Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 23/11/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình tượng người phụ nữ trong truyện ngắn viết về chiến tranh của Lê Thị Mây

Lê Thị Mây là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và kéo dài hành trình sáng tạo cho tới ngày nay. Thơ của bà phản ánh cuộc sống và con người trong thời chiến và thời bình bằng tiếng nói trữ tình chiêm cảm giàu thiên tính nữ. Về mặt thể loại, thơ Lê Thị Mây luôn có sự tìm tòi, vận động và phát triển, tạo thành giọng điệu và phong cách riêng trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Lê Thị Mây được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật đợt 4 năm 2017. Bên cạnh thơ, Lê Thị Mây còn sáng tác văn xuôi, trong đó, truyện ngắn và ký là hai thể loại sở trường làm nên thành công của bà. Trăng trên cát (1987), Phố còn hoa cưới (1997), Mưa ngâu (1994), Huyết ngọc (1998), Bìa cây gió thắm (2000)… là những tác phẩm đem lại hiệu quả nghệ thuật và được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Trong bài viết ngắn này, chúng tôi muốn tìm hiểu một phương diện nổi trội trong tổng số thành thi pháp văn xuôi của Lê Thị Mây. Đó là đề tài chiến tranh và số phận bi kịch của người phụ nữ trong và sau chiến tranh diễn ra ở những mối quan hệ cụ thể của đời sống chiến trường và kéo dài ra đến cuộc sống thời hậu chiến.

Một số tác phẩm của Lê Thị Mây

Một số tác phẩm của Lê Thị Mây

Từng tham gia thanh niên xung phong thời chống Mỹ cứu nước, Lê Thị Mây là người trong cuộc, từng chứng kiến những bất hạnh lớn nhất trong những nỗi bất hạnh mà người phụ nữ phải trải qua trong những hoàn cảnh khắc nghiệt và bi kịch của chiến tranh, buộc họ phải lựa chọn và hành động với tư cách là con người sống vì danh dự và lẽ phải để hoàn thành trọng trách mà cách mạng giao phó. Điểm nhìn hiện thực ở đây được tái diễn chân thật và xúc động, kể cả những hy sinh, mất mát để qua đó nhà văn tố cáo chiến tranh và tội ác của kẻ thù đã gây ra đối với con người, nhất là những người phụ nữ và trẻ em. Chiến tranh đã cướp đi của họ tuổi trẻ, tình yêu và những điều cao quý khác mà lẽ ra họ phải được tận hưởng. Chính Lê Thị Mây là người nhận lấy bất hạnh đó khi hoạt động ở chiến trường. Bom đạn đã để lại vết thương trên đôi má chị suốt cuộc đời. Vì vậy, Lê Thị Mây rất đồng cảm với hoàn cảnh và số phận những người phụ nữ trong chiến tranh một cách sâu nặng. Dựa vào kinh nghiệm và vốn sống thực ở chiến trường của mình, bà đã xây dựng hình tượng các nhân vật nữ trong tác phẩm một cách chân thực và xúc động.

Cũng như nhiều nhà văn nữ khác, viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh, Lê Thị Mây đã có độ lùi về thời gian, độ chín về cảm xúc và nhận thức để chiếm lĩnh và tái hiện cuộc sống và con người trong từng mối quan hệ cụ thể. Sau năm 1975, nền văn học Việt Nam nổi lên khuynh hướng nhận thức tối đa, đạo đức tối đa và nhân đạo tối đa nhằm tái hiện và cắt nghĩa hiện thực chiến tranh quá khứ, trong đó, có Lê Thị Mây. Bà hòa nhập và thể hiện số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh bằng cái nhìn hiện thực vừa cụ thể, vừa khái quát. Nhận thức lại và nhận thức đúng về chiến tranh xuyên suốt các tác phẩm, thông qua từng nhân vật đã hình thành diễn ngôn riêng/lối viết riêng trong tất cả các tác phẩm truyện ngắn sau 1975 của Lê Thị Mây. Hình tượng nhân vật Mịn trong Trăng trên cát là một trong những nạn nhân bi kịch mà tác giả đã chứng kiến và tái hiện bằng cảm quan nhận thức tối đa. Mịn yêu Tấn - một bộ đội chủ lực quê miền Bắc chiến đấu cùng địa bàn. Mịn mang thai thì chiến tranh ác liệt diễn ra, Tấn phải chuyển vào mặt trận miền Nam. Hai người mất liên lạc nhau. Mịn đau khổ và bị đơn vị kiểm điểm vì không chứng minh được bố của đứa bé trong bụng. Sau khi bị kiểm điểm, chị được bố trí lấy ông Đuốc, một người mà chị quý trọng chứ không yêu để hợp lý hóa cái thai trong bụng. Mịn không chấp nhận, quyết tâm bảo vệ tình yêu và giọt máu của mình. Sau đó, chị sinh con và trong lúc bảo vệ con, chị đã hy sinh trong tầm bom của địch ném xuống căn hầm. Số phận đưa đẩy, giờ đây, ông Đuốc chính là người chôn xác Mịn và thay Mịn nuôi bé Hương chưa đầy 5 tháng tuổi cho đến ngày kết thúc chiến tranh. Sau ngày thống nhất đất nước, ông Đuốc đã giao Hương lại cho Tấn - người bố ruột của Hương còn sống sót trở về sau chiến tranh đi tìm con. Giờ đây, ông Đuốc chính là người đau khổ khi ông đã mất bé Hương - đứa con mà ông đã yêu thương, che chở như con ruột của mình. Không còn Hương bên cạnh, ông Đuốc tự nguyện ở lại chiến trường xưa là vùng biển Hải Ba để được gần bên ngôi mộ của Mịn và làm một việc mà mọi người không ai ngờ tới. Đó là ông tự nguyện trồng 10 vạn cây dương phủ xanh cả một vùng bờ biển Hải Ba để bảo vệ mùa màng khi mùa đông lũ và gió kéo về. Câu chuyện có tác dụng nói lên sự thật và tố cáo chiến tranh đã làm cho con người đau khổ và bất hạnh để nhân đạo hóa hoàn cảnh và nhân đạo hóa từng cá nhân con người.

Còn với nhân vật Phô trong Mặt trời dưới dòng sông thì lại diễn ra bi kịch khác. Với tình yêu cháy bỏng, đáng lẽ ra Phô và người yêu phải được tận hưởng niềm vui tuổi trẻ, nhưng vì chiến tranh xảy ra, Phô phải hy sinh xuân sắc của mình. Phô là một cô y tá xinh đẹp, dũng cảm. Chị đã yêu người con trai mà chị từng cõng lội qua sông khi anh bị thương. Và rồi, chính anh là người tình cờ đã khám phá được vẻ đẹp con gái của chị. Nhưng rồi, tình huống ác liệt, hai người không được gần nhau. Chị vẫn thủy chung, yêu anh và hy vọng ngày anh trở về tìm gặp chị dù chiến tranh đã qua lâu lắm rồi và giờ đây chị không còn trẻ nữa. Phô nhớ lại: Người đàn ông, hoàng tử lạc rừng đã không hôn chị. Chị chớp mắt nhìn tránh chỗ cúc áo anh để hở, khi anh kịp đặt chị lẹ làng xuống phiến đá. Toàn thân anh run rẩy, chuếnh choáng vì phải kiềm chế. Anh cố gắng nuốt sâu vào ngực một hơi thở nóng, lặp lại câu nói với ý nghĩa kinh khủng của nó. Mà chỉ khi chạm chân xuống đất như thể rơi hẳn xuống vực thẳm, chị mới nhận ra.

- Nếu không có chiến tranh…

- Một nỗi tủi hờn cay đắng tràn dậy, chị kinh khủng khóc òa. Chị khóc nức nở, khóc dữ dội.

Đó cũng là một dạng bi kịch mà trong chiến tranh, tuổi trẻ phải vượt qua để vì những gì cao cả, thiêng liêng khác. Nếu Mịn, chị đã bị tổ chức kỷ luật và không được tiếp tục nhận nhiệm vụ thì với Phô, chị đành phải chôn vùi tình yêu dưới đáy nước, dưới những hố cát tử thần. Sau lần gặp nhau đó, chị không còn biết tin tức gì về anh. Cho mãi về sau, khi chị nhận ra được sự tàn phai của tuổi trẻ, thì chị mới biết mình đã đi qua một đoạn đời dài đến thế. Và chị không còn có thể mở lòng mình với một người đàn ông nào khác. Trở về sau chiến tranh, Phô đã thành một con người khác, tình yêu và tuổi thanh xuân đã khác. Tất cả đã mất đi mãi mãi theo thời gian và những năm tháng ở mặt trận.

Nhân vật Vân trong Bản nhạc con hươu buồn lại tái hiện một hoàn cảnh đặc biệt trong chiến tranh mà người phụ nữ phải gánh lấy bi kịch. Vân chỉ huy “đội quân tóc dài” san lấp đường rừng cho bộ đội ra mặt trận. Họ phải gánh vác những công việc quá sức chịu đựng của những người vốn sinh ra không phải để làm những việc như thế. Vậy mà chín mươi chín cô gái làm đường dưới sự chỉ huy của Vân, họ đã vượt qua tất cả để hoàn thành nhiệm vụ một cách hăng say và nhẹ nhàng bằng tinh thần lạc quan tươi trẻ: Phải hát để phục vụ bộ đội hành quân. Em cũng hát. Chị cũng hát… Cả đại đội phải biết hát. Đó như là mệnh lệnh. Bằng giọng hát của mình, Vân đã thôi thúc được đoàn quân ra trận và tạo thành niềm cảm hứng để người chị yêu quý là Thuận Hà sống dậy tình yêu âm nhạc còn lẫn khuất trong anh. Thuận Hà cảm xúc và sáng tác được những ca khúc hay cho Vân và mọi người ca hát để vượt qua gian khổ. Nhưng kết cục, chính Vân lại là người phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc ấy. Vân sẵn sàng ăn những củ sắn nhỏ nhất, dài ngoằng như những sợi dây, nhường những củ ngon nhất cho người yêu. Và cũng vì yêu Thuận Hà mà Vân đã phải rời bỏ đơn vị, lang thang khắp các nẻo đường Trường Sơn để tìm anh, nhưng trớ trêu thay, anh lại theo đuổi một người khác. Sau 10 năm, tình cờ gặp lại Thuận Hà, anh không nhận ra Vân:

Đến giờ phút ấy, anh mới nhìn sâu vào mặt người phụ nữ. Trong phút chốc, trời đất như sụp lở dưới chân anh. Anh đưa mắt nhìn từ đầu đến chân người phụ nữ trước mặt mình. Người này là Vân? Vân của anh từ những ngày đầu chiến tranh… Giọng người phụ nữ run run:

- Anh đã không nhận ra em ba hôm nay rồi.

Cái ánh mắt lúc bấy giờ của Vân, nhiều năm sau không thể quên ấy, nhìn anh. Vân chờ đợi anh. Điều ấy quá khó chối cãi. Chờ đợi và oán trách anh… Vân nén tiếng thở dài sầu não… Vân cũng đã khóc được. Khóc được, nghĩa là đã chín bỏ làm mười cho anh…

Sự vị tha và hy sinh ấy chỉ có ở những người phụ nữ có tâm hồn sáng trong và nhân hậu như Vân dẫu những vết thương lòng ấy chỉ mình chị biết và giấu kín tận đáy lòng. Chị đã vĩnh viễn mất đi vẻ đẹp thanh tân và giấc mơ về một cuộc sống gia đình bé mọn và hạnh phúc như bao người thiếu nữ khác trên đời.

Một tình cảnh khác không kém phần chua xót được tái hiện trong truyện ngắn Sau những bức thư. Câu chuyện về tình yêu và nỗi đợi chờ giữa người ra chiến trường và kẻ ở hậu phương đã tạo nên mối quan hệ đặc biệt của thời chiến. Mai Xinh yêu một người con trai và cả hai chỉ biết nhau qua những bức thư. Họ xem đó là nguồn sức mạnh để người chiến sĩ và em gái hậu phương vững tin công tác và chiến đấu. Tình yêu ấy lớn dần theo tình yêu Tổ quốc, dù Mai Xinh sau đó mất liên lạc với anh, nhưng chị vẫn yêu anh và tin vào tình yêu chung thủy của anh trong đạn bom chia cắt. Chiến tranh và nỗi đợi chờ kéo dài đã biến chị thành cô gái biết tự vỗ về tin yêu và chịu đựng.   

Phản ánh đề tài chiến tranh, Lê Thị Mây không ngần ngại tái hiện những hy sinh, mất mát dù đó là điều xa xót trong tận cùng sâu thẳm nỗi đau. Ở đó, phụ nữ và trẻ em là những nạn nhân chịu những bất hạnh lớn nhất trong những nỗi bất hạnh. Cái chết của Út Bình trên đỉnh đèo Dạ Lê hay cái chết của bé Thà trong một đụm cát còn đẫm bọt sóng. Cái chết của em Nhân, em Sương và bao nhiêu em bé tội nghiệp khác khi ra đi không được nhìn thấy mặt bố mẹ mình đã nói lên tính khốc liệt của chiến tranh. Cả cái chết của 12 cô gái ở trạm K12 làm thổn thức bao người: Mười đồng đội của chị đã ra đi. Tất cả không một ai trong họ kịp thức giấc. Quả bom tấn đã khoan từ tháp chuông nhà thờ Phù Lưu. Mười cô gái trẻ vừa chợp mắt, vai và lưng chỉ tựa nghiêng xuống ba lô lỉnh kỉnh đủ các thứ phụ tùng lính áp tải hàng. Quả bom nhằm vào cái tháp chuông, hay những vệt đường mòn lẫn khuất trong phố đổ? Hay là họ mất hút trong gạch vụn. Mọi hiệu lệnh cấp cứu và bới tìm đều vô vọng. Vậy mà chỉ cái tháp chuông nhà thờ Phù Lưu là còn nguyên vẹn. Nó đổ ụp xuống ngoạm sâu vào sàn nhà thờ. Nhưng điều này không thể giải thích nổi, trong lòng chuông khi kéo đẩy, lật ngửa nó ra, lại phát hiện một cô gái ngủ ngồi. Đấy là cái Loan. Còn Trang? Còn Thứ? Còn Quỳnh? Còn Thư? Hảo, Chưa, Nồng, Thảo? Đến một mẫu dép, một chiếc cặp tóc cũng không nhìn thấy. Chỉ riêng Loan, bị cái chuông đồng chụp xuống như cá bị chụp trong nơm, nhưng thân thể đã lạnh cứng, ấy là cô đã chết ngạt trong cái chuông nặng đến cả tấn. Đó là nỗi đau thể xác. Còn nỗi đau tinh thần thì càng dai dẳng và ám ảnh hơn nữa.

Để tạo nên hiệu quả nghệ thuật cho hình tượng, Lê Thị Mây thường miêu tả vẻ đẹp của người phụ nữ trong chiến tranh để phần nào thấy được sự đối lập với sự bi thương, chết chóc nhằm nhân đạo hóa hoàn cảnh. Mái tóc dài mượt của của các cô gái trong những hoàn cảnh ác liệt gợi lên vẻ đẹp dịu dàng, chung thủy. Mái tóc huyền đẹp của Lam, của Mịn, của Vân, của Đạm… chứa đựng sự bí ẩn nữ tính của họ càng gợi lên trong người đọc nỗi hy sinh, chịu đựng. Lê Thị Mây đã không ghìm được xúc động khi miêu tả mái tóc của Vân trong Bản nhạc con hươu buồn, làm người đọc xúc động và thương cảm: Vân xổ tung mái tóc ròng ròng nước bạc, chỉ cho anh xem. Để gỡ khỏi bè củi đó, em bứt hết chỗ mái này này… Bi kịch ở đây vừa phản ánh ý nghĩa thực vừa mang ý nghĩa mỹ học nên nội cảm hóa trong lòng người đọc một cách trực tiếp theo tầm đón đợi tích cực và nhân bản.

Phản ánh chiến tranh và con người trong chiến tranh, Lê Thị Mây đã chọn những hoàn cảnh bi kịch nhất của chiến trường để khắc họa hình tượng nhân vật nữ với nhiều trạng huống và chi tiết bất ngờ. Vết thương thể xác và nỗi đau tinh thần kéo dài ra đến thời bình, khiến lòng họ không bao giờ nguôi quên; mỗi lần nghĩ là mỗi lần rùng mình, ớn lạnh. Với cái nhìn hiện thực tỉnh táo và lối viết nữ giới giàu tính nhân văn, Lê Thị Mây vừa tôn trọng hiện thực, vừa nén bi thương để tái hiện những bi kịch của người phụ nữ sau chiến tranh bằng cảm quan hòa hợp, đối thoại và nhân đạo hóa để phần nào đồng cảm và xoa dịu nỗi đau tinh thần của họ và của người tiếp nhận. Dụng ý né tránh và giảm thiểu việc miêu tả trực tiếp những đau thương, mất mát thời chiến nên các nhà văn nữ thường đi sâu vào vết thương tâm hồn, những u ẩn lặng thầm trong chính họ và kéo dài ra trong nỗi đau, niềm tự hào của người thân và đồng đội.

Đề tài chiến tranh thông qua bi kịch của người phụ nữ thời chiến và thời hậu chiến trong tác phẩm của các nhà văn nữ, trong đó có Lê Thị Mây đều tập trung khai thác ở những chi tiết và góc khuất của số phận qua từng bi kịch mà mỗi nhân vật phải gánh chịu trong thời chiến và kéo dài ra đến xã hội thời bình. Từ vốn ký ức chiến tranh của mình, Lê Thị Mây đã tái hiện bi kịch của người phụ nữ sau chiến tranh theo cách riêng và nỗi buồn riêng cho từng thân phận. Đó không chỉ là nỗi đau của những người phụ nữ trở về từ cuộc chiến, mà còn chính là nỗi đau của những người ở hậu phương bị tác động của chiến tranh để giờ nhận lấy bi kịch. Vân trong Bản nhạc con hươu buồn đã không thể nào quên những ngày tháng ở chiến trường. Mỗi độ hè về, chị lại lại xách vali lên tàu đi ngược về chiến trường xưa để tìm lại chứng tích của mối tình đầu và để tưởng nhớ những đồng đội của chị đã vĩnh viễn nằm lại ở những cánh rừng và những đoạn đường mà cuộc chiến đã đi qua. Đó là Phô trong Mặt trời dưới dòng sông, là nữ cứu thương rời cuộc chiến với bao bộn bề hiện tại, nhưng chị không thể nào quên gương mặt vừa lạ vừa quen cứ hằng đêm hiện về trong giấc mơ chập chờn, mộng mị của chị. Chị không thể quên người ấy và vì vậy chị không thể yêu ai khác ngoài anh, dù anh đã biền biệt trên cõi đời này. Chị chấp nhận nỗi đau cho riêng mình để kỷ niệm dù xót xa, nhưng nỗi buồn có cớ để yêu thương và được vỗ về, xoa dịu.

Trong Hai người mẹ, Lê Thị Mây lại khai thác một hiện thực hậu chiến có tính phổ quát của đất nước sau chiến tranh. Đó là câu chuyện chồng Bắc, vợ Nam với hiện thực trái ngang: Chồng lấy vợ Bắc, sinh con; còn người vợ Nam thì ở vậy chờ chồng 20 năm chia cắt, mơ ước được làm mẹ, được sum họp với chồng, nhưng luôn sống trong tủi buồn, chờ đợi. Bà Sâm là điển hình cho sự trái ngang này: Chồng bà Sâm nhớ lại ngày cưới của mình và nói với đứa con trai: giữa lúc hai họ đang còn uống rượu, ăn trầu, thì má con đeo khăn gói tiễn bố về điểm tập kết. Ngày cưới biến thành ngày chia ly tràn đầy nước mắt: Ngày bố đi má con khóc. Nước mắt của má là những giọt nước mưa, nhưng là giọt nước mưa chát đắng. Bao nhiêu năm xa cách, nhớ má con là bố nhớ tới những giọt nước mắt. Bố hình dung, nếu đất nước thống nhất, gặp lại, có lẽ cả bố và mẹ đều khóc. Tranh nhau mà khóc đấy con ạ. Thế mà đã ba cái phép bố về thăm má con trong đó rồi, mà cả má con và bố đều không khóc. Không khóc được con ơi! Lời tâm sự với con trai của vợ ở miền Bắc sao mà nhẹ tênh mà nặng trĩu xa xót, ngang trái!

Sau ngày đất nước thống nhất, ông về phép thăm lại quê Nam cũng là lúc niềm vui sum họp của bà bị vỡ mộng, khi bà biết chồng mình đã có vợ con ở miền Bắc. Tự ái, bà Sâm không chịu nối lại tình xưa và chấp nhận thua thiệt trong đơn độc, nhưng nội tâm thì uất nghẹn và khổ đau. Nhưng rồi lòng khát khao hạnh phúc và nỗi trống vắng đã giúp bà Sâm vượt qua mọi mặc cảm và vui mừng đón nhận Thái - đứa con của chồng ở miền Bắc đi bộ đội, dành đợt phép đầu tiên của đời lính để về thăm mẹ miền Nam trong hoàng hôn xuống chậm. Bà ngỡ ngàng nhưng rồi sự khát khao làm mẹ, bà đã cất tiếng gọi “con”: cái tiếng nói ấy bà vừa thốt lên, nhưng đã muốn nén giữ lại, để nó khỏi bay mất như con chim mẹ lo sợ mất tiếng hót gọi con buổi hoàng hôn. Hình tượng bà Sâm là điển hình cho hàng vạn bà mẹ Việt Nam khác trong hoàn cảnh hai mươi năm Bắc - Nam chia cắt thủy chung chờ chồng, hy sinh thầm lặng để đem lại niềm vui cho người thân và nhận về mình bao xót cay, nghẹn đắng. Trước Thái và chồng mình, bà Sâm cũng đã khóc được. Ôi những giọt nước mắt thiêng liêng, tình nghĩa: Em hiểu. Anh cứ để em khóc. Em khóc là khóc cho em. Còn gì xúc động và cao đẹp hơn cuộc đoàn viên như thế!

Còn bà Sịa trong một câu chuyện khác thì buồn tủi hơn. Chồng bà vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường để bà tuổi già trong héo hon, côi cút. Khát khao yêu thương và khát khao làm mẹ đã làm cho biết bao người phụ nữ phải chịu lỡ làng, góa bụa và thui thủi trong đơn độc. Riêng bà Thí trong truyện ngắn Lửa thì được an ủi hơn, bởi sau chiến tranh, bà còn có chồng bên cạnh, nhưng quyền làm mẹ thì vuột khỏi tầm tay, bởi chiến tranh đã cướp đi của bà người con trai yêu quý, không biết thân xác anh giờ ở nơi nào để hai vợ chồng bà mỏi mòn thương nhớ trong tuổi xế chiều nhọc nhằn và trĩu nặng.

Còn người mẹ trong truyện ngắn Phố đổ thì lại diễn ra với hoàn cảnh nghẹn ngào khác. Là người có chồng và có chín lần sinh con, nhưng đến ngoài năm mươi tuổi, chị vẫn còn vật vã vượt cạn để mong mang lại cho chồng những đứa con. Dòng nước mắt hạnh phúc khi sinh con của chị đã làm cho cô y tá Mai bất ngờ đến thổn thức, bởi đã động đến tâm hồn cô một nỗi niềm thương cảm. Bởi vì trước chiến tranh, Mai cũng có một gia đình đầm ấm, nhưng vì một trận càn quét của giặc đã chôn vùi chín mạng người trong gia đình chị vĩnh viễn nằm dưới cát sâu. Một mình chị là người duy nhất của gia đình và của đơn vị còn sống sót sau loạt đạn bom ác liệt. Mang trong lòng nỗi đau mất mát và tổn thương rất lớn, nhưng chị vẫn gắng sống và đem lại niềm vui cho bao người khác. Chị hiểu được cái giá của sự sống và khát khao làm mẹ như thế nào. Các truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh của Lê Thị Mây đã thực sự mang lại giá trị nhận thức và nhân văn sâu sắc.

Đi sâu vào thế giới nội tâm từng số phận nhân vật, Lê Thị Mây đã thực sự động đến nỗi đau bản thể của con người trong và sau chiến tranh. Đó là bi kịch cần phải được đồng cảm và sẻ chia, cần phải được tôn vinh và tự hào để không ngừng phản đối chiến tranh, phản đối sự hủy diệt tàn bạo và vô nhân đạo do kẻ thù gây ra.

Rừng thiêng cũng là một truyện ngắn hay và xúc động kể về câu chuyện bà Thiếp lấy chồng từ thuở mười chín, nhưng ngoài bốn mươi tuổi bà mới được chung chăn gối với chồng. Trong xa cách, bà vẫn giữ trọn lòng chung thủy, mặc dù biết ông Lạp đã phụ tình. Bà lặng lẽ phụng dưỡng bà nội chồng chu đáo không một lời than oán. Lê Thị Mây đã không quên ngợi ca những phẩm hạnh tốt đẹp, giàu thiên tính nữ ấy ở người phụ nữ, đặc biệt là những người phụ nữ đã đi qua chiến tranh, qua phận đời ngang trái.

Nhân vật Lam trong truyện ngắn Đêm trước chiến tranh lại khắc họa mối quan hệ phức tạp khác. Lam yêu chồng mình, nhưng chính chị là người phá vỡ tình yêu đó. Trong đêm tân hôn, Lam tìm đến Liêm, mong muốn dâng hiến sự trinh trắng cho Liêm. Đó phải chăng là tâm lý nổi loạn bất thường của một cô gái bồng bột? Cuối tác phẩm, người đọc mới vỡ lẽ khi biết Lam đã cắt suối tóc dài đẹp - linh hồn của một người con gái trao cho Liêm. Họ nhận ra, tình yêu của Lam dành cho Liêm mới là tình yêu chân thật, duy nhất và bền vững.

Lê Thị Mây luôn trân quý và đồng cảm với bao số phận bi kịch của người phụ nữ trong chiến tranh và sau chiến tranh. Nhà văn đã thật sự yêu thương và đồng cảm với họ - những con người sinh ra với đặc điểm giới của mình, họ đã dịu dàng, bao dung và che chở cho người thân, người yêu và những số phận bé nhỏ khác bằng thiên tính nữ dạt dào. Họ đã chấp nhận nỗi đau và sống hết mình, tin yêu hết mình để mội tốt đẹp và lòng tốt được lên ngôi trong khát vọng nhân ái, giao hòa, dâng hiến.

*

Hồ Thế Hà đã viết: Nếu xem truyện ngắn là một thể loại đa hình hài, đa cảm xúc, sẵn sàng cho mọi biến đổi và biến hóa về hình thức; sẵn sàng cho các sắc thái tình cảm, các phương thức thể hiện được huy động trong những chủ đề cũng như những lát cắt hiện thực hấp dẫn khác nhau, thì ở truyện ngắn về đề tài chiến tranh của mình, Lê Thị Mây có khả năng khám phá những yếu tố đó trong từng tác phẩm một cách hiện thực và nghệ thuật. Qua đó, giúp tư tưởng và cấu tứ của từng truyện ngắn, từng nhân vật có khả năng du hành và nội cảm trong bạn đọc đồng sáng tạo bằng con đường tắt, nhưng đầy thương cảm và xúc động. Và vì vậy, hiệu cảm nghệ thuật truyện ngắn viết về chiến tranh và số phận người phụ nữ trong chiến tranh của Lê Thị Mây đến nay vẫn còn nguyên giá trị nhận thức và giá trị thẩm mỹ trong tiếp nhận của người đọc đương đại.

                                                            

 

 

HOÀNG THỊ KHÁNH LY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 361

Mới nhất

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

3 Giờ trước

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển

19/11/2024 lúc 16:48

Sáng nay 19/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 20024, với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Quảng Trị đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển”.

Bản sắc vùng cao Quảng Trị trong không gian triển lãm trưng bày hiện vật và ảnh nghệ thuật

19/11/2024 lúc 10:21

Triển lãm ''Không gian văn hóa Hồ Phương và Ảnh nghệ thuật bản sắc vùng cao của tác giả Hồ Thanh Thọ, Lê Ngọc Tú'' diễn ra trong hai ngày 18 - 19/11/2024 tại khách sạn Đông Trường Sơn (thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị)

Ca sĩ Tân Nhân - còn mãi với giai điệu “Xa khơi”

19/11/2024 lúc 08:34

Có lần nhà văn Châu La Việt trở lại thăm quê nhà Quảng Trị, mấy anh em văn nghệ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

24/11

25° - 27°

Mưa

25/11

24° - 26°

Mưa

26/11

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground