Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lễ hội "ăn trâu"

B

à con dân tộc thiểu số sinh sống dọc Trường Sơn, từ miền tây Quảng Trị, Quảng Ngãi đến Tây Nguyên đều có lễ hội ăn trâu hay còn gọi là đâm trâu nhằm vào thời điểm hoàn thành việc thu hoạch mùa vụ trên nương rẫy hoặc chuẩn bị đi vào vụ sản xuất mới.

Hình thức lễ hội ăn trâu của mỗi dân tộc, mỗi vùng tuy có sự khác nhau về đường nét, màu sắc và thời gian nhưng về mục đích cơ bản là giống nhau. Đó là lễ hội cúng Yàng, thần núi, thần sông và ông bà tổ tiên, ăn mừng mùa màng bội thu, cầu mong cho bản làng ăn nên làm ra, sức khoẻ. Dưới đây là lễ hội ăn trâu (Ká Ca Pơ) của dân tộc Kà Dong thuộc huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi.

Dân tộc Kà Dong ở Quảng Ngãi dân số không nhiều, lại phân bổ trên những địa bàn xa xôi hẻo lánh, nhưng văn hoá mang tính nội sinh mạnh mẽ, đặc sắc, là một bộ phận không thể thiếu được trong nền văn hoá đa dạng, thống nhất của cộng đồng dân tộc Việt Nam mà lễ hội ăn trâu (Ká Ka Pơ) là một trong những lễ hội mang đậm nét bản sắc văn hoá dân tộc.

* * *

Ká Ca Pơ – Tiếng Kà Dong, nghĩa là ăn trâu. Tổ chức lễ hội Ká Ca Pơ, ngoài việc tạ ơn thần linh, tổ tiên ông bà thì đây cũng là dịp để gia đình chiêu đãi họ hàng, làng nóc, qua đó thể hiện gia chủ làm ăn khấm khá no đủ. Có thể một năm hoặc nhiều năm sau, khi gia đình đã đủ điều kiện có 2 – 3 chòi thóc, heo gà đàn gia chủ mới tính đến chuyện thực hiện lời nguyền. Nếu trong lễ hội đâm trâu của người H’rê, Kor và nhiều dân tộc khác ở Tây Nguyên, những người đến dự lễ hội mang thêm rượu thịt đến để góp cùng gia chủ, thì đối với người Kà Dong tất cả mọi chi phí trong lễ hội Ká Ca Pơ chỉ có một mình chủ nhà lo liệu. Điều đó thể hiện sự tận tâm của gia chủ trong việc đền đáp công ơn với thần linh, ông bà cũng như việc mang lại niềm vui cho bà con làng nóc.

Lễ hội ăn trâu của dân tộc Kà Dong, được tiến hành trong khoảng tháng ba đến tháng năm âm lịch (khi lúa rẫy đã thu hoạch xong) nhưng việc chuẩn bị được bắt đầu từ tháng hai âm lịch, vì chỉ trong tháng này mới tìm được hoa Riêng Klung, một loại hoa rừng dùng làm đồ trang trí chính cho cây nêu. Gọi là hoa nhưng thực ra đây là một thứ quả, giống như quả cây bông gòn. Quả này thì khô có thể đập nhẹ, vỏ tách tóe ra làm đôi làm tư (như vỏ quả lòng mức). Bên trong là những cánh hoa màu trắng xếp thành dãy. Người ta dùng cánh hoa trắng này xâu thành chuỗi hoặc kết thành chùm để trang trí cây nêu.

Sau khi đồng ý cho gia chủ làm lễ, trưởng làng họp các già làng bàn bạc để phân công mọi người cùng với Pa – dâu (thầy cúng), giúp gia chủ thực hiện nguyện vọng. Đàn ông, đàn bà trong làng được chia thành ba nhóm; Một nhóm đi hái quả RieengKlung, bó thành bó, mang về phơi khô nhóm chặt gỗ, lồ ô làm chuồng trâu và mở thềm sàn nhà nhóm còn lại chuẩn bị dây, chẻ lạt và kiếm một cây sào thẳng và dài để làm cây nêu.

Cây nêu trong lễ hội Ká Ca Pơ có chiều dài khoảng 15 đến 18 mét, chia làm ba đoạn dài xấp xỉ bằng nhau, được gắn kết lại thành một cây nêu. Đoạn một (gốc) là một cây gỗ thẳng có đường kính 20cm, được đẻo gọt nhẵn, trang trí hoa văn hình cây cỏ đẹp, chim muông cách điệu bằng những màu đỏ, đen, trắng, vàng khá công phu. Đoạn hai (thân) ở giữa là một cây tre lồ ô, được cuốn chặt xung quanh bằng các chuỗi hoa RieengKlung màu trắng óng ánh. Đoạn ba (ngọn) trên cùng là những mảnh thân cây nứa chẻ dọc lấy từ gốc đến ngọn, áp vào các khuôn tròn hình phễu thon dần lên phía trên cùng, nơi có gắn hình con chim chèo bẻo làm bằng gỗ, trang điểm màu sắc đẹp, biểu tượng cho ý chí tự do và bất khuất.

Tại điểm nối giữa cây gỗ đoạn một với cây tre lồ ô, người ta treo một vòng gỗ, đường kính 60cm, xung quanh gắn những con giống bằng gỗ, theo từng cặp âm dương và treo những ống nứa khô kết thành chùm, để khi gió thổi nó va vào nhau phát ra những âm thanh vi vu của núi rừng, róc rách của suối chảy.

Một con chim hang bằng gỗ, tô màu đẹp, miệng ngậm chuỗi hoa RieengKlung, đuôi treo một dải đan bằng lát nứa mỏng, trang trí các họa tiết, hoa văn đa dạng, buông dài xuống hết phần thân. Xung quanh cây nêu được khắc họa ruộng lúa nương rẫy, cây cau trong vườn, cá, rùa, ếch nhái dưới nước, voi, cọp, nai, sóc trong rừng, thỏ ngồi gốc quế, bướm đậu cành hoa, tổ ong treo cành đa, chim đại bàng dang đôi cánh rộng, mặt trời, trăng sao trong vũ trụ… bức tranh sinh động thể hiện cuộc sống của con người luôn hòa quyện với thiên nhiên tươi đẹp.

Lễ hội Ká Ca Pơ diễn ra trong vòng 11 ngày, bắt đầu từ khi ủ rượu cần. Ngày thứ nhất đến ngày thứ sáu, đàn ông làm cây nêu, làm lan can mở rộng sân nhà đàn bà giã gạo, nấu cơm làm gạo nếp, ủ rượu cần, trong khi gia chủ phân công nhau đi mời bà con thân thuộc, làng nóc xa gần. Ngày thứ bảy, khách mời với những bộ váy áo và đồ trang sức đẹp nhất tề tựu đông đủ. Và lễ được tiến hành bằng nghi thức xỏ mũi trâu và cúng lễ dựng cây nêu. Cây nêu được dựng giữa một khoảng sân rộng gần nhà đã được sửa sang từ trước. Con trâu được đưa ra khỏi chuồng và buộc vào cây nêu, úp các ống nứa trang trí những dải hoa RiêngKlung lên hai sừng trâu. Tiếng hú của Pa – dâu (thầy cúng) mở đầu cho tiếng hú dài của gia chủ và mọi người, cùng với tiếng chiêng vang dội núi rừng, vọng lên trời cao, chảy theo con suối, va vào lèn đá, tạo nên âm thanh hùng vĩ, báo cùng thần linh, tổ tiên ông bà, làng nóc, lễ Ká Ca Pơ chính thức bắt đầu.

Lúc này trời đã sắp ngã về đêm, những ngọn đuốc lồ ô được thắp sáng lên. Ngoài sân khách mời, dân làng cùng gia đình đứng vòng quanh cây nêu. Pa – dâu và chủ nhà dẫn đầu đi song song, đội chiêng cùng gia đình đi vòng quanh sân nhà ba vòng trong tiếng chiêng rồi bước ra cửa chính. Pa – dâu mang trầu cau và bát rượu nhỏ hắt lên trời và khấn trong khi chủ nhà rót rượu ra bát và mời ông uống bát rượu đầu tiên. Tiếp đến chủ nhà và Pa – dâu bước ra, sau lưng họ là người nhà mang chiếc chiêng quý nhất của gia đình và người khác cầm trên tay con khỉ (d’hok) làm bằng gỗ, có hệ thống ròng rọc, vừa đi vừa kéo làm cho nó nảy lên theo nhịp chiêng. Sau bốn người này là đội chiêng, những cô gái và người nhà trong trang phục ngày hội, vừa đánh chiêng và vừa mời rượu. Cả đoàn người đi vòng quanh cây nêu hai vòng, lại vào nhà đi bảy vòng để thầy cúng và người nhà cúng ông bà. Còn lại khách, đi vòng quanh cây nêu, vừa đánh chiêng vừa nhún theo nhịp chiêng (điệu Ka chêu) sau đó là hòa tấu cồng chiêng với sự tham gia nhảy múa của mọi người. Lửa từ những bó lồ ô càng sáng rực, chiêng trống rộn ràng, mọi người uống rượu, nhảy múa, hát ra – nghế thâu đêm.

Quá nửa đêm, những đôi trai gái ý hợp tâm đầu tách ra khỏi đám đông nhưng không khí vẫn nồng nàn. Chiêng vẫn đánh, nhiều người vẫn múa hát, tất cả như đều hòa quyện với niềm vui chung và riêng. Những lời yêu thương nồng cháy của những đôi trai gái, những lời nhỏ nhẹ tâm tình của những người đã một thời yêu nhau nhưng vì lý do nào đó mà chẳng lấy được nhau làm vợ chồng thì đây là dịp hội ngộ của nhiều đôi lứa.

Rạng sáng ngày thứ tám, cuộc vui tạm dừng, nhường lại cho phần lễ. Đứng trước cửa nhà, hướng về phía cây nêu buộc trâu, đằng sau là gia chủ và gia đình, Pa – dâu hú lên một tiếng dài. Mời các thần linh, và tổ tiên ông bà chứng kiến việc thực hiện lời thề. Chủ nhà cầm trong tay một chiếc dao nhọn sắc và chiếc vòng mây giao hẹn, mà bấy lâu nay ông cất giấu kỹ lưỡng, lên tiếng khấn: “Hỡi thần linh của trời cao đất rộng, hỡi thần linh của núi cao sông dài, hỡi ông bà tổ tiên! Đây là chiếc vòng giao hẹn của con với thần linh, ông bà, nay con xin chặt đứt nó đi, cầu mong thần linh, ông bà sướng cái bụng, ưng cái tai vì cuộc đáp lễ tạ ơn này”. Sau lời khấn ông đặt chiếc vòng hẹn ước lên sừng trâu, dùng con dao nhọn chặt đứt và rồi đưa mũi dao đâm con trâu làm phép. Trai làng và mọi người chực sẵn quanh ông tiếp vào đâm trâu làm lễ.

Trâu ngã xuống, tất cả hú lên ba tiếng, nổi chiêng trống vang lừng. Con trâu được đem xẻ thịt dùng cho tiệc ăn uống. Đầu trâu được buộc vào gốc cây nêu. Thịt trâu luộc chín, cùng hai ché rượu cần ngon nhất được chủ nhà mang ra để mời thầy cúng, chủ làng, những người cao tuổi và khách quý. Ngoài thịt trâu, chủ nhà còn mổ heo, gà, rượu ngon đãi mọi người ăn uống no say, tận hưởng niềm vui đánh chiêng, múa hát suốt ngày đêm.

Đêm thứ chín, tiếp tục múa hát, đánh chiêng nhảy múa quanh đầu trâu. Trong ánh lửa bập bùng, mọi người chia ra từng nhóm quanh cây nêu, nơi buộc đầu con trâu, tổ chức ăn thịt trâu nướng, uống rượu cần, hát ra – nghế. Xa xa dưới các gốc cây, những đôi trai gái quen nhau từ đêm trước, giờ họ sẽ gặp nhau tỏ tình, rồi họ dắt tay nhau ra nhảy múa bên ánh lửa hồng, lúc nào thấm mệt lại trở vào uống rượu cần, ăn thịt trâu nướng. Niềm vui “Ka – chêu gâu Ka – pơ” lan tỏa thấm đẫm ra cả núi rừng.

Sáng ngày thứ mười, khách đằng xa ra về. Những người còn sót lại kéo nhau đi phát rẫy cho gia chủ. Trưa, chủ nhà lấy bả rượu, đất bùn đặt sẵn trước cửa nhà để những người phát rẫy trở về dùng nó ném vào những người ở nhà, người nhà ném lại và lùi dần vào trong. Những người phát rẫy “giành chiến thắng” xông vào nhà giằng lấy hũ rượu cần mời nhau uống, nói cười vui vẻ.

Ngày thứ mười một những người khách cuối cùng ra về, chủ nhà mang sừng trâu, xương sọ và hàm trâu treo lên xà nhà, lấy hủ rượu ngon ra mời Pa – dâu và những người giúp việc trong đại gia đình để tỏ lòng biết ơn.

Lễ hội Ká Ca Pơ kết thúc khi Pa – dâu (thầy cúng) ra về. Chủ nhà mang vó và đuôi trâu treo lên bếp để dành ăn trong những ngày trỉa lúa sau đó.

* * *

Qua tìm hiểu nhân dân trong vùng cho biết, cây nêu ba tầng tượng trưng cho đất trời không thể thiếu được, cùng với con chim chèo bẻo đang xòe cánh trên tầng cao của cây nêu, tượng trưng cho ý chí tự do và bất khuất, vừa tượng trưng cho vị cứu tinh luôn luôn che chở cho bản làng bình yên trong lễ hội ăn trâu, cũng là niềm khát khao của con người mong có sự bình yên, sức khỏe sống như con chim chèo bẻo tung cánh giữa trời cao.

Lễ hội ăn trâu thể hiện rõ sự cố kết cộng đồng rất cao, giáo dục mọi người trong cộng đồng tình đoàn kết, ý thức tương thân tương trợ giúp đỡ lẫn nhau hình thành và hoàn thiện tình làng nghĩa xóm cùng nhau có nghĩa vụ xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ núi rừng, bản làng, nương rẫy, biết yêu thương nòi giống dân tộc, biết căm giận kẻ thù xâm lược áp bức bóc lột. Lễ hội đồng thời cũng là nơi để trao đổi kinh nghiệm trong việc làm ăn kinh tế, lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

T.K.Q

Trương Kim Qui
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 108 tháng 09/2003

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

21 Giờ trước

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

21 Giờ trước

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

21 Giờ trước

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

21 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

21 Giờ trước

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/05

25° - 27°

Mưa

17/05

24° - 26°

Mưa

18/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground