Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký của một liệt sĩ để lại

T

rong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có hàng triệu thanh niên ra trận đã hòa máu xương mình trong lòng đất quê hương để cho chiến thắng cuối cùng của dân tộc. Không nhiều người trong số họ may mắn có những kỷ vật để lại được chuyển về cho gia đình, người thân. Liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn, quê phường Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình là một trong những người có may mắn đó.

Tìm đến gia đình ông Nguyễn Kỳ Ngộ, năm nay 76 tuổi và vợ là bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, 75 tuổi, tại tiểu khu 6, phường Nam Lý, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Sau khi rót nước mời khách, ông Ngộ lên bàn thờ lấy xuống đưa cho tôi một cuốn sổ (cỡ 15-20cm), có sơ mi bằng ni lông cứng trong suốt, hai bìa trong đã úa vàng. Giấy viết trong cuốn sổ là giấy Đào Lâm, cũng trong tình trạng như thế. Ông bà Ngộ - Thanh cho tôi biết đó là cuốn nhật ký của con trai mình, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn được Ban chính sách Tỉnh đội Quảng Bình chuyển đến cùng mấy chiếc áo cũ sau ngày báo tử hồi tháng 5/1973 tại mặt trận phía đông, trong chiến dịch 81 ngày đêm trên Thành cổ Quảng Trị.

Nguyễn Kỳ Sơn là học sinh khóa 2, trường cấp 3, nay là trường PTTH Đồng Hới, Quảng Bình. Tại hồ sơ lưu trữ của Sở GDĐT Quảng Bình ghi rõ, anh tốt nghiệp PTTH khóa 1967-1968 thuộc loại giỏi (Văn 5, Toán 5, Lý 4 - Hệ điểm 5 bậc). Vì lý do đặc biệt, anh phải ở nhà một năm. Khóa học năm 1969/1970, anh thi đỗ vào trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, phân khoa thủy công. Kỹ sư thủy lợi đương chức Diêu Thanh Bằng, bạn học trên một lớp với Nguyễn Kỳ Sơn, hiện đang trú tại nhà số  40 đường Thái Nguyên, thành phố Nha Trangh cho tôi biết, sau năm học đại học thứ nhất, Nguyễn Kỳ Sơn là một trong những sinh viên được xếp loại ưu, vì tất cả các môn thi chủ công của anh đều đạt điểm tối đa. Anh được diện xếp đi học nước ngoài. Nhưng chiến trường miền Nam vẫy gọi và anh đã tình nguyện đi khám tuyển và sau đó vinh dự cùng nhiều bạn bè "Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu". Chỉ huy đơn vị cử anh đi học lớp quản lý cấp tốc để về đảm nhiệm công tác hậu cần của đơn vị, nhưng anh chối từ. Anh xin sung vào lực lượng chiến đấu. Ở đó, anh có thể cầm súng trực tiếp tiêu diệt kẻ thù.

Qua cuốn nhật ký, tôi thấy được cụ thể hơn, phong phú hơn phong độ anh hùng của một anh hùng chưa thành danh mà mọi lời lẻ khó có thể diễn đạt hết.

Nhật ký của hạ sĩ, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn với nét chữ đều đặn rắn rỏi, chân phương được viết bằng mực Cửu Long, một loại mực của nhà máy văn phòng phẩm Hồng Hà - Hà Nội thuở trước từ ngày nhập quân (14/9/1971) đến ngày 19/8/1972, trước ngày hy sinh một tuần, theo giấy báo tử (25/8/1972). Vậy là tôi hình dung, trong ba lô nặng của người lính ra trận, qua bao đường dài, dốc cao, rừng thẳm, Nguyễn Kỳ Sơn còn mang theo một lọ mực Cửu Long, một cây bút Trường Sơn hay Hồng Hà gì đó để những dòng nhật ký của mình có thể tuôn chảy lưu lại cho hậu thế hàng trăm năm sau. Cái chất anh hùng và nghệ sĩ của một liệt sĩ đã ngời lên từ chi tiết ban đầu này.

Nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn được viết bằng văn xuôi mà theo tôi hay hơn cả thơ ở bốn trang cuối cùng, lúc đang ở trong hầm tại mặt trận đang sục sôi phía đông Thành cổ Quảng Trị, còn toàn bộ là hơn ba mươi bài thơ đủ thể loại. Có trang được viết bằng tiếng Nga. Bài thơ nào, trang viết nào anh cũng đề rõ viết ở đâu, ngày tháng năm viết, viết cho ai, nhờ thế mà người đọc có thể hình dung được bước chân hành quân của anh, sự trưởng thành trong ý thức, tình cảm của anh, cả những phút trước lúc xông trận, hy sinh. Toàn bộ cuốn nhật ký đã toát lên cả một niềm say mê lý tưởng lớn, tình yêu cuộc sống, yêu Tổ quốc, vượt lên mọi gian khổ, lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc, sẵn sàng hy sinh thân mình với cương vị là một chiến sĩ quân đội nhân dân nơi chiến trận.

Nhật ký là tâm sự của mình, cho mình. Cái quý giá của tập nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn là trong  toàn bộ các trang viết không có lấy một câu, một chữ nào nói lên mặt tối của tâm hồn. Trái lại, nhật ký của anh là những ánh sáng phát ra từ một tình cảm, trí tuệ, đạo đức mới của tuổi trẻ giàu lý tưởng.

Anh viết cho người yêu: "Trước mắt anh, đường hành quân gian khổ. Hình bóng em sẽ mang mãi trong tim" (Bài "Nhớ em"). Trên đường vào Nam, gặp các em nhỏ tung tăng đến trường, anh viết "Hành quân" trong đó có câu: "Chào tuổi nhỏ! Anh ra đi cho các em đó mai sau". Anh làm thơ tỏ lòng biết ơn một gia đình nọ cho nghỉ chân và nấu cháo đỗ  cho anh ăn ngày anh ốm... Ông Nguyễn Kỳ Ngộ nói với tôi, trên đường hành quân vào Nam, rất nhớ nhà, nhưng Nguyễn Kỳ Sơn lúc này là tiểu đội trưởng, không thể bỏ đội ngũ chạy về thăm bố mẹ, các em dù chỉ dăm ba phút, khi đoàn quân hành quân qua cách đó không xa. May gặp một người quen đi ngược chiều, anh xé vội một trang sổ tay, viết vội mấy chữ gửi về báo tin và xin lỗi bố mẹ. Rồi sau đó anh viết trong nhật ký bài "Lá thư gửi ba mẹ" và khẳng định:

Lấy xương máu đi đòi xương máu

Miền Nam mình đau đáu mấy chục năm

và:

Mặc thân sống chết sá gì

Là người chiến sĩ quyết vì nhân dân

Tôn thờ hai chữ hy sinh

Đến ngày đất nước tươi xinh, con về

Ngày mai sáng rực trời quê

Ba mẹ tin ở ngày về của con.

Lúc này anh chưa phải là đảng viên, nhưng anh viết "Với Đảng":

Trải bao gian khổ, lòng không nản

Chỉ một hướng cờ Đảng tiến lên

Trong bài "Tuổi 18", viết tại miền tây Quảng Trị, đề ngày 30/6/1972 Nguyễn Kỳ Sơn đã viết:

Miền Bắc lên đường khi miền Nam gọi

Ta lên đường tìm ánh tương lai…

 

Mười tám tuổi chỉ biết xông lên

Đời chiến đấu chỉ hướng nhìn trước mặt

Hát quân hành vang dội Trường Sơn.

Theo nhật ký thì đầu tháng 8/1972, liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn đã có mặt tại chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Đây là những ngày ác liệt nhất. Bọn Mỹ ngụy chết cũng nhiều mà phía ta hy sinh không phải là ít. Đài BBC lúc đó đưa tin, hình tượng hóa chiến trường này là "Cái chảo lửa". Thế mà biết bao người lính có mặt nơi đây vẫn thản nhiên, tự tại, tâm hồn thư thái, trẻ trung biết bao nhiêu:

"13/8/1972: Bây giờ là bảy giờ tối. Thế mà không dứt tiếng máy bay Mỹ, tiếng đại bác đì đùng.

... Tiểu đội tôi bốn người, đã đào xong ba hầm vòm. Bây giờ chỉ còn một mình tôi với một ngọn đèn. Gió nhẹ đưa đẩy những bản hợp xướng của hàng trăm chú muỗi... và việc của tôi lại bắt đầu...

Những khi thế này, việc lý thú nhất vẫn là việc bắt muỗi bằng ngọn đèn làm bằng hộp cô-ca-cô-la Mỹ. Những chú muỗi gầy có, béo có, nhỏ có, to có lần lượt lao vào ngọn đèn đầy muội đen. A! một OV 10 này. A! Một L9 này! Còn con này là B52. Con này bay nhanh quá nhỉ, cho nó là F4 vậy. Cứ thế, mỗi con là một tên, tương xứng với không lực Hoa Kỳ, lần lượt lao qua ngọn đèn của tôi. Con gãy cánh, con đứt đuôi, thế mà không hết được tiếng vo ve, đúng là quân tham, cho mày chết! Ngọn đèn của tôi cũng có vẻ tự giác với cái nhiệm vụ vinh quang của mình mà cần mẫn, vui vẻ mặc cho gió và nóng. Còn tôi thì bao giờ cũng lấy cái này làm trò chơi giải trí và học tập".

Tôi đến sửng sờ, đọc đi, đọc lại trang nhật ký Kỳ Sơn viết tiếp hai ngày sau đó. Đây là tâm hồn một nhà thơ hay là người đi du lịch? Giữa trận tiền ngút ngàn bom đạn và cái chết thế mà người lính này cảm xúc dâng trào trước vẻ đẹp của thiên nhiên:

"15/8/1972: Dứt tiếng máy bay. Bầu trời hầu như đầy gió vút cao. Cả bốn phương lồng lộng cái gió của tháng tám, cái rực vàng của những tia nắng đầu những ngày mưa. Cây lá hình như được xanh hơn, thắm hơn vì được tắm một trận mưa đêm qua sau bao ngày hạn, hay vì muốn được khoe mình, muốn tranh thủ lớn lên một tý trong các giây phút thanh bình ngắn ngủi này. Không gian rộng rải, cao vút của ta. Cả một màu xanh lan tràn, trùm lên tất cả. Bầu trời ở đây có khác gì bầu trời ở quê ta. Bầu trời miền Bắc thanh bình có chim, có bướm mà dưới khoảng màu xanh ấy là có ta, có tuổi trẻ, có ước mơ của ta. Cao lên cao, càng ngắm hình như bầu trời càng cao thêm nữa. Xa xa, một đàn chim giỡn bay. Trời của ta, trời của tự do, không bom đạn, không chết chóc. Chỉ có ta, có đàn chim, có gió mát, có nắng vàng và trùm lên tất cả là màu xanh hòa bình.

Ta yêu hòa bình, yêu màu xanh. Cho ta sống mãi với màu xanh này, màu xanh tương lai, màu xanh mà ta phải tranh đấu. Trong bom đạn tưởng chừng như không bao giờ dứt, một phút như thế này có ý nghĩa biết bao nhiêu. Ta càng quý cuộc sống đến bao nhiêu".

Trang nhật ký đến đây thì có một dấu nhân, với lời chú dưới trang"Đang viết thì bị B52". Sau đó, cùng trang, anh viết tiếp:

"Gió, nắng, bầu trời cũng như được giãn ra, rộng thêm lên. Bầu trời của ta, màu xanh của ta. Cho ta sống mãi trong giây phút hạnh phúc này".

Có lẽ linh cảm được sự hy sinh của mình trong trận đánh sắp tới nên trang nhật ký cuối cùng của anh thấm đậm lòng yêu lý tưởng cao quý nhất của thời đại. Tôi cho rằng, đây là khúc ca anh hùng của một người anh hùng:

"19/8/1972: Ngày mai tôi giáp trận. Ác liệt, đấy là một điều tất nhiêu của chiến trận. Rất có thể rồi đây tôi sẽ ngã xuống. Không can gì, đấu tranh là phải đổ máu. Có máu mới có màu đỏ, có chiến thắng. Không  sợ chết, không sợ hy sinh, gian khổ. Cái chủ yếu là phải sống. Cuộc sống đẹp nhất là sống trong chiến trận. Cuộc đời đẹp nhất là cuộc đời được tôi rèn.

Hãy nghĩ như Pa Ven Coóc Sa Ghin "Cái quý nhất của người ta là đời sống. Cuộc đời chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa vì những dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng, tất cả đời ta, tất cả sức ta đã cống hiến cho sự nghiệp cao đẹp: Sự nghiệp giải phóng loài người".

Hãy nói như Lê Mã Lương: "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận chiến với quân thù"

Sau những dòng ghi địa chỉ của bố, mẹ dì, nhờ bạn bè tin hộ, nếu có ngã xuống, anh viết tiếp:

"Là những người kháng chiến cũ, bố mẹ, dì tôi sẽ không lấy đó làm điều đau khổ đâu. Nếu sự thật xảy ra, mong các bạn bảo mẹ tôi rằng, cho các em Kỳ Châu, Kỳ Tâm, Kỳ Nhân tiếp tục đi trả thù cho tôi.

Cảm ơn các bạn."

* * *

Gấp lại cuốn nhật ký, tôi cứ bần thần. Một sự hẫng hụt trong cảm xúc bởi hết rồi những dòng chữ của người lính chan chứa yêu đời, yêu cuộc sống đang can trường giữa trận tiền lửa khói. Giá như, Nguyễn Kỳ Sơn không ngã xuống thì nhật ký của anh sẽ không phải của riêng anh. Nó sẽ là pho tư liệu lịch sử quý giá về chiến trường Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm rực lửa. Nhưng dù sao, chỉ chừng ấy trang để lại, nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn cũng đã giúp mọi người hiểu về một thế hệ con người Việt Nam trong đánh Mỹ mà "Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn" (Chế Lan Viên).

Sau ngày đất nước im tiếng súng giặc, vợ chồng ông Kỳ Ngộ, và bà Ngọc Thanh đã nhiều lần vào Quảng Trị, đến tất cả các nghĩa trang liệt sĩ để tìm mộ phần con trai mình, nhưng không thấy. Gặp Ban Chỉ huy tỉnh đội Quảng Trị, dò danh sách, ông bà được biết con trai mình ngã xuống trong đêm 25/8/1972, thuộc chiến trận xã triệu Thành, huyện Triệu Phong. Đến xã Triệu Thành, Bí thư Đảng ủy trước là xã đội trưởng, có tham gia trận đánh cho biết, trận chiến đêm 25/8/1972 diễn ra tại đây vô cùng ác liệt. Hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 325 và 320 của ta đã đánh giáp lá cà với cả một sư đoàn lính dù ngụy. Phía ta hy sinh 67 chiến sĩ, trong đó có nhiều trường hợp không lấy được tử thi.

Tốn rất nhiều công sức, đi qua cả các xã Triệu Long, Triệu Đông, Triệu Trạch, Triệu Độ, Triệu Thành, Bích La... của huyện Triệu Phong, nhưng ông bà Kỳ Ngộ  và Ngọc Thanh vẫn không tìm thấy nơi an nghỉ của con trai mình. Thương con, gia đình liệt sĩ Nguyễn Kỳ Sơn đành nhờ đến các nhà ngoại cảm Hà Nội, Hải Dương, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh... nghe đâu có thầy giỏi, ông Ngộ, bà Thanh đều đến cả. Nhưng rồi cũng chẳng có hiệu quả gì. Nỗi khắc khoải hơn ba mươi năm đi tìm con của ông bà có thể giảm bớt phần nào, nếu trong chúng ta, ai là người biết được phần mộ của Nguyễn Kỳ Sơn và tìm cách nhắn tin lại. Bà Ngọc Thanh lau nước mắt khi tiễn chúng tôi ra tận cổng: "Năm 1952, tôi mang thai nó tại thị xã Quảng Trị, lúc đó, tôi đang làm cán bộ phụ nữ hội. Năm 1972, đất Quảng Trị lại ôm đón nó. Quảng Trị là quê hương thứ hai của con tôi, của tất cả gia đình tôi.

H.N.D

Hồ Ngọc Diệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 120 tháng 09/2004

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

15/05/2024 lúc 00:24

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

15/05/2024 lúc 00:19

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

15/05/2024 lúc 00:16

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

15/05/2024 lúc 00:12

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/05

25° - 27°

Mưa

18/05

24° - 26°

Mưa

19/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground