Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng - Thực tiễn, định hướng và giải pháp (Kỳ 1)

Trên cơ sở đánh giá cao công lao sự nghiệp của Nguyễn Hoàng, người “xứng đáng là một Anh hùng mở cõi vĩ đại” (GS Phan Huy Lê), Hội thảo khoa học “Quảng Trị - Đất dựng nghiệp của Chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613)” do UBND tỉnh Quảng Trị và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đồng tổ chức ngày 25/9/2013 (gọi tắt là Hội thảo năm 2013) đã bàn đến vấn đề bảo tồn, phát huy di sản Nguyễn Hoàng trên đất Quảng Trị. Đây là một việc lớn và khó mà Hội thảo chỉ mới bàn bước đầu. Từ đó đến nay đã 10 năm, việc lớn và khó này đã được triển khai như thế nào và cần có những định hướng, giải pháp gì để thúc đẩy công việc lên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra? ...

Di tích Ghềnh Phủ ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - Ảnh: Trương Hồng Chung

Di tích Ghềnh Phủ ở xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong - Ảnh: Trương Hồng Chung

Xây dựng cơ sở pháp lý và bước đầu thực hiện một số việc bảo tồn, tôn tạo

Hội thảo năm 2013 đã mở ra một bước ngoặt mới, quan trọng trong nghiên cứu về Nguyễn Hoàng, tạo cơ sở khoa học vững chắc cho việc xây dựng cơ sở pháp lý về bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị.  

Từ kết quả Hội thảo năm 2013, cần triển khai các công việc có tính chất tạo “nền móng”, tạo chiến lược bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng là lập hồ sơ công nhận di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” và lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích này. Để tạo cơ sở cho việc thực hiện các công việc quan trọng này, từ năm 2015 đến năm 2017, được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị và UBND huyện Triệu Phong giao nhiệm vụ, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Triệu Phong đã chủ trì thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Luận cứ khoa học lịch sử xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong”. Đề tài thực hiện các nhiệm vụ: Xác định và tiệm cận diện mạo lỵ sở Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626); xác định, định vị phạm vi, diện mạo, quy mô, cấu trúc của 3 địa điểm thủ phủ/ dinh trấn Ái Tử, Trà Bát và Dinh Cát cùng các địa điểm liên quan; thăm dò, khai quật khảo cổ tại một số địa điểm thuộc 2 khu vực thủ phủ/ dinh trấn Trà Bát và Dinh Cát; thiết lập bộ bản đồ, sơ đồ phân bố, định vị, mặt bằng và khoanh vùng bảo vệ các di tích thuộc lỵ sở Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626). Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Đề tài đã nêu kiến nghị: “Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận di tích cấp quốc gia đối với quần thể di tích Nguyễn Hoàng ở Ái Tử - Trà Bát”. Trên cơ sở xem xét đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị và hồ sơ di tích được lập, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2018 về việc xếp hạng di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, gồm 10 địa điểm: Dinh Ái Tử, Dinh Trà Bát, Dinh Cát, Cồn Tập, Mô Súng, Tàu Tượng, Bãi Trận, Ghềnh Phủ, Chợ Hôm, Miếu Trảo Trảo phu nhân.

Di tích “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” sau khi đã được công nhận cấp quốc gia cần có một quy hoạch tương ứng, xứng tầm, tạo cơ sở cho việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Phát biểu tổng kết Hội thảo năm 2013, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích về Chúa Nguyễn Hoàng, Hội thảo trân trọng đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, trên cơ sở kết quả điều tra khảo sát khoa học, nên lập một quy hoạch tổng thể và kế hoạch triển khai từng bước”1. Hiện việc lập quy hoạch đang được thực hiện (thời gian không quá 12 tháng) theo Quyết định số 575/QĐ-UBND ngày 29/3/2023 của UBND tỉnh Quảng Trị về phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 -  1626)”, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Việc bảo tồn, tôn tạo di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong gặp nhiều khó khăn, do dấu tích hầu như không còn gì trên mặt đất. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chính quyền địa phương và nhân dân đã có những nỗ lực dù chưa nhiều nhưng kiên trì, bền bỉ trong việc bảo tồn các hiện vật, tôn tạo các di tích liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng tại huyện Triệu Phong. Xin nhấn mạnh rằng, nội hàm khái niệm “các hiện vật, di tích liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng tại huyện Triệu Phong” đề cập ở đây rộng lớn hơn nội hàm “các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị được đề cập tại Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì quyết định này chưa bao quát hết các di tích, di sản liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng tại huyện Triệu Phong.

Lăng mộ bà Phạm Thị Còng (tức Tôm) ở thôn An Mô (nay là thôn An Định), xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (tương truyền, bà Còng là người đã cứu Chúa Nguyễn Hoàng thoát nạn trên biển) đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 2187/2004/QĐ-UBND ngày 16/7/2004 của UBND tỉnh Quảng Trị (nhưng di tích này nằm ngoài Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL ngày 20/6/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Năm 2010, thôn An Mô và họ Đỗ, thôn An Mô đã trình UBND huyện Triệu Phong cho nâng cấp lăng mộ bà Phạm Thị Còng từ nguồn đóng góp của dân và sau đó, việc nâng cấp này đã được thực hiện.

Tại chùa Liễu Bông trước đây có thờ pho tượng đồng được cho là tượng  Thái phó Nguyễn Ư Dĩ (cậu ruột của Chúa Nguyễn Hoàng). Pho tượng đồng này cao 0.62m, vai rộng 0,3m. Tượng được tạc ở tư thế ngồi, hai chân gấp khuỷu hơi dang ra. Mặt chữ điền, mắt nhìn xuống, mũi cao, môi mỏng, cằm vuông, râu dài, dái tai rộng, đầu đội mũ quan hai lớp, chân đi hia. Thân khoác áo choàng rộng phủ từ vai xuống trùm cả hai chân. Hai tay vòng trước bụng khuất trong vạt áo choàng. Bụng to, tròn. Trên ngực có dải đai vòng. Pho tượng đồng này nặng hơn 300kg. Sau năm 1975, khu vực này hoang phế, pho tượng đồng này được chuyển về thờ tại ngôi miếu cạnh đình làng Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (cách vị trí chùa Liễu Bông khoảng 1 km về phía Tây Bắc). Do miếu thờ xuống cấp, dân làng Trà Liên mong muốn được xây dựng mới đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ quy mô hơn, khang trang hơn. Thể theo nguyện vọng của dân, năm 2020, UBND xã Triệu Giang đã báo cáo Huyện ủy, UBND huyện Triệu Phong về việc xin xây dựng mới đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Sau một thời gian huy động nguồn vốn xã hội hóa và triển khai thi công hoàn thành, ngày 11/10/2022, UBND xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong đã tổ chức lễ khánh thành đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Đền thờ được xây dựng với tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trên diện tích 2 ha. Pho tượng đồng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được rước về thờ uy nghiêm, đường bệ tại đền thờ này.

Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hoá và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản”  - Ảnh: H.C.D

Hội thảo khoa học “Hệ thống di tích Chúa Nguyễn tại huyện Triệu Phong - Những giá trị lịch sử, văn hoá và định hướng bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản” - Ảnh: H.C.D

Trên địa bàn thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, qua đào móng làm nhà, người dân đã phát hiện một ngôi mộ của người Việt cổ. Ngôi mộ này có rùa đá và tấm bia chỉ còn đọc được 4 chữ Hán “Việt cố hiển tỷ” (người mẹ là người Việt đã mất). Ngôi mộ này được cho là mộ của Thái phó Nguyễn Ư Dĩ. Nếu đúng như vậy, phải chăng 4 chữ Hán “Việt cố hiển tỷ” khắc trên bia mộ này là nhằm giữ bí mật, nhằm che giấu tung tích Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, giữ cho “mồ yên mả đẹp” trong dòng đời bất trắc, khó lường? Ngôi mộ người Việt cổ này đã được tôn tạo khá quy mô với tổng kinh phí 650 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm. Ngôi mộ có nghi môn gồm 4 trụ, bia mộ có gắn phiến đá, có đồ lại hai chữ “Việt cố” nhưng chữ “cố” viết không đúng với chữ Hán, trên mộ có đặt rùa đá. Nền mộ được đổ bê tông, tráng xi măng, cốt nền cao.

Định hướng và giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản Nguyễn Hoàng

Công tác bảo tồn, tôn tạo di tích liên quan đến Chúa Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị đứng trước thách thức của cái khó như GS Phan Huy Lê đã xác định: “Chúng ta đứng trước một thực trạng là với những tư liệu hiện có thì gần như không có khả năng nào để đặt vấn đề gọi là trùng tu hay phục dựng, tái tạo các di tích. Vậy thì, vấn đề là phải làm gì và làm thế nào?”2. Thật ra, khó thì có khó những không đến nỗi ở di tích này đã mất hết dấu tích gốc và không có cái để phục dựng, tái tạo. Bằng chứng như trên đã nêu là nhiều năm nay, chính quyền và nhân dân đã huy động các nguồn xã hội hóa để bảo tồn hiện vật, tôn tạo di tích liên quan Chúa Nguyễn Hoàng ở huyện Triệu Phong. Trả lời câu hỏi “phải làm gì và làm thế nào” mà GS Phan Huy Lê đặt ra, một câu hỏi về định hướng phải làm, thiết nghĩ, có ba hướng lớn phải làm, một là mở rộng quy mô khảo cổ, bảo tồn dấu tích gốc, phục dựng kiến trúc; hai là tôn tạo di tích, tôn vinh di sản và ba là khai thác, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của di tích.

- Mở rộng quy mô khảo cổ, bảo tồn dấu tích gốc, phục dựng kiến trúc

Trước thực trạng di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)” chỉ còn là địa điểm, dấu tích trên mặt đất hầu như không còn gì, việc đi tìm và bảo tồn dấu tích gốc chủ yếu phải dựa vào khảo cổ. Phát biểu kết luận Hội thảo năm 2013, GS Phan Huy Lê nhấn mạnh yêu cầu về khảo cổ: “Đặc biệt tại ba di tích Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát nên điều tra kỹ và xác định những nơi cần thám sát hay khai quật khảo cổ học”3. Năm 2016, việc thăm dò, khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại một số địa điểm thuộc 2 khu vực thủ phủ/ dinh trấn Trà Bát và Dinh Cát (do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tỉnh Quảng Trị, Viện Khảo cổ học và Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế phối hợp thực hiện), nhằm phục vụ cho đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Luận cứ khoa học lịch sử xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong”. Kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học, theo Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học này cho biết đã phát hiện dấu tích về một hệ thống la thành: “Tại khu vực phía Tây Cồn Dinh/ Cồn Dinh trên (Cồn Dinh 1), với 3 hố thăm dò khai quật H1.CD1, H2.CD1 và H3.CD1 trên tổng diện tích là 67,63m2, kết quả bước đầu đã phát lộ các dấu tích đáng tin cậy về một hệ thống la thành hình chữ nhật được xây bằng gạch có kích thước ước định gần 6.500m2 (dài gần 120m, rộng hơn 55m) chạy theo hướng chính Bắc - Nam (lệch Nam 300) với kích thước nền móng tường thành dày 2,05m. Trong vòng thành này, trước đây có sự tồn tại của chùa Liễu Ba/ Bông vào thời kỳ khá muộn về sau. Đặc biệt, trên bề mặt của khu vực bên trong vòng thành này có nhiều vị trí ken dày gạch, ngói vỡ cho thấy đó chính là dấu vết còn lại của những công trình kiến trúc kiên cố bị sụp đổ”4. Về hiện vật tìm thấy trong các hố khai quật, thám sát, Báo cáo nêu: “Các mảnh gạch ngói với nhiều kích thước, độ dày mỏng khác nhau cho biết nó được sử dụng vào các công trình khác nhau và trải dài từ thời chúa Nguyễn đến đầu thời Nguyễn. Các mảnh gốm chủ yếu có nguồn gốc từ gốm sứ thương mại Trung Quốc thế kỷ XVII - XVIII và địa phương phần nào nói lên sự giao thương rất phát triển thời các chúa Nguyễn trên đất Quảng Trị như sử cũ ghi chép”5. Những dấu tích tìm thấy này cần phải được bảo quản trên thực địa (bảo quản di chỉ khảo cổ học) để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và nhu cầu tham quan của khách du lịch, những hiện vật phát hiện được cần lưu giữ để đưa vào trưng bày sau này khi có Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn được xây dựng.

Dù đã đạt được một số kết quả, phát hiện được một số dấu tích, hiện vật, tuy nhiên, đợt khai quật khảo cổ học năm 2016 này chỉ mới thực hiện với diện tích khai quật nhỏ, thời gian ngắn nên vẫn chưa có cứ liệu thật đầy đủ về các dinh phủ, nhiều vấn đề đưa ra chỉ mới là giả thiết, phán đoán. Vì thế, Báo cáo tổng kết đề tài đã kiến nghị cần mở rộng quy mô khảo cổ: “Mặc dù đề tài nghiên cứu bước đầu đã làm sáng tỏ một số vấn đề về diện mạo, cấu trúc, quy mô 3 địa điểm dinh phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh nhưng để làm sáng tỏ hơn về diện mạo khu vực lỵ sở Dinh chúa Nguyễn trong vòng 68 năm (1558 - 1626) tại Ái Tử - Trà Bát cần phải tiếp tục thực hiện công tác khai quật khảo cổ có quy mô lớn hơn nữa để xác định và định vị cũng như làm sáng tỏ cấu trúc, kỹ thuật xây dựng tường thành thời chúa Nguyễn ở Dinh Trà Bát, Dinh Cát (kể cả Dinh Ái Tử) cũng như các công trình liên quan ở khu vực Cồn Dinh làng Trà Liên. Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho chủ trương và cấp kinh phí thông qua nguồn thực hiện đề tài khoa học công nghệ để khai quật khảo cổ”6. Như vậy, để đáp ứng yêu cầu bảo tồn di tích gốc, làm sáng tỏ thêm hình hài diện mạo các dinh phủ, vấn đề đặt ra là cần mở rộng quy mô khảo cổ học ở các vùng thuộc diện đề tài nghiên cứu khoa học nói trên quan tâm.

Ngoài ra, từ thực tế người dân tôn tạo một số công trình như Giếng Phủ, ngôi mộ Việt cổ…, trên địa bàn xã Triệu Giang phát sinh nhu cầu mới là cần khai quật khảo cổ học thêm một số địa điểm, trong đó có cả những địa điểm chưa đưa vào hồ sơ công nhận di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”. Vì lẽ đó, ngày 17/6/2023, UBND huyện Triệu Phong đã tổ chức đoàn khảo sát đề xuất khảo cổ lỵ sở Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626) tại huyện Triệu Phong, với thành phần gồm có đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Trị, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND huyện, Văn phòng HĐND-UBND huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể dục thể thao huyện Triệu Phong, lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã Triệu Giang, thôn Phú Mỹ Kiên, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong. Sau khi khảo sát thực địa các địa điểm Phủ Thờ, Giếng Phủ, ngôi mộ Việt cổ, khu vực Trà Bát, Dinh Cát thuộc thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, đoàn thống nhất đề nghị UBND huyện Triệu Phong xem xét, chỉ đạo xây dựng hồ sơ đề nghị cấp phép và tiến hành khai quật khảo cổ học các địa điểm Phủ Thờ, Giếng Phủ và các khu vực liên quan đến Trà Bát, Dinh Cát thuộc xã Triệu Giang; đề nghị cơ quan chuyên môn xác định niên đại một số hiện vật (3 cọc cừ bằng gỗ lim nhọn một đầu, đá...) tìm thấy tại Giếng Phủ, ngôi mộ Việt cổ… để có cơ sở khoa học nhận định, đánh giá về thời gian Chúa Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại huyện Triệu Phong, đồng thời để bảo quản, phục vụ cho việc trưng bày hiện vật.

Công tác khảo cổ cần được chú trọng, mở rộng quy mô, tính hết các điểm cần thám sát, khai quật, đẩy tới tận cùng sự thật khảo cổ trong khả năng có thể (sở dĩ nói “có thể” là vì trên vùng di tích, có nhiều công trình, nghĩa địa… dựng lên qua thời gian, khiến cho việc khảo cổ không thể thực hiện được), nhằm phát hiện, bảo tồn tối đa các dấu tích gốc, đồng thời phục vụ cho việc tái tạo, phục dựng di tích đảm bảo khoa học, sát đúng, chính xác.

Đối với việc phục dựng kiến trúc di tích, trong di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh chúa Nguyễn (1558 - 1626)”, với 10 địa điểm: Dinh Ái Tử, Dinh Trà Bát, Dinh Cát, Cồn Tập, Mô Súng, Tàu Tượng, Bãi Trận, Ghềnh Phủ, Chợ Hôm, Miếu Trảo Trảo phu nhân, phần lớn không còn dấu tích gì trên mặt đất, khó phục dựng lại. Riêng đối với địa điểm Miếu Trảo Trảo phu nhân, nơi thờ thần sông đã giúp Nguyễn Hoàng đánh tan quân của tướng Mạc là Lập Bạo, cần tìm kiếm tư liệu gốc và tư liệu lịch sử tương ứng thời kỳ lập miếu này để phục dựng kiến trúc ngôi miếu. Trong bài viết “Tỉnh Quảng Trị” của A.Laborde, Công sứ Pháp tại An nam đăng trên tập san “Những người bạn Cố đô Huế” (Bulletin des Amis du Vieux Hué - viết tắt là BAVH) có in kèm hình ảnh Miếu Trảo Trảo phu nhân7. Miếu này, “Đời Gia Long liệt vào miếu Hội Đồng. Năm Minh Mạng thứ 5 gia tặng: Nhu Hòa Đoan ý Chiếu linh Trợ Thuận Trai thục Trung đẳng thần”8. Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đang lưu giữ và trưng bày sắc phong này của vua Minh Mạng (năm thứ 5 - 1824), mang số kiểm kê 2940/Gi354. Hiện ở Chùa Giác Minh (thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) còn lưu giữ 4 đạo sắc phong của triều Nguyễn phong tặng cho Trảo Trảo phu nhân vào các năm: Thiệu Trị thứ 3 (1843), Tự Đức thứ 3 (1850) và thứ 33 (1880), Khải Định thứ 9 (1924). “Theo quy định của nhà Nguyễn, cứ mỗi lần ban cấp, đồng nghĩa gia tặng mỹ tự tương ứng đi kèm. Theo đó, thời Thiệu Trị mỹ tự của Trảo Trảo phu nhân: 柔和端懿昭靈 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh. Sang đời vua Tự Đức mỹ tự: 柔和端 懿昭靈助順齋淑  Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Linh Trợ Thuận Trai Thục. Đến triều vua Khải Định 1924 thì thần hiệu, phẩm trật và mỹ tự của thần đầy đủ như sau: 和端懿沼應助順齋淑莊徽翊保中興 爪爪夫人上等 神 Nhu Hòa Đoan Ý Chiêu Ứng Trợ Thuận Trai Thục Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Trảo Trảo phu nhân thượng đẳng thần. Song hành với định lệ gia tặng mỹ tự, đến triều vua Khải Định, việc nâng cấp phẩm trật từ Trung đẳng thần lên Thượng đẳng thần cho thấy sự linh ứng, chủ ý tôn xưng, xiển dương công đức “hộ quốc tý dân” của triều đình nhà Nguyễn đối với nữ thần Trảo Trảo”9. Trước năm vua Thiệu Trị tặng sắc phong cho Trảo Trảo phu nhân một năm, tức là năm 1842, khi tuần hành ra miền Bắc, đến Quảng Trị, vua Thiệu Trị đã “sai thị vệ đem hương và lụa đến cúng thần Qua Qua Linh Thu”10, tức là thần Trảo Trảo phu nhân. Vua đã cảm tác làm bài thơ xưng tụng công lao còn vang vọng mãi của thần sông Ái Tử Trảo Trảo phu nhân:

           過愛子江述古

           晚泛輕舟過碧潯

           江山感昔鉞旄臨

           神功締造千秋在

           聖武昭垂萬古欽

           助順聲聲湫浪異

           效靈陣陣賊船沈

           河千廟貌傳香火

           風動波鳴護國心

   Quá Ái Tử giang thuật cổ

   Vãn phiếm khinh chu quá bích tầm 
Giang sơn cảm tích việt mao lâm 
   Thần công đế tạo thiên thu tại 
   Thánh võ chiêu thuỳ vạn cổ khâm 
   Trợ thuận thanh thanh tưu lãng dị 
   Hiệu linh trận trận tặc thuyền trầm 
   Hà can miếu mạo truyền hương hoả 
   Phong động ba minh hộ quốc tâm
 

Dịch nghĩa:

Qua sông Ái Tử thuật lại việc xưa

Chiều muộn thuyền nhẹ lướt sóng xanh

Cảm kích việc núi sông xưa binh khí cờ rơi xuống

Công lao thần tạo mãi mãi còn ghi nơi này

Lời răn dạy của Võ Thánh muôn vạn năm còn vâng mệnh

Tiếng trợ giúp còn vang vọng sóng mát lạ thường

Trận trận linh thiêng nhấn chìm tàu giặc

Miếu mạo sông linh còn truyền hương hỏa

Gió lay động sóng gào bảo vệ đất nước

Năm 1844, vua Thiệu Trị cho khắc in tập thơ “Ngự chế Bắc tuần thi tập”, trong đó có bài thơ này. Tập thơ này được vua Thiệu Trị “ban cấp cho hoàng tử, hoàng thân, các quan văn võ và các quan ở các tỉnh về chầu, cùng phủ Thừa Thiên, trường Quốc tử giám, học chính các tỉnh đều 1 tập”11. Mộc bản tập thơ này hiện còn được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ quốc gia IV Đà Lạt, ký hiệu H77/1-6, gồm 5 quyển, tổng cộng còn 190 tờ12. Theo Thiền sư Lê Mạnh Thát, tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu thác bản (tức là bản dập) văn bia có số hiệu 19296, lập năm 1842, ghi việc vua Thiệu Trị đi qua sông Ái Tử, “nhớ đến việc xưa…, nhân đó cảm tác thơ cho khắc vào bia đá dựng tại miếu thờ Trảo Trảo bên bờ sông Ái Tử”13. 5 đạo sắc phong của triều Nguyễn và bài thơ đã dẫn trên của vua Thiệu Trị về Trảo Trảo phu nhân hiện còn được lưu giữ (5 đạo sắc phong còn bản gốc; bài thơ của vua Thiệu Trị hiện còn mộc bản, thác bản) cần được chụp lại, phục chế lại nguyên bản để trưng bày trong không gian Miếu Trảo Trảo phu nhân khi được phục dựng và trong Bảo tàng lịch sử thời chúa Nguyễn khi được xây dựng.

N.H

(Còn tiếp...)

Chú thích:

1. GS Phan Huy Lê - PGS TS Đỗ Bang, Nguyễn Hoàng - Người mở cõi, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014, tr. 540.

2. GS Phan Huy Lê - PGS TS Đỗ Bang, sđd, tr. 539. 

3. GS Phan Huy Lê - PGS TS Đỗ Bang, sđd, tr. 540.

4. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học “Luận cứ khoa học lịch sử xác định vị trí 3 thủ phủ Ái Tử, Trà Bát, Cát Dinh và khoanh vùng bảo vệ phục vụ quy hoạch các di tích lịch sử, văn hóa thời chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong”, Quảng Trị năm 2017, tr. 87.

5. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học… , tlđd, tr. 90.

6. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học… , tlđd, tr. 129.

7. Những người bạn cố đô Huế, tập VIII, NXB Thuận Hóa, Huế, 2001, tr. 212.

8. Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, 2004, tr. 291.

9. Đỗ Minh Điền, Dấu ấn nữ thần Trảo Trảo phu nhân qua một số đạo sắc phong, Tạp chí Sông Hương Online: http://tapchisonghuong.com.vn/tin-tuc/p2/c14/n27531/Dau-an-nu-than-Trao-Trao-phu-nhan-qua-mot-so-dao-sac-phong.html

10. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập VI, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr. 292.

11. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập VI, sđd, tr. 608.

12. Dẫn theo Nguyễn Huy Khuyến, Thơ ngự chế của vua Thiệu Trị ở Quảng Trị, Web Tạp chí Cửa Việt: https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/tho-ngu-che-cua-vua-thieu-tri-o-quang-tri-12357.html

13. Lê Mạnh Thát, Về tấm bia của Tiến sĩ Hoàng Bính và niên đại tạo lập Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang, bài in trong ấn phẩm “Liễu Quán” số tháng 1/2018 của Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán - Huế, NXB Thuận Hoá, Huế, tr. 43.

NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 353

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

4 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground