Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Biệt người Hoàng Phủ...

(Mấy kỷ niệm cá nhân người viết với nhà văn vừa quá cố)

Vậy là nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã rời trần thế vào ngày 24/7/2023, sau 1/4 thế kỷ mắc bạo bệnh. Ông đã chiến đấu với bệnh tật kéo dài và cả những gánh nặng tưởng nhẹ như lông hồng mà kỳ thực nặng hơn núi Thái Sơn. Ông đã để lại nhiều bài học rất đáng suy nghiệm, cả từ góc nhìn ánh sáng tường minh và cả những điều còn khuất chìm trong bóng đêm u ám cần được giải mã rõ ràng.

Và biết nói gì đây khi có quá nhiều điều đáng nói và để nói về một trí thức, nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường khi ông lớn lên trong vòng xoáy lịch sử dữ dội và khốc liệt; khi mà sự lựa chọn cá nhân mỗi người đều không hề đơn giản và có thể phải trả giá đắt bằng chính thân mệnh và danh dự của mình. Nhưng lại không thể không viết về một người cần phải viết như thế.

Tôi đã nhiều lần về làng Bích Khê (Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị), nguyên quán của nhà văn. Một danh hương có Hoàng tộc Bích Khê danh tiếng với những đại thần có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước và cũng đã sinh hạ nên những văn nghệ sĩ tài danh như: Hoàng Thi Thơ, Hoàng Ngọc Biên, Hoàng Phủ Ngọc Tường...

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà báo Dương Phước Thu thắp hương tại nơi an nghỉ của cụ nội tổ Hoàng Phủ ở làng Bích Khê, Quảng Trị - Ảnh: Dương Phước Thu

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà báo Dương Phước Thu thắp hương tại nơi an nghỉ của cụ nội tổ Hoàng Phủ ở làng Bích Khê, Quảng Trị - Ảnh: Dương Phước Thu

Tôi cũng đã đến Nghĩa Trủng Đàn ở ven thị xã Quảng Trị, một nghĩa trang mai táng và khói hương cho các nghĩa sĩ Tây Sơn vì nước quên mình và cả những số phận không may bỏ mình nơi đất khách. Tất cả đều được Hoàng tộc Bích Khê quy tập và chôn cất tử tế. Tôi đã tần ngần đứng đọc bài văn bia ở đây do cây bút thông tuệ, tài hoa Hoàng Phủ Ngọc Tường phụng soạn. Những câu văn vang lên như một lời nhắc nhở:

Tổ tiên vun trồng, hậu bối từng ngày vun đắp để cây Đức mãi mãi xanh tươi. Đó là nghiêm huấn của các tiền hiền đã lao khổ dựng nghiệp nơi quê hương linh kiệt. Con cháu Hoàng tộc khắc cốt mang theo dù phải sống ly hương khắp bốn phương trời.”

Trong hàng chục năm qua, tôi đã viết khá nhiều về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, có thể in thành một tập sách, phần lớn là những bài đăng báo Quảng Trị, báo Thừa Thiên Huế, tạp chí Cửa Việt, tạp chí Sông Hương, báo Văn Nghệ, bán nguyệt san Kiến Thức Ngày Nay... Và có lần ông bảo một đồng nghiệp của tôi gom hết những bài báo như thế trên báo Quảng Trị tập hợp cho nhà văn. Lúc gặp nhau, sau khi mắc bạo bệnh, có nhà thơ Ngô Minh, ông bảo: "Dũng viết về mình như vậy là khá đầy đủ. Trong tuyển tập của mình do NXB Trẻ ấn hành, mình định đưa bài Người ham chơi nói thật của Dũng vào sách nhưng mình ốm đau nên giao hết cho anh em biên tập". Tôi cười, thưa với ông rằng: Lời tựa và lời bạt của tuyển tập đều hay cả và vẽ nên chân dung khá hoàn chỉnh về nhà văn, như vậy là hoan hỉ rồi, còn bài viết của tôi có đưa vào hay không cũng là chuyện nhỏ.

Tôi biết thơ, văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từ khi mới lớn và cho đến khi tuyển tập của nhà văn ra đời năm 2002 (được chính tác giả ký tặng) thì không chỉ đọc một lần. Nói cho công bằng không phải tác phẩm nào của ông cũng còn lại với thời gian. Nhưng những tác phẩm đứng được và neo đậu trong lòng công chúng thì hầu như đều mang chất người, mang phong cách độc đáo của riêng ông, trước hết là tài hoa và hào hoa, tao nhã. Văn chương của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tự nhiên giữa một trí thức uyên bác với một nghệ sĩ tài năng. Những tác phẩm sáng giá của ông đều ánh lên những suy tư triết học, những cảm thông về thân phận con người, những lấp lánh hiện sinh và cả những hoài niệm phù du. Những áng văn vào hàng tuyệt bút của ông là câu chuyện thiên nhiên, là sự vinh danh vẻ đẹp rạng ngời mà sâu thẳm của quê hương đất nước, là vô vàn trắc ẩn lòng người, là khao khát vượt ra ngoài giới hạn dù biết rằng đó là sứ mệnh bất khả thi. Tác phẩm của ông nhiều lúc như tiếng vọng trầm thống của chim cuốc đêm hè, u hoài và cô đơn đến rợn ngợp của một tâm thế ao ước tự do và dấn thân chính bằng bản ngã, để khám phá và sáng tạo, để giải mã và dự phóng. Chiều sâu của tư tưởng, chiêm nghiệm, vẻ đẹp của nghệ thuật ngôn từ đã tạo nên sức hấp dẫn và ám ảnh dài lâu, khiến văn chương của ông trở nên sang trọng và quyến rũ.

Đọc thơ, văn của ông đã thấy thú vị nhưng ngồi nói chuyện, đúng hơn là nghe nhà văn nói chuyện còn khoái cảm hơn nhiều. Đúng như nhà thơ Ngô Minh và nhiều văn nghệ sĩ khác từng nhận xét: nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường nói chuyện còn hay hơn cả viết văn. Người nghe nhìn thấy chân dung của một nhà hùng biện, uyên bác, tài hoa và thuyết phục đến từng câu, từng chữ, được mở rộng tầm mắt, kể cả với những điều tưởng như nhỏ nhặt. Chẳng hạn, có lần trong khi trò chuyện, ông đã khẳng định, chợ Sãi không phải có tên từ Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên như một số người nhầm lẫn.

Tôi cũng từng làm phim về ông. Khi hay tin ông bệnh nặng, sợ không qua khỏi, tôi đề xuất với lãnh đạo Đài, với nhà báo Lê Quang Thông, PGĐ phụ trách nội dung của Đài PTTH Quảng Trị cần làm bộ phim tài liệu về ông và được chấp thuận. Nhóm làm phim gồm có tôi viết kịch bản và lời bình, nữ nhà báo Hàn Nguyệt đạo diễn, phóng viên Lý Hậu quay phim. Bộ phim tài liệu dài 30 phút có tên: Hoàng Phủ Ngọc Tường - ánh lửa đời người. Thời điểm làm phim cũng là lúc nhạc sĩ Phú Quang đang ở Huế vừa phổ nhạc bài thơ Cỏ, chim sẻ và châu chấu của Hoàng Phủ Ngọc Tường..

Bài thơ phảng phất chất đồng thoại như một khúc đồng dao cho người lớn tuổi và từng trải. Nhạc sĩ Phú Quang lúc ấy tâm sự rằng chính vì đồng cảm với thi nhân Hoàng Phủ trong quan niệm: ngôi nhà đích thực của nhà thơ là chính nỗi buồn, nên đã chọn bài thơ này thích hợp để phổ nhạc và đặt lại tên cho ca khúc: Nỗi buồn. Và trong quá trình hình thành ca khúc, ca từ không thể giữ nguyên như trong bài thơ, có câu nguyên vẹn, có câu hơi khác, được sắp xếp gọn lại theo ý tưởng sáng tạo lần nữa của người nhạc sĩ nhưng lắng nghe thì vẫn thấy thấm thía một nỗi buồn như đã hoài thai từ tiền kiếp, một nỗi buồn thanh lọc và tinh khiết. Mỗi khi hát lên thổn thức phận người.

Lời bài hát khá giống với lời thơ, ca từ như sau:

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mơ tìm về dưới gốc cây xưa

Em có gửi điều gì theo lá rụng

Nỗi đau nào đậu khẽ vào tôi.

 

Bóng ai như tôi đi qua cánh  đồng

Bóng ai như tôi đi qua cõi đời

Nhặt lại mình trên ngọn gió

Giống như con chim sẻ nọ

Tha về từng cọng vàng khô.

 

Có nhiều khi tôi quá  buồn

Tôi ước mơ quanh chỗ tôi ngồi mọc lên nhiều cây cỏ

Cây xấu hổ đau gì mà rũ lá?

Tôi gục đầu trên bóng  tôi.

 

Không còn nghe

Không còn nghe ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Từng ý nghĩ mong manh.

 

Không còn nghe

Không còn nghe ai nói cười

Tôi còn ngồi chi đây một mình

Từng ý nghĩ mong manh.

Chúng tôi bố trí một trường đoạn quay nhạc sĩ ngồi chơi dương cầm và tâm sự "Nỗi buồn"... Người nhạc sĩ ngồi trầm tư thong thả dạo đàn rồi bất chợt hát lên tiếng lòng bằng giai điệu nhẹ nhàng, gần gũi mà xa vắng, u buồn và sang trọng, rồi thăng hoa dường như quên bẵng xung quanh. Một lãng tử hào hoa đang hóa thân vào âm nhạc. Phim lại quay tiếp cảnh nhà văn đi về phía thanh âm bằng chiếc xe lăn số phận.

Không gian tưởng nhớ HPNT - LTMD tại Huế - Ảnh: H.C.D

Không gian tưởng nhớ HPNT - LTMD tại Huế - Ảnh: H.C.D

Bây giờ thì người hát rong đã bay đi cõi khác, để lại những người yêu quý âm nhạc hào hoa của ông với bao tiếc nhớ ngậm ngùi. Còn nhà thơ cũng vừa chia xa chúng ta.

"Có nhiều khi tôi quá buồn / Tôi ước mơ tìm về dưới gốc cây xưa..." Dường như có một sứ mệnh và cũng là định mệnh thi ca mang vác và nâng niu những nỗi buồn thanh cao trong suốt phận người.

Và cuộc đời đã đón nhận những gì mà nhà văn để lại...

 

PHẠM XUÂN DŨNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 347

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

16 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/05

25° - 27°

Mưa

03/05

24° - 26°

Mưa

04/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground