Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cồn Cỏ, truyền kỳ của ngày mai

T

rở lại Cồn Cỏ, chỉ mới mấy năm mà bây giờ Cồn Cỏ khác hẳn, không còn nhận ra. Tôi lại như người mới lần đầu đặt chân lên hòn đảo danh tiếng này. Thả hồn mơ mộng, lâng lâng bước trên con đường nhựa dài 6km phẳng lỳ quanh đảo, ngoài kia sóng biển êm đềm. Nắng biển Đông râm ran trên má. Những cây bàng quả vuông cổ thụ sần sùi, từng đã trầm mình bao năm bao tháng trong phong ba. Cồn Cỏ bây giờ thật khó tìm ra một cái hố bom, hố đạn để mà hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu với máy bay và tàu chiến Mỹ. Quãng thời gian gần 40 năm hòa bình có thể chưa dài, nhưng những vết thương của nó ở Cồn Cỏ hình như mau lành hơn chăng. Cát! Phải, chính cát san hô - cái thứ cát nhẹ bẫng màu trắng bạc, lấp lánh ánh xà cừ vi diệu và gió - thứ gió đại dương hào phóng suốt bốn mùa thời gian đã làm nên điều kỳ điệu là “nhanh chóng san lấp mặt bằng”. Hố bom B52 đường kính vài ba chục mét cũng chỉ cần vài ngày cát thổi cát bay cát lấp là đã lành vết thương. Những đôộng cát dọc bãi biển cứ vài ngày lại di chuyển dần vị trí, thế nên lính đảo phải tốn rất nhiều công sức chăm sóc, tu bổ, bảo dưỡng hệ thống hầm, hào chiến đấu. Tôi từng đã có nhiều đêm trăng biển một mình đi bộ trên bãi Hi - rôn, phía đông Cồn Cỏ. Nơi này bao giờ sóng cũng to hơn, ngoài kia là biển Đông, sau lưng là điểm cao 63 - nơi ngày xưa Thái Văn A anh hùng đứng gác. Tôi đi trong đêm trăng biển, cát san hô dưới chân mềm dịu, ấm áp. Sục bàn chân trong cát, cảm thấy như không phải rằng cát bụi vô tri? Cát quẫy động, thao thức cùng biển cả muôn trùng… Hàng nghìn hàng triệu năm, sóng biển lúc hiền hòa êm dịu, lúc dữ dội phong ba đã đánh tơi, bào mòn những tảng đá hòn đá lớn nhỏ mà tạo ra cát. Cát như cái phần tử cuối cùng không thể cắt chia được nữa, không còn có thể nhỏ hơn được nữa?

Tôi đi bộ từ vị trí gác do cụm hỏa lực đảm nhiệm đến khẩu đội Sông Hương. Quảng này đúng vào dòng biển chảy theo hướng Đông Bắc - Tây Nam đánh dạt lên bờ cát san hô cơ man nào là rác thải của con người văn minh. Chủ yếu là đồ nhựa, đám trẻ nông thôn mà bước lạc vào đây thì có thể có ngay một kho tàng khổng lồ các thứ đồ chơi. Có thứ còn rất tốt, còn dùng được. Nhiều nhất vẫn là những chiếc dép nhựa, dép săng - đan đủ màu sắc, kích cỡ xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới nằm lổm ngổm trong những đám rều đen xỉn. Bao giờ cũng chỉ duy nhất một chiếc trái hoặc phải. Thế nên trước đây, nhằm khắc phục tình trạng thiếu giày, dép khi mà đường đi lối lại trên đảo còn lởm chởm những đá sắc nhọn, thỉnh thoảng tôi vẫn gặp một vài chàng lính đảo tận dụng loại dép miễn phí được sản xuất bằng những công nghệ hiện đại của thế giới tư bản này. Hai bàn chân hai chiếc dép kiểu cách khác nhau, xanh - đỏ, đen -vàng, tím - hồng!... Vậy mà đi được tuốt, lại êm ra phết. Rồi có khi nhìn những chàng trai trẻ da sạm cháy như một khúc gỗ rừng lênh đênh giữa biển đi hai chiếc dép không bao giờ giống nhau, đốt đuốc thâu đêm tìm cua đá, tôi lẩn thẩn nghĩ ngợi rằng về lý thuyết vĩnh viễn con người ta không bao giờ đi đến sự toàn vẹn cơ bản. Nó bao giờ cũng so le, lệch lạc đi một chút, nó là cái ý niệm hướng tới sự hoàn thiện nguyên thủy trong tiến trình về phía trước. Rồi tôi nghĩ đến điều thiết thực trước mắt. Cồn Cỏ mai này trở thành hòn đảo du lịch, bãi Hi - rôn sẽ trở thành bãi tắm tuyệt vời thì vấn đề đặt ra là giải quyết thứ rác thải đó sẽ như thế nào?

Cồn Cỏ bây giờ đã là một hòn đảo của hòa bình, dựng xây. Nhà cửa được xây cất đàng hoàng, bộ đội đã có doanh trại tập trung, không còn cảnh một khẩu đội một căn nhà nửa chìm nửa nổi nấp sau lèn đá, cửa ra vào nối với chiến hào, cửa sổ là lỗ châu mai. Lính Cồn Cỏ khiêm nhường từng dấu mình đi trước cái mênh mông vô bờ bến của thiên nhiên, nhưng là để sẵn sàng có mặt kịp thời thực hiện trọng trách của những người ở nơi tiền tiêu. Bây giờ, đi qua những ngôi nhà đã không còn sử dụng như thế, tôi bồi hồi nhớ lại những năm tháng mình sống và làm việc chính nơi đây. Những sớm mai thức giấc đã nghe tiếng sóng vỗ dưới chân giường, những đêm mò mẫm bắt cua đá về nấu cháo, nấu canh; những ngày biển động mỏi mắt trông chờ thuyền tiếp tế ra đảo, những lần các cụm - phân đội tổ chức liên hoan mừng công, anh em chồng chất nhau lên chiếc công nông đầu ngang duy nhất chạy rầm rầm quanh đảo dự tiệc… Và cả một kỷ niệm nhớ đời. Lần ấy…

Đã hơn một tháng trời biển động, Đài tiếng nói Việt Nam liên tục báo không khí lạnh rồi gió mùa đông bắc tăng cường. Thực phẩm cạn hết, gạo ẩm mốc, cũng gần hết! Bộ đội không đủ sức lên công trình đổ những mẻ bê tông cuối cùng… Lúc đó, tôi là trung đội trưởng công binh, quyết định “tăng gia sản xuất” bằng… thuốc nổ! Chúng tôi cắt kíp điện thành kíp thường, cắt dây cháy chậm ngắn 2cm, để đảm bảo khi bộc phá chạm nước là nổ, cá không kịp chạy! Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, tôi cùng hai chiến sĩ - một chèo thúng, một “hoa tiêu” ra ven bờ đánh cá. Hai quả đầu nổ ngon lành, được chừng 30kg cá kình to hơn bàn tay. Chắc mẩm được bữa ấm chân răng rồi, nhưng… Đến quả thứ 3, sau khi cậu chiến sĩ làm nhiệm vụ “hoa tiêu” - tức là đeo kính lặn, vục mặt xuống nước trinh sát, phát hiện vị trí các đàn cá ngẩng mặt lên, chỉ tay: “Phía bên phải, 5 mét!”. Tôi lập tức châm ngòi… Dây cháy chậm bị ẩm, châm mãi không cháy, trí óc căng thẳng như sợi dây đàn. Tôi ghé môi thổi phù phù, dây cháy chậm bén lửa bất ngờ, phụt mạnh, tôi hoảng hồn luống cuống gạt tay, quả bộc phá lăn qua mép thúng rơi xuống nước. Không đầy một giây sau, một tiếng nổ ục âm u dội lên từ đáy biển, lập tức cả ba anh em chúng tôi bị hất tung lên trời rồi rơi tõm xuống mặt nước sủi bóng đen kịt. Bơi vào bờ kiểm tra, may quá, do sóng xung kích sáu cái bắp chân chúng tôi chỉ bị rạn các tĩnh mạch, máu ri rỉ… còn lại không vấn đề gì. Sau lần ấy, tôi viết bản kiểm điểm xin nhận kỷ luật trước chi bộ và đơn vị. Nhưng rồi đơn vị tôi được điều động đột xuất vào đất liền làm nhiệm vụ dò phá bom mình suốt bốn tháng trời. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, an toàn tuyệt đối, cấp trên nhân nhượng, bỏ qua…

Con đường vừa được rải nhựa năm ngoái như một vành khăn ấm quàng quanh đảo, dịu dàng dưới tán bàng rợp thơ mộng và lãng mạn. Đôi tình nhân tay trong tay, cô gái tóc dài buông trong gió biển mặn mòi, tiếng nhạc dịu êm phát ra từ một quán cà phê của lính đảo Cồn Cỏ trong một chiều tràn ngập nắng biển miên man là khung cảnh yên bình tôi đã mường tượng đang trở thành sự thật. Cồn Cỏ đã trở thành “Đảo Thanh niên” với ba mươi tư chàng trai cô gái đất lửa Vĩnh Linh anh hùng ra sinh cơ lập nghiệp, trong đó có sáu cặp vợ chồng. Chàng lính đảo tên là Diệu quê huyện Cam Lộ - Quảng Trị, sau khi xuất ngũ không vào đất liền, tình nguyện ở lại đảo và cưới cô gái thanh niên xung phong tên là Nhân… Tổ ấm của họ là một căn hộ trong làng thanh niên xung phong. Chồng theo thuyền ra biển, nàng ở nhà buôn bán, nuôi con… Rồi không lâu nữa đâu sẽ có tiếng khóc trẻ thơ cất lên trên Cồn Cỏ sẽ có những công dân được ghi trong lý lịch nơi sinh: huyện đảo Cồn Cỏ! Tôi được biết công việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ đang được các cấp các ngành của huyện, tỉnh tích cực xúc tiến, gặp nhiều thuận lợi. Trong buổi giao lưu văn hóa văn nghệ giữa bộ đội đảo và Tổng đội Thanh niên xung phong Cồn Cỏ, tôi đã gặp Ngô Thị Thúy - cô gái thanh niên xung phong có gương mặt đẹp, nước da trắng quê ở xã Vĩnh Thạch - Vĩnh Linh. Thúy đã được ba của cô vốn là một cảm tử quân chở hàng tiếp tế ra đảo trong những năm Cồn Cỏ bị kẻ thù bao vây động viên tình nguyện ra đảo. Mới ban đầu nhớ nhà, đêm nào cũng khóc, nhưng bây giờ cô đã thấy thân thuộc với hòn đảo này - hòn đảo mà ngày xưa ba của cô và đồng đội đã đổ rất nhiều máu trên con đường mười lăm hải lý được gọi là “con đường máu”. Hai cha con - hai thế hệ cùng chung sức giữ đảo. Người Vĩnh Linh nói: “Cồn Cỏ như cái cươi (sân) trước nhà mình”, “còn đảo còn đất liền, còn đất liền còn đảo” - điều đó đã được ghi vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, được ghi vào tâm khảm của mỗi người dân đất lửa anh hùng…

Một vùng biển, vùng thềm lục địa rộng hàng ngàn cây số vuông, một nguồn lợi vô cùng to lớn về kinh tế và tiềm lực quốc phòng - an ninh đã được chính hòn đảo chỉ rộng bốn cây số vuông này trấn giữ. Theo luật quốc tế về biển, đường thẳng nối từ đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi đến đảo Cồn Cỏ - Quảng Trị sẽ được xem đường cơ sở để làm chuẩn tính ra chiều rộng các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế một khi người ta công nhận Cồn Cỏ là đảo ven bờ, nghĩa là phải có dân cư sinh sống. Nếu không có Cồn Cỏ, đường thẳng đó sẽ được nối với Mũi Lay thuộc địa phận xã Vĩnh Thạch - là doi đất nhô ra ngoài cùng của đất liền. Người ta sẽ không bao giờ suy nghĩ một cách chủ quan như tôi cho rằng lịch sử đã chứng minh bằng máu và nước mắt của cả một dân tộc trong suốt hàng thế kỷ chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, rằng, trong một nghĩa nào đó Cồn Cỏ không còn là một hòn đảo giữa biển khơi mà nó đã thực sự trở thành đất liền. Cồn Cỏ từ thuở xa xưa cho đến bây giờ quả thực là cái “sân trước” của ngư dân miền Trung. Đi biển dài ngày, Cồn Cỏ là nơi tránh bão tố, là nơi cung cấp nước ngọt, củi đun và thực phẩm cho suốt bao thế hệ ngư dân người Việt… Rồi tôi đã gặp trong rừng nguyên sinh dưới chân đồi Hà Nội những cây chò chỉ thẳng tắp. Anh hùng Thái Văn A đã đứng gác trên vọng gác treo trên một thân cây chò chỉ như vậy. Chò chỉ vốn là loại cây đâu như chỉ có rừng quốc gia Cúc Phương mới có, thế mà không hiểu sao lại có mặt trên hòn đảo tiền tiêu này? Hay là xa xưa cha ông ta đã mang hạt giống chò chỉ ra gieo lên mẫu đất ba - dan màu mỡ Cồn Cỏ, như thể cắm một cái mốc chủ quyền?

Chúng tôi cùng các chiến sĩ trẻ, cùng các chàng trai, cô gái thanh niên xung phong lên thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh vì Cồn Cỏ. Đài tưởng niệm xây trên đồi Si - còn có tên là đồi Hải Phòng, cách mặt nước biển gần sáu mươi mét. Đài tưởng niệm như một thân cây chò chỉ cách điệu, khắc vào nền trời chớm xuân xanh trong, và gió biển mùa xuân vời vợi. Đứng ở đây có thể quan sát hai phần ba đảo, thấy những rặng dừa xanh lao xao tóc xõa trong gió nồm, thấy Bến Nghè xanh thẫm với những gốc phong ba cổ thụ, những nếp nhà mái ngói đỏ tươi, những vườn rau xanh mướt của bộ đội và cánh rừng nguyên sinh đến hàng trăm loài thực vật. Sau buổi lễ dâng hương, Thiếu tướng, Anh hùng quân đội Đoàn Sinh Hưởng trò chuyện cùng các bạn trẻ. Ông vốn là người lính xe tăng, xông pha trận mạc đã nhiều, vậy mà vẫn xúc động khi được nghe kể về sự hy sinh của những người lính biển, những người dân Vĩnh Linh hiền lành, giản dị không tiếc máu mình cho Cồn Cỏ đứng vững trong những năm chiến tranh ác liệt. Ông nói: “Thế hệ chúng tôi như đã làm xong nhiệm vụ, trách nhiệm của tuổi trẻ các bạn bây giờ là hãy làm cho đảo giàu lên, đẹp lên, để người ta khi nói đến Cồn Cỏ - không chỉ có nghĩa là hòn đảo anh hùng trong đánh Mỹ, mà Cồn Cỏ cũng là hòn đảo anh hùng trong dựng xây, trong hòa bình!”.

Bạn tôi tên là Nam - trung úy, thuyền trưởng tàu vận tải 150 sức ngựa của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị tâm sự, anh là người ra đảo rất nhiều, nhưng mỗi lần ra lại thấy đổi khác. Hôm khánh thành con đường quanh đảo, Nam đã mang chiếc xe máy của mình ra đảo, cho anh em lần lượt phóng xe quanh đảo thỏa thích, đỡ nhớ đất liền. Nam đã cầm lái hàng trăm chuyến tàu đến Cồn Cỏ an toàn. Có những dịp khi tôi còn là lính đảo, tàu của Nam đảm nhiệm chở hàng trăm mét khối cát ra đảo để xây dựng công trình. Tôi vốc nắm cát đất liền trên tay, thấy nó nặng trĩu mồ hôi và sức lực bao người… Cát đất liền vàng ánh, long lanh dưới ánh nắng vàng. Và tôi lại thấy những hạt cát san hô Cồn Cỏ phía bãi Hi - rôn cũng xôn xao, quẫy động dưới nắng mùa xuân. Cát mịn mềm, ấm áp thân thương như người ở đảo không bao giờ thiếu tình đồng đội…

Cồn Cỏ, hòn đảo thiên nhiên đã được tạo thành không chỉ là sọt đất của ông Thồ Lồ trong truyền thuyết bị gãy đòn gánh, sọt rơi trên đất liền thành động Lòi Reng, sọt rơi ngoài biển thành Cồn Cỏ bây giờ. Cồn Cỏ nên thành nên lũy từ những hạt cát, viên gạch của đất liền, và hơn cả là bao thế hệ đã hiến dâng tuổi trẻ, sức lực và cả máu, để cho mỗi cơn gió nồm đại dương khi qua đây thì trở nên yên bình, mỗi cơn sóng dữ khi qua đây thì trở nên dịu dàng, đằm thắm… Những hạt cát san hô, cát vàng đất liền làm nên Cồn Cỏ cao rộng, vững vàng, và những người con trai, con gái đất Việt đã làm nên hòn đảo anh hùng… Làm nên một truyền thuyết nữa, của Cồn Cỏ, của ngày mai…

T.H

Trần Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 119 tháng 08/2004

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

2 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground