Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Linh hồn trong lá thư bất tử

M

ột chiều mùa xuân 1972, sau hơn sáu ngày Đặng Thị Xơ được làm vợ, Lê Văn Huỳnh được làm chồng, trước lúc chia tay, một mâm cơm thanh bần được sắp ra. Hai đôi đũa. Hai cái bát. Một cặp vợ chồng trẻ, vẫn còn e ấp thẹn thùng. Chọc chọc đôi đũa nhìn nhau, nước mắt họ đột ngột trào xuống:

- Em ăn đi! Anh chẳng muốn ăn đâu.

- Em… Em cũng thế!...

Chẳng ai bảo ai, họ cùng buông bát đũa đứng dậy. Huỳnh khoác ba lô lên vai. Xơ thờ thẫn cầm chiếc nón theo chồng.

Kim đồng hồ vô tình chạy như ngựa chiến. Hai người chẳng kịp nói thêm với nhau điều gì. Con đường làng trống trải quá, không cho họ gửi lại nụ hôn cháy bỏng nỗi chia ly!

Huỳnh vội vã trở lại trường Đại học xây dựng, học tiếp năm thứ tư. Xơ quay về với cái phòng không lạnh ngắt và trạm bơm cô quạnh đầu làng. Họ đâu có ngờ, buổi chiều ấy là buổi chiều họ vĩnh viễn xa nhau!

***

Kết thúc năm thứ tư tại Hà Bắc, hạ tuần tháng 5/1972, Lê Văn Huỳnh và hầu hết sinh viên cùng khóa, cùng lớp được gọi lên đường nhập ngũ. Có lẽ do khoa cầu - hầm của trường đã được đào tạo kỹ, nên đội quân đặc biệt này không phải qua huấn luyện. “Xếp bút nghiên” là họ lên tàu đi B ngay. Bởi thế trước lúc vào trận Lê Văn Huỳnh không được qua nhà. Đặng Thị Xơ không được tiễn chân. Tàu tới Nam Định, Thanh Hóa, Vinh… chưa kịp dừng bánh Huỳnh đã nhảy đại xuống sân ga. Gặp bất kỳ người nào, anh cũng dúi vào tay họ chiếc bì thư, chỉ kịp nói hai tiếng “Làm ơn…” rồi lại nhảy phắt lên tàu. Sau phút ngỡ ngàng, người không quen biết ấy đã vội vàng chạy tới bưu điện. Những lá thư như vậy đều đến tay Xơ. Ngày ấy, trong chiến tranh, sao con người yêu thương nhau đến thế!

Đọc thư, Xơ sững sờ khi biết chồng đã trở thành chiến sĩ quân giải phóng. Anh đang tiếp lửa cho thành cổ Quảng Trị. Nơi ấy đang là cuộc thi gan, đọ thép của chiến tranh; là Stalingơrát của Việt Nam; là Điện Biên Phủ của Quảng Trị. Lòng Xơ nặng trĩu âu lo xen chút tự hào.

Nỗi lo, sự thấp thỏm ngày đêm cứ quặn thắt trái tim vợ người ra trận. Ngày, Xơ lao vào công việc, vùi đầu vào chiếc máy bơm của hợp tác xã. Đêm, đặt lưng xuống giường là Xơ lại bị ám ảnh bởi những giấc mơ kinh hoàng. Từ trên đám mây xanh, Xơ nhảy bổ xuống một dải lụa. Không phải lụa! Đấy là con trăn gió khổng lồ. Đầu nó cất lên. Miệng phun ra lửa. Mình nó quấn chặt một người nào đó… “Huỳnh! Anh Huỳnh! Anh Huỳnh!” Xơ gào lên và lao tới. Một tiếng sét nổ tung. Dòng sông nào đấy dựng ngược lên trời!... Cô bạn nằm bên đập mạnh. Xơ bật dậy ngơ ngác. Toàn thân ướt đẫm mồ hôi.

***

Chiều 28 Tết Quý Sửu (tháng 1/1973), có một anh bộ đội đạp xe về thôn Phú Ân, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, tìm gặp Đặng Thị Xơ. Anh bảo rằng: “Cách đây hơn một tháng, tô gặp Lê Văn Huỳnh. Huỳnh khỏe. Anh em chuyện trò vui lắm. Huỳnh tặng tôi chiếc áo may ô và một đôi dép trắng…” Anh trao cho Xơ tấm ảnh của anh và xin Xơ tấm ảnh của Huỳnh.

Anh bộ đội ấy đi rồi, lòng Xơ bồn chồn như lửa đốt. Linh tính báo Xơ có sự chẳng lành. Như người mất trí, Xơ lao bổ ra đường nhưng anh bộ đội ấy đã đi xa. Chiếc xe đạp mất hút sau ánh chiều tà và những khóm tre đang run lên bởi những cơn gió bấc.

Mãi đến sau này, Xơ mới biết: anh bộ đội ấy chính là Nguyễn Văn Duy, quê huyện Quỳnh Côi – Đại đội phó đại đội 17, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 – Thủ trưởng trực tiếp của chồng Xơ. Anh đã về nhà chị Lê Thị Khâu (chị gái Lê Văn Huỳnh) ở thị xã Thái Bình, để trao lại tư trang cho gia đình liệt sĩ. Sợ Xơ không chịu đựng nỗi, anh phải tìm cách dấu biệt tin buồn.

Vật quý nhất của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại cho người thân trong chiếc ba lô ấy, là lá thư cuối cùng anh viết ngày 11.9.1972. Vậy là, lá thư được viết trước lúc hy sinh đúng 3 tháng 20 ngày.

Đọc thư, chị Khâu vừa đau đớn, vừa bàng hoàng kinh ngạc, bởi từ nhỏ, chị chưa bao giờ được đọc lá thư nào như thế. Không hiểu sao, em chị lại biết rõ định mệnh của mình và tương lai của đất nước. Trong thư, chào vĩnh biệt không thiếu một ai. Đón nhận cái chết, vui vẻ đúng như người dân quê vừa “cày xong thửa ruộng!”… Lại không quên nói rõ nơi chôn cất và hướng dẫn cặn kẽ đường đi cho người tìm hài cốt!... Chị Khâu không dám đưa lá thư ấy cho Xơ đọc. Vì từ khi móng mánh biết tin chồng hy sinh, Xơ khóc nhiều quá. Hai mắt sưng húp, hiện đang phải điều trị tại bệnh viện mắt Trung ương đã hơn một tháng, vẫn chưa tiến triển.

Khi ra viện, Xơ bị hỏng hẳn mắt phải. Mọi người hết sức lo lắng nên càng giấu kỹ lá thư. Nhưng rồi Xơ cũng biết. Ngày đêm Xơ khóc đòi được đọc thư. Chẳng còn cách nào khác, chị Khâu đành phải chiều em.

Đọc được vài dòng, Xơ ngất xỉu. Phải mất mấy ngày, Xơ mới đọc xong thư. Nhưng thật không ngờ, đọc rồi, lòng Xơ bỗng nhiên dịu xuống, nguôi ngoai. Như gặp liều thần dược, mắt Xơ dần ổn định. Ai cũng bảo: chính lá thư của Huỳnh đã cứu được con mắt còn lại của Xơ. Thì ra, có những nỗi đau này, xoa dịu được nỗi đau kia, khi nỗi đau ấy vẫn cảm thấy mình chưa đau bằng nỗi đau người khác!

Sau này Xơ bảo: được đọc thư là Xơ được gặp chồng. Xơ cất kỹ lá thư ấy như lá bùa hộ mệnh. Nó là tình yêu, là sức sống còn lại của Xơ. Những ngày dài, đêm thâu, Xơ lấy thư ra vuốt ve, ấp ủ, than thở, tâm tình… Xơ vẫn tự nói với mình: vì nước anh không về. Thôi… với riêng em, thế cũng đủ! Em chỉ tiếc rằng thời gian bên nhau ngắn ngủi quá. Chúng mình chưa kịp có một đứa con. Mà anh ơi, sao thế nhỉ? Tại sao anh lại ra đi đúng vào ngày chúng mình cưới nhau năm trước?! Mọi điều anh dặn, em sẽ làm theo trọn vẹn. Duy có một điều… em chẳng nghe đâu. Ngày mẹ còn sống, anh chị Chẩm và cô dì chú bác cũng cứ khuyên thế, nhưng em sẽ ở vậy, đợi anh thêm mấy chục năm nữa. Chẳng có lâu gì. Ngày ấy chúng ta lại gặp nhau y như ngày mới cưới. Anh bằng lòng chứ? Anh Huỳnh ơi!

***

Sau ngày đất nước thống nhất, Xơ và anh chồng là Lê Quang Chẩm nghĩ ngay tới việc tìm kiếm, đưa hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh về quê. Đường đi, nơi mai táng đã được ghi rõ trong thư, nhưng thực tế không đơn giản. Lá thư đã được chuyền tay khá nhiều người. Từ Đặng Văn Hùng (em trai Xơ), sang Lê Quang Chẩm, tới Trần Viết Ngữ (người thân của gia đình), rồi không biết bao nhiêu anh em bè bạn, đã dùng lá thư làm chiếc la bàn đi dọc sông Thạch Hãn, khắp các nghĩa trang Quảng Trị, vẫn không tìm ra tung tích.

Trước tình trạng dường như bế tắc, Lê Thi Dung (em con bà dì của liệt sĩ) đã phải tìm đến địa chỉ ông Nguyễn Đức Phụng 286 – Thụy Khê, Hà Nội. Đây là ông thầy tìm mộ bằng phương pháp tâm linh đã có tên tuổi trong cả nước. Ông Phụng trao cho bản sơ đồ và bảo: “Mộ liệt sĩ Lê Văn Huỳnh hiện nằm tay nghĩa trang vô danh Ba Lòng. Đó là ngôi số 5, hàng thứ 7 kể từ cuối nghĩa trang trở về phía đài tưởng niệm. Từ cổng vào ở phía tay trái”.

Nghe vậy, Đặng Thị Xơ lắc đầu: “Không thể ở tận Ba Lòng. Cũng không thể vô danh, vì trong thư đã nói rõ: ở Nhan Biều 1 lại có bia ghi tên. Nếu có sai lệch, cũng chỉ ở bên dòng Thạch Hãn thôi”. Mãi đến năm 2001, tình cờ một hôm ông Đặng Xuân Bơ – người cùng làng nói chuyện:

- Năm ấy – 1973, khi dẫn quân qua sông Thạch Hãn, cậu Thuấn có dẫn tôi ghé qua viếng mộ chú Huỳnh…

- Trời! Xơ kêu lên: - đầu mối ngay cửa ngõ mà bấy nhiêu năm cháu không tìm ra.

Lương Thuấn, hiện đang là cán bộ hợp tác xã nông nghiệp xã Lê Lợi. Khi được hỏi, giọng anh bùi ngùi:

- Ngày ấy, tôi cũng chỉ được người bạn dẫn đến một lần. Trời lại tối quá. Bây giờ làm sao mà nhớ được địa hình… À mà anh Xuyên. Anh Xuyên ở Trà Giang…

Bấy giờ ông Xuyên là chính trị viên đại đội 17, nhưng lại về đơn vị sau khi Lê Văn Huỳnh đã hy sinh. Ông Xuyên bèn giới thiệu mọi người đến xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Côi gặp ông Nguyễn Văn Duy. Thì ra, đây chính là người ngót ba mươi năm trước đã đem quân trang của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh về gia đình. Ông Duy nay là đại tá nghỉ hưu, thương binh chấn thương sọ não. Khi nghe hỏi, ông lặng đi:

- Khổ quá! Tôi cứ tưởng đồng chí ấy đã yên nghỉ ở quê nhà rồi. Thảo nào… Đôi mắt ông ngấn lệ - Thảo nào đêm qua, tôi mơ thấy có mấy chiến sĩ quen quen đứng bên một dòng sông cứ vẫy gọi… Sáng nay định lên tỉnh có việc, không hiểu sao, bà ấy cứ giữ lại không cho đi, thật may… Tôi bị thương nên trí nhớ bây giờ kém quá. Để tôi giới thiệu anh em đến gặp người này…

Người ấy là bác sĩ Minh, đang làm việc tại trung tâm cấp cứu 05 bệnh viện Việt – Bun Thái Bình. Ngày ấy Minh là liên lạc đại đội. Minh lại giới thiệu đến gặp Nguyễn Song Hào. Bấy giờ Song Hào phụ trách quân lực C17. Song Hào bảo:

- Ngày tháng Huỳnh hy sinh là chính xác rồi, nhưng không phải ở Nhan Biều 1, mà ở phía trên Thành Cổ, cách bến Vượt không xa. Để tôi điện cho anh Cường. Anh Cường trực tiếp mai táng.

- Anh Cường là ai vậy anh? Có tiếng hỏi.

- Là bạn sinh viên, học cùng lớp ngủ cùng giường, nhập ngũ cùng ngày, chiến đấu cùng một tổ với Lê Văn Huỳnh. Bây giờ anh ấy giảng dạy tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Nhận được tin, Lê Văn Cường bàng hoàng, nước mắt dàn dụa. Anh kể rằng: Tối ấy 2/1/1973, tôi và Sơn được cử đi làm nhiệm vụ phía trên bến Vượt. Ở lại có chính trị viên Lan, Huỳnh, Thiện, Chuyên và Liên. Ông Lan mới về thay chính trị viên cũ hy sinh có được ba ngày, chưa biết hết mặt anh em trong đại đội. Như mọi đêm, cả tổ đang bơm xuồng cao su chuẩn bị đưa hàng vượt sông, thì khoảng 9 – 10 giờ bị một quả pháo chụp rơi rất gần. Khi chúng tôi tới thì chính trị viên Lan, Huỳnh và Thiện đã hy sinh. Thi thể đã lạnh giá. Chuyên bị thương vào bụng, ruột lòi ra, còn thoi thóp thở. Chúng tôi vội lấy bát úp vào vết thương, băng lại rồi đưa ngay về trạm cấp cứu trung đoàn. Nhưng vết thương quá nặng, Chuyên đã hy sinh. Còn Liên, bị thương nhẹ, chỉ phải nằm viện ít ngày…

Bỗng anh nấc lên: “Thật không ngờ, ba mươi năm nhanh quá. Đứa mất, đứa còn! Tội nghiệp thằng Huỳnh vẫn lưu lạc, bơ vơ!

Ngay sau đó, Lê Văn Cường báo tin cho anh em trong hội đồng ngũ sinh viên, về nhà anh bàn việc xác định vị trí mai táng Lê Văn Huỳnh. Gần chục con người chụm đầu, vắt óc lục tìm trí nhớ qua từng mô đất, hốc cây, bụi cỏ… bên bờ sông Thạch Hãn ngày nào.

Tiếng giấy bút sột soạt. Tiếng ổ cót chiếc đồng hồ côn xòe xòe. Tiếng ai đó xụt xịt, nước mắt nhòe trang giấy. Hồi lâu, một tấm sơ đồ hình thành. Anh Cường đưa cho anh Chẩm và hỏi:

- Nếu không bị bom đạn cày xới, thì chắc chắn Huỳnh và mấy anh em vẫn nằm đây. Bây giờ chỉ còn quyết định ngày đi. Ý định gia đình thế nào?

- Cảm ơn các anh rất nhiều. Nhưng chúng tôi vào đó có khác gì chim chích vào rừng, nên… muốn nhờ một vài anh em cùng đi…

- Đó là trách nhiệm của chúng tôi với người đã khuất. Anh Cường nói. Có điều… ta phải đi trước ngày sinh viên vào trường. Nếu có thể, sẽ là ngày 5/9. Được không?

Đúng trưa 5/9/2002, con tàu Thống Nhất rời ga Hà Nội, hối hả đưa đoàn người đi tìm hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và Nguyễn Văn Thiện, xuôi về Quảng Trị. Đoàn gồm bốn người của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh là: Lê Quang Chẩm, Đặng Thị Xơ, Lê Thị Khâu và Lê Thị Dung. Hai người của gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Thiện là ông Nguyễn Văn Sơn và con trai ông cùng sáu người của hội đồng ngũ sinh viên là: Lê Văn Cường, Vũ Hồng Sơn, Nguyễn Văn Hùng, Lê Văn Tường, Đỗ Quang Hiển và Nguyễn Hưng Đạo. Ai cũng mang trong lòng một niềm hy vọng, một sự thấp thỏm, một vẻ đăm chiêu trong suốt cuộc hành trình.

Tàu vừa đến ga Đông Hà, ông Trần Viết Ngữ đã đánh xe hơi ra đón sẵn. Chiếc xe vun vút lao về Ban chỉ huy quân sự huyện Triệu Phong. Tại đây, trước ngày lên đường, anh Lê Văn Cường đã có thư liên hệ. Bởi vậy, vừa đặt chân vào phòng tiếp đón, mọi người đã được báo tin mừng: Đã tìm thấy hai tấm bia tôn khắc tên liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và Nguyễn Văn Thiện. Tiếng khóc bỗng vỡ òa trong phòng khách. Nhưng tiếng khóc lại lập tức lịm đi khi đồng chí cán bộ huyện đội Triệu Phong nói tiếp: Tuy vậy, mộ chí vẫn chưa xác định được. Tại mảnh vườn nhà ông Nguyễn Hậu, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, có hai hố bom lớn. Phần đất nằm giữa hai hố bom ấy đã được ba lần đào bới. Lần thứ nhất, do một đơn vị bộ đội tìm hài cốt liệt sĩ làm nhiệm vụ. Lần thứ hai, do đội quy tập xã Triệu Thượng tìm kiếm. Lần thứ ba, do những người thu nhặt phế liệu đào bới. Cả ba lần, vẫn chưa xác định được các liệt sĩ nằm đâu!

Rời Ban chỉ huy quân sự huyện, chiếc xe lại lao về thôn Thượng Phước xã Triệu Thượng. Lúc này có thêm hai cán bộ huyện đội Triệu Phong và ba cán bộ xã Triệu Thượng cùng đi.

Thực địa là mảnh vườn rộng gần một sào Bắc Bộ, nằm ngay bờ sông Thạch Hãn. Chủ mảnh vườn trước kia là ông Nguyễn Hậu, nay đã nhượng cho người em gái là Nguyễn Thị Yến. Chị Yến bảo: Chắc các chú ấy vẫn ở đâu đây thôi. Tôi nói chẳng biết có ai tin không, nhưng đã mấy lần rồi, cứ vào những đêm mưa sẩm tối trời là có ba chú với một cô, đeo ba lô vào cửa nhà tôi xin ở nhờ. Tôi bảo: Nếu không chê nhà chị nghèo, các cô chú cứ ở đây cho vui”. Bốn người đặt ba lô xuống cửa, ra sân giếng rồi mất hút. Lần đầu tưởng người thật, tôi cứ ngơ ngác tìm quanh.

Theo chúng tôi biết, ở đây chỉ có ba người, sao lại bốn hả chị?

- Bốn người mà! Chị Yến khẳng định. Mấy năm trước, xã đã rước một người vào nghĩa trang rồi. Người ấy chắc là cô bộ đội tôi đã nhìn thấy.

Chiều hôm đó (6/9/2002), công việc tìm kiếm bắt đầu. Mười chiếc đũa được cắm rải rác trên mảnh vườn. Ông Chẩm và ông Sơn (bố liệt sĩ Thiện) miệng lẩm nhẩm khấn, tay đặt trứng vịt lên đầu đũa. Hồi lâu, hai quả trứng đậu vững trên hai chiếc đũa, cách nhau không xa. Tiếng khóc, tiếng reo lại bật lên. Cuốc, xẻng hối hả xục vào lòng đất. Đào và đào. Hố sâu nửa mét, một mét, một mét rưỡi rồi trên hai mét vẫn chẳng thấy gì. Ai cũng nản. Đũa tre, trứng vịt lăn lóc!

- Chẳng lẽ lại vô vọng! Nếu không tìm thấy, gia đình tính thế nào? Anh Cường hỏi.

- Hết lòng hết sức mà chẳng thấy thì cũng đành chịu, chứ biết tính thế nào hả anh! Nhưng dù sao, đã tìm được tấm bia, em cũng còn hơn ông gì ở Hà Bắc, sang tận Lào, đào bới tới một trăm hai mươi chỗ, mà chỉ được một dúm đất mang về!

Cường không ngờ, chính Xơ lại động viên, an ủi anh. Họ bàn nhau mua mấy cân sắt sáu làm thuốn xâm.

Đêm ấy, đoàn đánh xe ra nghỉ tại Đông Hà. Riêng bố con ông Sơn trú lại nhà Hậu. Không ngủ được, sáng sau ông Sơn dậy thật sớm xâm. Bịch. Bịch. Sột. Soạt… Đây rồi! Ông kêu lên. Mọi người xúm lại đào. Sâu khoảng hai mét, trong lòng đất bỗng hiện ra chiếc bọc nilong, còn nguyên đai buộc, trông rõ hình người.

Khổ đau, thất vọng trở thành hy vọng, mừng vui. Ai cũng cảm thấy như vừa hất tung được viên đá tảng bấy lâu đè nặng ngực mình. Ai nấy hối hả làm việc, cẩn trọng, gượng nhẹ, tỉ mỉ, nâng niu… Tuy thế, lại nẩy điều trăn trở: Người nằm trong bọc kia là ai? Lấy gì để minh xác?

- Không lo! Anh Cường và anh Sơn khẳng định: đã tìm được một, là sẽ thấy cả ba. Hôm đó, chúng tôi chôn ba người theo hình tam giác. Cứ tìm tiếp hai người kia, khắc rõ tên từng người một. Bởi vì khi bị thương, mỗi người có một đặc điểm. Chính trị viên Lan bị mảnh đạn nhỏ trúng tim, hài cốt nguyên vẹn. Huỳnh bị gãy xương đùi, mảnh đạn vẫn ở trong người. Riêng Thiện, mất hết cả răng lẫn xương hàm. Đặc điểm như vậy, lầm lẫn sao được?

Quả nhiên, khi tìm được ba bộ hài cốt mở ra, cả ba hiện ra đúng như thế. Người tìm thấy đầu tiên là chính trị viên Nguyễn Lan. Ông quê Gia Khánh, Gia Viễn, Ninh Bình, mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, người gốc họ Dương, nhưng lớn lên phải đi ở cho một gia đình họ Nguyễn, nên đổi thành họ Nguyễn. Vì chưa có người đón về nên hài cốt ông được đưa vào nghĩa trang Quảng Trị. Người tìm thấy thứ hai là liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Ngoài một xương đùi gãy, còn có hai mảnh đạn ở trong. Người tìm thấy sau cùng là liệt sĩ Nguyễn Văn Thiện. Hài cốt không còn răng và xương quai hàm. Thiện kém Huỳnh hai tuổi. Lau nước mắt, bà mẹ chị Yến bảo: Thủ trưởng đi trước, chiến sĩ đi sau. Nhiều tuổi đi trước, ít tuổi đi sau. Vậy là đến chết rồi, bộ đội Cụ Hồ vẫn giữ được quân phong, quân kỷ!... Điều băn khoăn cuối cùng là tại sao chỉ có hai tấm bia? Chẳng lẽ thủ trưởng lại không có!

- Có chứ! Ông Hậu giải đáp ngay. Rất tiếc là chúng tôi biết việc đó hơi muộn. Tấm bia của ông Lan bằng nhôm chứ không phải bằng tôn, vì thế người nhặt phế liệu đã bán mất rồi! Đồng tiền nó vô tình thế đấy. Thôi thì các bác và anh em liệt sĩ cũng thể tất cho sự ấu trĩ, đói nghèo!

Người cựu chiến binh ấy nói vậy cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Thực ra, bà con nơi đây sống thật nghĩa tình. Vừa nghe tin có đoàn tìm mộ liệt sĩ đến, già trẻ, trai gái ầm ập kéo về, ai cũng muốn đóng góp được chút gì cho việc tìm kiếm. Người già hướng dẫn địa hình, cung cấp thông tin, trẻ con đi mượn cuốc xẻng, dao rựa… Từ cái tăm cái đóm đến nơi ăn chốn ở, tất tật đều cậy nhờ gia chủ và bà con cô bác xung quanh. Suốt ba chục năm trời, dù chưa xác định được chỗ nằm của các liệt sĩ, nhưng ngày lễ, ngày tết hàng năm, gia đình ông Hậu, bà Yến… luôn hương hoa đèn nến chăm sóc linh hồn những người đã hy sinh vì đất nước. Hai tấm bia bị bom tung đi, đã được ông Hậu nhặt về bảo quản kỹ lưỡng. Nhờ đó, chiếc khóa bí mật trong lòng đất mới được mở ra. Công việc tìm hài cốt vừa xong thì vườn sắn nhà chị Yến hầu như cũng bị phá bỏ. Vậy nhưng khi gia đình liệt sĩ ngõ ý bù đắp một phần thiệt hại, chị Yến lại nhất mực chối từ. Chị bảo: Một mặt người hơn mười mặt của. Các bác tưởng chúng em nghèo mà quý của hơn người sao?!

Tiễn đoàn và các liệt sĩ về quê rồi, bà con Thượng Phước còn đứng mãi bên bờ sông Thạch Hãn tay vẫy vẫy, mắt rưng rưng, ngẩn ngơ dõi về phương Bắc.

* * *

Bạn đọc thân mến!

Sau ngày đón hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh về quê hương, với lòng cảm phục, mến thương và biết ơn sâu sắc người đã khuất, cũng như những người còn sống vẫn lặng lẽ, âm thầm hy sinh suốt đời cho Tổ quốc, Nhân dân, người viết bài này đã tìm đến chị Đặng Thị Xơ, bác Lê Quang Chẩm và khá nhiều người liên đới để tìm hiểu, ghi lại những nét cơ bản về những con người bình thường nhưng đáng được tôn vinh là VĨ ĐẠI ấy. Những người vĩ đại thường không thích lộ mình, nhưng may thay, nhờ có lá thư “độc nhất vô nhị” của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, mới giúp chúng ta có cơ hiểu được cái vĩ đại trong những con người bình thường đó. Dưới đây là toàn văn lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh để lại cho đời:

Quảng Trị 11/9/1972

Toàn gia đình kính thương!

Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột.

Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước chưa đền đáp công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi.

Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lả, lá vàng còn ở trên cây lá rụng xuống trời ơi hởi trời. Con của mẹ đã đi xa để lại cho mẹ nổi buồn nhất trên đời. Con rất hiểu đời mẹ khổ đã nhiều nay bao hy sinh nuôi con khôn lớn, song vì đất nước có chiến tranh thì mẹ ơi hãy lau nước mắt cho đời trẻ lại sống đến ngày đón mừng chiến thắng. Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi. Số con đã đi xa để lại cho mẹ biết bao khó nhọc nay con đã đến ngày khôn lớn thì... Thôi nhé mẹ đừng buồn coi như con đã sống trọn đời cho Tổ Quốc.

Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nổi buồn nhất và có lẽ là nổi buồn đầu tiên trong cuộc đời em. Em ạ! Chúng ta sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương trìu mến. Người ta lấy chồng thì được chiều chuộng mọi điều, song đối với em không những chẳng được diễm phúc ấy mà đã sớm phải xa rồi. Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu đợt này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa nhau. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em, song vì chiến tranh thì em ơi hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe yêu đời. Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh. Còn em khi nhận được thư này hãy đừng buồn nhiều cho đời tươi trẻ. Nếu có điều kiện hãy cứ đi bước nữa vì đời còn trẻ lắm.

Theo anh thì nên làm như vậy. Nhưng anh chỉ mong một điều là đối đãi với mẹ, anh chị trong gia đình như khi anh còn sống. Anh mong em hãy làm tròn cho linh hồn anh được bay cao ôm ấp trong giấc mộng trìu mến của em. Thôi nhé anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nổi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tỉnh lại và làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày đề ở ngoài  phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới công anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hi sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về “Nhan Biều 1”. Nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy sẽ tìm thấy ghi dòng chữ đục trên mãnh tôn. Thôi nhé đó là có điều kiện, còn không thì em cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi.

Anh chị kính mến!

Anh em liền khúc ruột mềm mà giờ đây đã phải mãi mãi xa nhau. Ra đi mong anh chị khỏe mạnh trông nom mẹ già theo em, động viên mẹ khi biết được tin này. Em rất hiểu anh chị buồn lắm, kể gì đây cho anh chị đỡ buồn. Song anh chị hãy vui lên, chăm sóc các cháu, nuôi mẹ già sống lâu đó là điều em mong muốn nhất. Để cho linh hồn em được mãi mãi quanh anh chị và gia đình. Đối với Xơ anh chị nên động viên em nó và tìm đường tương lai vì em nó còn trẻ lắm. Hòa bình nếu có điều kiện vào Thị xã Quảng Trị sẽ đến được chổ em yên nghĩ theo em đã căn dặn trên. Thôi nhé chúc anh chị ở lại, hồn em mãi mãi bên anh chị.

Cháu Trương mến thương!

Giờ cháu còn bé song sau này cháu sẽ là trưởng gia. Giờ đây phải cố gắng học tập cho thành người. Được sống hòa bình hãy luôn nhớ tới người chú ruột của cháu đã hi sinh. Khi trưởng thành hàng năm cứ đến ngày này hãy tưởng nhớ tới linh hồn của chú. Đặc tính của chú hay thích ăn thịt gà và chuối, xôi lắm đấy. Thôi nhé hãy làm tròn nghĩa vụ của người cháu đích tôn đối với chú.

Thầy mẹ kính mến!

Trước lúc con đi xa có mấy điều mong thầy mẹ làm theo lời con mong muốn. Thầy mẹ ạ, con rất hiểu thầy mẹ buồn nhiều vì mất đi người con thương mến của gia đình. Con mong thầy mẹ đừng buồn nhiều mạnh khỏe cho đời mãi mãi kéo dài đón mừng ngày thống nhất. Thày mẹ ạ! Chúng con sống với nhau chưa được bao lâu nay đã... chắc em nó buồn lắm... Thôi tất cả những gì đã qua là vào dĩ vãng. Ra đi con mong thầy mẹ khỏe, sống lâu mãi mãi. Cho con gửi lời chào bà, các cậu, các mợ, chị Lộc và toàn thể họ hàng thân thuộc.

 Em thương yêu! Nhận tin này em hãy báo tin cho người bạn của anh,mà ngày nào đã có dịp về chơi.

Địa chỉ: Hoàng Khắc Chiến, Xóm Chín, Thôn Hoằng Trì, Xã Hoàng Thắng, Huyện Hoàng Hoá, Thanh Hoá.

Nội dung: H, đã hi sinh ngày 2/1/1973 (Tức ngày 28/11/Âm lịch) (*)

Thôi, con đi đây. Chào tất cả gia đình và hàng xóm quê hương.

Con của gia đình

Lê Văn Huỳnh

Đúng một trăm ngày sau khi đưa hài cốt liệt sĩ Lê Văn Huỳnh về quê, ông Trần văn Khư, cán bộ quản lý nhà bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị đánh xe về tận nơi xin lá thư gốc và tấm bia tôn của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Gia đình đã trao lá thư ấy cho nhà bảo tàng, còn tấm bia đã hạ thổ cùng với hài cốt tại nghĩa trang liệt sĩ địa phương.

Vậy là từ một tấm tình riêng, lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đã trở thành khối tình chung của non sông đất nước, thành tài sản quý của quốc gia, thành khúc ca bi hùng của tuổi trẻ xả thân cứu nước… Anh Huỳnh ơi! Phải chăng linh hồn anh đã nhập vào lá thư bất tử đó từ những ngày anh còn đang sống? Giữa cuộc chiến mưa bom bão đạn ngày ấy, điều gì đã giúp anh khẳng định đất nước ta có ngày rực rỡ hôm nay? Anh có nghe thấy cả nước đang thổn thức gọi tên anh, đọc thư anh, vừa tự hào, vừa rơi nước mắt?

Có một cựu chiến binh Mỹ vừa qua Quảng Trị. Người ấy đọc thư anh, ngậm ngùi mà thốt lên rằng: “Đến bây giờ tôi đã hiểu vì sao các bạn thắng. Các bạn thắng vì các bạn đã biết trước tất cả!”

Đúng thế! Anh đã biết trước. Chúng ta đã biết trước tất cả. Linh hồn trong lá thư bất tử của anh đã giúp người Mỹ kia và nhân loại nhận chân ra đâu là chân lý quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

 

N.V.T

 

______________________

(*) Ngày hy sinh do người khác sau này điền vào. Chưa rõ người ấy là ai.

Nguyễn Văn Thục
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 118 tháng 07/2004

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

39 Phút trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

5 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground