Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cao Hạnh, từ miền xa... vọng biển

Chẳng hiểu sao mỗi khi buồn tôi lại muốn vào Quảng Trị. Về đây tôi cảm thấy tĩnh tâm thanh thản lạ thường. Con người Quảng Trị thiệt thà, sâu nặng, hồn nhiên như khoai lúa. Tôi có người anh và những đứa em mến thương sống tình cảm chân thành đến tột cùng, hỏi sao lòng mình không thương nhớ!

Mấy năm nay bạn bè lác đác ra đi, bỏ lại trong tôi một khoảng đời trống trải. Họ như những áng mây mọng nước nặng trĩu, hóa thành những hạt mưa lã chã rơi về chốn cội nguồn. Người xưa vẫn nói chết là hết. Tuy nhiên trong tâm thức con người vẫn luôn còn tồn tại một đời sống khác, đó là đời sống của tâm hồn. 

Mỗi lần về Quảng Trị tôi lại nhớ về anh Cao Hạnh. Anh là người anh, người đồng nghiệp. Ngót hai mươi năm trời quen, rồi thân nhau. Tôi và anh đã cùng nhau bao nhiêu mùa mưa nắng. Những kỷ niệm cứ đầy dần lên trong ký ức tôi. Tựa hồ anh như ngọn thác, mải miết rót vào hồn tôi, con suối nhỏ những buồn vui thăm thẳm.

Ngày ấy lâu rồi, khi tôi và anh cùng dự trại viết ở Cửa Tùng. Một buổi cuối chiều, khi ấy mặt trời đã khuất sau dãy núi phía tây, bỏ lại mảng ráng chiều màu cơm cháy như thơm lên từ phía mơ hồ. Anh dẫn tôi đi xuống bãi cát mép biển phía tây. Anh chỉ tay và nói với giọng trầm buồn: "Hồi xưa chiến tranh là nơi tập kết súng đạn, lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu của người dân chuyển ra đảo Cồn Cỏ cho bộ đội mình. Phương tiện vận chuyển là những cây chuối đóng thành bè. Những thanh niên trai tráng trong làng vừa bơi vừa đẩy bè đi trong đêm hướng về đảo Cồn Cỏ. Những người mẹ thức trắng đêm khắc khoải ngồi trên bến đợi con trở về. Rồi một buổi sớm sương trắng như màu khăn tang vật vờ trên sóng ẩn hiện những mảng bè chuối tơ tớp do đạn pháo, bập bềnh như ngộp thở. Mẹ lao ra biển ôm lấy bè chuối gào khóc con ơi!". Chúng tôi ra về trong hoàng hôn chạng vạng, màu hoàng hôn như nỗi buồn quá vãng, đau đáu hiện về.

Tháng năm rụt rè trôi, còn lại trong tôi những lời anh kể. Anh kể người chị đi lấy chồng khi anh còn nhỏ dại. Ba năm sau chị quay về bến cũ trong chiếc quan tài. Mẹ anh lăn trên cỏ khóc con. Anh cũng khóc lịm đi và suốt đời anh khóc chị, khóc trong hồn, khóc trong thơ. Họa hoằn anh mới kể một chuyện vui thời quê hương loạn chiến. Những lúc như vậy anh hoan hỷ với nụ cười thô sơ như công cụ của tâm hồn. Giọng anh đầy kịch tính, anh kể đêm đó trực thăng Mỹ hạ cánh trên bãi đất ven rừng ở Vĩnh Linh quê anh. Khi bọn lính vào làng ruồng bố, có một người đàn ông lực lưỡng bò đến chiếc máy bay dùng sợi cáp cột chặt vào chân máy bay rồi ròng dây néo vào một gốc cây gần đó. Anh làm nhẹ nhàng đến mức thằng giặc lái ngồi trong ca bin không hề biết. Làm xong anh chuồn lẹ, rồi ngồi rình. Khuya bọn lính rậm rịch leo lên máy bay để về cứ. Khi máy bay vừa cất lên khỏi mặt đất một khoảng, sợi cáp căng dần làm máy bay mất đà rơi sầm xuống đất. Bọn lính nhốn nháo thất thần bắn loạn xạ. Anh nói: "Chuyện này là thật đấy! Ông ấy bây giờ còn sống, anh đưa em về gặp viết cái ký thì quá hay".

Anh thuộc típ người hồn nhiên, tâm hồn không hệ lụy thời gian, nó vẫn cứ trong trẻo như thời 17 tuổi. Đôi khi tôi đùa rằng anh mặt cũ rích mà tâm hồn mới tinh. Rồi có một buổi chiều định mệnh, tôi nghe Văn Xương gọi: "Anh ơi, anh Cao Hạnh bị tai biến, anh vào thăm anh ấy đi". Tôi vào thì anh đã ra viện, về điều trị tại nhà. Thấy tôi anh mừng quá đỗi. Anh cười nói liên miên rồi lôi ra một tập bản thảo: "Anh đọc cho em mấy bài thơ anh mới làm nghe". Anh đọc say mê hào hứng. Tôi ngồi nghe mà nghẹn cổ. Tôi chẳng tâm trạng nào để ý anh đọc gì, trong lòng dâng lên nỗi cảm thương vô hạn. Anh gầy và xanh xao, tiếng đọc nghe lạ lắm, cứ như thứ âm thanh đó được vớt lên từ cõi vô thức xa xăm. Đọc xong, anh hỏi hay không? Tôi gật đầu. Anh lại cười, tiếng cười nghe lành lạnh làm tôi giật mình linh cảm đến một điều chẳng lành đang đến.

Tôi về Hà Tĩnh mang theo mình một ít hoang mang. Chẳng lẽ cuộc đời cứ ảm đạm vậy sao? Lấy gì để nuôi niềm vui sống sót. Tôi thương anh, thương tôi sống giữa nẻo đời ảo não. Lâu lâu nhờ anh em bạn bè kích hoạt, có tí sinh khí đủ để vật vờ trôi trên đường về cực lạc. Những ngày tôi về Hà Tĩnh, anh thường xuyên gọi cho tôi. Tôi biết anh buồn. Tôi với anh nói chuyện thật nhiều đến khi anh mệt lử mới thôi. Hôm sau lại nghe reng reng và cái đuôi số điện thoại 333 của anh xuất hiện. Tôi và anh lại dùng âm thanh đá bóng với nhau đến khi khung thành lỗ tai chịu không thấu mới giải lao. Giọng anh hào hứng làm tôi cũng vui lây. Anh thường kể đi, kể lại một người con gái nào đó yêu anh hồi còn trẻ mà chưa hề cầm tay nhau. Anh lại nói chuyện Người đàn bà lội sương của anh nó dịch ra tiếng nước ngoài rồi. Chuyện đó hay mà. Tôi nói, nhưng vụ tình yêu của anh thì tôi tuyệt nhiên không hiểu. Anh là người mạnh bạo trong văn chương nhưng lại yếu đuối trong tình trường. Đôi khi tôi trộm nghĩ có thể anh đã ngộ nhận về tình yêu hay tự huyễn hoặc mình? Anh nhút nhát vậy, luống cuống vậy làm sao đủ cuồng nhiệt để trang trải cho một cuộc tình. Như vậy cũng tốt cho anh, đỡ phần đàm tiếu.

Một buổi chiều tôi đang ngồi trong nghĩa trang chăm sóc mộ phần của mình. Nói chăm sóc thì hơi quá, chỉ là mình chưa kịp chết mà cỏ đã dăng đầy huyệt mộ. Tôi "dỡ bớt phần cỏ, để lại mấy lùm hoa cúc dại. Những nụ cúc nhỏ li ti lăm răm nở chen chúc nhau, lấn át nhau vươn lên như để cố tình hớp lấy một chút nắng vàng đang tan chảy trong chiều chạng rạng. Chợt có tiếng nhạc lạnh lẽo thoát ra từ chiếc điện thoại, tôi vội vàng chộp lấy giơ lên ấn nút. "A lô. Anh à, anh Hạnh mất rồi. Anh bị tai nạn xe". Tiếng Văn Xương nói gọn và buồn. Tôi bàng hoàng rời nghĩa trang để vào với anh.  

Anh nằm đó, trong chiếc quan tài ngay trước sảnh, nơi ngày xưa anh đặt bàn ghế ngồi viết ở đó. Tôi đứng bên anh, bên quan tài phủ vải lòng rối bời, bấn loạn, chẳng nói với anh được một lời nào. Tiếng mõ kêu lóc cóc trộn với tiếng tụng kinh của nhà sư nghe thê thiết đến tận cùng lòng dạ. Tôi chắp tay vái lạy tiễn biệt anh về cõi vĩnh hằng.      

Đã cuối thu, nắng nguội dần rồi tắt hẳn, ngọn gió giao mùa vội vã đi trên vòm lá. Những chiếc lá dập dìu như bàn tay vẫy giã biệt mùa đi. Tôi và Văn Xương ngồi trong quán cà phê Giang Châu. Mùi hoa ngọc lan thoảng trong không gian, mùi thơm dịu ngọt làm cho lòng người thanh thản, bình yên. Văn Xương đưa cho tôi một tập thơ và nói, em vừa làm cho anh Hạnh tập thơ. Em gom các bản thảo của anh Hạnh viết trước khi anh ấy mất in thành tập này. Tôi trộm nghĩ, trên đời vẫn có người chu đáo và tình nghĩa như em. Nếu anh Hạnh linh thiêng biết được điều này, chắc anh vui lắm vui lắm. Văn Xương là người viết văn, làm thơ, là hội viên Hội nhà văn Việt Nam.

Văn Xương nói với tôi tập thơ này vừa được giải A Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị năm 2020 anh ạ. Tập thơ có tên là Vọng biển.

Tôi đọc thơ anh và nhận ra thơ anh là một miền tàng thức, đã tạc sâu vào ký ức và theo anh đi suốt đường đời. Hình bóng người mẹ, người chị, người em, người bạn thân thương và ân nghĩa. Hình ảnh sông núi, quê nhà bóng hình lịch sử qua tiếng chuông Thành Cổ, những cánh chim trời khát vọng và vô vàn những dấu ấn in đậm trong cuộc đời thơ anh. Thơ anh như lý lịch tâm hồn được khai sinh miền tâm thức. Đọc thơ anh có những câu quá buồn đau:

               Sợi gió thành tao nôi, sợi mưa thành tao nôi

               Ru hời, con ơi... ru hời quê tôi

                                                                                    (Vọng biển)

Và người chị đi lấy chồng, khi mất lại quay về bến cũ, những chuyện anh đã từng kể cho tôi nghe:

              Mẹ đau đớn lăn mình trên vạt cỏ

              Dòng sông đưa chị về bến cũ

              Nơi ngày xưa chị đi lấy chồng

                                                                     (Ngày xưa chị đi lấy chồng)

Không thể vài trang giấy nói hết được thơ anh. Tập thơ là cả một vùng tàng thức chứa đựng âm bản của cuộc đời. Thơ anh thâm trầm, chiêm nghiệm đôi khi dữ dội và nhu mì. Thơ anh như lời cảm tạ, chia sẻ, như trả nợ với thiên nhiên, với con người, với lịch sử nơi anh sinh ra và nơi anh đã từng sống. Anh nói "Tôi đi" như lời từ biệt, câu thơ bình thản, mặc định cuộc hành trình muôn đời của nhân loại.

                   Tôi đi trăm nẻo đường đời

                   Cuối cùng về lại chính nơi sinh mình

                                                                              (Tôi đi)

Anh đi rồi mà như chưa đi, Cao Hạnh vẫn sống trong tình cảm ấm áp người thân, bạn bè. Anh mãi còn hiện hữu trong vui buồn viên mãn. Xin mượn hai câu thơ của nhà thơ Thạch Quỳ tặng anh: Và như thế tâm hồn ta sống sót / Ta một đời cuốc mót dưới sao thưa...

                                                                                      P.T.L

PHAN TÙNG LƯU
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 318

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground