Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lê Chưởng trên trận tuyến đấu tranh giành độc lập dân tộc trước Cách mạng tháng Tám 1945

V

ào một ngày tháng 3.1973, chúng tôi - một số giảng viên của Đại học Sư phạm Hà Nội được triệu tập lên văn phòng Bộ Giáo dục. Đồng chí Thứ trưởng hôm ấy mặc chiếc áo đại cán của vị tướng trong quân đội, người khỏe mạnh, hồng hào, rắn rỏi đi ngay vào công việc, với những lời ngắn gọn: "Vùng giải phóng miền Nam đang phát triển giáo dục. Nhà trường và các em của chúng ta đang cần có sách để học. Vì vậy Bộ điều động các đồng chí về công tác ở Trại biên soạn chương trình và sách giáo khoa B. Mong các đồng chí cố gắng". Lần gặp gỡ không kéo dài ấy đã để lại trong mỗi chúng tôi một ấn tượng rất khó quên: nhanh nhẹn, gọn gàng, dứt khoát, cởi mở. Và nhất là tinh thần trách nhiệm và tình cảm cách mạng của một vị lãnh đạo giáo dục. Tuy không dài dòng, nhưng qua nét mặt, cử chỉ, giọng nói, chúng tôi hiểu được những tình cảm sâu sắc của đồng chí đối với miền Nam, đối với yêu  cầu của giáo dục cách mạng lúc bấy giờ. Chúng tôi ra về, tạm chia tay với Đại học Sư phạm Hà Nội, lòng rất thoải mái, không một chút băn khoăn, tự hứa là sẽ cố gắng trong nhiệm vụ mới.

Nhưng chỉ bảy tháng sau, vào một buổi chiều, trong khi đang đi tham quan các di tích lịch sử ở Tuyên Quang (Việt Bắc), qua đài phát thanh, chúng tôi đột ngột đón nhận một tin rất đau đớn: "Thứ trưởng Lê Chưởng qua đời vì tai nạn trên đường đi công tác". Chúng tôi cũng rất đau xót, khi biết rõ đồng chí bị tai nạn trên đường về Hà Nội từ một chuyến công tác ở vùng giải phóng Quảng Trị. Ấn tượng đẹp đẽ ở văn phòng Bộ Giáo dục sau mấy tháng Hiệp định Paris được ký kết và sự qua đời vì tinh thần trách nhiệm cao đã khiến chúng tôi - những người viết sử và dạy sử chú ý tìm hiểu về cuộc đời đồng chí qua các tư liệu. Rồi hình ảnh của Lê Chưởng, hình ảnh của một chiến sĩ cách mạng rất đẹp cứ hiện lên rõ dần trước mắt chúng tôi qua các trang lịch sử Đảng bộ của Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Ninh Thuận, qua các tập hồi ký của Tố Hữu, của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh, của Trung tướng Lê Tự Đồng và của một số văn nghệ sĩ...

* * *

Ra đời và lớn lên trong một gia đình nông dân lao động ở một miền quê thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, mới tám tuổi, cậu bé Lê Chưởng đã phải đi chăn vịt. Lên mười hai tuổi được đi học tiểu học, nhưng không có tiền để ăn cơm tháng, cậu thiếu niên Lê Chưởng phải mang gạo, mang củi tự nấu ăn để được theo học. Rồi đến năm 1929, lúc mới mười lăm tuổi, cậu học sinh ấy sớm dấn thân vào con đường cứu nước, đi rải truyền đơn cách mạng, và đã dám nêu lên nỗi thống khổ của nhân dân trong một bài tập làm văn.

Ngày 22/1/1930, tại nhà tù Lao Bảo, vì bị lao đày kiệt sức, đồng chí Đoàn Lân đã qua đời lúc mới hai mươi mốt tuổi.

Tin Đoàn Lân - người Cộng sản đầu tiên rất anh dũng của tỉnh Quảng Trị hy sinh đã gây xúc động mạnh trong nhân dân Triệu Phong. Nhiều bà con, đồng chí, đồng đội của anh đã tham gia truy điệu. Một số học sinh Quảng Trị trong đó có Lê Chưởng đã bị bắt vì cất giấu bài điếu văn thương tiếc người chiến sĩ cách mạng Đoàn Lân. Lê Chưởng bị kết án năm tháng tù. Sau khi ra tù, trở về làng, Lê Chưởng tổ chức Nông hội đỏ và đến năm 1931 thì được kết nạp vào Đảng lúc mới mười bảy tuổi.

Tổ chức Nông hội ở các làng phát triển mạnh. Sau vụ rải truyền đơn đêm 3.3.1931, kẻ địch bắt nhiều người, trong đó có Lê Chưởng. Lê Chưởng bị kết án bảy năm tù giam tại nhà lao Quảng Trị. Trong đêm 3.10.1932, anh đã vượt ngục, nhưng chỉ bảy ngày sau thì bị bắt lại. Địch đưa anh lên nhà lao Buôn Mê Thuột. Cuối 1932, đầu 1933, nhà tù Buôn Mê Thuột sôi sục những cuộc đấu tranh đòi cải thiện đời sống của tù chính trị, chống chế độ đánh đập của nhà tù. Để đối phó với những cuộc đấu tranh liên tiếp của tù nhân, theo đề nghị của Công sứ Đắc Lắc, chánh mật thám Pháp ở Trung Kỳ là Xô-nhi đồng ý đày một số tù chính trị  từ Buôn Mê Thuột lên Lao Bảo. Lê Chưởng nằm trong số tù nhân chính trị bị đưa đi Lao Bảo ngày 18.5.1933. Thời gian này đời sống tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo rất cực nhục. Tù chính trị phải đi lao động nặng nhọc, thường xuyên bị đánh phạt tra tấn, ăn uống kham khổ, nhiều người ốm đau. Cảnh tượng hãi hùng diễn ra ở các phòng giam tù chính trị: "Dòi bọ bò lổm ngổm khắp nơi, giun sán, ruột gà treo lòng thòng trên song sắt, trên trần nhà". Cuối năm 1933, tù chính trị đấu tranh quyết liệt phản đối chế độ hà khắc, tàn bạo của nhà tù. Cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt và liên tục suốt trong năm 1934. Trong thời gian này, Lê Chưởng bị bọn cai ngục thực dân nhận xét là loại tù "nguy hiểm", "liến xáo" tham gia tích cực vào mọi cuộc tuyên truyền cách mạng, khi bị giám đốc nhà tù khiển trách, "đã trả lời bằng những lời sỉ nhục đối với giám đốc".

Trong một công văn mật (số 360 C) gửi Khâm sứ Trung Kỳ tại Huế, Công sứ Quảng Trị viết:

"Ngày 20.12 (1934) các tù nhân ở xà lim đã mắng nhiếc, sỉ nhục những người Pháp, xúi giục các tù nhân khác khởi loạn... Chiếu theo sự chỉnh lý của điều khoản 34, Dụ số 10 ngày 30.4.1934 về chế độ lao ngục ở An Nam, ông giám đốc nhà đày Lao Bảo đã đồng ý với tôi, gia tăng hình phạt ba tháng ngồi xà lim về tội la hét, nhục mạ, xúi giục phạm tội và nổi loạn đối với các tù nhân chính trị:

- Hà Thế Hạnh         số tù 630 - 10431

- Võ Sĩ                        số tù 548 - 8834

- Võ Thúc Đồng       số tù 589 - 19297

- Lê Chưởng             số tù 627 - 19427

                                                    Đã ký: Phi Líp

                                                       31.12.1934"

Năm 1939, lúc Lê Chưởng mãn hạn tù, ra khỏi nhà tù Lao Bảo cũng là khi chiến tranh thế giới thứ hai sắp bùng nổ, thực dân Pháp đẩy mạnh khủng bố cách mạng dữ dội. Trong tình hình đó, Đảng chủ trương đảng viên của Đảng phải rút vào hoạt động bí mật, cán bộ chủ chốt của Đảng phải thoát ly gia đình để hoạt động. Lê Chưởng trở về thăm cha mẹ để rồi quyết chí thoát ly, tiếp tục đi hoạt động cách mạng.

Đầu tháng 12.1939, Lê Chưởng tham gia Hội nghị cán bộ Tỉnh ủy Quảng Trị họp tại trại làm gỗ Khe Đào ở Làng An, xã Triệu Nguyên, huyện Triệu Phong. Hội nghị  này này đã bầu lại Tỉnh ủy do Hồ Xuân Lưu làm Bí thư. Lê Chưởng được bầu vào Thường vụ Tỉnh ủy.

Xứ ủy Trung Kỳ đã cử Lê Chưởng tăng cường cho thành phố Huế. Hội nghị Đảng bộ Thành phố Huế họp tại trường Jan đa (J'ean d'Are) - số 4 Trần Cao Vân hiện nay đã bầu Lê Chưởng làm Bí thư của Đảng bộ thành phố. Cuối tháng 7 - đầu tháng 8-1940, địch bắt được Lê Chưởng, ủy viên xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Đảng bộ Thành phố Huế.

Biết Lê Chưởng là cán bộ cốt cán của Đảng, bọn mật thám tra tấn rất tàn nhẫn, nhưng đồng chí chịu đựng và không hề khai báo. Và cũng chính vì thế mà chúng hành hạ, tra tấn đồng chí dã man hơn. Lê Chưởng bị kết án mười năm tù và bị giam chung  với các tù chính trị khác. Lúc bấy giờ Chi bộ trong nhà tù tổ chức cho tù chính trị tranh thủ thời gian ở nhà lao để học văn hóa và chính trị. Lê Chưởng được tổ chức cử phụ trách huấn luyện cho đồng chí của mình về điều lệ Đảng và các công tác vận động quần chúng.

Sau nhiều lần bị tra tấn dã man, sức khỏe của anh tuy có bình phục nhưng người vẫn xanh xao gầy yếu. Những cơn ho kéo dài làm cho anh rất vất vả, có hôm phải bỏ dở buổi huấn luyện. Cơn ho của anh mỗi ngày một nặng hơn, có lúc ho ra máu. Chi bộ nhà tù đã đấu tranh kiên quyết và bền bĩ buộc cai tù phải để Lê Chưởng được đi bệnh viện. Lúc đầu kẻ địch muốn từ chối nhưng sau chúng phải chấp nhận để anh được chữa bệnh ở bệnh viện Huế. Tại bệnh viện này có cơ sở cách mạng của ta. Tổ chức đã giao trách nhiệm cho một nữ y tá chăm lo sức khỏe cho đồng chí Lê Chưởng đồng thời tổ chức cho đồng chí vượt ngục. Lê Chưởng đã vượt ngục đúng vào dịp tết năm 1941. Anh về lại Quảng Trị tham dự hội nghị của Tỉnh ủy (tháng 5-1941). Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Trị lần này đã bàn kế hoạch chống địch khủng bố, phát triển các tổ chức đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cách mạng. Hội nghị quyết định xuất bản tờ báo Cứu Quốc, làm cơ quan tuyên truyền cổ động của Đảng bộ và cử Lê Chưởng làm chủ bút. Xứ ủy đã bị tan vỡ từ cuối 1940, khi Hồ Xuân Lưu và Bùi San đã bị địch bắt.

Theo chỉ thị của Trung ương Đảng do Hoàng Văn Thụ trực tiếp truyền đạt, tháng 10-1941, Xứ ủy Trung Kỳ được lập lại do Lê Chưởng làm Bí thư, đóng trụ sở tại gia đình ông Nguyễn Yến ở La Thọ (huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Gia đình Nguyễn Yến tuy rất nghèo nhưng cả hai vợ chồng và mấy người con đều hết lòng với cách mạng. Xứ ủy có cơ quan ấn loát riêng ở làng Nham Tây (huyện Duy Xuyên). Trong chín tháng tồn tại của Xứ ủy ở Quảng Nam, cách mạng các tỉnh miền Trung có những bước phát triển quan trọng.

Ngày 25.06.1942, Lê Chưởng - Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ - bị địch bắt tại Đà Nẵng. Đây là lần thứ tư anh bị địch bắt.

Những năm tháng ở nhà tù Buôn Mê Thuột, Lê Chưởng chú trọng nghiên cứu về Chủ nghĩa Mác - Lênin. Anh là một trong số giáo viên dạy học về văn hóa cũng như về lý luận cho một số tù chính trị.

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp và  thả một số tù chính trị ở các nhà lao. Tháng 5-1945, Lê Chưởng ra tù. Anh tiếp tục hoạt động ở Ninh Thuận, ngày đêm biên soạn tài liệu giải thích về chủ trương của Việt Minh, tham gia thành lập các tổ chức cách mạng, bàn kế hoạch đối phó với các tổ chức thân Nhật, tích cực cùng các đồng chí chuẩn bị khởi nghĩa.

Sách "Những chiến sĩ cộng sản trên quê hương Ninh Thuận" của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận cho biết: "Lê Chưởng là một trong những người chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Ninh Thuận".

Sau ngày khởi nghĩa thắng lợi, Lê Chưởng được Ủy ban Việt Minh lâm thời bầu vào Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh, phụ trách công tác tuyên truyền. Đến tháng 10.1945), Xứ ủy Trung Kỳ cử đồng chí làm Bí thư Thuận Hóa (Huế), phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ ủy, trực tiếp làm chủ bút tờ "Quyết thắng" - cơ quan ngôn luận của Việt Nam Trung Bộ.

* * *

Từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, Lê Chưởng tiếp tục có mặt trên nhiều trận tuyến quan trọng: Chính ủy Mặt trận đường 9; Chính ủy Trung đoàn 95, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, Chính ủy Liên khu IV, Ủy viên Thường vụ Đảng bộ liên khu IV.

Sau Hiệp định Giơnevơ đồng chí được cử làm Cục trưởng cục Tuyên huấn Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, được phong quân hàm thiếu tướng QĐND Việt Nam năm 1959. Năm 1961, Lê Chưởng được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự bên cạnh Chính phủ Vương quốc Lào. Đồng chí có nhiều đóng góp cho cách mạng Lào và cho tình hữu nghị Việt - Lào.

Lê Chưởng cũng là chiến sĩ cách mạng năng động trên mặt trận văn hóa - tư tưởng - Đồng chí từng là chủ bút tờ báo "Bẻ xiềng sắt" của Xứ ủy Trung Kỳ và phụ trách tờ báo "Phá ngục" của thành phố Huế (1940); chủ bút báo "Cứu quốc" của Tỉnh ủy Quảng Trị (1941), phụ trách báo "Quyết thắng" của Việt Minh Trung bộ (1945-1946).

Lê Chưởng cũng là tác giả nhiều sách cách mạng như "Người trước ngã, người sau tiếp", "Người Cộng sản với hòa bình và chiến tranh", "Suốt đời chiến đấu vì dân vì Đảng". "Đấu tranh sửa chữa sai lầm và xây dựng quân đội". "Chiến tranh nhân dân và xây dựng quân đội", "Nhân sinh quan Cộng sản chủ nghĩa"...

Từ năm 1971, khi được cử tham gia lãnh đạo ngành Giáo dục, Lê Chưởng đã đem hết nghị lực xây dựng ngành, luôn luôn đi sát cơ sở, động viên cổ vũ giáo viên thực hiện đường lối, quan điểm giáo dục của Đảng, quan tâm chăm sóc các cháu học sinh miền Nam trên đất Bắc, lo lắng chi viện vùng giải phóng miền Nam về giáo dục...

Điếu văn của Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên ngày 28-10-1973, có đoạn viết: "Lê Chưởng đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng",  là "một người con trung hiếu, một cán bộ lãnh đạo trung kiên" của tổ chức, của Đảng và Nhân dân.

Cả cuộc đời của Lê Chưởng - nghị lực - phẩm chất - tài năng đã cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trong cả cuộc đời đẹp đẽ ấy, tuổi trẻ của Lê Chưởng trước cách mạng tháng 8-1945, với sự kiên trinh và dũng cảm, sôi nổi và nhiệt thành, với bốn lần vào nhà tù đế quốc, hai lần vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng - là một dấu ấn đẹp đẽ còn nguyên vẹn trên các trang sách sử. (*).

                                                                                    P.H. V

­­­­­­­­­­____________

(*) Hình ảnh Lê Chưởng trước cách mạng tháng 8 - 1945 được tái hiện đẹp đẽ trên nhiều trang sách: "Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị" tập I - NXB Chính trị quốc gia, 1996; "Lịch sử Đảng bộ Thừa Thiên Huế" tập I, NXB Chính trị Quốc gia - 1995; "Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng" tập I, NXB Đà Nẵng, 1991; "Những chiến sĩ Cộng sản trên quê hương Ninh Thuận" Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận, 2000; "Nhà đày Lao Bảo" NXB chính trị quốc gia, 2002; "Lịch sử nhà đày Buôn Mê Thuột" NXB Sự thật, 1991, trong hồi ký của nhiều chiến sĩ cách mạng: "Trên những chặng đường cách mạng" - Võ Chí Công, NXB Chính trị quốc gia, 2001; "Nhớ lại một thời: - Tố Hữu - Nhà xuất bản Văn học 2000; "Quê hương và cách mạng" - Hoàng Anh, NXB Thuận Hóa 1990; "Tình dân biển cả" Lê Tự Đồng, NXB Thuận Hóa, 1993... và trong các trang sách khác.

Phạm Hòa Vinh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 120 tháng 09/2004

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

14 Giờ trước

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

15 Giờ trước

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

15 Giờ trước

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

15 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

15 Giờ trước

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/05

25° - 27°

Mưa

17/05

24° - 26°

Mưa

18/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground