Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

4.0 có làm mất vị Tết?

Cuộc Cách mạng 4.0 đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Đây là xu thế tất yếu buộc các quốc gia phải thay đổi để thích nghi, và quan trọng là biết cách tận dụng tính ưu việt của nó để phát triển.

Không chỉ tác động ở tầm vĩ mô, chiến lược, Cách mạng 4.0 đang dần làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, tương tác, tư duy, cảm xúc… Cũng từ đây nhiều vấn đề mới nảy sinh khiến không ít người trăn trở, đặc biệt khi đặt bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có Tết cổ truyền của dân tộc. Tết được xem là ngày lễ lớn nhất trong năm. Thời khắc ấy chứa đựng biết bao giá trị văn hóa và nhân văn làm nên tâm thức dân tộc Việt. Vậy sự xâm lấn của công nghệ có làm mất ý nghĩa thiêng liêng của Tết trong tâm thức ngàn đời của người Việt ta, và đâu là những giá trị nhất thiết phải giữ lại?

Sắm tết thời 4.0

Chợ tết là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Những ngày cuối năm, nơi đây là địa điểm sôi động, tấp nập và nhiều màu sắc nhất. Sau một năm tất bật làm ăn, với quan niệm dồn tất cả cho Tết, nên ai cũng muốn sắm sửa cái Tết thật tươm tất. Nhìn vào mâm ngũ quả, mâm cỗ cúng trên ban thờ, món dọn đãi khách, hay bộ quần áo mặc trên người sẽ phần nào biết được năm qua gia chủ làm ăn thế nào. Có thể suốt cả năm tằn tiện, tiết kiệm, nhưng nhất định “ba ngày Tết” phải thật sự đàng hoàng trong mức có thể nhất. Không chỉ sắm tết, việc ra chợ cũng là cách tận hưởng không khí hội hè, nhất là chợ quê. Chỉ cần dạo quanh một vòng, bạn có thể lắng nghe những thanh âm sinh động nhất của cuộc sống đang trôi chảy. Nơi đó, dường như khí xuân khiến cho mọi người trở nên phấn chấn, tươi vui, hồ hởi, phóng khoáng hơn.

Với những người xa quê lâu ngày, chợ tết trở thành kí ức tìm về. Họ ra chợ để nghe cái ồn ào, thấy cái tất bật của người bán lẫn người mua, và nhớ lại những kỉ niệm ấu thơ được mẹ dẫn ra chợ mua cho đồng quà tấm bánh, sắm sửa cho bộ quần áo mới để sáng mùng Một bồi hồi mặc vào khoe với bạn bè. Hình ảnh chợ quê ngày tết trong thơ Anh Thơ, và nhất là Đoàn Văn Cừ chắc hẳn gọi về bao kí ức của mỗi người. Chợ tết như một ngày hội rộn ràng, náo nức: Người các ấp tưng bừng ra chợ tết / Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc; / Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon, / Vài cụ già chống gậy bước lom khom, / Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ, / Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,(…) / Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản, / Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân. / Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, / Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ. / Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ, / Nước thời gian gội tóc trắng phau phau (Chợ tết).

Bức tranh chợ tết được Đoàn Văn Cừ vẽ ra giờ chỉ còn là hoài niệm bởi nó đã cách chúng ta một thế kỉ. Một thế kỉ biến đổi, phát triển, nhiều giá trị đã được chuyển dịch, thay đổi, biến mất. Chợ truyền thống dần được thay thế bởi siêu thị, trung tâm thương mại. Ở đó người mua tự do lựa chọn mặt hàng, không còn cảnh chen lấn, xô đẩy, mồ hôi nhễ nhại. Sự náo nhiệt, ồn ào đặc trưng của chợ mất đi, thay vào đó là âm thanh thông tin, quảng cáo, thúc giục, mời gọi khách hàng của siêu thị hay trung tâm thương mại. Khi cuộc Cách mạng 4.0 xuất hiện với tham vọng “đưa cả thế giới về ngôi nhà của bạn”, người ta có thể đi chợ bất kì đâu, chợ Ta lẫn chợ Tây, và đặc biệt không nhất thiết phải xuất hiện trực tiếp ở khu chợ. Những sàn giao dịch thương mại, chợ online, cùng vô vàn hình thức bán hàng trực tiếp sẵn sàng phục vụ cho mọi nhu cầu của người mua. Chỉ cần một thiết bị thông minh (điện thoại, máy tính bảng, laptop) và vài thao tác đơn giản, sau “một nốt nhạc”, món hàng bạn cần đã được giao đến tận tay bạn. Bạn cũng có thể lựa chọn hình thức thanh toán trực tuyến, không cần dùng đến tiền mặt. Bán - mua hàng online hiện nay là một xu thế bởi những tiện ích rất lớn cho cả người bán lẫn người mua. Trong thời gian vừa qua, việc cách li xã hội do đại dịch Covid-19 càng khiến cho dịch vụ mua bán online lên ngôi.

Với xu thế dịch chuyển đó, trong vài năm trở lại đây, sắm tết online được nhiều bà nội trợ tin dùng, trở nên ngày một phổ biến. Và khi có cầu thì ắt có cung. Đủ các loại hàng hóa với mẫu mã, giá tiền, theo nhu cầu của khách hàng đều có thể đáp ứng trên chợ online.

Chợ tết truyền thống thường họp đông đúc từ ngày cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp. Đây là thời điểm các bà, các mẹ tất bật mua bán, chuẩn bị đồ ăn thức uống, hoa trái, đồ gia dụng. Những món ăn ngon, bộ quần áo đẹp, đồ dùng gia đình mới đều để dành đến cận Tết mới sắm sửa. Thế nhưng bây giờ ăn ngon hay mặc đẹp là việc bình thường trong năm. Với điều kiện kinh tế, người ta có thể đáp ứng nhu cầu đó bất cứ lúc nào, không cần phải đợi đến Tết. Hoặc nếu trước đó quá bận bịu vì công việc, người ta cũng không tốn quá nhiều thời gian để sắm tết. Với quỹ thời gian ít ỏi, bạn có thể đi chợ online trong khi đang ở trung tâm làm đẹp, trong giờ nghỉ trưa của cơ quan hay trong lúc chờ đón con đi học. Hình ảnh chiều 29, 30 Tết cả nhà quây quần bên chiếu gói bánh chưng, mỗi người một việc, tiếng nói cười rộn vang hầu như đã ít dần, nhất là ở thành phố. Người ta lên mạng, tha hồ lựa chọn loại bánh từ kích cỡ, giá tiền, chay mặn và muốn lúc nào có hàng lúc đó. Không chỉ món ăn truyền thống Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ / Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh mà ngay cả những món ăn, thức uống Tây Tàu đều có thể đặt mua và giao hàng tận nhà.

Những bà nội trợ bận bịu với hàng ngàn lẻ một lí do khác không muốn vào bếp xào nấu thì đã có những gian bếp online sẵn sàng phục vụ gà luộc buộc cánh tiên ngậm cành hoa hồng cúng Giao thừa, mùng Một. Ngay cả mâm cơm cúng, mâm cỗ tết, những đồ ăn sẵn, dự trữ trong các ngày Tết cũng xuất hiện trên chợ online, tha hồ cho các bà nội trợ lựa chọn. Thậm chí các loại sớ, văn khấn, hoa chưng, hoa thờ cúng cũng có thể đặt hàng trên mạng.

Nhanh, tiện, nhàn, rẻ là những lợi thế cạnh tranh của hình thức mua bán online. Điều này đánh mạnh vào tâm lí người mua, nhất là khi thời gian eo hẹp, kinh tế khó khăn. Việc sắm tết online ngày càng phổ biến khi nhịp sống trở nên nhanh hơn, con người bận hơn. Nhiều người đã lựa chọn hình thức này thay vì đi chợ truyền thống. Song cũng không ít người vẫn muốn hưởng không khí tết cổ truyền bằng cách đi chợ, tự tay lựa những món đồ cần thiết, vào bếp chăm chút cho mâm cỗ cúng. Bởi họ tin rằng đó là cách đoàn tụ gia đình, giữ những giá trị truyền thống, và khi trong nhà có ngọn lửa ấm đầu năm thì cả năm cuộc sống sẽ sung túc, hòa thuận, đầm ấm. Dù công nghệ có làm thay đổi tâm thức sắm Tết, song những giá trị truyền thống vẫn được bảo lưu dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ăn tết hay chơi tết thời 4.0

Những năm gần đây khái niệm “ăn tết” đã dần chuyển dịch sang “chơi tết”. Dường như việc “ăn” không phải là điều gì quá bận tâm đối với con người hiện đại khi điều kiện về vật chất ngày một cải thiện. Giờ đây, chúng ta không cần phải đợi đến Tết mới được ăn ngon mặc đẹp mà điều này có thể diễn ra mọi ngày trong năm. Mọi sự quan tâm giờ hướng về “chơi tết” bởi đây là khoảng thời gian thảnh thơi nhất trong năm, là quãng nghỉ lễ dài nhất, và ai cũng muốn tận dụng để nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Những người con xa quê sẽ háo hức về thăm quê. Gia đình có dịp đoàn tụ, sum vầy. Thế nhưng cuộc sống hiện đại, người ta cho rằng việc sắm tết, dọn nhà, chúc tết, đón khách… đã chiếm hết khoảng thời gian nghỉ ngơi của họ. Sự câu nệ vào những “lễ nghi” cùng hàng ngàn mối lo khi Tết đến Xuân về khiến không ít người bắt đầu ta thán: “Đang yên đang lành tự dưng Tết!”. Những năm gần đây bên cạnh việc giảm thiểu những “lễ nghi” mang nặng tính hình thức rườm rà, người ta đang có xu hướng đi du lịch trong Tết hay hưởng thụ các sản phẩm tinh thần như xem phim, tham gia lễ hội âm nhạc... Việc du lịch tết đang là lựa chọn của nhiều gia đình. Sau khi cúng Giao thừa xong, cả nhà bắt đầu chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Họ quan niệm đó mới thật sự là cách để nghỉ ngơi hoàn toàn, lại có thể trải nghiệm không khí tết ở các vùng văn hóa khác.

Với sự xuất hiện của công nghệ 4.0, người ta lại càng “yên tâm” cho sự lựa chọn của mình mà không sợ thất thố hay bỏ lỡ việc thưởng thức tết. Trước đây, khi phương tiện giao thông khó khăn, internet và smartphone chưa phổ biến, những người con ở phương xa luôn cảm thấy day dứt nếu như không về quê đón tết. Lúc đó, họ chỉ thông qua những lá thư, cánh thiệp để chuyên chở nỗi nhớ mong gửi về gia đình. Những lá thư, tấm thiệp tự tay viết lời chúc mừng giờ trở nên hiếm hoi. Công nghệ phát triển, với nhiều hình thức zalo, messege chat, livestream, viber…, dù ở tận phương trời nào cũng có thể kết nối. Mọi người có thể nhìn thấy nhau, hòa vào không khí chuẩn bị đón tết, có khi thưởng thức “từ xa” hương vị tết. Điều này đã giúp rút ngắn khoảng cách không gian và khỏa lấp nỗi nhớ mong. Và khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào, với chủ trương “Ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ đó” thì kênh giao tiếp trực tuyến trở thành lựa chọn tối ưu cho mỗi người. Giờ đây chúng ta có thể chúc tết online, vừa nhìn thấy mặt vừa nghe thấy giọng. Chúng ta không cần nhiều thời gian để bấm từng phím chữ, soạn một tin chúc tết, mà giờ đây có những lời chúc mẫu phù hợp với từng đối tượng, kèm theo hình ảnh, âm thanh đa phương tiện bắt mắt, sinh động. Thế nhưng chính sự tiện lợi này khiến cho lời chúc giảm giá trị và cảm xúc phần nào. Lời chúc được gửi hàng loạt, nhiều khi chủ nhân cũng không để tâm đến người nhận khiến lời chúc như một điều gì chiếu lệ, phải có. Cùng với nhiều điều khác, người ta bắt đầu cảm nhận “cái nhạt” của Tết. Hình thức lì xì cũng đã bắt đầu có sự thay đổi. Trước đây người ta gặp nhau dịp Tết, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau lời chúc và tặng nhau phong bao lì xì lấy hên (cốt về giá trị tinh thần), nhưng giờ đây, người ta lì xì bằng cách chuyển khoản, qua thẻ cào điện thoại… Với hình thức này, vật chất khá được coi trọng, thậm chí đội lốt, ngụy trang một phong tục tốt đẹp để hối lộ, mua chuộc lấy lòng nhau.

Cốt yếu vẫn ở con người...

Chúng ta hay ta thán không có thời gian dành cho gia đình. Đến khi có thời gian thì lại dành phần lớn cho “gia đình ảo”. Chúng ta theo dõi từng dòng trạng thái, comment, chúc tụng, tung hô, cà khịa, chửi đổng… nhưng lại lãng quên những khoảnh khắc đích thực bên người thân, gia đình, bạn bè, hàng xóm. Chúng ta không lạ lẫm gì với hình ảnh mỗi người một thiết bị thông minh sống trong thế giới ảo của mình, mặc kệ những người xung quanh. Họ tin vào thế giới đó, nút “like” và các icon trở thành những biểu tượng quyền lực có thể chi phối cảm xúc, tâm trạng, thậm chí lấy đó để định vị, định giá bản thân và người khác. Thay vì trở về với gia đình bên mâm cơm ngày tết, nhiều người lại chọn cách “ăn tết online”. Thay vì ngồi sum họp quây quần với những câu chuyện ấm áp thì không ít người bận tâm với điện thoại và cộng đồng ảo của mình. Dĩ nhiên có hàng ngàn lí do để bao biện, song nếu những giá trị gia đình được coi trọng thì chắc chắn người ta sẽ tìm mọi cách để tận hưởng cái Tết ý nghĩa bên người thân.

Suy cho cùng công nghệ không có lỗi. Sự ra đời của các ứng dụng công nghệ đã giúp cho cuộc sống con người trở nên tiện lợi hơn. Khoảng cách địa lí được rút ngắn, sự giao tiếp xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Những nhu cầu ngày một nhiều của con người dần được công nghệ hỗ trợ. Chúng ta rất khó để đứng ngoài cuộc, và không thể ngăn bánh xe công nghệ ngưng quay. Quan trọng là thái độ, cách thức mỗi người tiếp nhận và ứng xử như thế nào sẽ quyết định đến giá trị sống của chúng ta.

Công nghệ 4.0 có thể giúp chúng ta dễ dàng mua và có được nhiều thứ. Song những giá trị nhân văn, sự sẻ chia, yêu thương, nét văn hóa, trải nghiệm cá nhân, không phải bao giờ cũng có thể mua bán hoặc thay thế bởi công nghệ. Đó là nét văn hóa bản địa cần được bảo tồn trước sự xâm lấn của xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, giải lãnh thổ hóa. Không ai khác, mỗi người trong chúng ta cần phải xác định đâu là những giá trị đích thực có thể nuôi dưỡng tâm hồn, giữ gìn truyền thống dân tộc. Công nghệ không làm mất vị tết, chỉ thay đổi tâm thức và hình thức đón tết mà thôi. Chúng ta không thể quay lại với không khí tết thời Đoàn Văn Cừ, cũng không thể quay lưng với công nghệ hiện đại. Hương vị tết sẽ còn thay đổi, nhưng quan trọng là thái độ và ứng xử của mỗi chúng ta. Suy cho cùng giá trị cốt lõi vẫn nằm ở con người, do con người kiến tạo và lưu giữ. Ý thức được điều này, ắt hẳn không chỉ những giá trị của tết cổ truyền mà còn rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống khác sẽ được lan tỏa, gìn giữ.

N.V.H

NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 317

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

19 Phút trước

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

5 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground