Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bức tranh sơn dầu "Chân dung người lính"

T

ôi ném con dao vẽ vào giữa đống sơn dầu ngổn ngang, toàn thân rã rời, thần kinh hầu như tê liệt...Đã bốn giờ liền không nghỉ, thần khí bị vắt kiệt, và bây giờ "Nó" đã hiển hiện trước mặt: Một bức sơn dầu trong khuôn khổ 130 x 130, hình vuông, khung tranh là bốn tấm ván thùng còn lỗ chỗ vết đinh ghép lại. Trên nền vải "toan" thô, loại bao tải, không sơn lót gì, giữa những ngọn gió đỏ sẫm tạo ra bởi những nhát dao vẽ, một cái ba lô con cóc nằm đó, âm thầm với chiếc mũ tai bèo úp chụp phía trên, dưới chân, một đôi dép cao su còn vương bùn đất xếp gọn ghẽ. Cạnh nó, cái bi đông tróc sơn quấn lấy chiếc xanh - tuya - rông gắn với con dao găm đã mòn vẹt lưỡi, cao hơn cả trong bức tranh là một khẩu tiểu liên AK47 dựng tựa vào ba lô, báng súng vỡ toác, chốt lắp lưỡi lê đã cụt gãy. Duy chỉ có cái đầu ruổi khẩu súng là vẫn còn nguyên vẹn...Tiếng ù ù của cối xay thóc ập đến lẫn trong tiếng "phầm phập" của mảnh bom găm vào gỗ...Ký ức đột ngột trở về từ tiềm thức xa xôi...

Mùa hè 1972, sau ba tháng rèn quân ở Thanh Hóa. Sư đoàn quân tăng cường chúng tôi hành quân vào Quảng Trị. Qua phà Xuân Sơn, theo đường 20A. Chúng tôi bất ngờ vòng xuống Vĩnh Ô, Vĩnh Chấp rồi quặt hẳn xuống Vĩnh Kim, tới bến đò Tùng Luật để vượt qua con sông Bến Hải nổi tiếng một thời. Hơn nửa tháng sau thì vào đến bờ bắc sông Thạch Hãn.

Chỉ huy trung đội trưởng tôi là anh Bình, người dân tộc mán, hàm vuông, trán thấp, tóc rễ tre, mắt một mí, tính bộc trực và nóng như lửa. Một người nông dân thực thụ. Phải chỉ huy bọn lính học trò chúng tôi là một trở ngại đối với anh: Chúng tôi không quen xốc vác, lại hay lý sự và trêu chọc....Vì thế  anh hay "Thiết quân luật": Phạt đi lấy củi cho bếp ăn hoặc đào hào chống bom...nhưng với tôi anh dành cho sự ưu tiên đặc biệt cứ mỗi lần trung đội đến phiên vào rừng lấy củi là anh thường phân công tôi vẻ bích báo...chăm chú nhìn tôi tô bông hồng đỏ chót cạnh ngôi sao vàng tóe ra những tia sáng lấp lánh, anh bảo: "Sau này có con anh nhất định sẽ cho thằng lớn theo chú mày học vẽ." Tôi bảo: "Cả anh và em chắc gì còn sống đến ngày hòa bình ".  Anh bảo: "Bọn chúng mày học hành tử tế, thằng này cũng đẹp trai, chết thì phí quá! Nhưng  làm sao được, chiến tranh mà, độc lập trên hết"...

Năm 1972 là một năm có những bước ngoặt đặc biệt của cuộc chiến tranh và của cả tôi. Rời bỏ những người thân yêu và bản luận án tốt nghiệp dang dở tôi bước vào cuộc chiến. Sau Mậu Thân và những tổn thất khôn lường, quân ta ém mình chờ đợi. Tại bàn đàm phán tận Pari, ta càng rất cần hậu thuẫn. Một trận thắng lớn tầm chiến dịch được giao phó cho quân dân một địa danh: Thành cổ Quảng Trị địch cũng ráo riết giành lại tấm lá chắn thép cho Huế và Đà Nẵng. Bởi thế bom dập pháo bầy, pháo làn và những đợt đổ quân vô hồi kỳ trận là những trở lực lớn cho quân ta...Anh Bình bảo: "Lính học trò các cậu lớ ngớ bảo mẹ, ai lại để bảo vệ cái ba lô có cái nhật ký, lúc bom pháo các cậu lại nằm úp lên trên...phải làm ngược lại. Chúng ta phải sống đã, nếu hy sinh sẽ không còn gì cả...". Một hôm anh cho  tôi cái ca Mỹ bằng thép kim loại mạ crôm, anh bảo: "Để đựng khăn mặt và bàn chải, và luôn để nó ở con cóc ngoài cùng..."Cái ca ấy đến nay tôi vẫn còn giữ. Nhưng vật quý nhất với tôi không phải là cái ca, mà là cái ba lô con cóc của anh Bình mà từ nó tôi mới có bức sơn dầu: "Chân dung người lính" ngày nay...Hôm ấy là một ngày trời rất trong. Ai đã từng vào Nam ra Bắc sẽ có dịp hiểu cái xanh trong của trời đất Quảng Trị ngày hè, xanh thẳm tầng không, cháy bỏng tầng không, cỗi cằn mặt đất, một mặt đất đầy sỏi đá, gió, cát và ngổn ngang chiến cụ đã bị băm nát từng thước vuông này. Đột nhiên từ tầng không vẳng lại tiếng ù ù nghe to dần như cối xay thóc. Anh Bình quát to: "B52, ẩn nấp". Xô tôi vào một hố bom cũ, anh nhảy vào hố bên cạnh. Tiếng cối xay thóc to dần, rồi một trận cuồng phong ào ào tràn qua, ầm ầm như động đất, cát chạy đá bay hòa cùng với tiếng mảnh bom xé gió. Trận cuồng phong vừa dứt. Tôi và đồng đội vọt lên nhảy ngay vào những hố bom vừa nổ còn bỏng rẫy. Cái hố bom tôi vừa nhảy đại vào bị chèn ngang bởi một góc phi lao già bật rễ, chờ B52 "chần" đợt hai. Kinh nghiệm bom lần hai không bao giờ trúng vào chỗ cũ, nằm trong hố bom nóng rẫy nhưng tôi lại thấy rất an toàn. Nỗi lo sợ "cả cái" không còn nhưng tôi kinh hoàng khi mảnh bom bay sàn sạt quanh mình, gốc phi lao già bị mảnh găm "phầm phập" "phầm phập" như tiếng mũi rìu chém vào cây gỗ. Cái ba cóc tôi che ở phía trên chỉ nghe "cạch" một tiếng chát chúa, tóe lửa khét um, con cóc giữa phụt khói, rách toang. Cái ca Mỹ bị mảnh bom xé thủng một lỗ, nếu không, mảnh bom ấy có thể xuyên thủng tôi. Dứt bom, nhìn sang anh Bình, không động tĩnh gì. Tôi nhảy vội sang. Trung đội trưởng lưng đẫm máu, thấm xuống cả ba lô...Tối hôm ấy, sau khi chôn cất anh, tôi lặng lẽ đổi cái ba lô của tôi lấy cái ba lô có thấm máu của anh nơi điểm nghiệm quân trang và tử sĩ mang nó theo mình tới tận bây  giờ...Lúc vĩnh biệt anh, nhìn cái ba lô con cóc ấy có cái mũ tai bèo úp chụp phía trên, khẩu AK dựng bên, phía dưới là đôi dép đúc cao su Trung Quốc của anh mà cạnh nó là cái bi đông thủng lỗ chỗ...Tôi thấy chân dung anh, chân dung người lính giải phóng, nó vừa đơn sơ, vừa hào hùng, vừa có một cái gì nghĩa cả lại vừa tủi phận, nó vừa là sứ mệnh vừa là số phận. Nó có nhiều nét tương đồng với chân dung của người nghệ sĩ đích thực mà tôi vật lộn sau này. Bùi ngùi nhìn hàng dẫy, hàng dẫy ba lô tử sĩ xếp thẳng hàng, chính chúng tôi cũng không biết rằng cuộc chiến sẽ còn kéo dài bao lâu, và bao giờ thì đến lượt ba lô của mình được đội điểm nghiệm điểm danh...

Sau những ngày đó, lũ chúng tôi được lệnh của Bộ Quốc phòng lùi lại tuyến sau. Đầu tiên là những nghiên cứu sinh và các thầy giáo, kế đó là các sinh viên năm thứ 5, thứ 4...tùy theo chuyên môn mà bổ sung vào các quân binh chủng kỹ thuật hoặc lên bộ Tổng...Do phương tiện liên lạc ngày  đó còn kém, nhiều người trong chúng tôi đã vào đánh trong Thành cổ, hoặc hành quân vào sâu phía trong, mãi tận Tây Nguyên...Tuổi trẻ, tình yêu quê hương, lòng khao khát tự do được đi đây đi đó, tính ưu mạo hiểm...đã cho chúng tôi niềm hứng khởi trên những nẻo đường của cuộc chiến tranh.

Ba mươi năm sau, rừng Trường Sơn đã ba mươi mùa thay lá, tôi mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với tôi, một họa sĩ thì dường như càng lùi xa lại càng quan sát rõ hơn, rộng hơn và kỹ hơn toàn cảnh cuộc chiến tranh này...Đất nước đã thay da đổi thịt. Cổ Thành giờ đây đã trở thành di tích lịch sử nổi tiếng của Quảng Trị. Tất cả đã trở thành địa bàn với hàng vạn hồn vong phía dưới. Duy chỉ còn cổng thành phía Bắc với lỗ chỗ vết đạn bom và những lời thề quyết tử trên vách của quân giải phóng ngày nào. Những đám cưới của những đứa trẻ sinh ra ngày anh Bình hy sinh được tổ chức  ồn ã. Tôi chui vào lòng ngôi đại mộ, tượng đài biểu trưng cho sự hy sinh vô bờ bến của quân dân Quảng Trị trong chiến tranh mà trên đỉnh đại mộ rừng rực cháy một ngọn lửa thiêng suốt ngày đêm...chính giữa lòng đại mộ, một tủ kính phủ nhung đỏ: cô đơn một chiếc ba lô con cóc đã ố vàng, con cóc chính giữa bị mảnh bom xé tung. Phía dưới, một đôi dép cao su còn vương màu bùn đất, một cái bi đông tróc sơn nằm cạnh chiếc xanh-tuya- rông gắn cùng một con dao găm vẹt lưỡi. Nằm gác lên ba lô là một khẩu AK đã rỉ rét, báng súng vỡ toác, chốt cắm lưỡi lê đã cụt...Duy chỉ có đầu ruồi khẩu súng là gần như còn nguyên vẹn, nó ngẩng cao hơn hết thẩy trong bức tỉnh vật "Chân dung người lính" đặt trong lòng đại mộ như một chứng nhân cho một thời khốc liệt, hào hùng.

L.T.D

 

 

Lê Trí Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 123 tháng 12/2004

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

19 Giờ trước

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

19 Giờ trước

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

19 Giờ trước

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

19 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

19 Giờ trước

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/05

25° - 27°

Mưa

17/05

24° - 26°

Mưa

18/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground