Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giấc mơ của Rừng

Q

uê tôi ở vùng biển, một cửa biển đẹp mê hồn ở Miền Trung và đã làm cho bao người khi đến đây đều dặn lòng mình quay trở lại. Nhưng thật kỳ lạ, trong tâm hồn tôi lại luôn hướng về một cánh rừng, cánh rừng ngay sát nách vùng biển quê tôi. Cánh rừng tôi lang thang trong những năm tháng của tuổi thơ: Rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Cái tên nghe da diết vời vợi bởi nó chứa những khoảng trời riêng của tôi. Nơi tôi đã gắn bó những năm tháng của tuổi thơ với những lần theo lũ bạn đi nhặt củi khô, hái hoa dẻ, hoa chạc chìu trong rừng để rồi khi đủ lớn, dự tính được những cuộc đi xa, biết mơ mộng vẫn không bao giờ quên được mùi thơm phảng phất của các loài hoa dân dã ấy. Có lẽ cái màu xanh của thảm rừng ấy như đã có sẵn trong tôi từ lâu lắm rồi, lâu như thuở hồng hồng hoang trên bề mặt của trái đất này vốn đã phủ một màu xanh biếc. Thảm rừng ấy luôn hút hồn tôi bởi vẻ đẹp yên tĩnh và lâu đời của nó. Nỗi lòng se sắt chợt dâng trong tôi. Vâng, có lẽ tôi phải làm một cuộc hành trình, cuộc hành trình ấy bắt đầu như thế nào tôi cũng chưa biết. Tôi phải trở về nơi ấy, nơi cánh rừng của tuổi thơ và cảm giác đó luôn thúc giục tôi.

Cách đây hơn hai trăm năm, Lê Quý Đôn khi đi kinh lý xứ Thuận Quảng viết sách “Phủ biên tạp lục”, thì lúc ấy như sách ông viết, ở huyện Minh Linh (Vĩnh Linh bây giờ) rừng già tràn từ Trường Sơn xuống tận Biển Đông. Những Rú Lịnh, Rú Đơn Thầm, rừng ở đảo Cồn Cỏ là dấu tích còn lại của rừng già đại ngàn ngày xưa. Không xa lạ gì nữa, Rú Lịnh là một mảnh da thịt của rừng Trường Sơn thu nhỏ với tất cả những hệ động thực vật tạo nên cảnh sắc thân thiết của những cánh rừng Miền Tây.

Với một diện tích gần trăm ha, Rú Lịnh vẫn tồn tại trong dạng gốc của một khu rừng già phong phú một cách không nghi ngờ với thảm thực vật kiểu rừng kín, lá rộng, mức ẩm nhiệt đới với số loài phong phú có nguồn gốc chủ yếu từ khu hệ thực vật Việt Bắc - Hoa Nam. Theo tài liệu của Kiểm lâm, rừng Rú Lịnh có trên hai trăm loài thuộc bảy mươi họ. Trong các họ có số loài nhiều nhất là họ thầu dầu, họ cà phê và long não. Phân loại theo ngoại hình trong loài đã được giám định thì thân gỗ chín mươi bảy loài, thân lùm bụi bốn mươi lăm, dây leo hai mươi chín, thân thảo hai mươi mốt loài. Có nhiều loài gỗ quý hiếm như lim xanh, gụ lau, huỳnh, thị rừng, cà ổi, dẻ vàng, trầm hương, ngũ gia bì và thổ sâm nam. Đặc biệt có ba loài được ghi vào sách đỏ của Việt Nam và Thế giới là: trầm hương, re hương và gõ lau. Trong ký ức của những người già trong vùng thì đến những năm đầu thế kỷ, Rú Lịnh vẫn sầm uất và rậm rạp lắm. Nhiều cây lim to đến mấy người ôm không xuể. Năm 1932, làng Huỳnh Công hạ cây để làm trường học phải mất hai mươi công một ngày mới hạ xong, khi xẻ ra mặt ván rộng có chỗ đến thước tám. Những loài gỗ này chỉ mọc được ở vùng nguyên sinh và vì thế nó là một nguồn gien vô cùng quý giá. Ấy vậy mà hiện nay có một thực tế phủ phàng là không mấy người nghĩ đến việc bảo vệ nguồn gien, xem nguồn gien là tài sản quý hiếm của đất nước. Cũng theo các tài liệu khảo sát gần đây đã xác định được các chỉ tiêu lâm học của Rú Lịnh bình quân 100m3 /ha, tổng trữ lượng gỗ 9615m3, số lượng cây 436 cây/ha.

Lá các loại cây ở khu rừng này đều dày, tán rộng, có khả năng phản chiếu tia nắng mặt trời nên hạn chế được sức nóng ở dưới mặt đất. Điều bí ẩn này giúp chúng ta giải thích được rất nhiều điều lạ lùng về vẻ đẹp riêng ở khu rừng này. Trên một địa hình đất đỏ Bazan tơi xốp, địa hình dốc nghiêng về hai phía nên rừng luôn khô ráo, ngoài bìa rừng lại được che phủ bởi những thảm cỏ xanh hay lùm cây thưa, sinh khí quyển rất trong lành và mát. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như vừa quét tước và những đám rêu xanh lục trải rộng như đệm xung quanh những khe nước trong rừng thật dễ chịu. Những ngày hè gió Nam thổi ràn rạt ở vùng đất này, vào Rú Lịnh tự nhiên thấy yên tĩnh và thư thái lạ thường. Nằm trên nệm cỏ, ngắm từng chiếc lá thảnh thơi choãi ra đón ánh nắng mặt trời, để che cho mặt đất dịu mát có lẽ bạn cũng như tôi sẽ quên ngay cuộc sống đang trôi vun vút dưới chân mình và bị hút hồn vào vòng xoáy mơ hồ và dịu ngọt của rừng xanh kia để nghe khúc nhạc bình an trong lòng mình tự dâng.

Trước cách mạng tháng tám, người dân trong vùng có luật bảo vệ rừng rất nghiêm. Ai trộm gỗ trong Rú thì bị phạt đánh trăm roi, nộp con lợn thước sáu và bị rút suất ruộng công ở cửa đình. Người dân trong vùng chỉ được hái củi khô. Riêng cây Lịnh, cây sinh thủy của Rú thì bị cấm tiệt không được lấy về làm củi cho dù cây già chết khô cũng chỉ làm tổ cho trăn, rắn, chồn, mang. Tôi xin nói thêm vài nét về cây Lịnh, một loại cây trở thành tên gọi, linh hồn của khu rừng này. Đây là một loài cây nhỏ, bò ngoằn ngoèo trên mặt đất, Lịnh thuộc họ tre và cây này có độc đáo là các đường ống chiều dài thân cây chứa toàn nước. Chặt một đoạn cây Lịnh, dốc ngược, cả bầu nước ngọt ngào chảy ra mang hương vị ngai ngái của cây rừng.

Loài cây dân dã là vậy thế mà ông cha ta đã chọn trong hàng trăm loài gỗ quý khác để đặt tên cho khu rừng. Phải chăng việc chọn tên cây Lịnh là trải nghiệm truyền đời cho con cháu về việc giữ đất, giữ nguồn nước cho sự sống. Chính nhờ vậy mà ba khe nước trong Rú Lịnh luôn đủ nước tưới tắm cho ruộng đất trong vùng. Nước Khe Bùi chảy về các vùng ruộng Đông Vĩnh Linh, Khe Đá chảy về ruộng các xã Vĩnh Nam, Khe Ná thì đưa nước về Vĩnh Hòa. Những khe nước tự nhiên này đã làm cho ruộng đồng trong vùng quanh năm tươi tốt. Cuộc sống ấm no của người dân là nhờ vào Rú Lịnh. Có lẽ cũng xuất phát từ đó mà việc bảo vệ Rú Lịnh hàng ngàn đời nay là một việc làm hết sức tự giác của người dân. Những ai đã từng sống ở mảnh đất này, chứng kiến sự càn quét, đốt phá của thực dân Pháp và những trận đánh bom hủy diệt của đế quốc Mỹ trong những năm chiến tranh mới thấy sự tồn tại của cánh rừng này là một huyền thoại. Mọi thứ ở đây đều sạch sẽ như có nhân viên bảo vệ, chăm sóc. Những người dân trong vùng hàng ngày vẫn vào rừng gom lá vàng, nhặt củi khô nhưng không vì tư lợi mà họ chặt phá rừng. Việc nâng niu, giữ gìn những sản vật ở Rú Lịnh như đã thành một phong tục tập quán tốt đẹp từ bao đời nay. Một lão nông ở Vĩnh Hòa đã nói với tôi:

- Nói thực với chị một trăm ha rừng này chỉ phá trong mấy ngày là xong, nhưng chúng tôi phải bảo vệ Rú Lịnh như giữ báu vật vì nó là nguồn sống của thiên nhiên ban tặng chúng tôi.

Không có một văn bản thành văn nào quy định nhưng có năm gia tộc ở các làng xung quanh tự nguyện làm nhiệm vụ “gác Rú”. Trong đó nổi bật họ Trần có mấy đời cử người làm nhiệm vụ này. Danh phận thật nhỏ nhoi nhưng các gia tộc này tham gia rất tự nguyện.

Hệ động vật ở Rú Lịnh cũng phong phú, đa dạng như các loài cây. Thuở xa xưa khi rừng chưa bị thu hẹp, về mùa khô các loài thú thường về đây để tìm nguồn nước và nhiều loài lưu luyến với cánh rừng này nên ở lại để tạo nên một quần thể động vật gồm rất nhiều loài và số lượng từng loài đều đông. Qua điều tra sơ bộ có sáu mươi loài chim, mười ba loài thú. Đặc biệt có hai loài thú là Tê vàng và Culy lớn được ghi trong sách đỏ Thế giới. Nhiều loài bò sát tồn tại trong rừng cũng không kém phần quý hiếm như Rùa, Kỳ đà và Dơi vàng. Trong ký ức của người dân ở quanh vùng, Rú Lịnh có hai sinh vật lạ là ổ Giàng và Rắn Mồng. Rắn Mồng được xem là loài vật linh và khủng khiếp của rừng Rú Lịnh. Loài rắn này ít khi xuất hiện nhưng nếu xuất hiện thường vào những buổi chiều tà ở những lùm cây kín rậm, hốc đá, lăng mộ, miếu thờ với hình thù quái dị làm rợn tóc gáy những người yếu bóng vía. Rắn Mồng được mô tả là loài rắn có thân dài gần một mét, đuôi hình lưỡi mác, lưng và vây như Rồng, toàn thân màu phớt lục. Trên đầu rắn có hình răng cưa đỏ tươi như mào gà trống và rắn gáy được tiếng như gà trống choai. Ông Hoàng Đàn, một cán bộ Lâm nghiệp nghỉ hưu ở Vĩnh Lâm kể lại: Năm 1959 tôi bắt được con Rắn Mồng như trên trôi dạt bám vào cành cây khô. Tôi đưa con rắn về nhà nhưng sau đó do nhiều người dị nghị nên tôi thả nó lại vào rừng Rú Lịnh. Hay ông Nguyễn Hạnh ở khóm Nam Hải thị trấn Hồ Xá còn xác nhận thêm chi tiết: Lúc ông ở Vĩnh Hòa (năm 1989) Rắn Mồng xuất hiện ở cầu thang nhà ông và ông nghĩ đó là điềm xấu nên bán nhà đi nơi khác. Còn ổ Giàng là loại địa lan khổng lồ có nhiều lá to mang các màu sắc khác nhau quấn xoắn lại như một cây bắp cải có đường kính từ nửa đến một mét. Trên đó nhiều hoa dài uốn éo như những đầu rắn thò ra ngoài rất kỳ dị. Cuộc sống ở khu rừng nguyên sinh này luôn phong phú và hấp dẫn bởi vẻ hoang sơ và nhiều điều thần bí mà nó mang theo trong lòng. Song có lẽ điều thích thú nhất khi đặt chân đến đây là được nghe tiếng hót của các loài chim. Hàng trăm loài chim cất giọng trầm bổng nghe đến nao lòng. Ngả mình trên vạt cỏ dọc Khe Bùi, nước dưới lòng khe trong vắt có thể nhìn thấy đáy. Trong một không gian tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng ve thổn thức âm âm từ lòng rừng như tiếng lá của ngàn xưa úp mặt vào cây mà ấm ức mà tự tình. Cái nắng đầu hè xuyên qua kẻ lá và chăng những sợi chỉ thổ cẩm giăng mắc trong khí trời, khí đất. Bên tiếng chảy róc rách của dòng nước Khe Bùi, tôi ngả mình để tận hưởng giọng ca của các loài chim. Con chim gõ kiến ẩn sĩ nào đó vẫn gõ đều đều nhịp thời gian với tiếng trầm đục. Một điều gì đó thật xa xôi thoáng qua trong đầu. Cũng trên những vạt cỏ dọc bờ khe xanh mướt này, trong những năm chiến tranh ác liệt, đây là điểm tập kết thương binh nặng trong vùng vào đây tĩnh dưỡng và che mắt địch. Không biết chính ở nơi đây những ai còn, ai mất, nhưng tất cả đã làm nên Vĩnh Linh lũy thép anh hùng.

Anh Lê Đức Yên, chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Linh trải rộng tấm bản đồ quy hoạch chung không gian cảnh quan Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh cho anh em chúng tôi xem. Theo anh, tổng diện tích đất trong vùng quy hoạch dự án lên đến 245ha bao gồm rừng nguyên sinh Rú Lịnh, rừng mới trồng, đất chưa sử dụng và một số diện tích mặt nước các hồ xung quanh. Mục tiêu quy hoạch vùng dự án thành một thị tứ trong tương lai bao gồm một số thôn của các xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thành.

Dự án Khu du lịch sinh thái Rú Lịnh nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy hệ sinh thái cảnh quan và các di sản văn hóa thành một nơi có sức hấp dẫn các đối tượng tham quan, du lịch học tập đi kèm với Khu dịch vụ du lịch lễ hội. Cảnh quan trong vùng dự án đã sắp đặt trước như một công viên xinh đẹp: Có rừng xanh, nước biếc nằm giữa một vành đai dân cư trù phú vừa mang sắc thái kiểu nhà vườn xứ Huế, vừa mang dáng vẻ bạt ngàn cây trái của miệt vườn Đông Nam Bộ lại vừa có tính chất của một miền rừng nhiệt đới nhiều tầng.

Trong vùng quy hoạch dự án này còn sót lại một giếng cổ của người Chăm có tên gọi là giếng Mội Rạ. Giếng Mội Rạ nổi tiếng mấy đời nay bởi tính ngoạn mục của nó. Nước từ lòng đất phun lên khe đá mài bàn đá thành một tấm phẳng lỳ, dân trong vùng ai cũng thích tắm nước giếng Mội Rạ. Tục truyền từ xưa để lại đàn bà, con gái trong vùng phải tắm nước giếng Mội Rạ để da dẻ trắng hơn, tóc xanh hơn. Vì thế ở đây còn lưu truyền câu ca: “Người ta có xấu như ma/ Tắm nước Mội Rạ cũng ra con người”. Địa đạo Hiền Dũng ở phía Tây Bắc vùng dự án là công trình được xây dựng đồng thời với địa đạo Vịnh Mốc, đây là một công trình của ngành bưu điện mang đặc thù chuyên ngành kỹ thuật nhằm đảm bảo thông tin liên lạc, phối hợp tác chiến trong những năm đánh Mỹ của quân và dân Vĩnh Linh. Sự có mặt của địa đạo này càng làm cho dự án có nét đặc thù riêng trong sự đa dạng và phong phú của vùng dự án.

Để triển khai dự án đã được phê duyệt này còn nhiều vấn đề phải bàn và cân nhắc như vấn đề quy hoạch giao thông, cảnh quan, tôn tạo các di tích cảnh quan… việc đó có lẽ dành cho các nhà chuyên môn. Riêng điều làm tôi quan tâm nhất, đó là quy hoạch kiến trúc và cảnh quan trong khu rừng nguyên sinh này. Trên cơ sở không phá vỡ môi trường cảnh quan, bên cạnh việc phục hồi rừng đa dạng sinh thái và bảo vệ được cảnh quan môi trường. Phải nói rằng Rú Lịnh có một cảnh quan lâm thủy hữu tình đầy chất sinh thái. Trong một không gian tĩnh lặng đặc biệt có thể ngắm hàng trăm loại cây con khác nhau, còn có tiếng nước chảy, gió reo, chim hót và tiếng xào xạc của chim chuyền cành. Rừng nguyên sinh có linh khí tốt, không gian mát mẻ, trong lành, đúng ý nghĩa mục đích của cuộc đi du lịch sinh thái. Nay mai thôi khu rừng này sẽ thức giấc bởi bàn tay sắp đặt khéo léo của con người. Trên cơ sở các đường mòn trong rừng sẽ thành lập ba tuyến đường chính bằng vật liệu tấm bê tông lưới thép nhỏ đúc sẵn vận chuyển thủ công vào lắp đặt. Dọc các bãi cỏ khe suối trong rừng sẽ là nói lý tưởng để dựng các nhà nghỉ theo kiểu nhà sàn gỗ cho du khách ở lại. Rồi lắp đặt hệ thống sân chơi, các đường đua địa hình và một số điểm dừng chân của tuyến dã ngoại hay bố trí các thác nước nhân tạo. Cùng với việc trồng thêm rừng cảnh quan xung quanh sẽ có vườn sinh vật cảnh, bảo tàng động vật ngoài trời với mục đích nghiên cứu khoa học và phục vụ nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên. Việc lập bảo tàng cho động vật quá vãng ở Rú Lịnh cũng rất phù hợp với những quan điểm triết học cổ mang tính nhân văn sâu sắc rằng: Coi muôn loài đều là những sinh linh quý giá của tạo hóa hay hiểu theo một cách khác là tôn trọng sự đa dạng của sinh học, của tạo hóa. Cũng bắt đầu từ một thực tế nữa là Rú Lịnh tuy chưa bao giờ được giới thiệu, quảng bá nhưng nhiều nhà khoa học, nhiều sinh viên, khách tham quan, du lịch đã tìm đến nghiên cứu và học tập. Nhiều gia đình, nhóm bạn bè đã thực hiện những chuyến picnic dã ngoại trong rừng. Điều này chứng tỏ tiềm năng du lịch sinh thái của Rú Lịnh vốn đã được khai mở.

Nghị quyết số 02 của Tỉnh ủy Quảng Trị về vấn đề phát triển du lịch tỉnh nhà đã được nhận thức như một khâu đột phá hết sức quan trọng và quyết liệt để mở ra khả năng phát triển của du lịch trong tỉnh. Cùng với việc Tổng cục du lịch Việt Nam đưa ra chương trình “Con đường di sản Miền Trung”, với ba cụm điểm văn hóa đã được UNESCO công nhận là Cố đô Huế, Đô thị Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và động Phong Nha Quảng Bình. Quảng Trị đã có kế hoạch để quảng bá mình bằng cuộc hội ngộ Đông - Tây - Nam - Bắc với lễ hội văn hóa du lịch mang tên “Nhịp cầu xuyên á”. Đây sẽ là một dịp để tỉnh nhà biến lợi thế của hành lang Đông Tây thành một cơ hội làm nơi tiếp thị các nước trong khu vực Đông Nam Á đến với Quảng Trị. Cùng với việc tôn tạo các di tích cách mạng in đậm dấu tích các cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc thì việc phát triển du lịch biển, du lịch sinh thái làm tăng thêm các loại hình và khả năng phát triển du lịch của Quảng Trị. Trong một thế cân bằng của tỉnh, phía Nam có Trằm Trà Lộc được ví như một rừng đước Nam bộ thu nhỏ, phía Tây với hệ thống hang động và rừng Trường Sơn đại ngàn thì rừng nguyên sinh Rú Lịnh giống như một ốc đảo xanh sát biển cả. Với cụm du lịch phía Bắc của tỉnh: Dốc Miếu Cồn Tiên và hàng rào điện tử Macnamara - Nghĩa trang Trường Sơn - Sông Bến Hải cầu Hiền Lương - Địa đạo Vịnh Mốc - biển Cửa Tùng - Đảo Cồn Cỏ mà thiếu Rú Lịnh thì sẽ là một khiếm khuyết, một chỗ trống làm mất tính toàn vẹn, cân bằng và ngoạn mục của hệ thống du lịch. Điều này hoàn toàn trùng hợp với ý đồ quy hoạch của huyện Vĩnh Linh như anh Lê Đức Yên thổ lộ:

- Chúng tôi có ước mơ và ý tưởng xây dựng khu sinh thái Rú Lịnh từ lâu rồi. Kế hoạch từ đây đến năm 2010 sẽ được thực hiện để đáp ứng nhu cầu của du khách trong tứ giác du lịch Hiền Lương - Cửa Tùng - Vịnh Mốc - Rú Lịnh.

Vâng, khu rừng Rú Lịnh nguyên sinh được đánh thức, giấc mơ của rừng sẽ thành hiện thực. Rồi đây muôn thú sẽ trở lại với khu rừng già, chim sẽ về quần tụ và những loài hoa dại sẽ nở đầy cánh rừng. Tôi tin chắc vậy. Hái một chùm hoa dẻ trở về, tôi bâng khuâng tưởng chừng như cầm trong tay mình giấc mơ năm tháng của khu rừng yêu dấu.

T.L

Thùy Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 119 tháng 08/2004

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground