Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kỷ niệm thị xã

L.T.S: Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn vừa trở về thăm lại Thành Cổ Quảng Trị - nơi một phần tư thế kỷ trước ông là lính về tiếp quản thị xã này, khi ấy Quảng Trị chưa bị bom pháo của 81 ngày đêm, thị xã vẫn hiền thương bên sông Thạch Hãn. Nhân dịp này ông cũng gửi cho CV một tư liệu của mình về Thành Cổ 25 năm trước, trong ngày đầu giải phóng. CV xin trích đăng phần đầu bút ký này... 

I.
 
Các anh bảo tôi kể một ít ý nghĩ khi vào thị xã Quảng Trị? Thú thực, chúng tôi không phải là đơn vị đầu tiên vào tiếp quản Quảng Trị. Sau khi sư 3 ngụy rút chạy khỏi Ái Tử, một trong những trung đoàn chủ lực vây ép Ái Tử vào tiếp quản thị xã, nghe đâu đồng chí chính ủy đơn vị là chủ tịch ủy ban quân quản đầu tiên. Từ đó trở đi, đã mấy đơn vị bàn giao cho nhau. Cuối cùng, đến lượt chúng tôi, một đơn vị bộ đội địa phương, trực thuộc Bộ chỉ huy quân sự tỉnh. Tôi nói cuối cùng vì cả tiểu đoàn chúng tôi sẽ phối hợp với một phân đội lớn hơn và nhiều đơn vị thuộc các binh chủng khác ở lại chốt Quảng Trị trong những ngày địch phản kích vào thị xã. Trong đội hình đó, tiểu đoàn chúng tôi đảm nhận mũi chủ yếu. Nhưng hôm nay, tôi chỉ muốn nói về thị xã trong một ít ngày trước cuộc phản kích, ngày mà chỉ có một đơn vị nhỏ là đại đội chúng tôi ở chính trong lòng cái thị xã còn phần nào yên tĩnh.

Còn nhớ mấy bữa đầu tiên, chúng tôi được gọi lên, bàn giao nhiệm vụ. Những ngày trước đó, khi các đơn vị chủ lực vượt Đông Hà, nhổ Ái Tử vào thị xã, chúng tôi luồn vào vùng sâu Hải Lăng đánh một đơn vị khác của địch. Cả tiểu đoàn đang hành quân từ phía Nam lên phía Bắc, bỗng có điện gọi một số cán bộ lên trước. Khi hiểu rõ cái nội dung cụ thể của mấy chữ "nhiệm vụ mới", không ai bảo ai, chúng tôi đều nhìn nhau, thầm nói với nhau: "Có thế chứ, làm lính địa phương của Quảng Trị mãi chẳng lẽ lại không được về cái thị xã của miềng một ngày nào!" Nhiều ý nghĩ xáo trộn, trong khi bước chân gấp gáp. Một buổi trưa tháng sáu, từ một xóm nhỏ phía dưới, chúng tôi đi ngược lên phía Triệu Phong. Theo tay chỉ của một đồng chí du kích, qua cánh đồng rộng, một vệt mái nhà tôn hiện lên phía bên trái. Cái vệt trắng này kéo thật dài phải đưa mắt nhìn suốt mới hết một lượt. Và cả vệt thì cái thấp cái cao, thỉnh thoảng nhô lên một tháp nước ngất nghểu. Kỳ, đồng chí đại đội trưởng đại đội tôi lẩm bẩm "Thị xã đó, chính trị viên!" Tôi không nói gì đáp lại, tuy vẫn trân trân nhìn một lúc lâu. Phải đó là một cái thị xã mà đêm đêm, dù ở rất xa, trên giáp ranh, chúng tôi vẫn thấy một quầng sáng ở phía chân trời.

Qua khỏi cánh đồng rộng, mấy người cùng đi tạt vào một xóm nhỏ. Cũng như đơn vị chúng tôi về sau, đại khái là với các tiểu đoàn bảo vệ thị xã có một đại đội chốt trong khu vực phố xá, các Xê khác và Dê bộ đội chốt các xóm chung quanh và tự hỏi. Một ít mái nhà ken dày hơn các nơi khác, thỉnh thoảng có nhà có vườn tược thì cũng chật hẹp. Trong nhà, bàn ghế tiếp khách xếp đặt theo kiểu thành phố. Giữa nhà, một tủ chè lồng kính, hé ra nhiều bao chè. Trên mặt tủ, mấy quyển sách dày xếp thành chồng cẩn thận. Chắc nhà có người học khá... Vẳng lên, từ phía nhà ngang phía dưới, có tiếng ghi ta chơi một bản nhạc nhẹ. Phải đó là tiếng đàn của cô gái mặc áo tím mà lúc mới vào nhà, chúng tôi thấy thấp thoáng? Có lẽ chỉ mới có thế.

Hôm đó, sau khi bàn qua kế hoạch thay quân trên những nét lớn, tôi quay trở lại. Cánh cán bộ chính trị chúng tôi về nắm đơn vị, chỉ có các đồng chí cán bộ quân sự là nhận bàn giao trên thực địa. Lúc chia tay cũng là giây phút đồng chí cán bộ tiểu đoàn chúng tôi báo việc "sơ bộ phân công nhiệm vụ". Tất nhiên phần thị xã sẽ do Xê Ba chủ công đảm nhiệm. Xê Một ở... Xê Hai ở... Dê Bộ ở..." Thế là cái thị xã đã trở nên gần gặn đến có thể với tay được. Thế mà tôi tạm phải quay lại. Kỳ dặn dò: "Chính trị viên về nhé... Vài hôm nữa, việc cánh mình còn nhiều". Biết thế, trên đường về đơn vị, tôi vẫn mấy lần liếc nhìn cái vệt nhà tôn đã nằm về phía bên phải. Lúc nãy, trong khi ngồi họp, tôi đã nhiều phen hình dung về nó. Đó là khi giữa tiếng người nói đều đều, có tiếng gì ọc ọc ở cái ghế cạnh giường. "- A, lại điện thoại". Đồng chí cán bộ tiểu đoàn sở tại cầm lấy máy nói chuyện. Qua cách nói của anh, mọi người đều hiểu đầu dây bên kia là máy của đại đội chốt thị xã. Rất có thể là ít hôm nữa chúng tôi sẽ vào đúng cái nơi có đầu dây ấy, và gọi về cái máy này. Tôi hết tưởng tượng về thị xã lại quay ra ngắm cái máy; một cái hộp sắt sơn xanh nhỏ, cái tay nghe ngắn cũn nối với cái máy bằng một sợ dây xoắn trong rất to, tóm lại là không giống gì hết với cái máy chúng tôi quen dùng. Dường như đoán ra thắc mắc của một số chúng tôi, đồng chí cán bộ tiểu đoàn giải thích: "Máy Mỹ đấy! Ở trên thị xã, mỗi trung đội nó mắc một cái! Trong khu Thành Cổ, thiếu ma gì?" "Có thiếu ma gì" - Rất nhiều lần, đồng chí đó nhắc lại. Thấy một đồng chí chiến sĩ loay hoay xếp pin lại và thử ăm-pun làm đèn đầu giường ngủ, mọi người ngạc nhiên ư? Trên đó thiếu ma gì. Súng ống? Thiếu ma gì. Đạn? Thiếu ma gì. Còn bao nhiêu thứ thuộc loại thiếu ma gì. Nhưng chắc chắn đầy đủ hơn là cả những loạt máy bay dội bom của địch! Thử thách hẳn khá quyết liệt đấy. Tranh thủ lúc rỗi, tôi hỏi thêm phần kinh nghiệm công tác tư tưởng ở các đơn vị khi vào vùng đô thị. Còn nhiều việc đến với mình, cái thị xã bí hiểm đó.

Mấy hôm sau, vào một buổi tối xẩm trời, cả đơn vị tôi lên thay quân cho đơn vị cũ. Trong những đợt chiến dịch, những lần thay quân thế này thường để lại nhiều kỷ niệm. Đó là lần, chúng tôi nhận nhiệm vụ thay đơn vị bạn ở những vị trí quan trọng. Đêm đi bàn giao xong, đồng chí cán bộ đơn vị cũ còn nằm với tôi cả một ngày, đến hôm sau mới ra được. Và trong ngày hôm ấy, chúng tôi cùng đánh địch phản kích, cùng đi bới các hầm xung quanh. Vừa vào tiếp thu vị trí, một vài đồng chí đơn vị tôi đã phải theo các đồng chí đơn vị cũ ra rồi đi viện luôn. Những buổi thay quân như thế, như là chỗ sống ra chỗ chết, từ chỗ chết về chỗ sống giữa người cũ người mới, tình nghĩa cảm động lắm. Buổi thay quân hôm nay còn ở trong khuôn khổ bình thường. Đơn vị cũ đang có lệnh hành quân vào vùng trong. Chúng tôi lại ở đây. Chiến trường đang bày ra ba bảy ngã, chưa biết quyết chiến điểm ở đâu. Cả hai đều hiểu như vậy. Không khéo loanh quanh mai lại đụng đầu nhau sớm. Không hiểu sao, tôi không còn thấy quá lạ lẫm với cái địa điểm mới nữa. Tôi chỉ nhớ lại con đường mà tôi đã đi tới phố xá, con đường mà chúng tôi vượt qua từ đầu chiến dịch đến nay. Từ những đoạn đường núi trơn lầy, núi non dốc ngược, bóng cây cao ngửa cổ mới nhìn thấy ngọn, chúng tôi từ biệt hậu cứ. Qua những đoạn đường vùng giáp ranh, hai bờ cỏ gianh sắc nhọn, mồ hôi đổ da mặt rát xót đến tận ruột. Qua những đoạn đường làng xóm Quảng Trị, có cả những đoạn đường cát vùng ven biển như níu chân người lại. Và bây giờ những đoạn đường nhựa. Những mái nhà đổ nát lờ mờ hiện lên dưới ánh trăng suông. Những giờ phút Quảng Trị bình tĩnh sau khi được giải phóng nào có là mấy! Bom, pháo kích đã sớm đẩy hầu hết đồng bào còn lại đi về các vùng huyện. Và chúng tôi vào với cảnh phố xá vắng vẻ loanh quanh chỉ có lính mình với nhau, để chuẩn bị làm nhiệm vụ chiến đấu trong những ngày tới. Tự nhiên, khi thấy mặt nước sông Thạch Hãn trong ánh trăng mờ ảo, tôi vụt nhớ tới những quãng sông gần giáp ranh, nhiều bèo tây, nhiều hoa súng mà chúng tôi từng phải vượt. Nhiều anh em khác thì tính toán thời gian phải vượt Thạch Hãn ở quãng này quãng kia khi có nhiệm vụ. Đã thành một thói quen, đi đến đâu những chiến sĩ chúng tôi cũng rất nhạy cảm với sông nước, bởi sông nước vốn nhạy cảm với chiến tranh như một nhà văn nào đó đã viết. Nơi chúng tôi vào, thị xã Quảng Trị cũng có một tâm hồn sông nước. Không phải những mái nhà tôn, hay cái máy điện thoại hôm trước, mà mặt sông từng trải đến bình thản tôi thấy hôm ấy sẽ là hình ảnh sâu đậm nhất còn đọng lại trong tôi, rất lâu về sau tôi còn nhớ tới mỗi khi hình dung về thị xã.

II.

Trước khi về phụ trách đơn vị tôi, Kỳ là một trung đội trưởng xuất sắc của một đơn vị trinh sát. Cho đến bây giờ, anh vẫn là một đại đội trưởng con cưng của tiểu đoàn và cả bên Ban tham mưu Tỉnh đội. Được cộng tác với một đồng chí chỉ huy quân sự như thế, tôi không còn mong gì hơn nữa. Trong việc vào thay quân, sau khi đi nhận thực địa về, anh đã có kế hoạch triển khai các trung đội. Trên cơ sở kinh nghiệm các đơn vị cũ, anh có xóc lại các vị trí đóng quân đôi chút cho hợp với tình hình mới. Không biết kiếm ở đâu ra, trong tay anh đã có một bản đồ xanh xanh đỏ đỏ đánh dấu những địa điểm quan trọng trong thị xã. Anh nói trước hội nghị cán bộ về kế hoạch điều động các đơn vị khi có tình huống xảy ra: Đich đánh từ phía La Vang lên vì phía này... Địch nhảy dù xuống thì thế kia... Các đồng chí cán bộ trung đội, tiểu đội có tham gia một vài ý kiến, còn nói chung, đều nhất trí với đại đội trưởng. Kỳ vui lắm, cười, cái răng khểnh rất có duyên... Nhưng thôi, tôi xin kể tiếp với các anh về thị xã của chúng tôi và một số ý nghĩ của riêng tôi.

Vậy là mình đã được vào một cái hang ổ của thằng địch. Vậy là mình đã dẫm chân trên cái nền đất của nó, được xem tận gan ruột của nó. Đó là ý nghĩ đến rất sớm với tôi trong cái buổi sáng đầu tiên, chụp cái mũ tai bèo lên đầu, tôi, Kỳ và một đồng chí liên lạc nữa, đi kiểm tra vị trí đóng quân. Theo đúng cách thức con nhà lính đi đến đâu cũng vạch rào leo tắt, tìm một lối đi riêng của mình cho an toàn và cơ động - mấy người chúng tôi không đi theo đường nhựa mà theo một con đường tắt, xẻ tường, vạch dây kẽm gai mà đi, và cứ thế, xọc vào trong lòng phố xá, cũng tức là qua nhiều vị trí khác nhau của quân ngụy đóng xung quanh khu Thành Cổ. Này đây, ngách đằng sau tòa hành chính là khu vực quân cảnh của tiểu khu quân sự Quảng Trị - một cái bảng lớn, một hàng chữ viết đề rõ ràng, lại một hàng chữ Anh chua bên dưới và một đầu bảng là cái hình lính Ngụy đeo cái băng kiểm soát. Có phải đó là cái nhà chuyên môn bắt lính đi trốn? Đi quá một chút, một nhà thuộc cơ quan tâm lý chiến, cũng là nơi mộ lính. Từ ngoài đường nhựa nhìn vào, còn thấy hàng chữ rất lớn: "Nơi đây ngưỡng cửa Quân đội - Vào đây là vào đại gia đình binh sĩ Cộng Hòa". Càng nghĩ tôi càng nhớ cái ý nghĩ của một nữ đồng chí cán bộ cơ sở kể chuyện vùng sâu: cái xã hội nó là xã hội lính các anh à! Chỉ mới đi chéo đi tắt qua mấy dãy nhà, cũng đã gặp nhan nhản những mặt lính trên tường, những mặt lính dưới đất. Cho đến khu nhà của bọn Bình Định, bọn quần nâu áo nâu về "cùng ăn cùng làm" với dân. Xem nơi ăn chốn ở của chúng thì cũng là một thứ ổ lính chính cống. Một đống các-bin vỡ nòng, gẫy khóa còn vất trơ chỏng ngay cận lối đi. Nếu như Quảng Trị là cái hang ổ lớn của quân Ngụy thì khu Thành Cổ chính là khu thần kinh khá phức tạp của bọn chúng. Đoạn đường đi xiên đi tắt của chúng tôi cuối cùng cũng đổ ra một đoạn đường nhựa, ngẩng lên thấy một cổng thành trên có tấm biển "Thành Đinh Công Tráng" đã cũ. Đây là một trong bốn con đường vào thành. Chung quanh thành có hào nước bao bọc - một thứ dở ao dở ngòi, nước thối đen, trên mặt nước ken chặt ít bèo súng già đanh và thâm tái. Hào là thế, cũng như tường thành là những bức tường đắp bằng đất sỏi, ngoài xây gạch cổ, nghe đâu đã gần một trăm năm mươi năm lịch sử. Trong cả khu thành rộng đại đội chúng tôi chỉ có một trung đội phụ trách, các đồng chí phải phân tán làm mấy vị trí. Tôi và Kỳ đi suốt từ đầu Bắc đến đầu phía Nam của thành. Ở đâu, các đồng chí của chúng tôi cũng lợi dụng luôn lô - cốt cũ để ở và chuẩn bị nhiều loại vũ khí để chiến đấu. Ngóc đầu trên một lô-cốt bằng bao cát đắp liền mặt tường thành là một khẩu đại liên Mỹ. Bắn máy bay, bắn địch từ xa là việc của mấy đồng chí xạ thủ ở đấy. Các đồng chí ở dưới thì thu nhặt đạn súng bộ binh và các loại thủ pháo. Không hiểu sáng kiến của ai, đạn dược chất có ngọn trong một chậu tráng men, màu đạn đồng lóe cả mắt, đạn đã nhiều trông lại càng nhiều ra. Ở tiểu đội nào tôi cũng bắt gặp những đồng chí bắt chéo sau lưng khẩu cối cá nhân và những quả đạn độ bằng quả trứng ngỗng giắt ngang hông. Anh tính, lính mình có bao giờ thỏa thuê mọi thứ như thế! Hoàn toàn chúng tôi có thể yên tâm với mọi việc chiến đấu sau này.

... Nói sau này, thực ra được độ mươi hôm yên yên thôi, chúng tôi đã bước vào cuộc đụng độ với bọn lính dù, lính thủy đánh bộ địch nống ra thị xã, trong đó trung tâm là khu Thành Cổ. Những bức tường đất dày gần 12 mét mà hôm ấy chúng tôi đứng lên trên, khi bom dội trúng sẽ toác ra từng mảng lớn và xun lại chùn xuống. Đường sá, mặt đất, hào nước tất cả bị nháo nhào không ra hình dạng gì nữa. Mặc chúng tôi can ngăn, một đồng chí phóng viên nhiếp ảnh đòi vào chụp bằng được cuộc chiến đấu trên cái nền những bức tường sắp đổ đó. Sau này gặp anh, anh khoe rằng những bức ảnh chụp được là những bức ảnh duy nhất còn lại về khu Thành Cổ. Về phía kẻ địch, tôi nghe đâu chúng cũng bố trí nhiều phóng viên vào quay phim chụp ảnh và khi không được, cay cú, chúng phải vẽ ra một tấm phông giống hệt bức thành để bố trí làm cảnh giả... Quan trọng thật! Nhưng đó là chuyện về sau. Trong cái buổi đầu tiên đến khu Thành Cổ này, tôi chưa thể biết hết những chuyện đó. Tôi cũng ít chú ý đến vẻ cổ kính của khu thành nữa. Trong khi đi trong cả khu vực rộng lớn của tiểu khu quân sự Quảng Trị, tôi chỉ chú ý đến cách tổ chức trong chỉ huy sở đầu não của địch. Chỗ này là khu hậu cần, chữ của quân đội ngụy gọi là khu tiếp vụ, những bàn ghế đổ lổng chổng, nhiều bàn còn gắn rõ tên nhân viên thường ngồi làm việc: Nguyễn Thị Nụ - trung sĩ nhất - kế toán. Phan Bá Đắc, thượng sĩ - thống kê v.v... Một khu thông tin nhiều máy móc điện tử. Một khu nhà rộng như phòng họp, trên bàn đặt bản đồ tham mưu. Cố vấn Mỹ làm việc ở đâu, ngoài cửa còn những biển gỗ sơn xanh đánh dấu. Trên bàn, ít chồng sách tiếng Anh, lại những bản đồ. Bọn Mỹ này nắm bọn sĩ quan ngụy khá chắc đây. Tôi chợt nghĩ vậy và thấy khó chịu khi nhìn lại mấy nóc nhà mái cong, trên tường vẽ rồng vẽ phượng xanh đỏ. Trong lúc Kỳ cùng đồng chí trung đội trưởng đi quan sát thêm địa hình, còn lại tôi với mấy đồng chí trong trung đội ngồi quây quần chung quanh, tự nhiên một đồng chí nhắc lại lần bọn lính Mỹ càn gần lên hậu cứ ở. Nói đến Mỹ, nhiều chuyện lắm! Đơn vị tôi có mấy chiến sĩ mới bổ sung đang háo chuyện. Cùng với mấy chiến sĩ cũ, tôi ngồi nhắc lại lần cả tiểu đoàn tôi đã quỵp được một tiểu đoàn Mỹ: Sau những ngày đầu năm Mậu Thân, chúng đang chủ quan. Chúng tôi đã lừa được chúng vào một đầm lầy bên kia sông Vĩnh Định. Hy vọng rằng chung quanh thị xã này đơn vị tôi có dịp lập chiến công lớn hơn nữa. Ngày ấy không còn xa nữa, cán bộ và chiến sĩ đơn vị chúng tôi đều hiểu như vậy. Một đồng chí cán bộ trung đội cùng với Kỳ trở về, mang chia mỗi người một điếu thuốc lá: Tuy là vào sau rốt, thỉnh thoảng chúng tôi còn nhặt được một ít thuốc lá chiến lợi phẩm. Anh tính, người chiến sĩ còn cái gì là của mình? Cơm ăn bưng ra ngay trận địa, gặp bom đạn đến còn phiền phức, chỉ có điếu thuốc là những niềm vui trọn vẹn. Điếu thuốc ít chia nhau mỗi anh làm một hơi đến vèo một cái là hết, điếu thuốc phì phèo khi trò chuyện trông ra dáng ung dung, mà có động là vứt phăng đi, vào vị trí chiến đấu được ngay.

III.

Sau ngày đầu tiên ở lại khu Thành Cổ, những ngày tiếp, tôi và Kỳ, khi thì đi cùng, khi thì mỗi người đi riêng, nhưng đều có mặt ở các khu vực chủ yếu của thị xã, cũng là khu vực có anh em trong đơn vị phụ trách. Có việc gì về kế hoạch tác chiến, Kỳ đều bàn với tôi, cũng như có vấn đề gì về tư tưởng, tôi vẫn thường bàn với đại đội trưởng. Chúng tôi đã quen cách làm việc với nhau. Với lại thực tế vào đây, cả đại đội chúng tôi nói chung, bộ phận Xê Bộ chúng tôi nói riêng (mấy cậu liên lạc, ba y tá, một quản lý) tuổi đời xấp xỉ nhau, cách nghĩ cách sống giống nhau, có gì mà chẳng mang kháo! Tôi nhớ những đêm nằm ngủ ở hậu cứ, sau những lần chia nhau đi phục kích, hoặc chỉ mấy hôm người ở nhà, người đi lấy gạo, lúc trở về họp mặt đông đủ đã bao nhiêu chuyện. Nữa bây giờ lại vào một thị xã cũ của địch. Bữa cơm, giờ nghỉ, buổi tối trước và sau khi họp, lúc nào chúng tôi cũng râm ran bàn tán không thôi về cái mảnh đất mà mình đang sống.

Lắm lúc nghĩ lại, chính tôi cũng thấy buồn cười: Trước khi vào thị xã, chúng tôi cứ hình dung một đô thị trong vùng Mỹ - ngụy kiểm soát phải thế nào kia, dù cụ thể thế nào thì không biết. Đối với người lính, cái gì đã thuộc thì rất đơn giản mà cái gì chưa thuộc thì đến rối rắm phức tạp. Hóa ra không phải thế! Phần lớn đơn vị chúng tôi không phải gốc người thành phố. Tuy nhiên từ bé đến lớn hoặc trên đường đi chiến đấu, anh nào chẳng từng qua một vài thành phố thị xã nào đó. Và thế là nỗi tưởng tượng về Quảng Trị thì ghê gớm, nhưng khi tiếp xúc, thì chẳng có gì phải ngạc nhiên lâu. Cũng như các đơn vị trước, nơi ban chỉ huy đại đội chúng tôi là dinh tỉnh trưởng cũ. Đó là một căn nhà ba tầng khá đẹp ở dưới lại có một căn tầng xây thụt xuống đất, và tường chung quanh là đá hộc xếp rất bằng phẳng. (Tầng hầm này chính thức làm móng. Những người biết về nhà cửa thành phố bảo thế!) Dinh tỉnh trưởng liền với tòa hành chính, nơi làm việc của các nhân viên, giúp việc tỉnh trưởng. Và cứ thế nối tiếp nhau là khu vực công sở: bưu điện, nhà của trung tâm bình định, trường nữ tiểu học, một cơ sở y tế... Tất cả hợp thành đại lộ Gia Long chạy dọc con sông Thạch Hãn. Ở bên dòng sông, cái đại lộ chỉ có một vế này càng ra vẻ thâm nghiêm, cô lập. Phải ở đoạn cuối gần chợ và ở những ngách đường đổ ra những phố nhỏ mới bắt đầu cảm thấy cung cảnh phố xá bình thường: nhà cửa chen nhau cái cao cái thấp rõ ra dáng sinh hoạt của dân làm ăn, buôn bán, những người chiếm phần đông trong cư dân thị xã.

Người ta chỉ có thể thuộc một mảnh đất khi đi lại trên đó hàng năm hàng đời. Chúng tôi mới đến Quảng Trị, không thể hiểu cái thị xã này thật tỉ mỉ. Nhưng công việc của chúng tôi là chiến đấu, vì thế chúng tôi phải tìm cách hiểu nhanh hiểu tắt mảnh đất mình đang sống. Việc hiểu hay không hiểu đó không những can hệ tới công việc, tới việc hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là chuyện tính mạng: tính mạng mình và tính mạng đồng đội mình. Trong cuộc đời một chiến sĩ, đã bao nhiêu lần, mỗi người buộc phải thuộc, phải yêu mảnh đất mình đến một cách chớp nhoáng như vậy! Riêng với thị xã, chúng tôi có nhiều mối dây ràng rịt hơn. Tôi nhớ câu chuyện những đồng chí từng hoạt động ở thị xã những lần lên tỉnh lên khu báo cáo ghé vào chỗ chúng tôi nói chuyện dưới ấy. Có phải là ở cái ngã tư hôm nay cột điện đổ, đứt dây lằng nhằng, gạch ngói văng ra ngổn ngang - chính ở cái ngã tư này ngày nào hàng đoàn xe díp Mỹ đã phóng đi nghênh ngang và khi một xe trước đỗ lại, đám trẻ nhảy lên móc túi, tụi lính ở xe sau vỗ tay cười - một cách khá tiêu biểu trong những đô thị san sát bóng lính Mỹ? Tôi lại nhớ tới những mẩu chuyện từ các đồng chí vào thị xã ngày mới giải phóng. Kia là cầu ga, nơi một trung đội quân đội X đã chốt giữ ngăn chặn cả đơn vị lớn của Sư 3 tháo chạy khỏi Ái Tử. Những phố xá này ngày nào các lực lượng vũ trang giải phóng tràn vào còn đang nguyên vẹn cả. Giữa lúc bối rối, địch cho máy bay ném truyền đơn và gọi loa xua dân vào vùng trong, các chiến sĩ giải phóng chỉ có tấm lòng và tiếng nói chân thành giữ bà con ở lại. Ít bữa sau bãi cát gần cầu An Tiêm san sát xuồng máy: người của cả huyện lên thị xã để phân tán các kho hàng kho gạo tránh những đợt ném bom hủy diệt. Người đi chật cả đường

... Sau giải phóng, đáng lẽ cái thị xã này đông lắm, nếu như không có bom đạn Mỹ. Một lúc nào đó tôi chợt nghĩ. Là một người lính, đáng lẽ tôi không có quyền nghĩ tới những hoàn cảnh như mình mong muốn. Nhưng trong cuộc chiến đấu này, sao nhiều lúc chúng tôi vẫn loay hoay trong những giả thiết kiểu như vậy. Giá đánh nhau chỉ có bộ binh với bộ binh thôi: chúng tôi có thể ít hơn nhiều lần, nhưng vẫn cầm chắc là thắng. Giá không có phi pháo! Tôi đã ao ước như thế, mỗi khi nghĩ tới trận đánh giáp mặt. Còn như lần này, chúng tôi vốn lính được vào một thị xã nguyên vẹn, sau khi vây ép xong cái dạ dày khổng lồ của địch ở cả Ái Tử. Nhưng giờ đây, thì lại tiếc cách khác. Chỉ còn có cách nhìn phố xá, cửa hàng dang dở mà tưởng tượng ra lúc người còn đông đúc, hoặc qua vài bức ảnh, hình dung sinh hoạt đô thị lúc bình thường. Đã có dịp, tôi kể với các anh trên mảnh đất thị xã, lúc nào nhìn lên trời cũng thấy máy bay và cúi xuống đất, la liệt những chi tiết súng, vỏ đạn, quần áo, đồ dùng quân sự Mỹ. Tôi muốn nói thêm: khi thấy những "của nhà binh" đó vứt nháo nhào, người ta xót ruột một phần, thì nhìn những đồ dùng sinh hoạt gia đình, mỗi người chúng tôi thắt ruột mười phần. Nhiều lần chúng tôi đối mặt với những trang sách giáo khoa tiểu học, nó như tuổi thơ của mỗi người. Chúng tôi bới quần áo, đồ chơi trẻ con từ trong gạch vụn. Thế ra trong cuộc sống của mình, con người ta đã làm được đến lắm thứ vật dùng! Trong khung cảnh trật tự, ta thấy nó đâu vào đấy, có lúc ta quên cả nó đi chứ. Trong cái đống đồ vật đổ nháo nhào, bây giờ tôi chợt nhận ra từng thứ một. Lại những ý nghĩ cay đắng nảy ra trong óc tôi. Nhưng tôi không nghĩ sao được, khi đi qua dãy nhà tôn của cả khu chợ Quảng Trị đổ sập, qua nhiều cửa hàng, hiệu sách, qua cái phần thị xã của những người dân thường ở giáp ngay cái phần công sở và trại lính. Tôi đã nghe nhiều người nói đến những thành phố, thị xã ở miền Bắc như Vinh, như Đồng Hới, như Phủ Lý bị hủy diệt. Nhiều nhà báo nước ngoài đã đến quay phim, tố cáo tội ác ở đấy. Thị xã Quảng Trị của chúng tôi trong những ngày này không có ai đến, nhưng nếu được nói, thì nó cũng cất lên tiếng nói như mọi thành phố bị hủy diệt  khác. Lần đầu tiên, một thị xã được giải phóng chịu chung số phận với các thị xã miền Bắc. Ý nghĩ ấy gợi cho chúng tôi bao nhiêu tình cảm khác nhau, nhưng trước hết, làm cho chúng tôi thấy nhớ: nhớ cả những nơi mình chưa được thấy tận mắt.

Trong những ngày đại đội tôi "quản lý" thị xã, chúng tôi có khá nhiều khách. Các đồng chí cán bộ Tiểu đoàn và trên Tỉnh đội xuống kiểm tra và chỉ đạo tác chiến không kể, tôi muốn nói về những đoàn phái viên khác ở trên mặt trận cũng có, ở trên Khu cũng có, xuống xem xét nhiều mặt của một đô thị mới giải phóng. Trong những dịp ấy, tôi có may mắn đi theo các đồng chí đó. Mỗi đoàn khách có một nhiệm vụ. Với mỗi đoàn, thị xã lại hiện ra với một vẻ riêng. Vì vậy, các đồng chí cũng giúp chúng tôi nhìn thấy rõ hơn cái đô thị mà mình tưởng là quen. Tôi nhớ mấy đồng chí cán bộ phòng không chỉ vào bộ phận ra-đa trong khu vực cố vấn Mỹ: "Các đồng chí giữ gìn cho... Toàn những của quý, của quý cả". Nhìn con mắt đồng chí đó, nhất là nghe giọng cái đồng chí đó van vỉ, tha thiết chúng tôi biết rằng những thiết bị trong kia là quý báu. Đồng chí cán bộ phòng dịch đến xem xét một ít kho thuốc còn sót lại, chỉ cho chúng tôi cách pha ít thuốc diệt muỗi chúng tôi đang hiếm và "báo động" về chuyện vệ sinh phố xá cạnh nơi ở. Tính ra thật lắm việc, giá mà yên yên chắc lắm việc nữa. Rồi thì các đồng chí nhà văn nhà báo, các đồng chí ở bảo tồn bảo tàng, các ông này ông nào cũng chúa thích đi loăng quăng! Trong những ngày này, chúng tôi vẫn có dịp chiều lòng các đồng chí đó được. Chúng tôi đến một rạp chiếu bóng, rạp Tân Châu ở gần trung tâm thị xã. Bức quảng cáo bộ phim Bảy hiệp sĩ ban Tếch-dát chỉ mới bị mưa nắng làm phai mờ đi một ít, vẫn còn ra màu xanh đỏ và hằn lên hình một "hiệp sĩ" cầm dao, mắt long lên sòng sọc. Ty thông tin Quảng Trị vô số sách báo, loa điện, tranh ảnh. Bị phơi ra mưa nắng, một số chỗ sách báo bỗng trở nên ẩm mốc, bốc ra một số mùi khó chịu riêng. Cũng như các đồng chí cán bộ phòng không dặn giữ gìn kho ra-đa, đồng chí cán bộ Tuyên huấn mặt trận tiếc xót bên một cỗ máy in áng chừng còn mới. Đồng chí chỉ lên tường: Những áp phích in nhr Nguyễn Văn Thiệu "thị sát" Đông Hà hồi tháng tư, chắc là mới in ráo mực. Chúng ta cũng phải cần có những phương tiện tuyên truyền nhanh nhạy như thế và hơn thế. Đồng chí kể với chúng tôi về những chiếc máy của nhà máy in, in tờ báo trên tỉnh. Những năm vừa qua, để đổi lấy một chiếc máy chữ, đã có những lần đồng chí chúng ta phải hi sinh tính mạng, nữa là một chiếc máy in!

 

Những chuyện tôi được nghe kể, những tình cảm tôi từng thể nghiệm khi đi với các đoàn cán bộ trên đến thị xã, tôi thường mang kể lại với các đồng chí cán bộ và chiến sĩ trong đại đội. Mỗi một mảnh đất có cuộc đời của nó, số phận của nó, nhưng quả là Quảng Trị đây có một số phận nghiệt ngã. Chúng tôi hiểu điều đó, và chính vì thế, chúng tôi thêm yêu Quảng Trị. Hồi ở hậu cứ, mỗi lần tổ chức báo liếp, anh em chỉ nói đến sông suối, rừng, cây. Lần này, về thị xã, chúng tôi cũng ra được một tờ báo tường và thế là đủ đề tài mới. Có người làm thơ về một quyển nhật ký nhặt được trên phố. Có người vẽ phố, những mái nhà cắt ngang, những đường xiên chéo ngang dọc trên trang giấy rộng. Có anh không hiểu vớ đâu được một hộp thuốc vẽ, và tô lên bức vẽ rất nhiều màu, màu vàng của vôi, màu đỏ của gạch. Cái thị xã đã len vào trong tâm tưởng, trong ý nghĩ mỗi chúng tôi...

(Còn nữa)

                                                                                       V.T.N

Vương Trí Nhàn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 42 tháng 03/1998

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground