kết trái như lời anh dự cảm trong những ngày tháng khói lửa mịt mù của chiến tranh, chỉ còn anh cùng bao đồng đội vẫn chưa về được với người thân. Mới hay từng tấc đất, từng lá cành của mảnh đất này luôn nặng nghĩa ân tình.

M.T

 

 

________________________

(*) Thơ Nguyễn Hữu Quý

 

Minh Tứ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 118 tháng 07/2004

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

2 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground