Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đọc những câu đố vui tục mà thanh

C

âu đố và hát đố đối đáp nhau, là một loại hình văn học dân gian Việt Nam. Câu đố thường ở dưới 2 hình thức. Câu đố chỉ có một câu, ngắn, gọn như tục ngữ, và câu đố ở dạng như thơ lục bát. Do vậy, hát đố thường chỉ dùng những câu ở dạng lục bát. Nguồn gốc của câu đố cũng giống như trong ca dao, hò, vè… đều xuất hiện trong quá trình lao động của con người, sinh hoạt cộng đồng. Nó mang tính chất mua vui, giải trí, hóm hỉnh và gây cười. Mặt khác, đố nhau còn có tính chất thử sức, thử trí thông minh. Đặc biệt, hát đố giữa hai bên trai và gái còn là dịp để ngỏ ý, tỏ tình nhau trực tiếp mà bóng gió.

Ví dụ: Nữ hát đố:

Nghe đồn anh học có tài

Đào tiên một cõi Thiên thai ai vào?...

Nam đối lại:

Thiên thai là của nàng Kiều

Riêng chàng Kim Trọng sớm chiều vào, ra…

Câu đối thử tài nhau: Nữ đố:

Nghe đồn anh học có tài

Cha thầy Mạnh Tử là ai hỡi chàng?

Bên nam bí quá nên hát đối lại bực bội:

Thầy Mạnh, cụ Mạnh sinh ra

Tổ cha con hát, tổ cha thằng bày…

Đối đáp được thì được việc, được quyền lợi “Nam nhân đối được nữ hiền theo ngay”. Nhưng cũng có trường hợp, phía nam phải chịu thua, tiu nghỉu bỏ cuộc hoặc tìm cách “phục thù” hát đố lại.

Đề tài và phạm vi của câu đối rất rộng. Từ tình cảm gái, trai đến hiện tượng thiên nhiên, thời tiết, ngày tháng, công cụ lao động, những sự vật hiện hữu quanh cuộc sống… đều được người bình dân lao động đưa vào làm cảm hứng. Tập trung nổi bật là những chuyện đời thường, ai cũng biết, cũng thấy và quanh đời sống ở nông thôn là chủ yếu. Nội dung và cách thể hiện câu đố có nhiều hình thức khác nhau. Có dạng câu đố ở phương pháp ẩn dụ để người nghe phải động não, liên tưởng. Có dạng câu đố miêu tả hình dáng, trạng thái của vật đố. Có dạng nói lên chức năng và tác dụng của sự vật. Có dạng đố chơi chữ. Có dạng câu đố mới đọc nghe tục nhưng giảng ra lại thanh… Có lẽ đây cũng là điều mà nhiều nhà nghiên cứu đã từng tranh luận, nghiên cứu xu hướng tục hóa và mỹ hóa trong câu đố Việt Nam.

Ví dụ: Câu đố sau đây nói về “hạt tiêu” nghe rất hóm hỉnh, dễ gây cười và nghĩ đến chuyện tục:

Đen thui, đen thủi, đen thùi

Cái dao không sợ, sợ cái dùi của anh.

Dao chặt không trúng hạt tiêu nhưng dùi giã là nát ngay. Ngoài ra, ở câu đố, ta còn thấy “những nhà thơ sau lũy tre xanh” ngày xưa còn dùng rất nhiều biện pháp như: so sánh, nhân cách hóa, động vật hóa, thực vật hóa để làm sinh động đối tượng đố. Câu đố sau đây là phương pháp như vậy:

Một đàn cò trắng phau phau

Ăn no, tắm mát, rủ nhau đi nằm

(Chén, đĩa rửa xong xếp vào rổ)

Nhưng dù là ở phương pháp nào đi nữa, câu đố và hát đối đáp nhau, yêu cầu người trong cuộc phải ứng khẩu nhanh nhạy và thông minh. Đó cũng là đặc trưng của văn học truyền khẩu mà ta thường gọi là văn chương bình dân.

Một điều thú vị và hấp dẫn hơn cả là câu đố, hát đố đối đáp từ xưa nay không ai dạy, không ai mở khóa đào tạo như chuyện học hành ngày nay nhưng câu đố cứ tự lưu truyền mãi, ai cũng thuộc, lớn nhỏ đều thích. Yếu tố tục trong ngôn ngữ sử dụng càng làm cho trí tò mò, tinh thần người nghe sảng khoái, liên tưởng, gán ghép cho việc khác với nội dung câu đố đề cập. Đó là những dạng câu đố nghe tục mà không tục. Ví dụ: câu đố về chân đi giày

Hai da ấp lại hai da

Ấp vào sung sướng rút ra lạnh lùng…

Hoặc câu đố về cái “nắp cày”:

Muốn sâu thì rút nó ra

Đến khi muốn cạn thì tra nó vào…

Có câu đố mà chữ nghĩa khi đọc lên nghe thấy dữ dội, song đó lại là vật đố rất quen thuộc quanh ta như: “cối xay lúa” sau đây:

Bốn chân chong ngóng

Hai bụng kề nhau

Cắn giữ phao câu

Nghiến đi nghiến lại…

Hay là câu đố “Về cái nôi”

Ngó thời giống dạng chiếc thuyền

Cột buồm chẳng có bốn bên dây ràng…

Câu đố về “Chiếc chiếu”

Xưa kia em trắng như ngà

Vì chàng quân tử em đà thâm thâm

Trách ai mãi tính vô tâm

Đã đánh, đã đập còn nằm với em.

Câu đố về “Hòn đá mài dao”, ai cũng phải liên tưởng và giật mình về cách nhân hóa rất tài:

Cô kia đang đứng đầu hè

Cậu kia chạy lại liền đè một thôi.

Không cho tệ lắm cậu ơi

Cho thời ướt át thân tôi thế này.

Câu đố ở dạng tục thường là nhờ cách thể hiện bằng ngôn ngữ và cũng mở rộng đa dạng về đề tài. Sự vật, sinh vật, đến cả cái tay, cái miệng, cái chân.. của con người. Đố về “cái đầu và cái đầu gối” như sau:

Ba ông ngồi lại một mâm

Một ông có tóc, hai ông trọc đầu…

Về “cái miệng”

Hang sâu đá chắn xung quanh

Có con cá vẫy lanh quanh giữa dòng…

Câu đố “tục mà thanh” trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam thì rất nhiều. Chính yếu tố này đã góp phần làm tăng chất hài hước, trào lộng vốn có trong các loại hình văn học của dân tộc từ ca dao, hò vè, chuyện cổ tích đến văn học thành văn sau này ở các bậc tiền bối như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú Xương. Ví dụ câu đố ngày xưa về “Con đường đi ở nông thôn” là:

Có mặt mà chẳng có mồm

Còn hai bên mép lồm xồm những lông

“Bà Chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương viết về hang Cắc Có:

Trời đất sinh ra có một chòm

Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom

Kẻ hầm rêu mốc trơ toen hoẻn

Con đường vô ngạn tối om om…

Chính điều này, đã bao thế hệ đi qua, riêng hai chữ “dâm” và “tục” trong thơ bà đã tốn bao nhiêu giấy mực bình luận, khen, chê, mãi tới bây giờ.

Một đặc điểm nữa của câu đố là đa số ở dạng thơ lục bát nên dễ thuộc dễ nhớ và đi vào lòng người. Do đó, câu đố và hát đố nhau thường gần với ca dao, nhất là trong ca dao đối đáp trữ tình, ca dao trào lộng.

Câu đố - nói chung – và câu đố tục giảng thanh nói riêng, mãi sẽ còn sống với đời sống tinh thần người Việt Nam. Đó là tiếng cười lạc quan, yêu đời, biểu hiện sự tế nhị, sinh động của tâm hôn bà bản chất dung dị của người lao động ở nông thôn ta ngày xưa. Nhưng mặt khác, cũng qua câu đố còn cho thấy sự đa dạng, phong phú về âm thanh, ngữ nghĩa và tính hai mặt của ngôn ngữ tiếng Việt: Giàu hình ảnh và nhiều liên tưởng:

Đố tục, giảng thanh

Miệng thì chào anh

Hai tay bưng đít…

(Câu đố người bưng trầu)

N.Đ 

 

 
NGỌC ĐA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 209 tháng 02/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground