Cơ sở hạ tầng nông thôn từng bước hiện đại
Dễ nhận thấy hệ thống đường sá nông thôn trong nhiều năm qua đã được nâng cấp với nhiều tuyến đường bê tông hóa, nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và phát triển kinh tế. Những con đường liên thôn, liên xã được mở rộng, kết nối tốt hơn với các tuyến đường chính, giúp nông thôn không còn bị tách biệt với các khu vực đô thị. Không chỉ sạch sẽ, hiện đại, nhiều địa phương còn hướng tới làm đẹp cho con đường liên thôn, liên xã. Hình ảnh những tuyến đường hoa dẫn lối vào thôn xóm không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường mà còn tạo nên những thiện cảm, gần gũi, kết nối mọi người.
Bên cạnh đó, hầu hết các khu vực nông thôn đã được cung cấp điện lưới quốc gia và nước sạch. Điều này không chỉ giúp cải thiện sinh hoạt hàng ngày mà còn tạo điều kiện cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển. Nhiều công trình công cộng như trường học, trạm y tế, nhà văn hóa và các cơ sở thể thao đã được xây dựng hoặc nâng cấp, đảm bảo cung cấp các dịch vụ công cộng cần thiết cho người dân. Nhìn chung, chất lượng đời sống của người dân đã được nâng cao và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản.
Tại tỉnh Quảng Trị, theo thông tin từ kỳ họp thứ 26 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII vào đầu tháng 7/2024, thống kê cho biết, toàn tỉnh có 100% xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 98,7% hộ sử dụng điện; 100% xã được phủ sóng truyền hình; 100% xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đúng độ tuổi bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; Tỷ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%… Đây là kết quả của những nỗ lực từ chính quyền địa phương và sự đồng thuận của người dân khi thực hiện triệt để, đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia.
Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và đa dạng hóa kinh tế nông thôn
Nhiều địa phương đã áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp như hệ thống tưới tiêu tự động, nhà kính, công nghệ sinh học trong trồng trọt và chăn nuôi. Điều này giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã trở nên phổ biến hơn với việc sử dụng máy móc trong cày bừa, thu hoạch, chế biến nông sản. Nhờ đó, lao động nặng nhọc được giảm bớt và hiệu quả sản xuất được nâng cao.
Ở Quảng Trị, đã có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thành công đem lại thu nhập cao, góp phần giảm nghèo cho người dân như: mô hình liên kết phát triển sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với trên 1.100 ha, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê đặc sản, chuỗi cà phê sinh thái với hơn 300 ha, mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dược liệu với gần 170 ha; các mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình nhiều giai đoạn theo hướng công nghệ cao tại các vùng ven biển với khoảng 107 ha.
Trồng rau sạch trong nhà kính tại huyện Vĩnh Linh - Ảnh Thanh Ngọc
Bên cạnh nông nghiệp, các ngành nghề khác như tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và du lịch nông thôn đã phát triển mạnh mẽ. Điều này không chỉ tạo thêm việc làm mà còn giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định. Đặc biệt, một số khu vực đã chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp thuần túy sang kinh tế đa ngành nghề, kết hợp sản xuất nông nghiệp với các dịch vụ du lịch sinh thái, làng nghề truyền thống.
Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị là một trong các địa phương có loại hình du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ trong những năm trở lại đây. Với những ưu đãi của tạo hóa từ địa thế rừng, núi, sông, suối xen kẽ nhau, các hang động, thác nước tự nhiên tạo nên cảnh quan hùng vĩ, đây chính là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng, homestay, kết hợp nông nghiệp và trải nghiệm. Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 10 mô hình du lịch cộng đồng, du lịch canh nông thu hút ngày càng đông du khách. Chỉ riêng trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn - 2024, ước tính lượng khách đến tham quan tại địa bàn huyện đạt trên 112 nghìn lượt, mang lại doanh thu xã hội khá lớn.
Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin đã giúp nông thôn kết nối dễ dàng hơn với thế giới bên ngoài. Internet được phủ sóng đến nhiều khu vực giúp người dân tiếp cận thông tin, học hỏi kỹ thuật sản xuất mới và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mô hình quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp trực tuyến ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Ở Quảng Trị, một số trang web như: quangtritrade.gov.vn (đơn vị chủ quản là Sở Công thương), qto.vn (gạo hữu cơ Quảng Trị), quangtrimart.vn (kênh hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp do Tỉnh đoàn sáng lập)… là những kênh tiêu thụ sản phẩm được đông đảo bà con ủng hộ. Ngoài ra, với việc thông tin được kết nối, nhiều nông dân đã học cách sử dụng các kênh mạng xã hội để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Cải thiện dịch vụ xã hội và chất lượng sống cho người dân
Hệ thống giáo dục ở nông thôn được cải thiện rõ rệt với việc xây dựng mới và nâng cấp trường lớp, cung cấp đầy đủ trang thiết bị học tập. Trẻ em nông thôn có cơ hội học tập trong môi trường tốt hơn, tiệm cận với điều kiện học tập ở thành thị. Các trạm y tế được đầu tư, trang bị đầy đủ thiết bị và nhân lực, đảm bảo người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc triển khai các chương trình y tế cộng đồng đã giúp giảm thiểu các bệnh tật phổ biến và nâng cao sức khỏe cho người dân.
Cuộc sống tinh thần của người dân cũng được chú trọng với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao được tổ chức thường xuyên. Các nhà văn hóa, sân thể thao được xây dựng để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng. Nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội được duy trì. Ở nhiều khu vực nông thôn Quảng Trị, các phong trào về xây dựng “khu dân cư an toàn về an ninh trật tự”; “khu dân cư và gia đình đảm bảo trật tự an toàn giao thông”; “dòng họ không có con cháu vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp tích cực hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Mô hình “Làng quê đáng sống” gắn với thực hiện phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 được phát động nhằm quyết tâm xây dựng khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo bước chuyển biến trên các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, tiến bộ và giàu đẹp.
Trong nhiều năm qua, xây dựng nông thôn mới đã thực sự là cuộc cách mạng và cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư nông thôn đồng lòng xây dựng thôn xã khang trang, sạch đẹp; phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ một cách toàn diện; giúp người dân có nếp sống văn hóa, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo; thu nhập, đời sống vật chật tinh thần của người dân được nâng cao. Cuộc vận động nông thôn mới đã mang lại nhiều thay đổi tích cực và rõ rệt, tạo nên một diện mạo mới, văn minh và hiện đại cho nông thôn.
Với quan điểm không có điểm dừng, xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, lấy sự hài lòng của người dân là cốt lõi của chương trình. Theo đó, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế theo hướng sinh thái, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng cần được ưu tiên. Ngoài ra, cần chú trọng gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.