Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi

C

ũng đều là quê nhà, nhưng tại sao không biết, cho đến bây giờ Vĩnh Linh, trong tâm trí tôi vẫn y nguyên là một mảnh đất mang nhiều điều kỳ lạ mà tôi không lý giải được, như một bài toán không tìm thấy đáp số. Một ngày vào cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ, tôi có việc gấp phải ra Vĩnh Linh, và xin lưu ý rằng dưới mắt người ngoại cuộc, Vĩnh Linh là thuộc về một xứ sở khác mà tự tôi, tôi phải học cách làm “mặt lạ” đối với nó.

Lúc này cơ quan tôi đóng trụ sở giữa một cánh đồng tranh cao lút đầu, thuộc làng Kinh Môn, ngay sát bờ nam sông Bến Hải. Nguyên ngành Văn hóa chúng tôi có mở một lớp huấn luyện cho cán bộ cơ sở, trong tình hình bấy giờ ở Quảng Trị, một lớp huấn luyện với gần 50 con người ta như vậy ắt phải nhờ vào đất Vĩnh Linh làm địa điểm huấn luyện, vì đúng như lời một người anh em ở Vĩnh Linh nói: “ở đấy, dù sao mỗi người cũng có một căn hầm chữ A để ngủ cho yên giấc”.

Tôi sẽ kể về những cái lạ tôi nghe được về Vĩnh Linh cùng với sự hiểu biết của tôi về sau này, cách đó dăm năm, mà trí nhớ của tôi không thể nào tách riêng ra được. Từ bé đến giờ, tôi quả chưa thấy chút hình dáng nào của mảnh đất ấy ở bên kia sông Bến Hải; ngoại trừ những mớ chè tươi mà mọi người ở trong này thường mang về sau ba lô mỗi lần có dịp đi Vĩnh Linh công tác vào, tạm gọi là theo quy luật “đi không về có”. Tôi thèm khát nhìn những vườn chè của Vĩnh Linh, bởi vì từ lâu nay tôi vẫn sống trong những hang đá ở Trường Sơn, và trong bom Mỹ ở miền Nam, có được một cái gì gọi là “cái vườn”, thì như thế cũng lạ lắm. Và Vĩnh Linh còn nhiều cái lạ khác mà lải rải sau này tôi được nghe nói đến, và bây giờ trí tò mò cứ thúc giục tôi đi nhanh cho chóng đến.

Người cùng đi với tôi tên là Dương, một đồng chí bảo vệ trẻ vừa từ miền Bắc vào và cũng lạ lẫm đối với đất Quảng Trị không hơn gì tôi. Vừa đến bến đò dã chiến ở Kinh Môn, tôi chợt thấy một mớ gai nè chắn ngang lối đi xuống bến đò, đồng thời một tấm biển do anh em tự vệ viết nguệch ngoạc bằng than đen: “Cấm đi. Có bom nổ chậm”. Thế là đường ra Vĩnh Linh đã tắc nghẽn; tôi cảm thấy ngao ngán vô kể. Bèn cùng với Dương ngồi nghỉ cho đỡ giận giặc Mỹ dưới một gốc sung già trên bến đò, tiu nghỉu vì chuyến này lại không đến được “miền đất lạ”.

* * *

Tôi cho rằng điều lạ lùng đầu tiên của Vĩnh Linh nằm ngay ở cái bản chất của nó. Cái tên “Lũy Thép” thật là kỳ phùng địch thủ với cái “Hàng rào điện tử Mắc Namara” ở bờ Nam, điển hình của ý niệm “Chiến trường điện tử” kiểu Mỹ.

Gọi là “Lũy Thép”, nhưng Vĩnh Linh không hề có một tấc thép gai nào cả; sức mạnh của nó bao gồm một yếu tố nhân văn cứng hơn cả thép, chính là con người. Vĩnh Linh còn là nơi xuất phát do bao nhiêu đòn tấn công của dân và dân ta ở miền Bắc, thị dụ như những trận địa pháo binh đã nã hàng vạn quả đạn vào Dốc Miếu trong một đêm, dưới mắt quan sát của đội quân trinh sát pháo binh cũng từ Vĩnh Linh vào qua ngã sông Bến Hải.

Ngay dòng sông Bến Hải đã là một con sông kỳ lạ của Vĩnh Linh (“hay gọi là sông Hiền Lương”). Sông gì lại chỉ có “một bờ”, tồn tại như một nỗi đoạn tuyệt của lịch sử ròng rã mấy mươi năm. Chiếc cầu duy nhất nối liền hai bờ cũng phải sơn hai màu, và đã bị không quân Mỹ đánh sập năm 1967, từ đó sinh ra những gia đình “chồng Bắc vợ Nam” suốt hai mươi năm. Chiều chiều người ta vẫn nghe tiếng mẹ gọi con về ăn cơm chiều, tiếng gọi gà về chuồng lúc chạng vạng hàng ngày suốt hai mươi năm cho đến ngày đoàn tụ ở Vĩnh Linh. Vào một dịp kỷ niệm Hiệp định Giơ - ne - vơ, tôi có dẫn một đoàn nhà báo người Pháp đi thăm quan Vĩnh Linh; Người trưởng đoàn ông Mermetz cứ nằng nặc yêu cầu tiếp xúc với một gia đình “chồng Bắc vợ Nam”, mà họ cho là đặc sản của Vĩnh Linh, vốn được xem là xưa nay hiếm trong lịch sử nhân loại. Thực ra thì Vĩnh Linh có cách làm riêng nhằm trả lại cho dòng sông Bến Hải đủ hai bờ như mọi dòng sông tự nhiên. Đó là những con đò tuyến giống như con đò le te của mẹ Duyến ở thôn Huỳnh Hạ, hoặc những con đò xông pha trong bom đạn để chở người qua sông của anh hùng Lê Văn Ban ở Vĩnh Giang. Lại có những người dân quân của Vĩnh Linh tự ý cơm đùm gạo bới vượt sông vào Nam đánh giặc như anh Võ Lý Tưởng, đánh lòng vòng khắp cả địa bàn đồng bằng tỉnh Quảng Trị, hàng tháng sau mới trở về làng, ai cũng tưởng là đã “xanh cỏ” ở một góc chiến trường nào; từ đó trong hàng ngũ cách mạng mới sinh ra từ “bê trọc”. Thế nghĩa là lỡ hy sinh thôi, không để lại tiêu chuẩn gì cho vợ con hết. Cơ quan tôi còn có một anh bạn nhà văn từ miền Bắc vào. Một cách đàng hoàng thì anh ta thuộc diện “B - ngắn”, nhưng xem kỹ lịch sử của anh ta mới thật là kinh hồn: đã hàng chục lần lặng lẽ bơi qua sông Bến Hải để thực hiện một nhiệm vụ tự nguyện với quê hương anh ở Chợ Cạn. Vĩnh Linh là như thế, mấy mươi năm chiến tranh luôn hành xử y như mình là một đứa con trung hiếu của tỉnh Quảng Trị. Điều lạ lùng thứ hai là đã tạo nên “tính Vĩnh Linh” là xã Vĩnh Thủy nổi tiếng về nghề bắt cọp. Kể ra bằng tay không mà bắt sống được con cọp họa may chỉ có anh chàng Võ Tòng trong truyện Thủy Hử. Nhưng người dân Vĩnh Thủy coi chuyện bắt cọp thật dễ như cơm bữa. Cái lưới bắt cọp dệt bằng sợi gai to cỡ ngón tay. Người ta dò tìm dấu vết con cọp cho kỳ đến lúc phát hiện ra bụi cây có cọp ẩn trốn. Nhiều người cầm giáo mác, những người khác theo sau, yểm trợ bằng âm thanh náo động, cọp hoảng hốt lao theo một con đường đã dọn sẵn và sa xuống hố, dưới đó đã phục sẵn một cái lưới. Người ta kéo miệng lưới lại và đưa cọp lên.

Trên đây chỉ là một cách bắt cọp của dân Vĩnh Thủy. Hiện nay ở Huế còn lưu truyền một bài vè bắt cọp, hình như người Vĩnh Thủy được triệu vào kinh bắt cọp tại vùng rừng núi cho vua xem. Theo bài vè này thì giai đoạn tìm dấu cọp cũng thật là khó khăn, bởi phát hiện cho được cọp ở trong rừng quả là khó hơn đáy biển mò kim. Việc bắt cọp bây giờ không còn nữa (có lẽ vì bị dân Vĩnh Thủy săn lùng ghê quá). Tuy nhiên ở một vùng cận sơn heo hút như làng Thủy Ba thì bắt cọp đã trở thành tiếng vang của một truyền thống; phát huy lên sẽ thành nghề bắt sống máy bay Mỹ.

Vĩnh Linh còn nổi tiếng về làng địa đạo, đặc biệt là địa đạo Vịnh Mốc. Địa đạo giăng khắp làng, đến tiếp cận cả những chân ruộng. Người nông dân Vĩnh Linh chính là mẫu mực của hình tượng tay cày tay súng. Địa đạo Vịnh Mốc có đủ tất cả “cơ sở hạ tầng” của một ngôi làng trên mặt đất: giếng nước, nhà mẫu giáo, lớp học, rạp chiếu bóng… Mỗi gia đình chiếm một căn phòng được khoét lõm vào vách. Lúc cao điểm, địa đạo chứa đến vài ngàn người và có những đứa bé đã được mẹ sinh ra trong lòng đất.

Nhưng đừng nghĩ rằng người Vĩnh Linh chỉ biết ẩn nấu cho an toàn dưới địa đạo: những cửa địa đạo hướng ra biển chính là nơi xuất phát của những con thuyền tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Những nhu yếu phẩm phải tải ra đảo là gạo, đạn và cả nước uống. Các con thuyền đều chỉ dựa trên bóng tối của những lưng sóng để tránh khỏi ánh đèn phong tỏa của hạm đội bảy bao vây Cồn Cỏ, trên một quãng đường dài 36 hải lý. Chương trình đi biển này, gọi là “tiếp máu cho đảo”, được người dân Vĩnh Linh tiến hành triền miên suốt cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, để rốt cuộc, Cồn Cỏ vẫn nghiễm nhiên tồn tại với mảnh đất Vĩnh Linh, giống như con cua đá. Nghĩ có lạ không?

Điều lạ lùng thứ tư của Vĩnh Linh, là những làng vườn ven biển Cửa Tùng.

Cửa Tùng là một bãi biển đẹp nổi tiếng, người Pháp gọi là “hoàng hậu của những bãi bể”. Vì quá đẹp nên ở đây đã xảy ra cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hoàng đế Duy Tân và một kẻ sĩ đất Quảng Trị tên là Khóa Bảo, bàn việc khởi nghĩa chống Pháp; ở đó còn có thư viện nổi tiếng của linh mục Alexandre De Rhodes, sau này có hàng cung nghỉ mát của vua Bảo Đại. Những ngôi làng vườn Cửa Tùng thiết lập trên nền đất bazan màu đỏ, trồng những cây đặc sản của Vĩnh Linh là chè, tiêu, thơm, mít hoặc thuốc lá, trên một thềm đất cao nhìn ra biển. Làng vườn Cửa Tùng hoàn toàn khác với những làng vườn kiểu Huế và có lẽ khắp nơi trong nước thật hiếm có những khu vườn xanh biếc nằm sát bờ biển như vậy. Ngoài biển ra đây là một vẻ đẹp khác của Cửa Tùng. Ngồi viết trong một ngôi nhà thơm mùi tranh tre chất phác trước một ô cửa sổ nhìn thấy biển qua kẽ lá xanh biếc có lẽ là một cảm giác hiếm có về sự bình yên. Và được một ngày bình yên như thế tưởng cũng đủ để đổi lấy cả một cuộc chiến tranh huyên náo khắp một phương trời.

Thứ năm là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Thư pháp chủ yếu của chuyện trạng là sự cường điệu các hoàn cảnh thúc đẩy kịch tính của cốt truyện, sự thắng lợi tưởng tượng của cái tôi; cùng với tính lạc quan bao trùm khắp cốt truyện; kết thúc một chuyện trạng luôn khiến cho người nghe có cảm tưởng rằng quả thực nhân vật “tôi” không hề xem những thua lỗ, những đau thương ra cái gì. Tính lạc quan bẩm sinh của người nông dân Việt Nam đã xây dựng nên hình tượng có tính hài hước của con người vượt cao lên khỏi hoàn cảnh của sự thất bại; do đó quần chúng tỏ ra ưa thích chuyện Trạng Quỳnh của Thanh Hóa; chuyện anh Ba Phi của Nam Bộ… Chuyện trạng Vĩnh Hoàng đóng góp thêm cho kho truyện hài hước của người Việt một nhân vật lạc quan, biết lấy nụ cười để chế ngự những khó khăn do hoàn cảnh mang lại…

Chuyện lạ chung quanh mảnh đất Vĩnh Linh còn nhiều, thí dụ như Giếng Ba Vòi, Rú Lịnh, đảo Cồn Cỏ, Con Cua Đá vốn là món lương thực được bộ đội đảo ưa thích, cua mà lại sống trong rừng, chạy rào rào trên lá khô, hỏi có lạ không? Tôi muốn dùng chữ “huyền thoại” để mô tả đất Vĩnh Linh dù rằng chữ ấy đã bị người ta dùng quá nhiều khiến mất đi tính gợi cảm đầu tiên của nó. Hình như với những con người gan góc, coi thường hiểm nguy thì đến một lúc nào đó “cái bi” hóa thành “cái hài”, và ở Vĩnh Linh, bao trùm lên mọi điều lạ lùng, là một chất nhân văn sâu sắc. Và tô chợt thấy tiếc như đứt từng khúc ruột khi đến tận bấy giờ cũng chưa đặt chân lên mảnh đất ấy.

* * *

Tôi cố thương lượng với Dương:

- Chúng ta hãy tìm cách qua sông!

- Đành ngồi yên, chờ công binh đến với bom. Ngoài ra chỉ còn cách… quay trở lại.

- Này nhé, chúng ta thử xem xét hai giả thiết… Nếu địch định phong tỏa bến đò thì đêm qua chúng phải thả bom nổ chậm, nhằm phục kích những chuyến đò trong đêm nay, bởi chúng thừa biết rằng đò ta đi vào ban đêm. Còn nếu địch dùng bom từ trường, ắt nó phải tránh xa cầu Bến Hải, vì cầu Bến Hải vốn làm bằng sắt, và đã bị đánh gãy, nằm dưới lòng sông. Nếu bây giờ chúng ta vượt sông Bến Hải bằng cách bơi sát vào chân cầu, thì khỏi lo bất cứ loại bom nào hết; đấy là con đường qua sông an toàn nhất.

Dương ngẫm nghĩ, xem ra bị thuyết phục bởi ý kiến của tôi, nhếch miệng cười, gật đầu:

- Ừ nhỉ, anh nói có lý. Vậy chúng ta lên đường thôi.

Huế, tháng 7 năm 2004

H.P.N.T

Hoàng Phủ Ngọc Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 119 tháng 08/2004

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

4 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground