Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đổi thay từ một làng quê

S

au ít phút giới thiệu xã giao, trưởng phòng Nông nghiệp – Địa chính Nguyễn Hữu Thành vừa chỉ bản đồ vừa tư vấn về tình hình kinh tế huyện Triệu Phong cho anh em văn nghệ sĩ chúng tôi nghe. Anh nhấn mạnh, kinh tế trọng điểm của huyện bây giờ là phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt nuôi tôm sú xuất khẩu. Theo hướng tay anh, những dấu khuyên đỏ được vòng lại trên tấm bản đồ là những vùng nuôi tôm trọng điểm: Triệu Phước 138 ha, Triệu Độ 20 ha, Triệu An 70 ha, Triệu Trạch 15 ha. Ngoài ra các xã Triệu Lăng, Triệu Vân, Triệu Thuận đang bước đầu vỡ vạc. Điểm anh nói thêm càng làm tôi để tâm: Ở xã Triệu An mặc dù việc phát triển nuôi tôm sú muộn, diện tích đầm phá tự nhiên, nguồn nước không thuận lợi như ở Triệu Phước nhưng Triệu An đã nuôi con tôm sú thành công, ít dịch bệnh, năng suất cao nhất nhì huyện, toàn xã đã và đang chuyển đổi một diện tích đất cát lớn để nuôi tôm.

Theo lời dẫn dụ đầy hấp dẫn của anh Thành, tôi nóng lòng muốn về Triệu An ngay.

-Mùa này đang chuẩn bị thu hoạch tôm sú vụ hai, các anh chị về thực tế ở dưới đó, chắc có nhiều điều để nói. - Cậu Thắng, kỹ sư phụ trách thuỷ sản của huyện còn nói với theo khi xe của chúng tôi chuyển bánh.

Triệu An có tổng diện tích tự nhiên 1.141km­­­­­­­­­­­2, trong đó diện tích đất cát và pha cát chiếm đến 75%, dân số khoảng sáu vạn người. Toàn xã có năm làng với những cái tên nghe rất gợi: Hà Tây, Phú Hội, Tường Vân, An Lợi, Thanh Xuân, những địa danh mà ngay từ thời chống Pháp đã được cả tỉnh, cả nước biết tới. Vì Tường Vân là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Quảng Trị, mảnh đất đã sinh ra đồng chí Lê Thế Hiếu, Lê Thế Tiết - những vị lão thành cách mạng của Đảng, nhân dân ta.

Trên hành trình đổ ra biển Đông, hai con sông Hiếu Giang và Triệu Phước ôm gọn vùng cát Triệu An cộng với đầm tự nhiên Hà Tây có diện tích từ 18ha làm cho Triệu An có nguồn  nước chảy quanh năm. Phía Đông Triệu An lại giáp biển Cửa Việt quả là vùng đất lý tưởng hội tụ đủ hai loại nước mặn ngọt để nuôi con tôm sú xuất khẩu. Quả thực cuộc sống của người dân Triệu An có sự đổi đời trong mấy năm gần đây, từ một vùng quê nghèo nằm sát sông, sát biển nhưng hầu như họ chỉ biết nghề nông, một vài hộ có tàu thuyền nhỏ cũng kiếm được con cua, con cá từ sông từ biển nhưng chưa thể gọi là nghề. Đất ruộng Triệu An bạc màu, đất cát, pha cát lại chiếm đa số nên mùa vụ thất bát, cái nghèo, cái đói cứ đeo đuổi quanh năm không tìm được lối ra. Trừ những ai rời làng đi làm ăn xa mới sửa sang được nhà cửa còn cả làng hầu như nhà tranh vách tạm. Vậy mà mới đây thôi, từ khi có nghị quyết 04 của tỉnh uỷ Quảng Trị về phát triển kinh tế vùng ven biển; Nghị quyết 05 của huyện uỷ Triệu Phong về cải tạo vùng ven biển và vùng cát; Chương trình 773 của chính phủ hỗ trợ một số khu vực xã làm đê bao mương chính nuôi trồng thuỷ sản cộng với sự giúp đỡ của các dự án quốc tế đã thực sự làm thay đổi bộ mặt các xã ven biển vùng cát Triệu Phong.

Nghị quyết của huyện uỷ Triệu Phong xác định: Nhân dân các vùng ven biển Triệu Phong có mức sống thấp, thu nhập chủ yếu từ sản phẩm nông nghiệp, chăn nuôi và đánh bắt thuỷ sản. Vì vậy phải cải hoán nâng cấp tàu thuyền, ngư cụ để đánh bắt có hiệu quả, thực hiện tốt các dịch vụ nghề cá và chế biến hải sản. Nghị quyết nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chuyển đổi đất hoang hoá, bạc màu ven biển, đất trồng lúa một vụ bấp bênh thành hồ nuôi tôm sú, tăng cường công tác giám sát, hỗ trợ kỹ thuật để tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi tôm phát triển tốt.

Từ nghị quyết, nhiều xã ven biển Triệu Phong đã có chuyển đổi rất hiệu quả, thu lợi nhuận từ con tôm rất lớn. Không như thế làm sao cả một dải đất ven biển Triệu Phong diện tích đất nuôi tôm lại tăng lên hàng năm. Từ 60 ha năm 2000 đến năm 2003 đã lên đến con số 230 ha, sản lượng tôm thu về đạt 250 tấn. Hầu hết các hộ nuôi tôm có lãi từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ việc nuôi con tôm sú tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa, trồng màu. Nụ cười đã bừng nở trên mắt, trên môi những người nông dân lam lũ vùng cát Triệu Phong.

Chủ tịch xã Triệu An, anh Phạm Xuân Hiệp dáng người rắn rỏi, cái dáng một nắng hai sương nhưng có khuôn mặt sáng lán vui vẻ. Sau cái bắt tay rất chặt, nụ cười cởi mở anh cho chúng tôi biết: Thuỷ hải sản đã và đang là mũi nhọn kinh tế của xã Triệu An. Trong sáu tháng đầu năm nay chúng tôi đã khai thác được 1.320 tấn, trong đó hải sản xuất khẩu đạt gần trăm tấn, giá trị thu được gần sáu tỷ đồng. Diện tích đất nuôi tôm sú đang trên đà phát triển, hiện tại có 60 ha đang nuôi của 153 hộ gia đình sản lượng ước đạt  70 tấn tương đương trị giá 5 tỉ đồng.

Những thông số với tôi thật quá bất ngờ, cứ ngỡ nằm mơ cũng không có được, nhưng nhìn những hồ tôm nằm san sát bên nhau chúng tôi tin điều đó.

Anh Hiệp dẫn chúng tôi đi xem một số hồ nuôi tôm của các hộ: Nguyễn Văn Chương, Nguyễn Viết Quyền, Nguyễn Văn Thêm, Nguyễn Văn Tư, đúng lúc các hộ đang chuẩn bị cho việc thu hoạch tôm vụ hai. Dưới những hồ hình chữ nhật được kè đá xinh xắn, màu nước phơn phớt xanh, hệ thống máy quạt nước sục khí cung cấp oxy đang hoạt động đều. Anh Trần Minh Cảnh – Phó chủ tịch xã, một chủ hồ nuôi 0,5 ha công nghiệp tại nhà và một ha quảng canh tại đầm Hà Tây, vừa rải những vạt thức ăn cho tôm trong hồ, anh vừa tâm sự với chúng tôi về những khó khăn buổi đầu khi đưa con tôm sú vào nuôi ở xã.

-Nói thực, lúc đầu mới xuống giống chúng tôi lo lắng và hồi hộp lắm. Xã nghèo như chúng tôi, vốn liếng không có nhiều nên việc chuyển đổi qua nuôi tôm là như đổ cả cơ nghiệp vào hồ nuôi tôm vậy. Nhờ xã chúng tôi chủ trương và mạnh dạn tạo mọi điều kiện để người dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi tôm, cán bộ cùng làm với dân nên phong trào có những bước đi rất vững chắc.

Tôi thấy hết những khó khăn, trăn trở trong buổi đầu chuyển đổi cây con của các anh, có lẽ vì thế mà con tôm ở Triệu An ít dịch bệnh, ít chết, năng suất lại cao chăng?

-Ngoài những thành quả chung của cả huyện, thưa anh – Xã Triệu An chúng ta có bí quyết gì riêng chăng? – Tôi hỏi.

Bí quyết của chúng tôi là thành lập ra các Tổ tự quản hồ nuôi tôm. Cả xã có 153 hộ nuôi chia ra 11 vùng, mười một vùng nuôi tôm chia ra 11 tổ, mỗi tổ có từ chín đến mười hồ, mỗi hồ cử ra một thành viên tham gia vào tổ tự quản. Tổ trưởng là người đại diện cho tổ chức đi dự các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm, kỹ thuật chọn giống, xử lý ao hồ. Ngoài ra tổ tự quản còn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch nuôi tôm cho từng vụ một.

Thì ra là vậy, các chủ hồ tự lập ra các “Hiệp hội nuôi tôm” để bảo vệ và hạn chế rủi ro cùng nhau. Nhờ “Hiệp hội” này mà mối quan hệ hợp tác, tinh thần cố kết cộng đồng giữa người nuôi tôm trong vùng ngày một chặt chẽ, tạo quy trình sản xuất theo một quy chế lịch trình gần như bắt buộc, từ việc cải tạo ao hồ, lấy nước, thải nước, chế độ thức ăn, chăm sóc bảo vệ môi trường để sản xuất có hiệu quả. Có lẽ vì thế mà con tôm ở đây hạn chế được dịch bệnh, tạo điều kiện cho nhau phát triển trên cơ sở bền vững,

Cả mặt hồ phút chốc bỗng xao động bởi sự di chuyển nhận thức ăn của đàn tôm. Nhìn những con tôm vàng,  tôm bạc tung tăng trong làn nước trong xanh làm người ta dễ quên đi bao nỗi lo toan thường nhật. Để chiều lòng khách. Anh Cảnh lội xuống hồ cất một mẻ tôm. Cây vợt trong tay anh trĩu nặng, những con tôm sắp đến mùa thu hoạch chắc mẫm, bóng mượt nhảy lách tách, co mình vỗ nhẹ làm bắn những giọt nước nhỏ li ti ra xung quanh. Những chú tôm được đưa lên “trình diện” có độ lớn chừng sáu đến bảy mươi con một ký, nghĩa là sắp sửa lên đường “xuất ngoại” được rồi.

Anh Hiệp còn khoe với chúng tôi rằng, không gì chuyển đổi nhanh bằng việc nuôi con tôm sú. Một ha đầu tư ban đầu khoảng  chín mươi triệu, thu hoạch mỗi vụ bình quân hai tấn tôm, giá thị trường hiện nay một ký tôm sú bình quân sáu lăm ngàn, loại to hơn (bốn mươi con một ký) giá tám mươi ngàn, trừ khấu hao mỗi vụ cũng thu được từ ba đến sáu mươi triệu đồng.

Anh còn cho biết thêm, vụ vừa rồi ở xã có hộ Nguyễn Văn Tư ở thôn Tường Vân, nhờ kỹ thuật nuôi tôm tốt đã lãi trên trăm triệu đồng.

Cũng có nhiều yếu tố tác động đến năng suất tôm sú, trong đó yếu tố kỹ thuật vẫn chiếm vai trò quyết định sự thành bại, nhưng xem ra đây là một nghề siêu lợi nhuận vì thế nó có tác động trực tiếp đến tư duy trong việc chọn cây con của người dân Triệu An. Chúng tôi đã nhìn thấy những chiếc máy ủi, máy xúc đang hoạt động trên những ruộng cát bạc màu Triệu An, họ đang bắt cát chuyển mình để mở rộng diện tích hồ tôm. Kế hoạch từ đây đến năm 2010, Triệu An sẽ tăng diện tích đất nuôi tôm lên đến con số 225 ha.

Con tôm đã đánh thức vùng cát Triệu An. Đa số các hộ trả hết vốn vay ngân hàng, từ cảnh quan đến con người đều toát lên vẻ tươi mới, sinh động và đầy hứa hẹn. Làng đã có nhiều ngôi nhà xây ngói mới. Từ quỹ nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều hệ thống đường làng ngõ xóm đã được bê tông hoá, rồi nhà trẻ, trạm xá dần dần được nâng cấp cải tạo. Từng hộ gia đình đã sắm sửa tiện nghi đắt tiền, biết chăm chút những gì ngoài cơm áo. Đời sống khá lên, con em trong xã vào đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước.

Buổi trưa, bên quán cóc ven đường, anh Hiệp và anh Cảnh còn kể cho chúng tôi nghe bao nhiêu chuyện vui quanh các hồ nuôi tôm, mà theo lời các anh đó là những câu chuyện thường kể trong các buổi họp dân, để nhắc khéo các gia đình đang nuôi tôm. Tỉ như chuyện giá cả thức ăn của tôm chia theo quá trình sinh trưởng hoặc giá cả con tôm giống cũng vậy. Thế mà có nhiều đức ông chồng muốn lấy tiền vợ uống rượu nên khi đi mua thức ăn cho tôm một tháng tuổi về bảo vợ mua thức ăn hai tháng tuổi. Hay như chuyện “canh hồ ngoài thì mất hồ trong”. Góp vui cùng các anh, tôi đùa “ – Có hộ nào mất chưa?”. “- Có đấy chị ạ! Bốn hộ có hiện tượng mất rồi đấy, tổ phụ nữ phải làm công tác hoà giải mãi mới hàn gắn được”. Kể đến đó mọi người đều cười vang. Có lẽ bằng những câu chuyện vui đó mà các anh đã nhắc nhở khéo để các hộ nuôi tôm đầu tư đồng vốn làm sao cho có hiệu quả, tránh thất thoát vào những việc không đáng có. Các anh đã biết lo nỗi lo cùng người dân và để cho an ninh làng trên xóm dưới được bình yên.

Đó là những câu chuyện vui xung quanh con tôm sú đã làm sôi động hẳn làng quê vốn yên tĩnh này.

Tôi chia vui cùng các anh và niềm vui của những người dân vùng cát Triệu An. Dĩ nhiên những gì đạt được chưa phải là lớn nhưng đó là cái mốc khởi đầu của một cơ nghiệp đầy triển vọng ở vùng cát vốn nghèo khó này. Bất giác, tôi chợt nhớ đến câu nói của một lão nông ở thôn Hà Tây: “Phải bám lấy đất cát mà làm ăn thôi, mà đất cát ra ri chỉ nuôi con tôm sú mới mong phất lên được, mới xoá được cái nghèo, cái khổ”. Đó là tiếng nói của dân, tiếng nói của niềm vui không thể cất giữ trong lòng mà muốn san sẻ cùng mọi người gần xa được biết.

Vận hội mới đang đến với làng quê Triệu An từ công cuộc cải tạo vùng cát ven biển, phát triển kinh tế vùng biển bằng việc nuôi con tôm xuất khẩu. Dẫu biết công việc nuôi trồng thuỷ sản nói chung, con tôm sú nói riêng còn nhiều lận đận, long đong chưa hề suôn sẻ. Song tôi tin vào một đường lối đúng đắn và sự chuyển đổi trong nhận thức của những con người ở đây thì tiềm năng của vùng cát này sẽ lên ngôi, tiến kịp các vùng trọng điểm nuôi tôm đang ăn ra làm nên trong tỉnh.

T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 111 tháng 12/2003

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

2 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground