Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Báo chí với sự phát triển của Hành lang kinh tế Đông - Tây trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Kính thưa quí vị đại biểu

Kính thưa các bạn đồng nghiệp

C

hỉ mới 10 năm trước đây tên gọi Hành lang Kinh tế Đông - Tây còn khá xa lạ với nhiều người, thì hôm nay, nói đến Hành lang Kinh tế Đông -  Tây (HLKTĐT), cả nước đều nhắc đến Quảng Trị- cửa ngõ đầu tuyến phía Việt Nam. Phải nói rằng, về mặt truyền thông, có khá nhiều tuyến đường xuyên biên giới như: Hành lang Kinh tế Bắc- Nam, Hành lang Kinh tế phía Nam và HLKTĐT (EWEC) đều thuộc khu vực kinh tế tiểu vùng sông Mêkông (GMS) nhưng được nói đến nhiều nhất vẫn là HLKTĐT. Như ngài Bradford Philips, nguyên giám đốc quốc gia Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam từng phát biểu tại hội nghị phát triển “HLKTĐT” được tổ chức tại thành phố Huế tháng 4/2005 rằng “ADB hỗ trợ khu vực có 225 triệu dân này nhằm mục đích nối liền khoảng cách địa lí và các hoạt động kinh tế thành một thể thống nhất, qua đó thúc đẩy sự liên kết giữa các quốc gia” và ông nhận xét, trong cả khu vực GMS thì phát triển nhất là HLKTĐT, đã gắn kết các nước trong tiểu vùng trên các dự án chung, nhất là khu vực biên giới. Còn với đội ngũ báo chí, đề tài về HLKTĐT không bao giờ cũ, hàng trăm bài viết khai thác đủ góc cạnh, từ du lịch đến kinh tế, văn hóa, xã hội…Ngay chính các nhà vạch định chính sách, lãnh đạo các địa phương trên tuyến HLKTĐT vẫn luôn có những đòi hỏi mới, những khao khát mới về con đường kinh tế này. Hàng chục cuộc Hội thảo về HLKTĐT ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Savanakhet, Mucdahan, Khỏn kèn, Nakhonphanom…thu hút hàng nghìn lượt các cấp bộ, ngành, chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nhiều nước tham gia nhưng vẫn chưa thể giải quyết rốt ráo tất cả những vấn đề mà HLKTĐT đặt ra.

Từ đó, có người nói là quá chậm, có người cho là chưa đáp ứng được mong đợi của người dân các tỉnh, các vùng miền gắn chặt lợi ích trên HLKTĐT. Thật ra, theo tôi, tất cả các cơ chế, chính sách đều xuất phát từ thực tế và chính thực tế sẽ chứng minh cơ chế chính sách đó đúng hay sai. Vì vậy, từ thực tế phát triển của HLKTĐT mà Chính phủ các nước phải ngồi lại bàn bạc thay đổi các cơ chế chính sách cho phù hợp nhưng muốn thay đổi, trước hết phải do các cấp chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, người dân, Ban quản lý các khu kinh tế thương mại, khu kinh tế cửa khẩu các nước trên HLKTĐT phải có đề xuất, kiến nghị, phải thấy rõ vướng mắc nằm ở khâu nào, thuộc địa phương hay cấp Chính phủ, thuộc người thừa hành hay do luật lệ để có kiến nghị chính xác.

Trong phạm vi đề tài này, tôi xin đi vào 3 vấn đề:

1/ Những vướng mắc hiện nay trên HLKTĐT là gì?

2/ Quảng Trị và những lợi ích từ HLKTĐT

3/ Vai trò của truyền thông về HLKTĐT

I/ NHỮNG VƯỚNG MẮC HIỆN NAY TRÊN HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY LÀ GÌ?

Hàng chục cuộc hội thảo về HLKTĐT được tổ chức liên tục mấy năm qua ở Việt Nam, Lào, Thái Lan và gần đây nhất là tại Quảng Trị cuối tháng 6/2010 đều thấy rõ. Đó là:

- Vấn đề thủ tục hải quan cửa khẩu chưa thống nhất giữa 3 nước.

- Hệ thống kiểm tra còn rườm rà gây khó khăn cho hàng hóa và hành khách xuất nhập cảnh.

- Vấn đề phí và lệ phí qua cửa khẩu mỗi nước chưa thống nhất.

- Giờ làm việc giữa các cặp cửa khẩu lệch nhau (Mucdahan- Savanakhet đến 22g nhưng Densavan- Lao Bảo là 19g).

- Vấn đề tay lái bên phải (còn gọi là tay lái nghịch) vào nội địa của nhau chưa dễ dàng.

- Giá cước vận chuyển từ cảng Đà Nẵng (điểm cuối của HLKTĐT) đi các nước khác cao hơn giá cước đi từ Hải Phòng hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

- Bảo hiểm tai nạn chưa có sự thống nhất qui về một mối, doanh nghiệp vận tải đi nước nào phải mua của nước đó…

Còn trong nước cũng hàng loạt vướng mắc chưa tháo gỡ được, đó là:

- Những qui định về hàng hóa vận chuyển từ Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo vào nội địa chưa thông thoáng.

- Những qui định vận tải xe transit (Thái Lan) chỉ đi được từ Vinh đến Nha Trang.

- Xe vận chuyển mang biển kiểm soát Lào, biển số Lao Bảo vào nội địa vẫn chưa kiểm soát được…

Đó là những vướng mắc ai cũng thấy rõ, cũng từng nói đến nhưng theo tôi, có những vướng mắc từ nội tại, từ chính chúng ta khiến các cơ chế chính sách mà HLKTĐT rất cần để phát triển nhưng chưa “mở” được, thậm chí còn ghìm lại. Đó là:

1/ Sự thiếu liên kết giữa các địa phương trên tuyến HLKTĐT, thể hiện rõ nhất thay vì cùng nhau khai thác lợi thế HLKTĐT trong đó lấy tuyến đường 9 và cửa khẩu Lao Bảo làm tuyến đường huyết mạch thì các địa phương đã “bỏ quên” con đường này mà đang tập trung mở những con đường nhánh của riêng địa phương mình. Nghệ An mở đường 7; Hà Tĩnh mở đường 8 gắn liền với khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo; Quảng Bình mở đường cửa khẩu Cha Lo; Thừa Thiên Huế mở đường A Lưới với cửa khẩu Hồng Vân; Đà Nẵng đang đẩy mạnh mở tuyến đường 14B cùng với Quảng Nam qua Lào ở cửa khẩu Nam Giang…Thật ra, đó là điều không thể khác đi được vì giao thông là huyết mạch, là con đường kinh tế, con đường ngắn nhất giúp địa phương phát triển. Tuy nhiên, đó cũng là lí do vì sao mà đường 9 chưa phải là con đường duy nhất mà các tỉnh trong khu vực phải đặt nặng sự quan tâm.

Bên cạnh đó là cảng biển. Trong phát biểu của ông Nguyễn Hữu Sia, Giám đốc cảng Đà Nẵng tại Diễn đàn Hợp tác HLKTĐT ở Quảng Trị vừa rồi cũng đã thấy điều đó khi kêu gọi không nên mở thêm các cảng biển trong vùng mà chỉ nên tập trung cho cảng Đà Nẵng, có như vây mới tăng lượng hàng hóa XNK, mới giúp giảm giá thành được. Vì thực tế hiện nay, cảng Đà Nẵng chỉ như một cảng tỉnh lẻ chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp thông thương, số lượng hàng hóa XNK xấp xỉ 3 triệu tấn vì bị chia sẻ bởi hàng loạt cảng biển trong vùng như cảng Chân Mây, Thừa Thiên Huế mới đi vào hoạt động đã đạt công suất trên 1 triệu tấn/năm hay cảng Vũng Áng - Hà Tĩnh, cảng Hòn La- Quảng Bình và sắp đến đây là cảng Mỹ Thủy - Quảng Trị, một cảng nước sâu rất tốt để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng… Có lẽ lúc đó, HLKTĐT chỉ còn điểm đầu- cửa ngõ vào là Lao Bảo và điểm cuối là Mỹ Thủy. Đó là sự chọn lựa ưu tiên của các DN Lào, Thái Lan khi quá cảnh hàng hóa ra nước ngoài vì con đường ngắn nhất là chi phí rẻ nhất (nếu hàng hóa dồi dào), còn ngược lại cứ như tình trạng hàng hóa chia manh mún ở nhiều cảng biển trong một khu vực nhỏ như hiện nay thì giá thành vận chuyển qua các cảng biển các tỉnh miền Trung vẫn cứ cao hơn các cảng khác trong nước.

2/ Trên lĩnh vực giao thông, cảng biển đã vậy, ngay hoạt động du lịch cũng không có sự thống nhất. Tình trạng phá giá tour, giành giựt khách lẫn nhau, nói xấu đối tượng cạnh tranh vẫn chưa chấm dứt. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Dùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa- Thể thao- Du lịch Quảng Trị phát biểu tại Hội nghị du lịch biển đảo Bắc miền Trung tại Cửa Lò tháng 6/2009 có các đại biểu từ Lào, Thái Lan tham dự đã không ngần ngại cho rằng “du lịch khu vực Bắc miền Trung còn nhiều bất cập, phát triển chưa có định hướng rõ ràng, đầu tư còn dàn trải; dịch vụ du lịch chất lượng thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao...”. Ngoài ra còn phải thấy bất cập lớn nhất, dễ nhận thấy nhất về kinh tế du lịch của các địa phương trên HLKTĐT là sự phân chia nhỏ lẻ, thiếu hợp tác liên kết vùng; việc liên kết để xây dựng sản phẩm có tính liên vùng và xúc tiến quảng bá chưa gắn kết và hiệu quả. Điển hình nhất là các lễ hội du lịch được tổ chức theo kiểu mạnh ai nấy làm, hậu quả hoặc là lặp về thời điểm, hoặc là không tạo thành chuỗi sự kiện, dẫn đến cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch giữa các địa phương. Điển hình rõ nhất là chỉ trong tháng 6 vừa qua, liên tiếp nhiều lễ hội, hội thảo được tổ chức ở “khúc ruột miền Trung” trùng thời điểm; Huế tổ chức Festival ngày 5/6 thì cùng lúc đó Quảng Bình tổ chức Festival biển đảo; ngày 26/6 Quảng Trị tổ chức Diễn đàn Hợp tác HLKTĐT thì Quảng Nam mở hội nghị xúc tiến đầu tư dù tên gọi khác nhau nhưng thực tế nội dung không hề khác và nhất là thành phần đại biểu là một, phải chia nhau đi dự, nguồn lực thiếu tập trung…dẫn đến sự cạnh tranh, thiếu hợp tác giữa các địa phương.

II/ QUẢNG TRỊ VÀ NHỮNG LỢI ÍCH TỪ HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY

Đòi hỏi của chúng ta thì rất nhiều nhưng với thực tế hiện nay mà nói, HLKTĐT đã giúp Quảng Trị khá nhiều. Trước hết, chúng ta phải thừa nhận rằng từ HLKTĐT đã “sinh” ra Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, biến một vùng đất nghèo, hoang vu xưa kia thành một đô thị vùng biên trù phú, sôi động ngày nay. Đáng quan tâm nhất chính từ tạo sự thông thoáng cho HLKTĐT nên hàng loạt chính sách mới đã được áp dụng vào Khu Kinh tế- Thương mại đặc biệt Lao Bảo, từ chuyện mở thêm cổng B để “thoáng” cổng A; cho phép Lao Bảo có cơ chế riêng trong kinh doanh hàng miễn thuế; xe biển số “vàng” hay mới đây nhất, tháng 10/2009, Chính phủ còn cho Lao Bảo thêm cơ chế “lối mở” để khách du lịch nước ngoài vào mua hàng ở siêu thị Thiên niên kỷ không qua cổng kiểm soát thủ tục hải quan…Và chắc chắn sẽ còn nhiều cơ chế chính sách mới thông thoáng hơn nữa sẽ được áp dụng “thí điểm” vào Lao Bảo vì với Chính phủ như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã từng phát biểu: KKTTMĐBLB là mô hình kinh tế đặc biệt, cần áp dụng những chính sách ưu đãi nhất, thông thoáng nhất.

Ngay các DN Quảng Trị cũng hưởng lợi từ HLKTĐT rất nhiều nhất là các lĩnh vực du lịch, thương mại…Cũng từ HLKTĐT đã có những làn sóng đầu tư đổ vào Lao Bảo (như năm 2007) với hàng loạt dự án lớn ra đời như kho ngoại quan, siêu thị Thiên niên kỷ; siêu thị Thái Lan, Trung Quốc; khu du lịch sinh thái của Mai Linh…Hơn thế nữa, từ HLKTĐT Quảng Trị đã đón đầu thành lập thêm nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề mới, thu hút khá nhiều các nhà đầu tư đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, nước ngoài.

Cũng từ đánh giá đúng thế mạnh của địa phương trên HLKTĐT nên Quảng Trị đang có sự chuyển biến mạnh về qui hoạch phát triển kinh tế- xã hội, với một loạt động tác hướng về phía biển trong các chương trình dự án phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đầu tiên là dự án cầu Cửa Tùng (năm 2008), rồi cầu Cửa Việt (năm 2010), tiếp đó qui hoạch đảo Cồn Cỏ thành đảo du lịch và hiện nay tập trung vào xây dựng khu cảng nước sâu Mỹ Thủy (Hải Lăng), tuyến đường ven biển và quan trọng nhất đang hướng đến xây dựng một Trung tâm nhiệt điện sử dụng khí để đưa khí đốt từ ngoài biển vào chế biến ở đây…

Phải nói rằng, Quảng Trị rất có lợi thế để phát triển kinh tế biển khi nơi đây có bờ biển dài 75 km, ngư trường rộng gần 9.000 km2. Chuỗi đô thị ven biển kéo dài từ Mỹ Thủy ra đến Cửa Tùng có nhiều bãi biển đẹp, tiềm năng khoáng sản lớn, có giá trị như khí đốt, ti-tan, cát thủy tinh...Nhiều khu vực có thể xây dựng cảng biển nước sâu, cơ sở công nghiệp về biển…Để đưa kinh tế biển trở thành ngành kinh tế động lực của tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Trị đã ra Nghị quyết về “Phát triển kinh tế - xã hội miền biển và vùng cát đến năm 2010” và xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa X) về “Chiến lược biển Việt Nam” đến năm 2020. Từ xác định được lợi ích, lợi thế của mình, Quảng Trị đang dần hình thành Khu kinh tế biển ở Đông Nam Quảng Trị. Đầu tiên là dự án đầu tư xây dựng Nhà máy đóng tàu Cửa Việt của Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), có nguồn vốn gần 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tình trạng thiếu điện nghiêm trọng hiện nay, Quảng Trị đang nghiên cứu phương án và kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm nhiệt điện, công suất lên đến 1.500MW, gần bằng thủy điện Hòa Bình lớn nhất nước ta tính đến thời điểm này, riêng khu vực miền Trung- Tây Nguyên thì gấp đôi thủy điện Ialy, gấp 7 lần thủy điện A Vương (Quảng Nam) mới được khánh thành ngày 10/7 vừa qua; nếu có thêm nguồn khí đốt ngoài khơi Quảng Trị đưa vào sẽ mở ra triển vọng phát triển hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ khác như sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu mới; cung cấp khí dầu hóa lỏng, khí thiên nhiên nén, khí thiên nhiên hóa lỏng…

Nhằm cụ thể hóa chương trình phát triển kinh tế biển, UBND tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 22/01/2009 Phê duyệt Quy hoạch xây dựng công trình Cảng biển Mỹ Thủy, tỉnh Quảng Trị đáp ứng cho khai thác tàu 40.000DWT ÷ 50.000DWT. Sự chuyển dịch về kinh tế của Quảng Trị, nhiều chuyên gia cho rằng hướng phát triển kinh tế biển của Quảng Trị là điều tất yếu nhằm đa dạng hóa các ngành, lĩnh vực kinh tế mà tỉnh có thế mạnh. Điều đó có ý nghĩa hơn khi Quảng Trị là tỉnh đầu cầu phía Việt Nam trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây, trong đó điểm khởi đầu là Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và điểm kết thúc là Trung tâm kinh tế biển- Cảng nước sâu Mỹ Thủy.

III/ VAI TRÒ CỦA TRUYỀN THÔNG VỀ HÀNH LANG KINH TẾ ĐÔNG - TÂY

Thực tế cho thấy, vai trò của truyền thông là rất quan trọng. Chính nhờ truyền thông nên HLKTĐT được nhiều người biết đến, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến với Quảng Trị, đến với các dự án dọc theo tuyến đường kinh tế này. Quan trọng hơn, chính từ thực tế của những chuyến đi khảo sát tuyến đường bộ xuyên Á qua Lào, Thái Lan; tìm hiểu những mong muốn của các DN…các cơ quan báo chí đã phản ánh được những bức tranh cận cảnh về thủ tục hành chính, những cơ chế chính sách không phù hợp để giúp Chính phủ, các bộ, ngành có điều kiện tiếp cận với những thông tin chính thống, khách quan để điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển của HLKTĐT cũng như thông lệ quốc tế.

Cũng không ít bài báo đánh động đến việc buông lỏng quản lí nhà nước về hoạt động kiểm tra cửa khẩu, nạn buôn lậu trên HLKTĐT…giúp nhà nước, các cấp chính quyền kiểm tra lại những rò rỉ trong chính sách, trong công tác cán bộ của mình.

Trong thực tế hiện nay, HLKTĐT vẫn còn rất nhiều điều mà vai trò truyền thông cần tiếp tục lên tiếng. Đó là, trên tuyến này đang đứng trước nguy cơ thách thức của mặt trái quá trình hội nhập như: nạn buôn lậu, ma túy, gian lận thương mại, mại dâm, dịch bệnh, văn hóa phẩm đồi trụy...khi nạn buôn lậu trâu bò chưa được ngăn chặn triệt để; hàng lậu vẫn đổ về xuôi.

Mặt khác những vướng mắc cũ vẫn còn nguyên xi, rất cần các cơ quan truyền thông cùng hợp lực phản ảnh. Đó là  những bất cập về trình độ quản lý, bất đồng về ngôn ngữ, bất cập về khung pháp lý và hệ thống pháp luật, sự mâu thuẫn về chính sách kinh tế, sự không đồng đều về chi phí cũng như lợi ích...đã làm chậm đi rất nhiều lộ trình cải cách thủ tục hành chính ở các cửa khẩu mà các quốc gia đã cam kết từ lâu. Những bức xúc khác đối với ngành du lịch đường bộ xuyên Á như việc loạn thu lệ phí thủ tục phiền hà các mẫu tờ khai về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu khá nhiêu khê, mất thời giờ.

Có thể nói rằng, vướng mắc còn nhiều nhưng những cơ hội mang lại từ HLKTĐT cho các địa phương trong khu vực, nhất là tỉnh Quảng Trị không ít. Từ thực tế của mình, HLKTĐT sẽ còn cho ra đời nhiều chính sách mới vì chúng ta phải xác định rằng: HLKTĐT không chỉ đơn thuần là tuyến đường kinh tế mà đây còn là tuyến đường hữu nghị giữa 4 quốc gia Đông Nam Á: Việt Nam - Lào - Thái Lan - Myanma.

Xin cám ơn!

 

 

Trần Minh Tích
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 197 tháng 02/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground