Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bác Hồ với Cách mạng tháng Tám 1945: Góc nhìn từ phim điện ảnh

Trong số những lãnh tụ kính yêu của dân tộc thời đại mới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hình tượng được khắc họa nhiều nhất và cũng đạt được nhiều thành công nhất. Hình tượng về Người luôn gắn với những mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Trong những dấu mốc đó, cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 có một ý nghĩa lịch sử lớn lao, gắn với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người và dân tộc ta. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao và bất tận trong sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật.

 

Bìa phim Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn Đặng Nhật Minh)

Bên cạnh văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu; điện ảnh là loại hình đạt được nhiều dấu ấn và thành tựu. Trong lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh thành tựu của dòng phim tài liệu đã được khẳng định với những tác phẩm tiêu biểu như Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (đạo diễn Quang Huy, 1960), Bác Hồ sống mãi (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970), Chúng con nhớ Bác (Nguyễn Văn Thông, 1973), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974), Những giờ phút cuối đời Bác HồBác đi chiến dịch (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)…, phim truyện nhựa mặc dù xuất hiện muộn hơn (bộ phim đầu tiên lấy đề tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được sản xuất năm 1990) nhưng cũng đã để lại những dấu ấn không nhỏ. Kể từ năm 1990 đến nay đã có 7 bộ phim được công chiếu và được công chúng đón nhận: Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn: Long Vân, kịch bản: Sơn Tùng, 1990), Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm, 1997), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ, kịch bản: Hữu Mai, 2003), Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ, kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi, 2010), Nhìn ra biển cả (đạo diễn: Vũ Châu, kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, 2010), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng, kịch bản: Đinh Thiên Phúc, 2015), Nhà tiên tri (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, 2015). Điều đặc biệt, đa phần những bộ phim này đều phác họa cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ gắn với cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Từ hành trình tìm đường cứu nước

Do bối cảnh và thời điểm lịch sử được các nhà làm phim lựa chọn tái hiện khác nhau, nên mỗi phim là một “lát cắt” về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 7 bộ phim sáng tạo về đề tài Bác Hồ đã tái hiện tương đối đầy đủ về quá trình hình thành nhân cách từ thời niên thiếu của cậu bé Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành, hành trình tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc, cho đến khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1945.

Nhìn ra biển cả và Hẹn gặp lại Sài Gòn tập trung thể hiện quá trình hình thành nhân cách, một bước chuẩn bị vô cùng quan trọng cho những chặng đường cách mạng về sau của Người; Thầu Chín ở XiêmNguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngVượt qua bến Thượng Hải là những điểm nhấn trong hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân với bao gian nguy, thử thách; Hà Nội mùa Đông năm 46 và Nhà tiên tri lại tái hiện giai đoạn Người lãnh đạo đất nước trong cuộc kháng chiến chống Pháp gian khổ mà vinh quang. Đó không chỉ là quá trình trưởng thành của một con người, mà còn là tiến trình phát triển của một dân tộc trên hành trình thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân.

Các nhà làm phim đã gắn chặt những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với các sự kiện, biến cố khốc liệt trong lịch sử dân tộc từ những năm đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945. Điều này không những giúp người xem có một cái nhìn khái quát về bối cảnh xã hội, không gian văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần người Việt; mà còn phần nào thấu hiểu, luận giải được phẩm chất, tâm hồn, tính cách, tình cảm, bản lĩnh của vị lãnh tụ kính yêu. Lịch sử đã khẳng định Người chính là sản phẩm của thời đại mới, là nơi kết tinh những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, những phẩm chất tốt đẹp, cao quý của người Việt - lòng yêu nước và tinh thần nhân văn. Phim truyện điện ảnh một lần nữa phân tích, soi rọi điều đó từ nhiều giác độ: điểm nhìn văn hóa, triết học lịch sử và tinh thần nhân bản hiện đại.

Nhìn ra biển cả và Hẹn gặp lại Sài Gòn là hai bộ phim nói về khát vọng tuổi trẻ của chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành, làm sao tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Thời điểm được các nhà làm phim lựa chọn là khoảng thời gian từ năm 1895 đến năm 1911, khi Người đang là học sinh trường Quốc học Huế, sau đó vào dạy học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết), lên Sài Gòn tìm cách “ra biển cả” với khát vọng giải phóng dân tộc khỏi đêm dài nô lệ. Dù ngắn ngủi nhưng đây là thời điểm được ghi nhận hết sức quan trọng trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành. Bởi lẽ đây là giai đoạn tình cảm yêu nước, nhận thức về vận mệnh dân tộc cũng như ý thức trách nhiệm với nhân dân trong Người được hình thành và khẳng định rõ ràng nhất. Ngay từ khi còn trẻ, những thức nhận về dân tộc, nhân dân, tình cảnh đất nước của Nguyễn Tất Thành đã tỏ ra chững chạc, khác người. Những bài học đầu tiên về quyền “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” tại trường Quốc học Huế không chỉ khơi gợi ở cậu học sinh Nguyễn Tất Thành sự tò mò về tư tưởng văn minh, hiện đại của phương Tây; mà còn dần hình thành trong cậu ý thức về một dân tộc tự do, bình đẳng, ở đó người dân được làm chủ vận mệnh của mình.

Nếu Nhìn ra biển cả xây dựng hình tượng Bác Hồ từ thời niên thiếu, khi còn là học sinh trung học, sau đó vào dạy học ở Phan Thiết, thì Hẹn gặp lại Sài Gòn khởi đầu muộn hơn một chút, khi Người đã trở thành một thanh niên trưởng thành, chín chắn và có thể tự quyết định được cuộc đời mình. Trong Nhìn ra biển cả, trên suốt chặng đường vào Bình Định tìm cha, tận mắt chứng kiến và thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân mất nước, chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành đã nung nấu khát vọng giải phóng dân tộc, đem lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Từ lời dặn của người cha trước khi lên đường vào Phan Thiết: “muốn làm việc lớn thì phải dám ra biển cả con ạ” lúc trò chuyện từ biệt với Hồ Tá Bang: “Lòng con rất yêu quý, gắn bó với học trò, với trường ta, nhưng đã đến lúc con phải đi… Muốn làm việc lớn phải dám ra biển cả” tất cả đã thể hiện ý chí sắt đá và niềm khao khát khôn nguôi đi tìm đường cứu nước của chàng thanh niên trí thức.

Thầu Chín ở XiêmNguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và Vượt qua bến Thượng Hải là những điểm nhấn khác nhau trong hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân của Nguyễn Ái Quốc. Các nhà làm phim đã lựa chọn những thời điểm, gắn với các sự kiện, biến cố được cho là cam go, khó khăn nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; qua đó thể hiện tài năng, bản lĩnh, ý chí phi thường vượt qua mọi thử thách, gian nguy, quyết tâm theo đuổi con đường cách mạng mà mình đã lựa chọn. Thầu Chín ở Xiêm là câu chuyện về những bước chuẩn bị đầu tiên trong quá trình thành lập tổ chức Đảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trải qua 17 năm hoạt động cách mạng ở nhiều quốc gia, về đến Thái Lan với mật danh Thầu Chín, Người xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2/1930. Câu chuyện phim chỉ diễn ra trong hai năm 1928 - 1929, nhưng lại chính là thời điểm có ý nghĩa lớn lao không chỉ với dân tộc Việt Nam, mà còn là thành tựu quan trọng đầu tiên sau bao năm tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông dựa vào những sự kiện có thật trong lịch sử, đó là phiên tòa có tính lịch sử vào năm 1931 của Nguyễn Ái Quốc (dưới cái tên Tống Văn Sơ) diễn ra tại Hồng Kông. Với tiết tấu phim nhanh, các tình huống gay cấn, hấp dẫn, nhà làm phim đã tái hiện chân thực, sinh động vụ án Nguyễn Ái Quốc (do chính quyền Anh dựng lên) và cuộc giải cứu của những người Cộng sản với người tù Hồ Chí Minh. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với cá nhân Nguyễn Ái Quốc mà còn với phong trào Quốc tế Cộng sản nói chung, Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Nhận thức được vai trò của Nguyễn Ái Quốc với tư cách là thành viên của Quốc tế Cộng sản, người tham gia sáng lập nhiều tổ chức Cộng sản trên thế giới, và đặc biệt là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Việt Nam, các thế lực thù địch đã tìm mọi cách khép tội Người, buộc Người phải từ bỏ sứ mệnh và con đường cách mạng của mình. Vượt qua bến Thượng Hải là bộ phim tiếp nối cuộc hành trình từ Hồng Kông, đến Hạ Môn, qua Thượng Hải, tìm đường sang Liên Xô, mở ra chặng đường mới trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Lấy bối cảnh tại Hạ Môn, Thượng Hải năm 1934, nhà làm phim đã tái hiện hành trình khó khăn, gian khổ, đầy hiểm nguy trên con đường cách mạng của Người. Cũng như trong Nguyễn Ái Quốc ở Hồng KôngVượt qua bến Thượng Hải đã phục dựng cuộc “thoát hiểm” vĩ đại của Người trong sự săn lùng ráo riết của bọn mật thám Pháp và Quốc Dân đảng Trung Quốc. Bằng tài trí, sự kiên trung, tinh thần chính nghĩa, tấm lòng nhân hậu, cùng sự giúp sức của luật sư Loserby, những người bạn quốc tế, các đồng chí người Trung Quốc (trong Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông), sự hỗ trợ của Việt kiều, những người dân trong xóm An Nam, bà Tống Khánh Linh, những nhà hoạt động quốc tế nổi tiếng như Vaylent Cuturie (trong Vượt qua bến Thượng Hải), Nguyễn Ái Quốc đã phá vỡ được âm mưu của kẻ thù, tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng của các dân tộc thuộc địa trên thế giới.

Đến đỉnh cao sự nghiệp Cách mạng tháng Tám 1945

Hà Nội mùa Đông năm 46 và Nhà tiên tri tái hiện thời kỳ Hồ Chí Minh trở về nước, trực tiếp lãnh đạo cách mạng chống thực dân Pháp. Cũng như các bộ phim trước, các nhà làm phim đã lựa chọn hai thời điểm được cho là cam go nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam, đánh dấu bước phát triển mới, cũng là những thử thách mới trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Hà Nội mùa Đông năm 46 đã khắc họa một trong những khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời của vị lãnh tụ. Đó là thời điểm không lâu khi Người lãnh đạo nhân dân Việt Nam thực hiện thắng lợi Cách mạng tháng Tám 1945, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và đây cũng là giai đoạn có nhiều thách thức đến sự tồn tại của nhà nước non trẻ trong bối cảnh năm 1946, cuộc đàm phán trong Hội nghị Fontainebbeau tại Pháp thất bại, thực dân Pháp tìm mọi cách xâm lược nước ta một lần nữa, Hồ Chủ tịch buộc phải kí tạm ước với Pháp để tranh thủ thời gian chuẩn bị cho tình hình mới. Bộ phim đã tập trung khai thác những hoạt động đối nội, đối ngoại đầy trí tuệ và bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc” này. Khi trở thành lãnh tụ chèo lái con thuyền cách mạng, Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ; tài năng, bản lĩnh ấy lại một lần nữa được khẳng định trong những thời khắc cam go nhất của đất nước.

Trong Hà Nội mùa Đông năm 46, nhà làm phim đã tập trung tái hiện thời điểm trọng đại quyết định vận mệnh dân tộc, qua đó khắc họa hình ảnh Hồ Chí Minh với những quyết sách sáng suốt, đầy trí tuệ. Đối với những người dân Việt Nam sống trong thời khắc những ngày cuối năm 46, những quyết định có tính chất lịch sử của người lãnh đạo cuộc cách mạng là bước ngoặt lớn cho số phận của đất nước, của mỗi người dân Việt Nam. Hơn ai hết, sau biết bao mất mát, hi sinh của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tất cả người dân đều không muốn xảy ra chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi việc với người Pháp bằng thương lượng hòa bình. Trong cuộc đấu trí đầy căng thẳng này, Người đã làm mọi cách thông qua đối nội và đối ngoại để mong sớm đưa đất nước bước ra khỏi cuộc chiến, trở thành nước độc lập, thống nhất. Về đối nội, Người vừa phải thuyết phục, làm cho mọi người dân thấu hiểu sự khó xử của mình trong hành động kí hiệp ước đình chiến, tránh tối đa mọi tổn thất không cần thiết; lại vừa thể hiện được sự kiên quyết, ý chí sắt đá của người đứng đầu đất nước, khẳng định tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Về đối ngoại, các hoạt động ngoại giao bằng những cuộc gặp gỡ, thư từ trao đổi linh hoạt, kiên quyết, mềm dẻo, vừa thể hiện tư tưởng nhất quán của dân tộc Việt Nam, vừa tranh thủ sự ủng hộ bên ngoài. Ngoài ra, nhà làm phim còn tập trung phân tích, miêu tả cuộc đấu tranh tâm lý đầy phức tạp ở Người, qua đó khắc họa tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ khắc quyết định có tính lịch sử trọng đại này. Tư tưởng, bản lĩnh người đứng đầu nhà nước non trẻ đã được nhà làm phim tái hiện một cách chân thực, rõ nét, sinh động với khẩu khí đanh thép, cương quyết của Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Nhà tiên tri là bộ phim tái hiện những hoạt động cách mạng đầu tiên trên chiến khu Việt Bắc sau “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, một giai đoạn cách mạng mới dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Lấy bối cảnh lịch sử của những năm 1947 - 1950, nhà làm phim đã phục dựng một gian đoạn vô cùng khó khăn của cách mạng khi lực lượng mỏng, vũ khí đạn dược thô sơ, lại chưa nhận được sự hỗ trợ từ những người bạn lớn Trung Quốc, Liên Xô (cũ). Phim đã tái hiện chân thực, sinh động sự kiện mùa Đông năm 1947 khi thực dân Pháp mở chiến dịch Léa hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta ở Bắc Kạn. Với tinh thần dũng cảm, hi sinh của quân đội và nhân dân, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, mưu trí của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, chúng ta không chỉ đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, mà còn tạo dựng thanh thế bằng những chiến thắng vang dội trong các trận đánh lớn ở Đông Khê, sông Lô, đèo Bông Lau… Ngoài ra, bộ phim còn tái hiện hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bí mật dẫn đầu phái đoàn của chúng ta qua Trung Quốc rồi sang Liên Xô (1950) giữa tình hình cuộc chiến đấu của quân đội ta với thực dân Pháp đang đến hồi ác liệt. Chuyến đi khó khăn, gian khổ, nhưng thành tựu thu lại có ý nghĩa vô cùng lớn, khi không những tạo thế “thoát vòng vây” cho Nhà nước Cộng hòa non trẻ, mà còn đánh dấu mối quan hệ hữu nghị lâu dài, khăng khít của hai nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Liên Xô (cũ).

Trong Nhà tiên tri, phẩm chất anh minh, thông tuệ, sự sáng suốt trước mọi biến cố của Hồ Chí Minh một lần nữa được thể hiện trên nhiều phương diện. Người đã nhìn thấy những bước đi của lịch sử, của tương lai dân tộc, giống như một “nhà tiên tri” tài năng. Tại chiến trường Việt Bắc năm 1947 - 1948, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt nhất, Người đã tiên đoán ngày 10/10/1954 là Ngày Giải phóng Thủ đô. Nhờ vào tài phán đoán tình huống, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đã có những quyết định đúng đắn, và quan trọng hơn cả là niềm tin lớn lao vào thắng lợi tất yếu của cuộc cách mạng. Ngay lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, Người đã ra lệnh: Trường kỳ kháng chiến để đập tan mưu mô “đánh mau thắng nhanh” của thực dân Pháp. Những tiên đoán của Người về tình thế và những hành động của địch, đã giúp cho cách mạng có sự chuẩn bị các kế hoạch tiếp theo, nhờ đó tránh được những mất mát, tổn thất, để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với kết cấu chặt chẽ của các chi tiết, cùng sự đan cài các tình huống gay cấn, hấp dẫn, nhà làm phim đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, khả năng tiên đoán thiên tài của Người trước những biến thiên lịch sử, từ đó góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng.

Có thể nói, 7 bộ phim tính đến thời điểm hiện tại đã phần nào phác họa được quá trình hình thành nhân cách và những bước đường cách mạng đầy gian lao nhưng cũng vô cùng vĩ đại của Hồ Chí Minh từ khi còn là chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành đến khi trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Mỗi bước đi đều gắn chặt với các sự kiện, biến cố trọng đại của dân tộc, cùng với đó là sự trưởng thành nhanh chóng sau mỗi gian nan, thử thách của Người. Tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tài năng của Hồ Chí Minh dần được khẳng định cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ XX, đỉnh cao là thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhìn vào những chặng đường Người đã đi qua, chúng ta càng thêm yêu thêm quý một nhân cách lớn ở người con ưu tú của dân tộc trong thời đại mới, đồng thời thấy rõ phẩm chất, ý chí, sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong những chặng đường lịch sử vinh quang.

N.V.H

______________________

Tài liệu tham khảo

1. Minh Châu (2017), “Nhân vật lịch sử cách mạng Việt Nam, bao giờ có phim?”, nguồn: http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/8099

2. Trần Hinh (2013), “Thành công của hiện thực và hư cấu trong phim truyện cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nguồn:  http://www.tapchicongsan.org.vn /Home/Thong-tin-ly-luan/2013/23438/Thanh-cong-cua-hien-thuc-va-hu-cau-trong -phim-truyen-cach.aspx

3. Lê Thị Hồng (2015), “Hình tượng Bác Hồ qua phim Nhà tiên tri”, nguồn:

http://baoquangninh.com.vn/ van-hoa/201508/hinh-tuong-bac-ho-qua-phim-nha-tien-tri-2280564/

4. Phan Đình Mậu (2010), “Làm phim về Hồ Chí Minh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 311, tháng 5/2010.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 312 tháng 09/2020

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

9 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground