Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phụ nữ tỉnh Quảng Trị những ngày đầu kháng chiến

S

au cách mạng Tháng Tám thắng lợi, chị Hoàng Thị Ái được Đại hội phụ nữ tỉnh bầu chính thức là Bí thư Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh. Chị Diệu Muội là phó bí thư. Tháng Giêng năm 1946, chị Ái làm Bí thư Xứ ủy Phụ nữ Trung Kỳ, Chị Diệu Muội thay chị Ái làm Bí thư. Khi chị Diệu Muội vào Huế, Tỉnh ủy chỉ định tôi là Thường vụ lên thay chị Muội làm Bí thư Phụ nữ và Bí thư Đảng đoàn Phụ nữ tỉnh. Chị Muội bàn giao toàn bộ công việc cho tôi trong cuộc họp thường vụ, có cô Bảo và chị Đức cùng dự. Thời gian này công tác quá bận rộn, tôi vừa là Hiệu trưởng trường Phụ nữ vừa là Bí thư Phụ nữ tỉnh, lại được Chi bộ thị xã Quảng Trị bầu làm Bí thư Đảng ở thị xã Quảng Trị. Anh Khang, giám đốc Sở Địa chính là phó bí thư, anh Ngô, giám đốc Sở Điện nước làm ủy viên. Lần này thật là rối bời vì chiến tranh sắp tràn ra cả tỉnh Quảng Trị. Tháng 11 - 1946, chúng tôi: anh Khang, anh Thanh Chủ tịch thị xã họp với nhau bàn việc chuẩn bị chiến tranh; tuyên truyền vận động nhân dân thị xã thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, đặc biệt là vận động trong phụ nữ để họ đồng tình phá hủy nhà cửa kiên cố của mình trước khi đi sơ tán. Phong trào thị xã sôi nổi chuẩn bị kháng chiến với khẩu hiệu: “Hy sinh tất cả cho kháng chiến thắng lợi”. Tất cả lầu cao, nhà rộng, lâu đài vững chắc đều bị đập phá. Trường học được sơ tán về nông thôn, phần lớn nhân dân thị xã cũng được sơ tán.

Riêng về công tác Phụ nữ tỉnh, thì trước mắt là phải sắp xếp lại cán bộ tăng cường cho các vùng xung yếu như huyện Cam Lộ sát đường số 9, huyện Hải Lăng sát thành phố Huế đang bị chiến tranh, huyện Triệu Phong (khả năng địch đổ bộ vào cảng Cửa Việt)… Một việc nữa là phải tăng cường củng cố Ban Úy lạo binh sĩ mặt trận, phát động phong trào ủng hộ về vật chất và tinh thần, tổ chức bắt giun, sấy khô làm thuốc chống sốt rét và tổ chức nấu bánh làm lương khô cho bộ đội; tổ chức các đội cứu thương tải thương và mở lớp huấn luyện cấp tốc về nghiệp vụ này để kịp phục vụ cho bệnh viện, thương binh ở thị xã. Đồng thời kết hợp với các đồng chí Tỉnh đội dân quân (anh Hồ Tỵ, Tỉnh đội trưởng, anh Lê Thế Diển là Tỉnh đội phó) cùng Phụ nữ tỉnh vận động nữ thanh niên vào dân quân để tham gia các lực lượng trên cho nhanh chóng và cùng tương trợ nhau trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bảo vệ quê hương làng mạc.

Công tác lúc này thật là bộn bề sôi nổi, ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tất cả mọi công việc trở nên rất khẩn trương, tôi đã cấp tốc triệu tập một cuộc hội nghị bất thường của Thường vụ Phụ nữ tỉnh cùng các Ban thường vụ các huyện về họp tại thôn An Tiêm để phổ biến nghị quyết của Tỉnh ủy về kế hoạch trực tiếp kháng chiến và phục vụ kháng chiến. Phát động phong trào “hy sinh tất cả cho kháng chiến thắng lợi” trong Hội phụ nữ, theo nội dung chỉ đạo của Tỉnh ủy. Hồi này tất cả cơ quan của tỉnh đều đã sơ tán ra khỏi thị xã.

Chúng tôi đã bàn và quyết định triển khai mười việc sau đây:

1. Tổ chức úy lạo các chiến sỹ mặt trận đường 9 như Lao Bảo, Mường Phìn, Đồng Hến v.v…

2. Xúc tiến việc tổ chức các đội cứu thương, tải thương phục vụ thương binh…

3. Tổ chức và phát triển nhanh hội “Bà mẹ chiến sỹ” để có thêm lực lượng giúp đỡ thương binh.

4. Vận động các gia đình nhân dân thực hiện triệt để tiêu thổ kháng chiến để không còn nơi cho địch đóng quân để tấn công ta.

5. Phối hợp với Đoàn Thanh niên và Mặt trận Việt Minh tổ chức các điểm nấu bánh gửi tiếp tế cho bộ đội.

6. Tổ chức các điểm chế biến giun làm thuốc chống sốt rét cho bộ đội ở tiền tuyến.

7. Tổ chức và vận động các đội thiếu nhi đi bắt giun về các điểm trên và tuyên truyền phong trào “ba không” trong thiếu niên nhi đồng.

8. Tổ chức sơ tán tài liệu ở cơ quan tỉnh và các cơ quan cấp huyện.

9. Phân công hợp lý một số cán bộ cấp tỉnh về huyện, cấp huyện về xã, đơn giản hợp lý hóa tổ chức gọn nhẹ nhằm trực tiếp bám dân để lãnh đạo phong trào.

10. Chuẩn bị tư tưởng cho các chị em trong Ban Chấp hành Phụ nữ tỉnh và huyện đồng tình về bám cơ sở.

Cuộc họp chỉ diễn ra trong một ngày với bao nhiêu là công việc, tất cả chị em đều lo lắng, nhanh chóng về để triển khai.

Riêng đối với công việc của thị xã Quảng Trị, tôi cùng anh Khang (Phó bí thư), anh Thanh (Chủ tịch xã) đã họp bàn với nhau tổ chức lại lực lượng dân quân đảm bảo an ninh thị xã, chuẩn bị cho anh Thanh - Chủ tịch thị xã lãnh đạo việc sơ tán nhân dân, một bộ phận lớn ra phía Thủy Ba (huyện Vĩnh Linh). Các đảng viên trong chi bộ, quê ở huyện nào sẽ sơ tán về huyện đấy và hoạt động ở huyện đấy. Anh Khang Phó bí thư là giám đốc sở Địa chính, anh Ngô, ủy viên là giám đốc Nhà máy nước thì đi sơ tán theo ngành của mình, còn tôi là Bí thư thì đi theo cơ quan Phụ nữ. Từ đấy Ban Chấp hành Thị ủy không còn nữa. Cơ quan Phụ nữ tỉnh dời về thôn An Tiêm ở nhà anh Đặng Lan, chỉ có tôi, chị Đức và chị Bảo. Cuối tháng Giêng năm 1947, cơ quan Tỉnh ủy cũng chuyển về xã Nại Cửu (bên cạnh thôn An Tiêm). Thời gian này An Tiêm và Nại Cửu nhộn nhịp như ngày hội. Nhiều bà mẹ chiến sỹ, nữ thanh niên, thiếu niên trong các xã và huyện Triệu Phong có dịp trổ tài và phát huy hết tinh thần tích cực. Các mẹ thì tổ chức nhiều điểm nấu “bánh tổ”(1). Cả hai thôn có sáu lò nấu bánh và bốn điểm chế biến giun thành thuốc. Việc này do các hội viên phụ nữ, thiếu niên, hội thanh niên cùng làm gửi cho bộ đội uống chống sốt rét. Đặc biệt ở An Tiêm, huyện Triệu Phong không khí nhộn nhịp, người đi lại như có xí nghiệp đang sản xuất ra các loại sản phẩm đặc biệt, trên cơ sở tiền bạc do các Hội Úy lạo binh sĩ, thanh niên, nông dân… quyên góp gửi về và thiếu niên trong toàn huyện đi bắt giun đưa đến… Nhớ lại những ngày này, tôi vô cùng xúc động, trước hình ảnh các hội viên Hội Mẹ chiến sĩ như mẹ Khoán (mẹ cô Bảo, thường vụ Phụ nữ) mẹ Đội (Mẹ anh Đồng, Bí thư Thanh niên huyện) cặm cụi lau từng chiếc lá, và vo những rá nếp… các em thiếu niên mang từng giỏ giun đến nộp… mà nước mắt rơi lã chã - các bà mẹ nay đã quy tiên hết. Còn thiếu niên đã thành ông lão trên 70, chắc nhiều người còn nhớ… Thật là những cảm xúc vừa nhớ nhung vừa vui sướng tự hào, tiếc nuối một thời oanh liệt của dân mình mà khó có ngòi bút nào tả hết!

Sau khi địch chiếm hoàn toàn thị xã Quảng Trị, chúng tôi lại khẩn trương họp Ban Chấp hành và một số đại diện các huyện. Đây là cuộc họp rất quan trọng, tuy chỉ có hơn một ngày. Chủ yếu là phân công lại trong Ban Chấp hành, chia nhau về các huyện. Thường vụ chỉ còn cô Bảo lo chuẩn bị sơ tán trường học về khu an toàn sẽ tiếp tục; chị Đức phối hợp với Tỉnh đội dân quân xúc tiến phát triển đội nữ du kích giữ xóm, giữ làng… Tôi là Bí thư thường trực theo dõi tình hình, chỉ đạo công việc chung…

Tôi còn nhớ hôm ấy đang họp thì địch bắn “moóc chê” sau nhà họp. Tất cả đều xuống hầm, tôi cử người qua cơ quan Huyện đội gần đó hỏi tình hình - gặp anh Nguyễn Khuông, Huyện đội trưởng trả lời rất bình tĩnh: “Mấy o cứ họp đi…”. Hội nghị bình tâm trở lại họp. Độ nửa giờ sau lại một trận nữa ầm ầm như sấm… và có tiếng rú dữ dội sau lưng nhà. Nhiều người chạy nhanh ra thấy con trâu ngã xuống máu me đầm đìa… Khi đó chúng tôi giật mình gọi nhau xuống hầm trú ẩn, có người chui xuống cả gầm bàn, gầm phản. Thật hú vía! Nhớ lại lúc bấy giờ quả thật là ấu trĩ làm sao! Bế mạc cuộc họp ai nấy nhanh chóng trở về địa phương. Tôi còn nhớ đêm ấy chị Hồ Thị Xuân Hiền (nay là chuyên viên cao cấp của Tòa án tối cao về hưu) đang làm Bí thư Phụ nữ huyện Triệu Phong phải tức tốc bàn giao công việc và khăn gói lên đường. Đi cả đêm theo đường tắt về Kim Bình, căn cứ mới của huyện Cam Lộ (vì thị trấn Cam Lộ, Đông Hà và thị xã Quảng Trị đều đã bị địch chiếm đóng) để nhận công tác phụ trách phong trào huyện Cam Lộ, huyện đang căng thẳng nhất.

Sơ tán vòng quanh sau lưng địch

Đầu tháng 2 - 1947, hội nghị cấp tốc của Tỉnh ủy với một số cán bộ chủ chốt chuẩn bị cho cuộc họp mở rộng cán bộ toàn tỉnh ở Gio Linh phải di dời mấy lần từ Nại Cửu xuống Phú Liêu, xuống Chợ Cạn rồi ra Gia Đẳng. Anh Thí, tôi và chú Đoàn Chương(1) tiếp tục ở lại làm việc với anh Xá bí thư huyện ủy Triệu Phong, rồi đi thám sát dân quân bố phòng, đến sáu giờ tối về nghỉ. Tôi vừa chuẩn bị xong cho mỗi người một túi khoai khô để phòng bị thất lạc thì có mà ăn. Định đi nằm ngủ thì có tin giặc về lùng. Liền đó là tiếng súng nổ ầm ầm từ xóm trên. Thế là chúng tôi phải mang ba lô theo dân ra cánh đồng lớn, vào một khu rừng nhỏ đào cát chôn ba lô, tài liệu. Làm dấu xong, mỗi người chỉ cầm túi khoai, định chạy ra biển, nhưng không kịp. Súng nổ gần quá, đành chạy vào vườn một nhà dân. Sau vườn có trồng nhiều vồng khoai làng. Trời tối quá, mấy anh em và một số nhân viên nữa đành chui vào một hàng rào rậm, ngăn cách với vườn nhà bên cạnh. Hàng rào cao, phần lớn là cây gai (gai làm bánh gai) lá nhiều rậm rạp và nhiều bụi hóp (tre nhỏ) mọc um tùm che kín mít. Vừa ngồi yên chỗ đã nghe tiếng súng nổ gần liên hồi... nhiều tiếng chân người chạy... lờ mờ thấy bóng thằng Tây cao, to trần trùng trục đi qua vồng khoai trước mặt. Ôi! Lo ơi là lo... Rồi tiếng gà bay, lợn kêu eng éc... Nhưng rồi thật là buồn cười? Cảnh tình đáng sợ thế, mà mệt quá và buồn ngủ quá, mọi người đều ngủ thiếp luôn... Khi nghe tiếng người ơi ới gọi nhau về, tôi và anh Thí mới bừng tỉnh nghe ngóng rồi chui ra khỏi bụi. Trời vẫn chưa sáng hẳn. Chú Chương (chánh văn phòng Tỉnh ủy), chú Tiếp (liên lạc) cũng chui bụi bò ra, cả chú Phượng (bảo vệ) và chú Bội (thư ký đánh máy) tất cả ngỡ ngàng nhìn nhau. Cùng nhau đi vào sân nhà, chúng tôi gặp bao nhiêu người vừa chạy về cho biết, địch đã rút về. Trận lùng này chúng đã đốt cháy nhiều nhà, bắt đi nhiều trâu bò, lợn gà. Vài con lợn cháy khét lẹt. Người ta đang làm thịt chia nhau. Chúng tôi vào nhà của một đồng chí trong xóm, nhờ mua gạo, thịt nấu ăn một bữa no nê rồi đi ra làng Gia Đẳng (sát bờ biển). Ở lại làm việc một ngày, rồi chuẩn bị ra Gio Linh theo đường ven biển Triệu Hải - Lúc đó đã mười giờ đêm. Từ thôn Gia Đẳng đi theo hướng Hải Lăng chúng tôi lặng lẽ đi hàng một. Đêm cuối tháng không trăng, không sao, biển đen ngòm thăm thẳm. Bãi cát mênh mông trắng xóa mà đêm ấy tối đen chẳng thấy hình dáng ra sao.

Theo chủ trương sơ tán vòng quanh sau lưng địch, cuối tháng Ba năm 1947 Văn phòng Tỉnh ủy về Tèng Teng(2) (cách trại Lê Hồng Phong(3) một cây số đường chim bay nhưng đi vòng phải đi đến bốn năm cây số. Trên đường mòn một cây choại đánh dấu đường vào). Đây là một trại sản xuất của đồng bào huyện Triệu Phong lên làm rẫy theo mùa.

Chúng tôi ở trong một cái lều tranh nhỏ ở giữa một vùng đất rộng có vườn khoai, vườn sắn, có gò đồi trồng mít, trồng dứa… có đường xuống suối, có rừng tranh, qua bên kia suối là cảnh rừng già cây cao rậm rịt. Nhà có hàng rào bao quanh vườn khoai - Hàng rào dâm bụt và cây gai xen nhau khá dày, rậm, người ngồi trong không thấy được.

Trong lều có hai cái sạp giường bằng cành cây được ghép lại nằm được bảy, tám người, một cái nhỏ được hai người. Anh Thí và các chú nằm ở sạp lớn, tôi và o Ái(4) ở sạp nhỏ. Sát cái sạp nhỏ có một mái che làm bếp củi, dao, rựa, nồi niêu… Khi đến đây chúng tôi đều có mang mỗi người ba cân gạo, ống tre đựng muối để phòng thân. Thế là có gạo nấu cơm ăn ngay - Sáng mai anh Thí và chú Chương ăn xong đi qua trại Lê Hồng Phong làm việc, cùng chú bảo vệ và liên lạc. Tôi, o Ái và chú Bội ở nhà, lo tổ chức cuộc sống nơi ở mới. Điều đầu tiên là tìm nguồn lương thực! Vì gạo mang theo phải để dự trữ. Loay hoay tìm, lục mãi, mới phát hiện ra có ba thùng lúa giấu trong hàng rào giậu quanh nhà. Mỗi nơi để một thùng. Mừng quá! Thế là có lúa rồi! Đào thử một bụi khoai còn hơi non, nhưng ăn được. Bây giờ làm sao để lúa thành gạo? Lại bàn vào rừng chặt gốc cây làm cối. Cây gỗ người ta đã cưa đi phần trên, còn một khúc sát rễ (có thể ngồi được) chú Phượng (bảo vệ) với một cái cuốc, một cái xẻng, cây dao rựa, làm sao không biết mà đào lên được và làm thành một cái cối và một cái chày đem về giã được. Thế là bắt đầu trải chiếu ra - đặt cối lên chiếu đổ lúa vào, các chú giã - tôi và o Ái sàng sảy bằng ba chiếc chiếu: một chiếc trải, hai người mỗi người một chiếc gấp đôi lại, kẹp vào đầu gối một nửa, còn một nửa cho lúa đã giã vào mà sảy. Hai người đổi nhau giữ hai người sảy, vừa sảy vừa giã lại vài lần, nhặt sạch thóc là lúa thành gạo… Chúng tôi viết giấy để lại trong thùng nhắn lời vay chủ nhà và hẹn sẽ trả lại xã (vay hai thùng còn một thùng để lại cho họ). Chúng tôi ở lại đây một thời gian ngắn, nghe ngóng tình hình, liên hệ với các đơn vị và các địa phương tại trại Lê Hồng Phong. O Ái có sáng kiến đào khoai, chọn những vồng khoai già, đào được hai thúng đem đi xuống suối rửa sạch, nấu chín, bóc vỏ xắt mỏng ra rồi trải chiếu ra phơi, phơi vừa hơi khô, đem ra giã nát, rồi lại phơi, rồi giã… Cứ thế khoai thành bột, phơi khô lại cho mỗi người một túi vải có dây núi buộc lại đề phòng lúc chạy giặc lạc cả ngày sẽ cho vào ca, hòa với nước suối ăn qua bữa. Sau khi ổn định rồi hằng ngày chúng tôi lên núi làm việc xem báo cáo, viết công văn, đánh máy, in li tô… đến xế chiều mới xuống núi kiếm rau cỏ nấu ăn. Sáng sáng trước lúc đi, làm sạch trong lều thành “vườn không nhà trống” như thể nhà không có người ở vậy. Có một lần vừa xuống núi về tới lều, bỗng nghe “rậm rạp”, cả cơ quan lo quá tưởng giặc đi lùng, định chuồn trở lại rừng. Hay đâu, nhìn ra rừng tranh trước mặt thấy tung cả lên. Chú Phượng trèo lên mái lều xem, rồi bảo mọi người cùng trèo lên. Chao ôi một bầy voi! Tất cả đều sửng sốt đến giật mình. Đếm được 50 con chẵn. Đi đầu là một con voi to lớn (có lẽ là voi bố) hùng hổ tiến xuống con suối trước nhà rồi băng qua suối tiến vào cánh rừng già. Đi sau cùng là một con voi cũng lớn (có lẽ là voi mẹ) cùng rầm rập lội qua rừng xanh - tạo ra những âm thanh rung chuyển cả một góc rừng - Ghê quá! Chúng đi khuất, chúng tôi tụt xuống, ra xem. Đường chúng đi qua, tranh nằm rạp xuống rộng như một con đường cái quan. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy được một chuyện lạ - may mà không gặp chúng ở suối hoặc trên đường đi - Hú vía! Một thời gian ngắn thấy ở đây không yên ổn, và trại Lê Hồng Phong cũng không đảm bảo an toàn. Cơ quan chúng tôi lại dời về Hòn Linh - Bậc Lở. Về đây lại gặp đoàn Việt Minh tỉnh ở Hải Đạo mới lên - Chúng tôi, chị Bảo, o Ái, chị Đức lại gặp nhau - có cả anh Thưởng Trưởng ban Dân vận, anh Thăng (Việt Tứ) Bí thư Thanh niên (sau này làm ở Nhà xuất bản Sự thật). Chúng tôi lại cùng nhau sơ kết tình hình phụ nữ ở các vùng khác nhau, tham gia kháng chiến như diệt tề, chống càn, bảo vệ mùa màng…

Chúng tôi lại bổ sung vào nội dung huấn luyện, truyền đạt kinh nghiệm kịp thời cho nhau để ổn định tư tưởng, chống hoang mang trước các hình thức khủng bố mới của địch… lớp huấn luyện lần này chỉ mở mười ngày một lớp và đối tượng mời đến là các cán bộ xã. Sau khi được tỉnh đồng ý, tôi triệu tập, tổ chức lớp tại Hòn Linh và trực tiếp giảng. Chị Bảo nay đang sống ở 12A Lý Nam Đế (Hà Nội) là Đại tá của Quân y viện 108 cũng vừa làm giảng viên, vừa quản lý lớp - Chị Tứ làm cấp dưỡng (chị Tứ ở Hải Lăng là vợ của đồng chí Mai trưởng ban công nghiệp của Trung ương sau này). Mở được ba lớp, chiến khu Hòn Linh bị địch lùng, địch tấn công ba mặt vừa có bộ binh, pháo binh và không quân. Trận ấy ta có biết tin trước, tuy có vất vả chạy tránh vào rừng nhưng không có thiệt hại gì đáng kể. Sau đó cơ quan Tỉnh ủy dời về Ba Lòng.

Thời gian ở Tèng Teng tuy không lâu, nhưng lần đầu lên rừng tôi có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Anh Thí, chú Chương, o Ái, chú Phương, chú Bội, chú Tiếp và tôi lần đầu tiên thấy một bầy voi! Phải chăng là một điều kỳ diệu. Một hôm đi hái rau tàu bay với tôi, o Ái kêu mất cái khăn mặt vắt trên vai không biết rơi ở đâu? Hai o, cháu cùng đi tìm hết cả mỏm đồi không có - Khi xuống suối rửa rau cất nón ra để rửa mặt, tôi bỗng thấy trên tóc o có buộc một khăn trắng tôi hỏi: “Có phải cái khăn này không o?” O kéo xuống rồi ngồi cười rũ rượi. Té ra khi tóc xõa ra, o đã lấy cái khăn vắt vai buộc tóc lại rồi quên luôn, đội nón lên khi sờ vào vai không thấy lại tưởng mất. Hai người lại được một phen cười no nê. Năm ấy o chỉ mới 48 tuổi - đã đãng trí rồi vì có nhiều việc phải lo toan. Chú Chương người to, cao, ăn khỏe, lúc nào cũng có cảm giác như ăn không được no. Chú giúp anh Thí rất tận tụy một số việc dù không phải là nhiệm vụ của chú. Tôi thương chú như em, ăn củ khoai cũng để dành cho chú. Một buổi chiều anh Thí và o Ái đi họp - cả chú liên lạc và bảo vệ cũng đi. Không ăn cơm ở nhà vì bên trại Lê Hồng Phong có một con trâu bị tàu địch bắn chết mang về làm thịt, thết hội nghị. Ở nhà còn ba chị em tôi, chú Chương, chú Bội - O Ái giao cho tôi quản lý lương thực. Thường thường bảy người ăn chỉ được nấu ba ca gạo (cái ca nhỏ bằng nửa lon sữa bò) cộng thêm một rổ khoai lang luộc, ăn với vừng (là gạo rang vàng đã trộn muối) và rau tàu bay luộc. Vài ngày trước đó anh Bùi Khôn có đem từ biển Gia Đẳng lên một bao cá khô cơm bạc, hai chai nước mắm, và mắm tôm. Vì vậy hai ngày vừa qua được ăn thêm cá khô, nhưng o Ái chỉ cho mỗi người một con, bảy người bảy con. Con to bằng ngón út. Tôi phải rửa sạch, ngâm mềm bóp nát đầu ra để lọc lấy nước, còn thân thì xé đôi (nhưng vẫn để dính nhau để chia cho dễ). Xong đem vào xào khan với muối, chút mắm tôm, rồi lọc nước đã được ngâm bóp nát đầu đổ vào cho sôi lên làm thành một nồi canh để chan cơm và húp chút một sau khi ăn miếng khoai lang. Ai cũng khen ngon ngọt.

Chiều, o Ái vừa đi xong là chú Chương (Chú Chương nay là trung tướng cứu hộ quốc phòng chồng chị Bảo) lại lệnh cho tôi liền: “Chị Hà chiều nay phải nấu bảy ca gạo - xuất 15 con cá khô đó nghe” - Tôi không chịu chỉ xuất hai ca gạo và ba con cá. Chú Chương không chịu bảo, tối nay chị nghỉ để tôi nấu và chú tự ý lấy bảy ca gạo, không nấu khoai, 15 con cá khô, không nấu mà đem rang lên dầm nước mắm. Nước mắm o Ái cất rất kỹ mà chú vẫn tìm ra - chú bảo “Chị sợ thì tôi chịu trách nhiệm”. Bữa ấy ăn một bữa thật no và ngon nhưng thật quá quy định. Đành dặn nhau không được nói với o Ái - Nhưng tôi vẫn phải báo cáo lại với o Ái: “… rằng mình không đồng ý nhưng chú Chương lại bảo chú chịu trách nhiệm”. O Ái nghe xong la tôi “không biết giữ gìn để dành cho lúc khó khăn”, tôi là người lớn nên biết xấu hổ, còn chú Chương như trẻ con cười trừ…

Một hôm khác ở đồng bằng, anh Thừa (Thường vụ huyện Triệu Phong, sau này là Phó vụ trưởng vụ Tổ chức ngân hàng Trung ương) mang lên một số đồ vật trong đó có hai bánh đường đen (đường phên) có Văn phòng dùng vào việc in li tô. Tôi lấy dây buộc treo lên đầu bếp - chú Chương cầm tháo ra, bảo để buộc lại. Bất ngờ thấy chú chặt một miếng cắn ăn, một mảnh nữa gói đút túi, rồi buộc lại treo lên. Tôi nhìn sững “Chú làm gì kỳ vậy?”. Chú bảo nhỏ “Hay chị ăn một miếng nhé!”. Tôi quay mặt đứng dậy đi mà nước bọt ứ ra đầy cổ! Đành thông cảm với chú vậy - Một buổi chiều tôi đi xách nước, tới bờ dốc xuống suối, gặp chú đang ở đó đi lên tôi trách: “Tôi đi hái rau, mà ở nhà chẳng có ai xách nước cả”. Chú bảo: “Được rồi để nước tôi mang xuống múc lên cho, chị hái một ít lá vối về nấu nước uống”. Thế là tôi đưa cái lọ sành cho chú - Chú đi, rồi ngoảnh lại nói với tôi “Có ca bột khoai để dành phần chị treo ở cành cây vối ấy”. Tôi đến cây vối, thấy ngay một cái ca to treo ở đó trong ca có bột khoai chú đã cho thêm nước đun sôi sền sệt, đã ăn gần hết còn độ một phần tư (ca của chú to gấp ba lần ca người khác). Tôi mang xuống ăn ngon lành, ăn xong mới thấy dại quá. Chú Chương ăn cắp bột của o Ái đang phơi trên chiếu, quấy ăn rồi lại để phần để “hối lộ chị Hà chứ gì nữa”. Khi chú lên tôi la chú - chú cười “Chị đừng mách như hôm trước nữa nghe!”. Tôi lại nghĩ “O Ái quản lý lương thực rất chặt chẽ mà mình lại tham gia ăn vụng, thật xấu quá! Đành lặng lẽ làm thinh vậy!”. Hơn nửa thế kỷ sau khi tôi nhắc lại o Ái và chú Chương vẫn còn nhớ và còn cười rất khoái! Cô Bảo, với tôi cũng có nhiều kỷ niệm không kể hết được - hai chị em cùng ở trong Thường vụ Phụ nữ tỉnh được người ta đặt cho hai biệt hiệu: Bảo là “Mousquetong” vì nói từng tiếng một như súng bắn từng phát một. Còn tôi mỗi lần nói là một tràng nhanh vì vậy các đồng chí gọi “mi-tờ-rày-ét” bắn một tràng.

Từ những ngày sống với nhau chúng tôi thân nhau coi Chương, Bảo như em. Thế mới biết cuộc sống có bao nhiêu điều lớn lao đáng nhớ, nhưng một số kỷ niệm nho nhỏ thôi cũng đã tô điểm cho những ngày gian khổ, khó khăn, thêm hoa thêm trái thêm thị vị, một chút vui, một chút hạnh phúc, một chút tình thương, đồng cảm… há không thể có một vị trí đáng ghi nhớ trong lòng hay sao? Chính nó đã dệt nên tình tương giữa đồng chí với nhau cùng gắn bó, vợ chồng chú Chương, cô Bảo cùng o Ái… đã hơn nữa thế kỷ nay cùng với gia đình tôi như người một nhà.

T.T.T.H

 

 

 

___________

(1). Là một loại bánh làm bằng nếp, có khả năng để hàng tháng không hỏng, chỉ có ở Quảng Nam và Quảng Ngãi mới có.

(2) Chiến khu đầu tiên của Tỉnh ủy Quảng Trị.

(3) Trại sản xuất của Tỉnh đội dân quân

(4) Bà Hoàng Thị Ái hồi đó là Bí thư Phụ nữ Xứ Trung Kỳ, sau này làm Phó chủ tịch Ban Chấp hành Phụ nữ Trung ương

TRẦN THỊ THANH HÀ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground