Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 16/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Viên gạch cổ thành

B

ề ngoài, họa sĩ Trường có vẻ một võ tướng hơn là một văn nhân. Lưng dầy, vai rộng và sống mũi gồ, thế “cô sơn độc tủng” càng làm tăng vẻ sắc sảo của ông. Giải thích cho sự đối lập giữa ngoại hình và nghề nghiệp, ông kể: “Hồi nhỏ, theo gia đình tản cư vào Thanh Hóa, do mê các nhân vật trong truyện Tàu ông ngoại kể mà hay hí hoáy vẽ. Ngày nọ, một ông là nhà văn hay họa sĩ gì đó ngang qua, thấy tôi đang vẽ “đơn đao phó hội”, ngó rồi nói: “Thằng bé này vẽ có khí đây, Quan Vân Trường mặt đỏ râu dài, coi thường cái chết, thần lắm mà vẽ Chu Sương cũng khéo làm sao...mai sau nên cho nó học họa...”. Ngày ấy, cha tôi còn trên Việt Bắc, mẹ tôi cứ thế mà làm. Cái sống mũi “cô sơn độc tủng” ấy, sách tưởng giảng là có Hóa khoa, học hành thông tuệ, trôi chảy nhưng dễ gẫy đổ do bị ghen ghét. Quả nhiên, sau khi học một lèo từ sơ cấp, trung cấp, lên đại học mỹ thuật, đúng lúc đang làm bài thi tốt nghiệp thì tôi nhận được lệnh nhập ngũ, kèm theo lời nhắn của ông trưởng phòng tổ chức: “Muốn hoãn thì bảo cụ thân sinh đến gặp tôi...”. Được tin ấy, cha tôi bảo “Không đời nào, con người phải có lòng tự trọng, mà sống chết đã có số, biết đâu trong gian khổ con lại nên người...”. Thế  là tôi vào lính với hàm binh nhì đỏ chói. Lang thang khắp đất nước với thói quen di truyền của cha là gom lượm các di vật kỷ niệm ở những nơi từng đặt chân tới. Đa phần là những hòn cuội. Tới giờ, kỷ vật đã tới hàng ngàn...” Nói xong, ông dẫn tôi lên căn phòng áp mái, thoạt nhìn ta tưởng đây là bảo tàng dân tộc học thu nhỏ. Lồng chim các kiểu, cung nỏ, chiêng cồng, thổ cẩm, tù và, tẩu hút các loại...lại còn bật lửa dễ hàng trăm, súng kíp lớn nhỏ nom đến khiếp, rồi tượng gỗ, bình cổ, nanh lợn lòi, da cá sấu...đặc biệt là đá cuội, cơ man nào là đá cuội, có hòn đen sì nhẵn thín, có hòn trong như hổ phách, có hòn kỳ quái giống như mặt quỹ được bàn tay người gọt đẽo... Nhưng tôi ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy giữa đống “ngọc ngà” ấy một...cục gạch. Vâng, một cục gạch hẳn hoi, theo đúng nghĩa đen của nó, viên gạch vỡ theo hình lưỡi rìu cổ một nửa cháy sém, nửa kia lỗ chỗ vết đạn, cày xước mảnh bom pháo...Thấy tôi tròn mắt, ông tợp một ngụm rượu, rồi kể:

Vâng, nó đúng là một cục gạch, nhưng là một cục gạch thiêng. Số là đơn vị tôi khi ấy đống quân ở Cửa Việt cách Thành Cổ Quảng Trị khoảng ba mươi cây số, mùa hè năm ấy là một mùa hè đỏ lửa. Đêm ngày Cổ Thành bị pháo tầm xa và máy bay địch quần đảo bắn phá. Ta chuyển quân vào hết tiểu đoàn này đến tiểu đoàn khác. Trận chiến đã đến hồi khốc liệt. “Cối xay thịt” làm vịêc không ngừng nghỉ. Lữ dù hai ngụy, nổi tiếng thiện chiến bị đánh tơi bời, thủy quân lục chiến ngụy chạy tan tác. Tổn thất của ta cũng không nhỏ. Chúng tôi dằn lòng chờ đợi bên những chiến xa, ruột như lửa đốt. Rồi 81 ngày qua đi, đạo quân năm vạn tên với đầy đủ phi pháo và máy bay yểm trợ bị đánh tan tành, mỗi tấc đất ở Cổ Thành đã vùi xác hàng nghìn tên địch và cũng thấm nhiều máu của chiến sĩ và đồng bào ta. Thành Cổ do phải gánh chịu một số lượng bom đạn khổng lồ đã trở thành bình địa. Những năm sau, tình cờ ngày nọ đơn vị chuyển quân qua đó nghỉ một đêm cạnh Cổ Thành. Dưới ánh trăng hạ tuần, tôi sờ tay vào cánh cổng hậu còn sót lại lỗ chỗ  hàng trăm vết đạn, ngước nhìn vòm trần loang lổ mảnh trái phá đọc vội dòng chữ: “Quyết đánh giặc Mỹ cút khỏi nước ta”. Viết nguệch ngoạc bằng lưỡi lê, bằng máu lẫn trong nhiều khẩu hiệu khác. Cổ Thành giờ đây đã là mộ địa.

Tôi ngậm ngùi cầm lên một cục gạch, chính là cục gạch này đây, cho vào ba lô cóc. Như tôi đã nói nó là một cục gạch thiêng - đúng thế . Nghe nói những vật vô tri khi nhuốm đẫm máu người sẽ có “thần”. Quả nhiên, ngay đêm ấy vừa gối đầu lên ba lô ngủ, tôi đã thấy trong chập chờn hoang vu, giữa tiếng sóng nhẹ vỗ bờ của dòng Thạch Hãn, giữa khi tôi còn đang nghe vẳng tiếng ngâm của cô lái đò:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...”

...Thì có một bàn tay đặt nhẹ lên vai, vừa định kêu lên chợt thấy phía dưới một đôi dép cao su, đó là một người lính giải phóng. Đang định hỏi ở tiểu đội nào? Cần gì? Thì người ấy bấm nhẹ rồi lôi tôi đi bằng một cánh tay lạnh giá. Tôi như người mộng du cùng người ấy bay là là ra bờ sông. Người ấy chỉ vào một góc phi lao già cụt ngọn và nói: “Tôi đã hy sinh ở đây, xin ông nhớ kỹ cho, về Bắc lần này làm ơn báo hộ vợ tôi là Nguyễn Thị Sen, Quỳnh Phụ, Thái Bình vào mang tôi về. Ơn này, sẽ chẳng dám quên”. Nói đoạn, định đi. Tôi cũng đã gặp “ma” vài lần, nhưng vốn can đảm, vội nói: “Vậy anh tên chi? Đơn vị nào? Vì sao bỏ mình tại đây? Hãy cho tôi biết với...”. Người đó sau phút ngậm ngùi, kể rằng: “Cổ Thành này được làm từ  thời Gia Long, nơi này xưa gọi là Ô Châu ác địa đó ông. Nó chính là một trong hai châu Ô - Rí mà Chế Mân đã tặng vua Đại Việt để đổi lấy công chúa Huyền Trân đó. Xưa đắp bằng đất, đến đời Minh Mạng mới xây bằng gạch. Do vị trí trọng yếu mà nó trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự một thời. Nó là lá chắn của Cố Đô Huế. Là con đê ngăn chặn vững vàng phía Bắc với hàng rào điện tử Mắcnamara nổi tiếng của địch. Chợt khi nảy cuộc tương tàn, nhuốm cơn binh lửa, tôi theo lời kêu gọi của non sông, lên đường chiến đấu. Vốn là con một của một gia đình nông dân, lúc sắp lên đường, u tôi bảo: “Khái ơi, u chỉ có mình mày, mày đi bộ đội u không cản, chỉ mong mày lấy vợ cho u thằng cháu, để sau này...” Rồi u tôi khóc, tôi là đứa hiếu thảo. ngay đêm ấy tôi ngỏ lời với Sen, cùng thôn. Rồi đám cưới được tổ chức rất nhanh. Ông trưởng thôn làm chủ hôn. Giữa tiệc cưới ông tặng tôi một chiếc gậy Trường Sơn bằng tre đực “ông bảo thế”. Thế là tôi lên đường, bữa cơm tiễn tôi, tôi không nuốt được miếng nào. Vợ tôi cũng không nuốt được miếng nào. Cả nhà  chỉ nhìn tôi và khóc. Thầy tôi quát: “Thằng Khái đi làm việc nước, cấm được đứa nào khóc.” Tôi nhìn lên, thầy tôi nước mắt lưng tròng. Tôi biết cũng như bao người cha khác, có xót con ông cũng nuốt vào trong.

Những ai đã từng khoác áo lính, từng một lần ra trận chắc đều biết những điều kiêng kỵ, đại loại: ngủ với đàn bà trước khi vào trận đánh, lấy vàng làm chiến lợi phẩm, là con một mà tham chiến  ngay trận đầu...Nhưng trận ấy ác liệt quá. Trước đó, chỉ trong năm ngày quân ta có pháo binh và xe tăng yểm trợ  đã đánh tan toàn bộ cứ điểm địch ở bắc đường chín. Giải phóng hoàn toàn ba huyện, Do Linh, Cam Lộ, Hướng Hóa. Địch điên cuồng phản kích giành giật từng bờ hào, từng đoàn tường trong Thành Cổ này. Đó là những ngày hai bên giành giật quyền cắm cờ trên tường thành để hỗ trợ cho hội nghị Pari chốn trời xa. Hôm ấy, tôi vừa ló ra khỏi bờ tường thì nghe một tiếng “Má ơi”. Ngón tay đang đặt trên gò súng định điểm xạ, chợt dừng lại. Má tức là mẹ, tức là bầm, tức là u  tôi đó. Tôi quắc mắt, một thằng thủy quân lục chiến ở trần đầy mình xăm trổ bị miếng pháo phang cụt tay, máu phùn phụt phun từ cánh tay đứt. Trong một thoáng, hình ảnh Minh, đồng đội người Hà Nội tháng trước khi trinh sát bị đạn pháo tiện một chân. Máu ra nhiều quá,  choáng, lúc ấy xung quanh không có ai, cũng không đủ sức tự xé áo băng lấy. Ngồi tựa lưng vào bìa rừng nhìn  máu chảy dần mà hy sinh...Rồi một thoáng nữa, chần chừ, chỉ nghe một tiếng “tạch”, từ cánh tay kia của tên ngụy, một tia chớp bay ra. Vai tôi nhói lên một cái. Mẹ mày, tôi lao tới dùng cả cái sức trai làng đè ập xuống thằng ngụy. Tay phải thuận đà rút phắt cái lê AK cạnh sườn, thằng ngụy cũng chỉ con dao Mỹ tự động lên, ấn nút. Mũi lê ấn xuống vật mềm, nghe sừn sựt, người tôi bay lên, rồi một cơn khát, khát chưa từgn thấy, khát không sao tả xiết cào xé cổ họng tôi. Trước mặt tôi là con hào hai bên đang hổn chiến, ủng nước, nước chia thành ba lớp, dưới cùng là lớp bùn non đặc sệt, lớp giữa là máu của hai bên đỏ lừ, trên cùng là một lớp nước trong hơn, lờ lờ. Tôi bơi trong mơ, há mồm định hớp lấy lớp nước trong mà uống. Chỉ thấy một con rồng lao đến đớp, đó là con rồng xăm trên mình thằng ngụy, nó thè ra hai cái lưỡi sáng trắng, là hai mũi dao tự động Mỹ đã phóng vào vai và tim tôi đó . Tôi huơ lê xông tới chỉ thấy đầu nặng, chân nhẹ rồi không biết gì nữa...Ngay đêm ấy, đồng đội đã chôn cất tôi tại gốc phi laơ(o già này. Mãi đến hôm nay, nhờ viên gạch thiêng mà tôi được gặp ông. Nơi tối u linh, chết vì việc nước, hồn nơi chín suối, khí uất vẫn còn. Nếu nhờ ông mà được về quê cũ, có người nhang khói những ngày sóc, vọng. May ra hồn thiêng được siêu thăng mà khí uất cũng được tiêu tán đi phần nào chăng? Kể xong người ấy lui ra sau gốc phi lao già, tan dần vào màn sương đang loang dần trên dòng Thạch Hãn...

Hai chúng tôi lặng đi, lát sau tôi hỏi Trường: “Rồi sau có đưa được anh Khái về Thái Bình không?” Có chớ – Cô Sen vẫn chờ, không chịu lấy ai. Nhưng cuộc tìm vẫn gian nan lắm, phải thuốn mãi mới thấy được mộ đó, hiện tượng ấy gọi là trôi mộ. Tôi lại hỏi: - Thế viên gạch sau này có phát tác gì không? Có chớ! Ông phải biết rằng những người chết ở đấy toàn là trai trẻ. Mà trai tân hoặc trinh nữ chết là thiêng lắm. Thỉnh thoảng khi cần gối đầu lên viên gạch mà cầu, lát sau chìm vào giấc ngủ là sẽ mơ thấy nhiều điều lạ, ứng lắm. Tôi lại hỏi: - Thế không sợ phá phách à? Trả lời: - Phá phách sao được. Một là Tâm mình Chính, Lòng mình Lành, không sợ. Hai là những hồn ma dù là ta hay địch thì trong cuộc chiến này đều là người Việt cả, mà hơn ba mươi năm còn gì, nếu họ khôn thiêng thì tốt nhất là phù hộ cho dân nước đất Việt này ngày càng phồn thịnh, trong đó có con cháu của họ. Ba là Quanh viên gạch tôi đã bày năm pho tượng phật: Như Lai, Quan Âm, Di Lặc, Đạt Lai Lạt Ma và Lý Thiết Quài, làm gì được tôi. Phật pháp vô biên mà...

Trời sáng dần, trên chiếc bàn bằng gỗ lũa hình con rùa, viên gạch Thành Quảng Trị, Viên Gạch Thiêng Cổ Thành vẫn nằm đó,  lặng lẽ, thần bí. Một nửa nó cháy xém, đen thui vì napan, nửa kia lỗ chỗ vết đạn và cào xước của bom pháo, nó vỡ hình lưỡi rìu cổ, dựng đứng lên trông nó giống như một bức tượng đài.

L.T.D

                                                                                Cổ Thành Quảng Trị 27/7/2003

Lê Chí Dũng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 128 tháng 05/2005

Mới nhất

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Chắt chiu từ hạt gạo nhỏ

15/05/2024 lúc 00:24

Trong đời sống, khi cố gắng quan sát và suy ngẫm ta bỗng nhận ra nhiều bài học giá trị

Tiếng vọng từ những miền đất ấy

15/05/2024 lúc 00:19

Tiếng vọng ấy là những tiếng vọng từ các địa danh lịch sử đã trải qua những tháng năm đầy

Vẽ tranh Bác Hồ trên đất Thái Lan

15/05/2024 lúc 00:16

Giữa tháng 11 năm 2023, đoàn công tác của Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí

Trả lại cho rừng những cái cây

15/05/2024 lúc 00:12

Trồng rừng không phải để khai thác mà để cho rừng có nhiều cây hơn, rừng được xanh hơn.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

17/05

25° - 27°

Mưa

18/05

24° - 26°

Mưa

19/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground