Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 15/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lòng rừng

L.T.S:  Nhà thơ Hải Bằng đã vĩnh biệt chúng ta để về với thế giới vĩnh hằng. Hầu hết thơ của ông đã được xuất bản tuy vậy vẫn còn nhiều tác phẩm chưa kịp in, đặc biệt là mảng hồi ký. CV. xin giới thiệu với bạn đọc những kỷ niệm của ông ở chiến khu Ba Lòng.

B

a chị em chúng tôi ngồi trên cầu Hậu Hiền, chiếc cầu bắc qua sông thuộc vùng Thọ Xuân, Thanh Hóa. Anh Vũ Cao đọc cho chị Trúc Quỳnh và tôi nghe mấy câu thơ anh vừa nghĩ:

Một người chị

Một đứa em

Ba đứa đêm nay trên cầu sông lạnh

Ngồi tựa bên nhau ngó vì sao lấp lánh

Trên trời khuya và cả dưới sông dài

Tóc chị làm sao rủ xuống hai vai

Ta cúi đầu bên chị

Chị nắm bàn tay ta

Em thì hò lên buồn tưởng giữa tha ma

Ôi lưu lạc ba người nghe nước mắt

Đứa em hò và tiếng hò khoan nhặt...

Đọc ngang đó anh ngừng để nghỉ tiếp những câu sau. Chị Trúc Quỳnh im lặng, nét mặt đăm chiêu dưới ánh trăng đêm mười tám. Tôi cúi xuống sông vừa hát vu vơ vừa xem cá móng nước.

Một chốc anh Vũ Cao đọc tiếp:

À ơi... đêm nay có những ba người

Cầu sông ba đứa ta ngồi thương nhau

Tiếng em hát như tiếng đời khổ đau

Một vì sao bỗng lạc

Rơi xuống dòng sông sâu...

Đứa em hát

Như người lính đứng trên cầu Quan Ai

Nhớ quê hương mẹ héo với em hiền...

Đó là đêm chia tay giữa ba chị em chúng tôi. Anh Vũ Cao ra nhận công tác ở Tòa báo quân đội nhân dân ngoài chiến khu Việt Bắc. Chị Trúc Quỳnh vẫn ở lại đoàn văn công liên khu bốn. Tôi vừa có lệnh đến nhận công tác tại đoàn văn nghệ do ông Bửu Tiến và anh Đình Quang phụ trách. Đoàn chúng tôi chuẩn bị ngày lên đường vào Bình Trị Thiên khói lửa đầu mùa hạ 1949.

Sự nhớ nhung của tôi như ngọn đèn báo hiệu, khi tắt khi đỏ. Ngày vỡ mặt trận Huế tôi ra Liên khu 4, tôi nhớ Thừa Thiên, nhớ Quảng Trị - nhớ Khe Sanh, Lao Bảo... Rồi lại tiếp ngày nhớ Thanh Hóa - nơi tôi đã trải một phần tuổi trẻ lên những con đường đất mịn vào các ngã xóm làng. Nơi đó đã gặp biết bao tình mẹ tình em... Đến mùa quả nhót chín mà nghe chua chua từng giọng nói, tiếng cười rồi cái lưỡi được ngọt lịm khi không còn ăn quả nữa. Quên sao được “Chè lam Phủ Quảng - kẹo cứng như đá, khi đã nhai được rồi mới biết ngon”.

Tôi quên sao được giờ phút rời khỏi tòa báo Chiến sĩ, chia tay các anh Hữu Loan, Vũ Cao, Hà Khang, Vũ Tú Nam, Vương Như Chiêm... thuộc phòng chính trị Liên khu 4. Sống nơi đó tôi đã chịu ảnh hưởng nhiều về văn học khi tôi còn bước những bước chập chững vào đời.

Mang ba lô đi dưới nắng mùa hạ, tôi theo đoàn bước tới mà mọi suy nghĩ vẫn rải hạt đằng sau...

Hành quân gấp rút - hơn mười ngày rồi đoàn chúng tôi đã qua khỏi ba vùng Thanh Nghệ Tĩnh. Khi tôi đặt chân phải lên mặt đất Quảng Bình, lòng bỗng nghe vui - Khi chân trái vừa nhấc lên để rời miếng đất Hà Tĩnh thì nỗi nhớ lại nao nao lòng.

Một đêm trú quân tại vùng An Gia, An Hướng thuộc Do Linh - Chúng tôi ngồi quanh bếp vừa nướng sắn vừa nghe bà mẹ kể chuyện ngày nào giặc Pháp vào làng bắt anh dân quân chặt đầu, cắm cọc bêu giữa chợ. Chúng tôi ngậm ngùi xúc động, lắng nghe, trong lời mẹ đã thấm nhiều nước mắt. Đêm ấy chúng tôi rất khó ngủ - thỉnh thoảng nghe tiếng cú kêu tận cuối vùng. Sáng hôm sau trung đội bảo vệ lại tiếp đưa đoàn chúng tôi lên đường để vào chiến khu.

Khi đoàn hồi hộp băng qua đường 9 thì tôi rất bình tĩnh. Tôi nhìn thẳng lên phía trời lặn - Khe Sanh, Lao Bảo và các bản Lào. Con đường lại gợi cho tôi nhiều kỷ niệm của thời gian sau ngày khởi nghĩa. Ngày 3 – 11 - 1945 tôi đã theo phân đội 36 lên mặt trận Lào. Chiều chiều bên dòng suối Na-mặc-mi chúng tôi đồng hát:

Còn đâu trên chiến khu trong rừng chiều

Bên đèo tiếng suối reo ngàn thông reo...

Nhìn về miền xuôi - Cam Lộ, Đông Hà

Tôi nhớ hình ảnh thời niên thiếu cuồn cuộn trôi qua như nước lũ không hề dừng lại.

Qua khỏi vùng Cùa chúng tôi bẻ cành tươi dắt thêm lá ngụy trang lên mũ lên ba lô để chuẩn bị tinh thần vuợt dốc Làng Hạ.

Nhìn những con sên ngóc đầu dậy để bắn vào chân, nhìn những tảng đá gồ ghề, lởm chởm trên lối đi, chân chúng tôi vẫn chai lỳ dấn bước. Với tư thế gùi ba lô và sức mạnh của đôi chân, tôi tự ví mình là người Thượng đang bước những bước nhẹ nhàng trên đỉnh núi cao. Điều căn bản nhất là mình tự động viên mình vượt qua mọi khó khăn để đi đến đích của nó là thời gian tiếp nhận chí bền.

Bắt đầu đổ xuống dốc, bỗng một vòm trời hiện ra giữa khoảng rừng mở cửa. Trông xa thấy dãi sông mờ lấp lánh ánh nắng chiều - Đồng chí cảnh gới cho chúng tôi biết - sắp đến Ba Lòng rồi!

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt giữa lòng rừng vào cuối chiều - Chiến khu cũng xế dần ánh sáng để đội bóng hoàng hôn...

Quá nửa đêm, chân tay vẫn còn mệt mỏi, tôi không nằm yên được. Nhẫm lại hôm chia tay chị Trúc Quỳnh và Vũ Cao, mới đó mà hơn nửa tháng rồi! Cầu Hậu Hiền đã chứng minh hình ảnh ba chị em chúng tôi ngày ấy lại hiện lên giữa chiến khu Ba Lòng trên chiếc cầu vọng nhớ! Nghe tiếng chim Từ Quy kêu như điểm lời nhắn nhủ với tôi từ buổi sáng ra đi để dội lên tiếng hẹn ngày trở lại. Chim Từ Quy kêu như tiếng đồng hồ gõ trong đêm khuya báo về tiếng gọi tên nhau từ chốn xa vời đến rừng u tịch. Tôi bắt đầu tiếp nhận tiếng kêu của chim để trút mọi tâm tư trong những canh dài gieo nỗi nhớ về những câu thơ của anh Vũ Cao:

- Đứa em hát

Như người lính đứng trên cầu Quan Ai

Nhớ quê hương...

***

Chiến khu Ba Lòng - Giữa lòng rừng có con sông tiếp nguồn chảy về Thạch Hãn. Hai bờ sông là hai bãi bồi rộng. Mùa tiếp mùa, khoai, sắn, bắp, bí ngô mọc lên bạt ngàn tươi tốt. Dọc hai bãi bờ là hai dãi núi trùng điệp. Chiến khu đã nhen ngọn lửa cho lòng người cùng đọ sức với khói lửa đạn bom.

Từ Bến Trấm lên Ba Lòng, đò cập bến đêm đêm bên bờ Đuồi Mệ. Nơi đây ban ngày hoang vắng, màu nước xanh trong hiện bóng trời rất rõ. Những đám mây trắng bay qua như dáng hình tiên nữ trở về phía Đào Nguyên tận đỉnh rừng phía trời lặn. Khi rừng đổ bóng chiều để chuyển xuống hoàng hôn, bến đò lại rộn tiếng người, tiếng lật ván đò tát nước. Tiếng hỏi thăm nhau dưới đồng bằng có gì lạ. Tiếng chân bước lên bờ lẫn tiếng chân xuống đò để xuôi về Trấm. Đêm nào cũng vậy - bến rộn ràng một chốc rồi trở lại yên tỉnh. Ngàn bông lau lại xỏa bóng xuống bầu trời để gội tóc dưới bờ sông trăng.

Tân Trà bát ngát từng rẫy sắn nương khoai trải dọc viền rừng một màu xanh no ấm. Những sớm tinh mơ, tiếng gà rừng gáy khi lá cành sương tan dần để nhường cho tia nắng vào ngày dọi đến -  Tiếng người gọi nhau vọng từng nương rẫy.

Đá Nổi như một thị trấn nhỏ giữa lòng rừng. Nơi đây tụ họp tình làng - người tạm xa quê hương Triệu Phong, Hải Lăng để lên rừng theo tình nghĩa thủy chung với tiếng gọi trường kỳ... Những khúc lồ ô, những đoạn cây ghép thành bàn ghế. Những sạp giường đỡ lưng nhau qua tháng năm chờ đợi...Mái nhà lợp bằng tranh, mây, lau lách vẫn vững vàng qua nắng mưa gió bão. Những hòn than trong bếp vẫn  nồng hơi ấm lạnh khi tiết đông về. Nơi đây đã thành trạm dừng chân của bao người chống gậy vượt rừng vào Nam ra Bắc...

Hà Vũng, Khe Chanh đêm đêm bừng bừng tiếng nói tiếng cười của bộ đội. Quên sao được - một chiều thu hoạch sắn khoai của đội phòng chính trị phân khu - khi đào khoai lên chỉ được một rổ, đồng chí phụ trách đội phòng đề nghị: - Rổ khoai này ta nhường cho Bộ Tư lệnh các đồng chí đồng ý không? Tất cả đều vui vẻ vỗ tay...

Đêm nằm thao thức nhớ đồng bằng, nhớ quê hương. Nỗi nhớ hòa theo tiếng suối chảy không ngừng. Âm thanh đã quyện thành lời chung thủy với lòng rừng trong lứa tuổi hai mươi.

Làng Ngang - Nghe tiếng cú rúc khi trời chạng vạng, tiếng cọp kêu nghe rùng rợn trong những bờ lau. Tiếng vượn hú bình minh bên sườn núi. Con đường mòn vẫn in đầy dấu chân người hôm sớm lên tận bản Lào mãi mãi tiếp nối cuộc giao lưu với tình bạn.

Hướng đông, nhìn qua bên sông Hà Giữa mùa hạ về lại nghe tiếng ve reng từng khóm lá. Tiếng tu hú, tiếng quạ kêu dậy rừng khi mùa bắp sắp thu hoạch. Bãi bí ngô, quả nằm ngỗn ngang dưới nắng rừng để ruột gan đều đỏ mọng. Sức lao động của người đã làm cho thiên nhiên có thêm nhiều màu sắc qua bốn mùa đất đai sinh nở.

 Làng Hạ - xóm nhà mang nhiều hình ảnh thôn làng dưới ấy. Ngày ngày đàn em nhỏ cắp sách đến trường. Lớp học lành lẹ hai mái tranh che. Những khóm chuối tiêu xanh biếc mọc quanh nhà. Buồng trổ đẹp, những nải chuối như bàn tay ngửa ra thò vào cửa lớp học như xin chữ của thầy... Tiếng lợn kêu đòi ăn. Tiếng gà cục cục dắt con về mổ bắp trên sân. Tiếng chó sủa những đêm trăng rừng sáng quắc. Đến đây có khi quên cả nỗi nhớ đồng bằng...

Đá Nầm cách Làng Hạ chỉ một đoạn mà chiều chiều mãi nghe tiếng con mang kêu dội núi. Đêm lợn rừng ra ủi đất đào sắn. Sáng khua tiếng mỏ, tiếng phèng la đánh chuyền từ những chòi canh để bảo vệ rẫy nương.

Tất cả những địa danh họp lại thành tên Ba Lòng - nơi chiến khu của lòng rừng. Thiên nhiên biết cảm phục con người và con người cũng lấy thiên nhiên làm điểm tựa cho mọi niềm vui khi nhận tin thắng trận dập dồn trên các chiến trường lớn Trung -  Nam - Bắc và Bình - Trị- Thiên hôm sớm có nhau... Dải đất hẹp hình eo trên bản đồ đất nước  - Bình - Trị - Thiên nhỏ hẹp mãi chung lưng đấu cật đi vào cuộc chiến đấu đã thấy rõ sức oanh liệt của chí bền.

Ba Lòng - khi mặt trời mọc lên màu xanh chiến khu lấp lánh theo gợn sóng dòng sông trong vắt đã qua khỏi màn đêm đắm chìm trong sương giá. Ngọn lửa lại nhóm lên trong mọi túp lều tản cư. Khói biếc bay cao, quấn tròn quanh tiếng vượn hú chào ngày. Hơi ấm người hòa vào nắng sớm mãi dấy lên sức sống không ngừng, tôi luyện tinh thần cho lá xanh cây...

Ba Lòng - khi rừng khép cửa vào đêm, tiếng suối vẫn rúc hoàng hôn trong thung lũng. Những đêm trăng, ánh sáng đan bóng lá lên bàn tay, lên những gương mặt người chiến sĩ rồi tỏa rộng theo tiếng hát dội rừng. Những đêm không trăng, ánh lửa lại soi vào mắt nhau như xoi mói những khuôn mặt nhớ nhà. Trong mỗi con mắt đều có cái chấm rừng sâu thẳm xuyên tận đáy trời mãi đợi nhau vò võ.

Từ que củi, tiềng nổ lách tách trong bếp lóc lên như lời hẹn của hòn than đỏ chới trong lồng ấp quê nhà đang hong ấm bàn tay bà ngoại qua những đêm đông dưỡng tình thương cháu...

Chẳng có cuốn lịch nào treo giữa rừng - để tháng ngày mãi kéo nhau trôi không hề báo hiệu.

 

H.B

Hải Bằng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 109 tháng 10/2003

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15 Giờ trước

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

15 Giờ trước

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

15 Giờ trước

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

15 Giờ trước

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

15 Giờ trước

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

16/05

25° - 27°

Mưa

17/05

24° - 26°

Mưa

18/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground