Cuốn sách chia làm hai phần rõ ràng và định danh hẳn hoi, phần một có tên chung Miền ký ức, phần hai là Hương vị quê nhà, đều lấy bối cảnh và cảm hứng từ quê nhà Quảng Trị, nơi chôn nhau cắt rốn của anh.
Dòng sông ký ức dường như luôn tuôn chảy thao thiết đêm ngày trong tâm cảm tác giả, người viết nâng niu như bảo vật gia truyền, nên bài viết nào cũng tươi rói một quá vãng đã được chưng cất và thăng hoa thành nỗi nhớ khôn nguôi, cứ như thể chạm vào là tuôn chảy. Nhan đề các bài viết cũng đậm đặc chất folklore từ chiếc nôi dân gian khi nương tựa tục ngữ, ca dao: Đất có thổ công; Tôm đi chạng vạng, cá đi rạng đông; Gió đưa bụi chuối sau hè; Đói lòng ăn nửa trái sim; Chàng về thì đục cũng về; Rồi mùa toóc rạ rơm khô; Trời hành cơn lụt mỗi năm; Tay em làm giấy cho người viết thơ; Không đi thì lỡ lời nguyền…
Dòng sông ký ức hiện rõ mồn một khi tái hiện làng giấy Phổ Lại với nghề truyền thống tỉ mẩn, công phu để tạo nên sản phẩm bao thế hệ người tiêu dùng ngày xưa ưa chuộng (Tay em làm giấy cho người chép thơ); là làng bún nổi tiếng Cẩm Thạch cạnh Ngã Tư Sòng làm nên con bún cũng đa công và chứa đựng cả bí quyết làng nghề, khiến ai ăn cũng trầm trồ khen ngon, tạo nên thương hiệu của làng (Cùng em xuống Ngã Tư Sòng); dòng sông Hiếu cuộn chảy trong tâm thức tuổi thơ và vỗ về vào nỗi nhớ khôn nguôi khi người viết từ lâu đã định cư ở một thành phố phương Nam, cuộn sóng lòng trong những chiều hôm nhớ thương về cố quận (Sông vẫn chảy đời sông)…
Chỉ chuyện cây chuối thôi mà người viết miên man cơ hồ không dứt, nói đủ thứ chuyện về loại cây trồng dân dã quá ư quen thuộc này. Nói những điều có lẽ rất nhiều người đã biết, ấy thế mà vẫn thấy hay, thấy lạ, thấy mới, thấy thú vị; ví như đoạn nói về trò chơi con trẻ gắn bó với cây chuối như súng liên thanh bằng bẹ chuối, đá bóng làm từ lá chuối… rồi bất ngờ tản văn liên tưởng một cách thi vị hàn lâm: Mùa xuân, mát dịu cho cây chuối tốt tươi. Mưa xuân làm cho những lộc non hé mở, lay động lòng người. “Tình thư một bức phong còn kín / Gió nơi đâu gượng mở xem” (Nguyễn Trãi). Mùa xuân làm cho những chồi lá chuối non vươn cao, nõn nà như bức thư tình còn phong kín đang chờ gió xuân chạm đến để hé mở…
Dòng ký ức từ mùa xuân chảy vào mùa hạ, rồi sang mùa mưa lũ lụt, cây chuối vẫn theo người như một bằng hữu thủy chung không bao giờ bỏ rơi bạn bè những khi hoạn nạn, nguy khốn. Đoạn văn rưng rưng về sự tận hiến của chuối mà như thể tận đáy lòng tôn vinh phẩm giá của con người: Tháng mười, mùa lũ lụt đến. Lụt ở Quảng Trị, nhiều năm có nước nguồn đổ về thì lút cả làng. Thân chuối non được thái ra rồi luộc chấm với nước ruốc để chống đói qua ngày, hay được ngâm với nước muối làm dưa để cả nhà ăn dần. Lụt lội ngập tràn thôn xóm, cây chuối được làm bè cứu nạn. Sau mỗi trận bom, giặc giã, sau những trận bão lụt kinh hoàng, làng xóm tan hoang, cây chuối sau khi làm nhiệm vụ che chắn cho bà con sẽ chết sau cùng vì thân chuối nhiều nước và cây sẽ mọc lên nhanh nhất để che mát và cứu đói dân làng” (Gió đưa bụi chuối sau hè).
Phần thứ hai Hương vị quê nhà là câu chuyện của những món ăn dân dã, chân quê nhưng đã hằn in trong ký ức cộng đồng suốt chiều dài lịch sử. Những cái tên khai sinh của các bài viết đọc lên đã khoái khẩu, chọc thèm người đọc: Món canh mát rượi giữa trưa hè nam nắng; Gỏi nuốt lạ mà ngon, ăn không muốn… nuốt; Nấm mối, lộc trời ban tặng; Món ngon từ mít; Bánh bột lọc, bọc tình quê; Thịt trâu lá trơng; Mắm thính làm dậy thơm mùi ký ức… Có những món ăn bây giờ thành hàng hiếm, thậm chí nhiều người chưa chắc đã biết lại hồi sinh thú vị trong tập sách này, như: Rầy mốc, bọc lá bầu, món ăn từ thuở hồng hoang đi mở đất; Món lớ, ăn ngậm mà nghe…
Rầy mốc bắt về được rửa sạch, bỏ đi phần chân, đầu, cánh và đuôi, chỉ để lại phần thân mềm. Tiếp đó, chiên rầy mốc trên dầu nóng, chiên đến lúc ngửi thấy mùi thơm thì rầy đã chín. Rầy mốc phải được ăn cùng lá bầu non. Hái lá bầu non, rửa sạch, để ráo nước rồi vặt nhỏ, khi rầy gần chín thì cho lá bầu vào, đảo sơ cho lá bầu thấm dầu là được. Không hiểu sao hai thứ này hòa quyện tuyệt hảo như vậy, nhất là đọt bầu non xào với rầy mốc thì càng tuyệt. Con rầy mốc chiên giòn thơm lừng hòa quyện với lá bầu non, gia vị với muối hạt giã cùng ớt tươi, tiêu xanh để ăn. Thịt rầy mốc béo ngậy, cộng thêm vị ngọt của lá bầu tươi hòa tan cùng vị cay của tiêu tươi, ớt già làm món ăn ngon hấp dẫn, quyến luyến không muốn nuốt… (Rầy mốc, bọc lá bầu, món ăn từ thuở hồng hoang đi mở đất).
Tập tản văn là gan ruột, tấc lòng của một người con Quảng Trị xa xứ luôn nặng lòng với cố hương. Cuốn sách với nhiều bài viết chân thực, sinh động, hấp dẫn và tài hoa, thể hiện một khiếu quan sát tinh tường, với cảm nhận tinh tế, mang nhiều ý nghĩa và bổ ích. Mỗi trang viết đều rưng rức nỗi niềm thương nguồn nhớ cội, đau đáu với quê nhà, cuồn cuộn chảy ngày đêm dọc hai bờ ký ức và nhiều khi khắc khoải đến nao lòng. Một cuốn sách đáng đọc và không chỉ đọc một đôi lần.
P.X.D