Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sự tích bên bờ Hiền Lương

C

ách đây 50 năm, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa dân tộc ta đến với tự do độc lập. Nhưng đế quốc Mỹ cùng bè lũ tay sai đã bội ước Hiệp định Giơnevơ và sông Hiền Lương trên Vĩ tuyến 17 phải đỡ lấy nhát chém chia cắt hai miền Nam - Bắc đằng đẵng hai chục năm trời.

“Bây giờ cầu lại bắc qua, Ván thơm gỗ mới cho ta gặp mình”, đất nước thống nhất, vết thương của dân tộc đã lành. Trên “Lũy thép” Vĩnh Linh ở bờ bắc hay “Hàng rào điện tử Mc.Namara” ở bờ nam ngày nào bây giờ đã nở hoa hòa bình. Nhưng trong ký ức hàng triệu người, mảnh đất và con người đôi bờ sông này đã hóa thành sự tích.

Nhát dao oan nghiệt ấy không chỉ chém ngang lưng Tổ quốc, mà tàn bạo phạt lìa tất cả những số phận nó gặp trên dòng sông này. Tỉnh Quảng Trị bị chém ngang, dễ phần lớn huyện Vĩnh Linh ra miền Bắc, còn ở lại bờ nam huyện Vĩnh Linh cũng bị rứt một phần xương thịt của mình với 13.267 người dân. Lại có những xã như Vĩnh Sơn bị chặt đôi, bảy thôn bên này, bảy thôn bên kia. Đến dòng nước hiền hòa Hiền Lương cũng bị xẻ nửa, thuyền bờ bắc không thể chèo qua bờ nam cũng như không một đôi chân nào được phép rảo hết bảy nhịp cầu Hiền Lương… Không chỉ có tỉnh, huyện, xã rồi thôn, làng bị chia cắt, mà đến mỗi gia đình, họ tộc cũng lâm cảnh tang thương ấy.

Nhà ông Châu ở ngay bên bờ nam sông Bến Hải, vừa mới cưới vợ xong là chia tay bước sang bờ bắc thành chiến sĩ Công an Vũ trang ôm súng đứng gác đầu cầu. Cơ chi xa xôi ngàn dặm cho cam, nhiều hôm đứng gác, thấy vợ ra sông giặt áo, tưởng chỉ cần nhảy ùm một cái, lặn một hơi là có thể cầm được tay chị. Vậy mà họ chỉ lén nhìn nhau qua làn nước mắt. Đêm đêm ông nghe rõ tiếng đánh chửi của bọn ác ôn, tiếng bà con kêu la, trái tim ứa máu, chỉ muốn vùng dậy vác súng lao sang… Thế rồi phải đằng đẵng hai chục năm trời, người lính ấy mới bước chân qua được nhà mình.

Cái giá của độc lập tự do thật là đắt, thật là to lớn. Nhưng hơn ai hết, người dân Vĩ tuyến 17 hiểu rõ. Họ đã trả bằng bất cứ mọi giá, kể cả sinh mạng. Đánh giặc bằng súng đạn là chuyện bình thường nhất ở đây. Người Vĩ tuyến còn đọ nhau với giặc bằng cả sự cao rộng của lá cờ, bằng sự vang xa của loa phát thanh, bằng những cuộc biểu diễn văn nghệ đượm nồng tình yêu quê hương, đất nước trên nửa sông bờ bắc. Giặc khiếp sợ trước thanh thế của ta, nhưng cốt là để cho đồng bào ở bờ nam ruột thịt có thể nhìn thấy Đảng, Bác Hồ, thấy miền Bắc luôn hướng về họ, ở cạnh họ.

Cây cầu Hiền Lương dài 178 mét bị chia đôi, nửa bờ bắc hơn nửa bờ nam sáu tấm gỗ lát mặt cầu. Đến cả màu sơn của cầu mà giặc cũng muốn chia cắt, nhưng người Vĩnh Linh nhất định không chịu. Chúng sơn cho nửa cầu bờ nam khác màu, lập tức ta cũng sơn lại nửa cầu bờ bắc cho Nam Bắc là một, khẳng định ý chí thống nhất của dân tộc ta. Cuộc “truy đuổi” màu sơn trên cầu cứ thế ngày này qua tháng khác, cuối cùng Mỹ Ngụy đã phải dùng đến chiêu hèn hạ nhất, dội bom đánh sập.

Đôi bờ Bến Hải hồi đó có hai cột cờ. Cờ đỏ sao vàng của ta ở bờ bắc. Cờ ba khe của ngụy ở bờ nam. Ngày 20/7/1954 ta dựng cột cờ bằng cây phi lao cao 12 mét. Bên kia, chúng cắm lên nóc lô cốt Xuân Hòa lá cờ cao 15 mét. Công an vũ trang Vĩnh Linh lặn lội lên rừng chặt một cây gỗ lớn, dựng lên cột cờ cao 18 mét. Tức khí, bọn Mỹ - Diệm dựng hẳn cột sắt cao 25 mét. Ngày 19/7/1957, cột cờ bằng thóp ở bờ bắc cao vượt lên 34,5 mét. Địch lại hò hét nhân công đưa lá cờ ba que lên cao 35 mét. Năm 1962, Chính phủ cử một đơn vị xây dựng vào Vĩnh Linh và không lâu, kỳ đài được dựng lên, trên cao 38,6 mét là lá cờ đỏ sao vàng rộng đến 108 mét vuông lồng lộng tung bay. Cả vùng bờ nam từ Cát Sơn dưới biển, Cồn Tiên trên rừng, vô đến Dốc Miếu… bà con sống trong lòng địch đều nhìn thấy cờ ta. Với bà con, thấy lá cờ là thấy Đảng, thấy Bác, thấy miền Bắc XHCN. Cuối cùng cũng như với cây cầu, kẻ thù phải dùng đến bom đạn 11 tấn bom nổ gãy cột, 11 lần ta dựng lên. Hàng trăm lá cờ bị rách, hàng trăm lần mẹ Diệm thức vá lại thâu đêm. Phải mất hàng trăm tấn bom, trong nhiều ngày, địch mới phá được cột cờ đầu cầu của ta. Ngay đêm đó, đặc công bờ bắc cũng mang thuốc nổ đánh sập cột cờ của chúng ở bờ nam.

Khi “xé” xong hiệp định Giơnevơ, cùng với súng đạn, ác ôn, chính quyền Mỹ - Diệm lập một hệ thống phát thanh lưu động chạy suốt ngày đêm dọc sông Bến Hải chõ sang bờ bắc những luận điệu xuyên tạc nói xấu chế độ XHCN và ca ngợi cái gọi là “chính nghĩa quốc gia”.

Được sự giúp đỡ của chuyên gia Liên Xô và Trung Quốc, ta xây dựng hệ thống loa phát thanh hiện đại nhất miền Bắc dọc 10km bờ sông Bến Hải, từ Cửa Tùng đến Hói Cụ, với bốn cụm loa ở Cổ Trai, Hiền Lương, Huỳnh Thượng và Tiên An. Mỗi cụm có 40 loa, mỗi loa có công suất 25W. Ngoài ra còn một xe lưu động gắn chiếc loa cực đại có công suất đến 500W.

Đài Vĩnh Linh thường xuyên thông báo chiến thắng của quân dân các chiến trường, thành tựu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc. Với cộng tác của cơ sở bí mật, đài có cả chương trình bờ Nam, như phát chính xác số lính trong đồn địch ở Hiền Lương, ở quận Trung Lương, quê quán của từng tên, vạch mặt những tên hung ác, tàn bạo với bà con nhất khiến bọn chúng hoảng sợ, còn bà con ta thực hả hê. Cũng thông qua đài, nhiều cán bộ tập kết được đọc thư, nhắn tin về nhà. Với bà con bờ nam, tiếng loa Vĩnh Linh đã trở thành đường dây liên lạc đặc biệt với miền Bắc và là niềm động viên, cổ vũ hàng ngày. Nhiều bà con trong Nam lặn lội ra tận vùng giới tuyến để được nghe tình hình miền Bắc. Vậy nên, chính quyền Mỹ ngụy rắp tâm hủy diệt khi leo thang đánh phá miền Bắc.

Ngay trận đầu tiên, tám mươi hai lượt máy bay Mỹ ồ ạt dội bom xuống thị trấn Hồ Xá, hòng phá hủy tất cả các công trình được dồn sức xây dựng trong mười năm hòa bình. Đêm 8/2/1965 ấy, đã bảy giờ mà chưa nghe tiếng loa ở bờ bắc, cả bờ nam Vĩ tuyến không yên. Bà con ngóng qua sông chờ đợi, lo âu. Thình lình, ngay đầu cầu Hiền Lương, tiếng chị Nhạn phát thanh viên vang lên: “Đây là Đài truyền thanh Vĩnh Linh”. Âm thanh phát ra từ chiếc loa cực đại 500W, vượt qua dốc miếu vọng sang tận chợ Cầu, trung tâm quận lỵ Do Linh. Cả bờ nam như choàng tỉnh. Bà con reo hò, hoan hô miền Bắc. Té ra, “Đài phát thanh” lúc đó đang cơ động… nấp dưới một cái cống, còn chiếc loa đại có cái vành to bằng cái nong phơi thóc thì chễm chệ trên gò cao.

Ở giới tuyến lúc đó có những buổi biểu diễn văn nghệ lạ kỳ. Cứ đến dịp Quốc khánh 2/9 ngày ký Hiệp định Giơnevơ, tết nguyên đán… các đoàn văn công Trung ương thường tổ chức biểu diễn văn nghệ cho đồng bào bờ Nam xem. Sân khấu bên này sông, còn khán giả bên kia sông. Khán giả đi xem nghệ thuật trước một rừng lưỡi lê, dùi cui và báng súng. Chỉ cần bật lên tiếng khen, vỗ tay, cười là ăn báng súng và dùi cui của cảnh sát ngụy ngay. Bà con bờ Nam khát khao xem điệu múa lời ca từ miền Bắc đến nỗi dù bị đánh đến tóe máu tươi hay bị cùm chân năm bảy ngày trong bót cũng cố ra sông cho được. Ông Nguyễn Văn Trường ở Trung Sơn Do Linh nhớ lại: “Hồi đó, mỗi lần có văn nghệ bên nớ là xóm tui nhiều người tháo mái nhà ra lợp lại. Cốt là để leo lên ngồi trên mái nhà mà nhìn sang bờ Bắc cho rõ. Có nhà một năm lợp đến mấy lần. Đàn ông leo lên mái nhà, đàn bà con gái thì đem chăn chiếu ra sông giặt rũ. Bọn cảnh sát tức lắm mà nỏ mần chi được.

Bác Trần Công Hai năm nay đã bảy mươi hai tuổi ở thôn Nam Sơn, làng Tiên An, xã Vĩnh Sơn hồi tưởng. Ngày 20/5/1967, ở bờ nam địch đưa hàng ngàn quân có xe tăng, pháo yểm trợ mở chiến dịch càn quét bắt dân vùng Trung Sơn, Trung Hải, Trung Giang dồn vào trại tập trung để lập vành đai trắng dọc sông Bến Hải. Chúng đốt nhà, đánh đập dã man dân làng. Bà con bờ Nam bồng bế nhau nhảy xuống sông bơi sang Vĩnh Linh, “bà con miền Bắc ơi, cứu chúng tôi với!” Pháo địch cày nát bờ Bắc, hàng chục máy bay trực thăng vè vè dọc sông, xả đạn đại liên vào bất cứ mục tiêu nào di động. Tình huống hết sức hiểm nghèo và bất ngờ. Cấp ủy Vĩnh Sơn hội ý chớp nhoáng rồi triển khai lực lượng cứu dân. Toàn bộ hỏa lực tập trung lên trời đọ với tàu bay giặc. Dân quân Hồ Ngọc Châu vác súng thượng liên chạy lên đồi 13 đứng bắn thẳng vào bầy trực thăng để kéo địch ra khỏi bờ sông. Toàn bộ thuyền, thúng, kể cả ván gỗ, chậu thau, cây chuối đều lao xuống nước. Hàng trăm người trúng đạn, máu đồng bào bờ nam trộn với máu dân quân bờ bắc loang đỏ một khúc sông. Có một cặp vợ chồng trẻ cùng đứa con gái sáu tháng tuổi vượt qua bến Rèn. Người chồng trúng đạn, chỉ kịp trao con vào tay vợ rồi chìm nghỉm. Người mẹ bị thương cố ôm con bơi tiếp vào trong làn đạn xối xả của hai chiếc trực thăng. Cách bờ hơn chục mét, người mẹ kiệt sức, máu chị nhuộm đỏ đứa bé. Lần cuối, chị cố nâng con lên khỏi mặt nước hướng ra Bắc. “Cứu lấy cháu bé!”, nhóm quân dân của chị Sang, anh Ly nhảy lên khỏi công sự lao xuống. Máy bay địch bâu lại quét đạn vào họ, cả ba người đều bị thương, nhưng cháu bé đã được cứu sống. Rồi họ đưa cháu ra Bắc, ở đó bao nhiêu vòng tay đồng bào đã dang ra, ôm ấp, nuôi nấng… Năm ấy 250 người Vĩnh Sơn hy sinh, riêng trong ngày cứu đồng bào miền Nam 20/5 xã này đã hy sinh hết 100 người.

Nguyễn Thế Hùng sinh ra ở làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành huyện Vĩnh Linh. Anh còn nhớ, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, làng Hiền Lương, nơi có cột cờ, là mục tiêu số một của hàng trăm tấn bom đạn. Không một bóng cây, không một tán lá nào tồn tại. Vậy mà lá cờ Hiền Lương dẫu sạm khói bom và chi chít vết vá của mẹ Diệm vẫn vòi vọi cao, vẫn lồng lộng tỏa bóng đầu cầu miền Bắc XHCN. Dưới bóng lá cờ ấy, bọn trẻ làng đã đội bom đạn mà lớn lên. Rồi chiến tranh ngày càng ác liệt, trẻ con Hiền Lương cùng ba vạn đứa trẻ khác của Vĩnh Linh, Do Linh bằng đôi chân bé xíu của mình dẫm qua hàng trăm cây số đấy mảnh đạn, trong hàng tháng trời ra tuyến sau. Ngày đó, ai còn sức chiến đấu thì ở lại. Ai có một con nhỏ đều phải gửi cho người khác, ghép cho đủ “mẹ ba con” để đi sơ tán. Hàng vạn đứa trẻ lên bốn, lên năm đều phải rời vòng tay mẹ mà ra đi. Trong cuộc trường chinh dưới mưa bom bão đạn ấy của bọn trẻ con Vĩnh Linh, hơn bảy chục đứa đã phải nằm lại dọc đường vì bom vùi, kiệt sức. Hơn ba ngàn đứa rơi vào cảnh mồ côi. Nhưng cả một thế hệ trẻ con “đội mũ rơm đi học đường dài” ấy là những hạt giống của miền đất thép được đồng bào các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình… nuôi dưỡng. Lớp trẻ đầu tiên chưa hết chương trình phổ thông đã rủ nhau cắt tay lấy máu viết thư xin về chiến trường Quảng Trị. Họ được lập thành một đại đội lính tình nguyện, chiến đấu dũng cảm, nhiều người đã ngã xuống Thành Cổ Quảng Trị và nhiều mặt trận ác liệt khác. Bây giờ, lứa trẻ Vĩnh Linh, Do Linh thời ấy được học hành từ miền Bắc, từ các nước bạn xa xôi trở về và đang là lớp cán bộ sung sức, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đổi mới ở địa phương, đất nước. Như Nguyễn Thế Hùng, với năng khiếu nghệ thuật của mình, được sang châu Âu học tập và về phục vụ quê hương. Bây giờ cậu bé lớn lên dưới bóng cờ Hiền Lương năm xưa đã là một đạo diễn, một nghệ sĩ ưu tú.

Ở Tân Lý xã Vĩnh Quang có một nấm mộ của 12 cụ già, 36 trẻ nhỏ, 13 phụ nữ trong đó có 3 chị đang mang thai, tổng cộng 61 người. Tất cả đã bị chôn sống một lần khi ẩn nấp dưới địa đạo và sau một trận bom Mỹ, căn hầm ấy trở thành mồ chung của họ. Nhưng người Vĩnh Linh không sợ, họ đào sâu hơn 114 hầm địa đạo dưới nền làng. Họ đưa cả làng xuống giấu ở đó. Địa đạo không chỉ là nơi ẩn nấp. Ở đó, tất cả cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập, sinh hoạt… đều diễn ra, nên gọi là làng hầm. “Làng hầm” cũng có đủ trạm xá, nhà hộ sinh, trường học, nhà tắm, cũng ngõ xóm, đường thôn, cũng bến nước, “sân đình” là những căn hầm rộng, thoáng đủ chỗ cho trẻ con chơi đùa cho dân làng hội họp, biểu diễn văn nghệ. Ở đây tất cả thực thể sống trên mặt đất đều phải xuống hầm. Hầm, hào bủa giăng khắp nơi, trong nhà, ngoài ngõ, trên đồi, dưới đồng. Không chỉ hầm cho người, hầm cho vũ khí, lương thực, thuốc men, mà còn hầm cho cả trâu bò, lợn gà… Ở đất này, đến con vật cũng cảnh giác với quân xâm lược, hễ nghe tiếng máy bay là trâu, bò, gà, lợn, chó, mèo… đều biết xuống hầm trú ẩn. Làng hầm Vĩnh Mốc là một trong những công trình độc đáo đó còn sót lại, mà một cựu binh Mỹ ở chiến trường Việt Nam đã kinh ngạc thốt lên “Quả là một lâu đài dưới lòng đất. Ở đó ẩn giấu biết bao điều kỳ diệu. Ở đó chính là câu trả lời To be or not to be! (Tồn tại hay không tồn tại!)”.

Gần 700 ngàn tấn bom đạn giặc ném xuống Vĩnh Linh, mỗi người dân được “chia phần” hơn bảy tấn bom và mười quả pháo. Hơn 15 ngàn người chết, gần 11 ngàn người bị thương, ngót 3 ngàn đứa trẻ bị mất cha, mất mẹ. Nhưng Vĩnh Linh xứng đáng là “Lũy Thép” miền Bắc XHCN trước hành động xâm lược của kẻ thù, trở thành “Lương tri nhân loại” với những chiến công rạng rỡ mà Hồ Chủ tịch đã tám lần gửi thư khen. Người còn vui mừng tặng thơ:

Đánh cho giặc Mỹ tan tành

Năm châu khen ngợi Vĩnh Linh anh hùng

Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận

Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ

Gần 300 máy bay Mỹ đã bốc cháy trên bầu trời Vĩnh Linh, có ngày rơi sáu chiếc, có khi cả ba chiếc bốc cháy trong vòng một giờ, là nơi làm nên những “ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ” như lời của Tổng thống Mỹ. Cùng với máy bay, 69 chiến hạm Mỹ thường xuyên nã pháo vào làng mạc, trong đó có chiến hạm Niudơri tải trọng 100 ngàn tấn đã bị nhấn chìm dưới sóng biển Vĩnh Linh.

Vừa làm lũy thép bảo vệ miền Bắc, người Vĩnh Linh vừa vượt Vĩ tuyến 17 vào chi viện đồng bào bờ Nam. Xã nào cũng thành lập trung đội dân quân cảm tử, “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”. Hàng chục ngàn lượt chiến sĩ dân quân Vĩnh Linh trong đội hình bắn tỉa, pháo cối đêm đêm qua bến đò B, ép sát các căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Quán Ngang… cùng tham gia đánh 312 trận, góp phần tiêu diệt hơn 26 ngàn tên địch. Khi chiến trường Quảng Trị ác liệt, Vĩnh Linh dang rộng vòng tay đón gần 90 ngàn đồng bào từ các huyện Do Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng bên kia sông Bến Hải vượt ra Bắc.

Năm mươi năm trôi qua, “Cầu Hiến Lương bên thương bên nhớ” đã phục sinh bằng công nghệ tiên tiến của thế giới. Vững chãi bắc qua dòng Bến Hải, trên hành lang xuyên Việt và đang cần mẫn góp sức cùng đất nước trên con đường phát triển. Cây cầu cũng như con người vùng giới tuyến đã trải nếm đến tận cùng tang tóc nên quá đỗi mến yêu cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay. Bởi vậy, cái vành đai trắng, hay tuyến hàng rào điện tử đầy bom đạn ở bờ nam, cái thị trấn Hồ Xá từng bị “hủy diệt đến 200 phần trăm” hay cả Lũy thép kiên cường Vĩnh Linh ở bờ Bắc đều đã hồi sinh mãnh liệt để trở thành miền quê trù phú, thanh bình ở khúc ruột miền Trung.

Đ.N.H

Đinh Như Hoan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 119 tháng 08/2004

Mới nhất

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

1 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị có chuyến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm với các cơ quan báo chí tỉnh Mukdahan, Thái Lan. Nhân chuyến công tác, chúng tôi đã đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom...

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

6 Giờ trước

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/05

25° - 27°

Mưa

21/05

24° - 26°

Mưa

22/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground