Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Từ xà lim Sài Gòn đến nhà lao Quảng Trị

Trích Hồi ký của Phan Giá (1916-2003)*

 …Hồi ở Sài Gòn, năm 1939, anh Nguyễn Côn, anh Nguyễn Sơn(1) cùng tôi thuê chung một gian ga ra tại đường Arras gần chợ Thái Bình của một tay điền chủ để ở, mỗi tháng mất sáu đồng. Anh Tiến (nay là thượng tướng Trần Văn Quang) thỉnh thoảng có đến ngủ lại một vài đêm. Sau khi anh Nguyễn Sơn bị mật thám bắt giam, tay điền chủ không cho thuê nữa, chúng tôi chuyển sang một căn nhà chạy dọc con đường cạnh Đề-pô Sài Gòn(2). Tôi được bố trí làm nhân viên soát vé các đoàn tàu ngành đường sắt, ngày ngày đi làm, còn anh Côn đang “thất nghiệp”, thực tế đang hoạt động cách mạng. Thỉnh thoảng anh Côn gửi tôi đưa anh Mười Cúc (tức Nguyễn Văn Linh) đi từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho không vé. Anh Cúc lớn tuổi hơn tôi, nhanh nhẹn, vui tính, có đôi lông mày đen rất sắc. Thỉnh thoảng anh có ghé chơi. Thấy chúng tôi sống có vẻ kham khổ, anh nói thân mật: “Đừng khắc khổ quá, thỉnh thoảng các cậu cũng nên vui chơi một chút”. Chúng tôi thuê một chị giúp nấu ăn, tên là chị Sáu, người lục tỉnh lên Sài Gòn làm mướn. Chị lớn tuổi, thật thà, vui vẻ, rất thương và lo cho chúng tôi.

Sau bữa cơm tối, anh Côn và tôi đi thư viện. Thư viện Sài Gòn ở đường Lagrandière phía bên kia Đề-pô và ga Sài Gòn, phải đi ngang qua chợ Bến Thành mới tới. Tôi đến đọc sách tiếng Pháp, chuẩn bị thi lấy bằng Brevet élémentaire(3), anh Côn đến đọc sách, chủ yếu cùng đi với tôi cho vui.

Đỗ B.E, tôi nộp đơn thi vào ngành bưu điện. Gần đến ngày thi mà không nhận được giấy báo, tôi tới Bưu điện Sài Gòn tìm hiểu. Chủ sự Tây trả lời: “Anh muốn biết tại sao thì sang bên sở mật thám mà hỏi”. Tôi sang luôn sở mật thám ở đường Catinat(4) gần đấy. Một thằng Tây mặt và cổ đỏ gay tiếp tôi, làm ra bộ niềm nở. Sau này tôi mới biết nó chính là Bazin, chánh mật thám khét tiếng Sài Gòn.

- Anh là Phan Giá? Anh ngồi đây, đợi tôi một lát.

Nói xong bước ra. Lát sau nó trở lại mời sang phòng nó.

Tôi trình bày, tôi nộp đơn thi vào bưu điện và không được gọi, tôi hỏi, họ bảo sang đây thì biết. Tên Bazin nói, chúng tôi không thể để anh đi thi, tôi biết anh rồi, anh làm cách mạng, ang đang làm liên lạc cho những người cách mạng, tôi chưa bắt anh đó thôi. Bây giờ anh chỉ có mỗi một cách là làm việc cho chúng tôi, nếu anh nhận lời thì không những anh được dự thi, mà còn đỗ cao nữa.

Tôi đáp, tôi biết gì đâu mà làm việc cho các ông, tôi không thể làm. Nó nói:

- Tuỳ anh thôi. Một là anh đứng về phía chúng tôi, hai là anh đứng về phía họ. Tôi nói tôi không đứng về phía nào cả, tôi trung lập (je suis impartial).

Tôi đứng dậy chào về, một tên người Việt to béo ngồi bàn bên cạnh, hỏi Bazin: “Để nó đi à?”- “Để nó đi đã”.

Tôi kể lại chuyện trên cho anh Côn, hai anh em lo nhưng chưa biết nên xử trí thế nào. Nếu bỏ đi nơi khác là tự mình thú nhận. Thấy động, anh Côn ngưng hoạt động, cả ngày ở nhà. Tôi thì ngày ngày vẫn đi soát vé tàu. Mấy tháng sau, một đêm tôi đang ngủ say, chợt anh Côn đánh thức: “Giá ơi, Giá ơi, ta bị bắt rồi!”.

Tôi choàng tỉnh, thấy ba bốn bóng đen trong nhà, ánh đèn pin lia khắp căn phòng. Chúng rọi đèn lên tấm bảng, có mấy dòng chữ bằng tiếng Anh (tôi đang tự học tiếng Anh): “Ngày mai quân Nhật đến đây, bạn sẽ làm gì?”. May mà không đứa nào biết tiếng Anh, chúng bỏ qua không hỏi. Chúng còng anh Côn, tôi và chị Sáu lại rồi lục soát căn phòng. Lát sau chúng dẫn hai anh em ra xe. Loại xe đi bắt người này hồi đó gọi là xe cây, chỉ có buồng lái, phía sau trống. Chúng đẩy bọn tôi lên, trong xe đã có nhiều người khác cũng vừa bị bắt trong đêm, tất cả ngồi bệt xuống sàn.

 

Đến sở mật thám, chúng dẫn tất cả vào một phòng rộng, đèn bật sáng choang. Lúc này khoảng 12 giờ đêm. Chúng lục soát kỹ áo quần từng người một trước khi dẫn vào phòng giam. Tên Bazin cũng có mặt khi đó. Nghe gọi đến tên tôi, nó thốt lên: “À ông Giá! Anh chàng trung lập đây rồi”.

Anh Côn và tôi bị giam chung một xà lim. Rộng một mét, dài hai mét, cao ba mét, có cái hố xí khoét sâu xuống nền. Đóng cửa lại, phòng tối đen. Ánh sáng bên ngoài chỉ có thể lọt vào qua cái lỗ vuông bé bằng bàn tay tít trên cao, có song sắt và lưới sắt. Ban ngày nhờ lỗ sáng ấy, trong xà lim cũng thấy được lờ mờ. Tôi đọc trên tường mấy câu viết bằng máu của ai đó trước bị giam ở đây để lại:

Vòng lao lý thử gan người chiến sĩ

Trận đòn thấu đáo luyện chí đấu tranh

 

Lúc này vào tháng bảy, hai người sống trong một cái xà lim oi bức, ngột ngạt, suốt ngày mồ hôi đổ ra như tắm. Tới bữa, chúng đưa vào hai bát cơm gạo hẩm, có con cá khô mặn đặt bên trên. Tuy có hố xí, mỗi sáng chúng vẫn mở cửa cho ra cầu tiêu. Nhiều người cùng đến một lúc, mà phải xong trong một thời gian ngắn, dưới chân phân và nước tiểu ngập ngụa. Chẳng ai dám ngồi, toàn đứng châu lưng vào nhau, chổng mông mà rặn. Lính còn lấy roi quất, giục nhanh nhanh lên mà vào.

Sau vài ngày giam, anh Nguyễn Côn bị chúng gọi lên. Trở về, anh nói anh không khai gì, chúng có đánh nhưng không nhiều. Một lần khác chúng giữ anh rất lâu, vừa về tới cửa anh đã nói: “Nó gọi Giá lên đó”. Tên lính dẫn đập anh một cái vào đầu, mắng: “Ai bảo mày?”.

Đích thân tên Bazin tra hỏi tôi: “Vì sao anh chống lại chúng tôi? Anh hoạt động cùng với ai?” Tay nó lăm lăm cái thước sắt, mặt mày dữ tợn hơn những lần trước, tuy vậy vẫn gọi tôi bằng anh (vous), chứ chưa gọi mày (tu).

Tôi đáp tôi không hoạt động, tôi không biết gì. Nó nói: “Anh soát vé tàu lửa. Anh đưa đón những tên làm loạn đi trên xe lửa”. Tôi vờ tỏ vẻ kinh ngạc, đáp chẳng bao giờ có chuyện đó.

- Có. Anh có đưa Lê Hồng Phong đi trên tàu của anh. Ảnh nó đây này.

Nó đưa ra hai tấm ảnh chụp nửa người ở trần, khoẻ mạnh, bắp thịt nổi lên. Tôi bảo không biết. Nó sắp cất ảnh, tôi nói cho xem lại lần nữa. Tôi nhìn kỹ hơn và vẫn trả lời không biết là ai. Cuối cùng nó bảo:

- Thôi được, cho anh về nghỉ. Sáng thứ hai (hôm ấy là thứ bảy), tôi sẽ hỏi lại, anh không nói, tôi có cách làm cho anh nói.

Sang ngày thứ hai, không thấy nó gọi lên. Riêng anh Nguyễn Côn còn bị nó gọi lên vài lần nữa, anh không khai gì, sau đó cũng thôi.

Ở xà lim ngột ngạt, ăn uống kham khổ, sức khoẻ chúng tôi giảm sút nhanh. Anh Nguyễn Côn lên cơn sốt mấy lần, tôi bị hắc lào lan rộng, ngứa ngáy rất khó chịu. Tôi đòi đi nhà thương. Trong hai tên gác, một anh ác, một anh hiền. Tên ác phớt lờ. Anh hiền báo cáo lên cấp trên, và tôi được đi nhà thương khám bệnh cùng một lúc với nhiều người khác. Còng tay từng cặp, hai người một còng, như vậy vẫn còn một tay tự do. Đến cổng, xếp hàng đôi đi vào. Tôi nhác thấy một người quen quen nháy mắt như thể chào hỏi. Nghĩ mãi mới nhớ ra. Anh này chuyên bán dạo đồ lặt vặt trên các chuyến xe lửa, hằng ngày anh bưng một cái khay vuông to bày bật lửa, kẹp tóc, dây chuyền, cúc áo, kim băng… đi từ toa này sang toa khác chào bán. Tất nhiên, phải được phép của người soát vé mới có thể làm như thế. Tôi thường tỏ ra rộng rãi với anh. Hôm nay gặp tôi trong hoàn cảnh này, anh tỏ vẻ thông cảm và kính phục. Khi tôi cùng đoàn tù sắp lên khỏi cầu thang, anh đã đứng sẵn phía trên, liền đi xuống. Gặp nhau, anh nép mình vào một bên cho đoàn tù lên; lúc tôi đi ngang qua anh dúi vào tay một tờ giấy bạc một đồng. Tôi đưa mắt tỏ ý cảm ơn. Một đồng bạc Đông Dương thời ấy to lắm. Đêm đêm, đi thư viện về, anh Nguyễn Côn và tôi khát nước ghé vào hàng của người khách (người Hoa) uống một cốc nước chanh đá rõ to, chỉ mất một xu. Một đồng mười cắc (hào), mỗi cắc mười xu, trong hoàn cảnh chúng tôi, càng biết to chừng nào.

Nhờ đồng bạc đó, chúng tôi nhờ anh gác hiền mua giúp bánh ngọt, hai đứa cùng ăn cho đỡ khao khát, và mua thuốc đặc trị ngoài da. Hai anh em bị giam ở đây độ vài tuần, sau đó chúng đưa chúng tôi về đồn cảnh sát Chợ Lớn giam chung với nhiều người khác. Sau một tuần, chúng đưa riêng tôi đến chỗ giam những người phải trục xuất khỏi Sài Gòn về quê quán. Anh Nguyễn Côn vẫn ở đó. Từ đấy tôi không có dịp gặp anh, sau Cách mạng Tháng Tám mới biết anh bị đày ra Cồn Đảo.

Tôi bị đưa ra ga cùng một số tù khác, vẫn bị hai người còng tay làm một. Ở phòng đợi nhà ga, may mắn tôi gặp một người bạn cùng làm nghề soát vé tàu lửa. Anh chờ lúc mọi người bị dẫn qua cái cửa hẹp để ra sân ga, chỗ này lúc nào cũng chen chúc đến ngạt thở, làm như bộ cũng chen lấn để lên tàu, đi sát vào tôi. Tôi nói nhanh địa chỉ, nhờ anh đánh điện báo cho người anh ở Quảng Trị. Số tù bị trục xuất chuyến ấy không đông, chỉ độ mười lăm người, đi toa chung với hành khách, ngồi ở đầu toa. Tôi nhớ tàu đến ga Quảng Ngãi thì chú Khánh con bà cô ruột tôi (tức trung tướng Cao Văn Khánh sau này) ở toa bên tình cờ đi ngang qua. Hồi nhỏ, có thời tôi ở nhà cô tôi tại Huế cùng đi học với chú Khánh. Chú Khánh nhìn thấy tôi bị còng tay, sửng sốt định tới hỏi chuyện nhưng bị lính đẩy ra.

 

…Tàu đến Quảng Trị, chúng đưa tôi thẳng tới nhà lao. Tôi cũng bị nhốt xà lim, nhưng xà lim ở đây có rộng hơn, bề ngang chừng 1,5 mét, lại có tấm ván rộng độ một mét cho tù nằm, có lẽ vì mùa đông ở Quảng Trị khá lạnh. Ngày hôm sau, khoảng chín giờ sáng, tôi xin đi ngoài. Chúng dẫn tôi ra nhà cầu xây thành dãy ngoài vườn, chợt thấy một người cũng do một tên lính khác đi kèm vừa tới. Hoá ra anh Nguyễn Kim Thành (nhà thơ Tố Hữu). Người anh vốn nhỏ, nay lại càng gầy nhưng đôi mắt vẫn tinh anh. Tố Hữu cũng đã nhận ra tôi, nháy mắt làm hiệu. Chúng tôi vào hai ngăn sát nhau, trao đổi với nhau bằng tiếng Pháp để lính gác không hiểu. Tôi báo nhanh là bị trục xuất khỏi Sài Gòn. Anh Thành cho biết anh bị kết án 5 năm, đã ngồi tù hai năm tại Huế, nay chúng đày đi Lao Bảo. Tên lính quát bảo im.

Hằng ngày có một người tù có râu cằm, vẻ mặt tươi tỉnh, vào xà lim lấy bô nước tiểu mang đi đổ. Ông nói chuyện với tôi trước mặt bọn lính rất tự nhiên. Ông tên là Hồ, người làng Đại Áng (Triệu Phong). Sau Cách mạng Tháng Tám, tôi làm Uỷ viên uỷ ban hành chính tỉnh về xã Phong An tham dự cuộc họp Hội đồng nhân dân, có gặp ông.

Khi tôi ra khỏi xà lim, thì anh Tố Hữu đã bị đưa đi Lao Bảo rồi. Bài thơ mở đầu Đèo cao vút vươn mình trong lau xám/ Đá uy nghiêm trầm mặc dưới trời tro…, anh làm trong dịp này.

 

Hôm sau, tôi bị giải ra phòng mật thám. Phòng này đặt chung trong khu toà sứ bên bờ sông Thạch Hãn. Tôi ngồi đợi ở hành lang chợt thấy một thanh niên mặc chiếc áo thun len cao cổ, thời ấy gọi là punlôvơ (pull over) bó sát người trông gọn gàng đẹp trai. Nó nhìn tôi cười bí hiểm. Sau này tôi mới biết tên nó là Chước, một tên mật thám nguy hiểm. Sau Cách mạng Tháng Tám, nó bị kết án và xử tử ngay cùng lúc với Trần Thị Biền. May sao tôi không bị lọt vào tay nó.

Chánh mật thám ở Quảng Trị tên là Fidalenc. Khoảng ba mươi tuổi, đẹp trai, nói tiếng Việt sỏi, nhờ thế nó dụ dỗ được Trần Thị Biền theo làm tình nhân cho nó và phản bội cách mạng.

Tên Fidalenc hôm ấy nói với tôi toàn bằng tiếng Pháp, có lẽ nó muốn chứng tỏ có phần nào nể vì tôi. Nó hỏi anh hoạt động từ bao giờ, bị bắt lúc nào.v.v..nhưng hỏi thế thôi, hỏi chỉ để nghe câu trả lời, không vặn vẹo gì thêm. Cuối cùng nó nói:

- Anh bị trục xuất, về đây chúng tôi xử lý anh như thế nào là tuỳ thái độ của anh. Có thể tôi cho anh về làng quản chế tại chỗ, hoặc cũng có thể cho anh đi tập trung ở một căng nào đó.

Tôi đáp:

- Tôi không làm gì phạm pháp. Tôi không làm chính trị, tôi vào Sài Gòn để làm ăn và có điều kiện học thêm thôi.

- Tôi chưa nhận được hồ sơ của anh. Nếu những lời anh nói là đúng thì tôi cho anh về địa phương.

 

Sau hôm ấy tôi không bị nhốt ở xà lim mà được đưa qua giam chung với tù chưa thành án. Những người đã thành án thì hằng ngày được dẫn đi làm cỏ-vê (corvée) như quét tường, chặt cây, đào ao, vét rảnh… Những người chưa thành án thì làm cỏ-vê trong khuôn viên nhà lao, có một vườn chuối rộng. Cùng bị giam với tôi có ba anh nữa, chúng tôi xới cỏ, vun đất các gốc chuối, làm mệt thì nghỉ, chẳng ai đôn đốc. Tôi nhớ có một anh người Vĩnh Linh tên là Trần Đăng có biết võ, anh dạy tôi một bài quyền đến bây giờ tôi còn đi được.

Những tưởng chỉ giam mấy ngày là chúng nó tha cho về. Không ngờ cả tháng không thấy tăm hơi. Chị gái tôi vào thăm cho biết, hỏi bên phòng mật thám thì bảo sang bên cụ Tuần, đã giao can phạm cho Nam Triều. Mẹ tôi đến gặp quan Tuần vũ (quan đứng đầu tỉnh) xin cho con về, mật thám tha cho cháu rồi. Tuần vũ đáp: Mật thám tha nhưng tôi chưa tha.

Viên Tuần vũ này là người cùng huyện Hải Lăng với tôi, tên là Nguyễn Văn Thơ, thuộc phái tây học và là người xảo quyệt nên rất được lòng bọn tây. Muốn hối lộ cụ Tuần, phải tìm người đưa mối. Chị tôi tìm gặp một viên thừa phái tên Ân, hỏi phải mất độ bao nhiêu, ông cho biết khoảng vài trăm. Anh rể tôi làm viên chức nhà máy nước tỉnh, lương tháng cũng chỉ 30 đồng. Mẹ tôi phải về quê bán mấy con bò rồi vay mượn bà con mỗi người một ít thêm cho đủ số mang đưa thầy Ân. Mấy hôm sau, mẹ tôi được thầy Ân gọi đến bảo lên hầu cụ.

Vừa thấy bà, Tuần vũ quát ra oai: “Cái mụ này cứ vào lải nhải làm gì? Con mụ chưa tha được!...” Thầy Ân đứng đằng sau bẩm báo xin cụ cho nó về với mẹ con, nó đã biết tội, vv. Cụ Tuần hạ giọng: “Mụ có cam đoan không để con làm bậy nữa không?- Dạ, con xin cam đoan…- Thôi được, mụ về đi, rồi sẽ tha cho nó”…

Mấy hôm sau, tôi bị còng tay dẫn tới. Mẹ tôi đã chờ sẵn, đứng dưới thềm. Cụ Tuần quát lính sao còn còng nó làm gì. Rồi nói với tôi bằng tiếng Pháp, lần này nhẹ nhàng: “Tuổi thanh niên thường bồng bột. Anh nên suy nghĩ kỹ, mẹ anh đau khổ quá nhiều rồi, vv. Tôi tha anh về nhưng vẫn theo dõi anh, nếu anh tiếp tục làm bậy tôi không tha cho anh nữa đâu”.

Tôi vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện.

Một anh lính áp giải tôi về giao cho phủ Hải Lăng. Tôi không bị còng tay mà được phép thuê xe kéo, anh lính đi xe đạp theo bên.

Năm ấy là 1940. Chiến tranh thế giới thứ hai đã nổ ra. Tôi bị giam lỏng mấy năm ở làng…

P.G

 

 

 

__________

* Cụ Phan Giá, người xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tham gia cách mạng năm 1935. Trong kháng chiến chống Pháp từng làm Bí thư huyện uỷ Hải Lăng, uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh… Sau năm 1954, tập kết ra Bắc, làm Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Nghệ An. Sau 1975, cụ nghỉ hưu về sống tại làng quê cho đến khi qua đời.

1. Đồng chí Nguyễn Côn người Nghệ An, bạn học của Phan Giá, cùng thời còn có Nguyễn Hữu Mai (người làng Diên Sanh)… tại trường Kỹ nghệ Huế, bị đuổi học cùng một lúc với Phan Giá và nhiều học sinh khác vì tham gia phong trào thanh niên biểu tình, bãi khoá chống Pháp… Sau làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi chưa rõ đồng chí Nguyễn Sơn nói trong bài là ai.

2. Kho và xưởng sửa chữa xe lửa, thuộc ngành đường sắt.

3. Bằng cấp sơ học của hệ thống giáo dục Pháp thời ấy bấy giờ, tương đương bằng Thành chung, điều kiện tối thiểu phải có để được đi thi làm công chức.

4. Tức đường Đồng Khởi ngày nay.

 

 

Phan Giá
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 161 tháng 02/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

23 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground