Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Màu sắc phật giáo trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

T

rịnh Công Sơn đã mê hoặc hàng triệu con tim bằng sự ưu tư đầy Phật tính trong các ca khúc của mình. Thế nhưng lúc nào ông cũng bị ám ảnh bởi một cuộc chia tay lớn: “Đường nào dìu tôi đi đến cơn say/ Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời” (Bên ®ời hiu quạnh), hay: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi” (Cát bụi), hoặc: “Ôi, tiếng buồn rơi đều/ Nhìn lại mình đời đã xanh rêu (Tình xa)… Và cuộc đời ông quả đã kết thúc sớm giữa một rừng hoa tang trắng vào ngày 1 tháng 4 năm 2001. Sự ra đi của ông như một dấu lặng vĩnh hằng chấm dứt chuỗi giai điệu 63 năm của một kiếp du ca. Dẫu con chim họa mi Trịnh Công Sơn đã bay về “cõi thiêng”, nhưng những giai điệu để lại vẫn không ngừng vang vọng như xoáy sâu vào tâm hồn người nghe những vấn nạn muôn thuở của kiếp người.

Ông sinh ra ở Daklak, nhưng lớn lên ở thành phố Huế trong không khí tĩnh lặng của ngôi chùa Hiếu Quang, nơi gia đình gửi ông vào vì đời sống quá khó khăn và dường như nhìn thấy nơi bản thể ông căn nghiệp tu hành. Những năm tháng sống ở chùa đã lưu dấu trong âm nhạc Trịnh Công Sơn một cái nhìn thăm thẳm và hư vô đối với đời sống. Sinh thời, Trịnh Công Sơn tâm sự: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã đọc kinh và thuộc kinh Phật. Thuở bé tôi hay đến chùa vì thích sự yên tĩnh. Có nhiều năm tháng nằm bệnh, đêm nào mẹ tôi cũng nhờ một thầy đến nhà tụng kinh cầu an và tôi thường đi vào giấc ngủ êm đềm giữa những câu kinh đó. Có lẽ vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức bên cạnh những di sản văn hóa Đông-Tây góp nhặt được còn có lời kinh kệ nằm ở đấy”.

Với Trịnh Công Sơn, đạo Phật là hơi thở, là triết học làm cho con người yêu đời hơn chứ không thờ ơ hay lãng quên cuộc sống: “Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình, một thức triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc lời ru con của mẹ.  Tôi cố gắng làm thế nào để có thể trong bài hát của mình chuyên chở được một thông điệp của lòng nhân ái đến với mọi người”. Ông còn nói: “Không hiểu sao những năm gần đây tôi thường nghĩ về Phật giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ “sát na”, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi, đứng, nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi, đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực. Tôi vẫn tiếp tục cách sống như thế hằng ngày. Tôi đang cố gắng quên Phật giáo như một tôn giáo. Tôi muốn đó là một thứ triết học siêu thoát mà ai ai cũng phải học, ngay cả những người thuộc tôn giáo khác. Mỗi người phải tự nỗ lực để xây dựng cho bằng được một ngôi chùa tĩnh lặng trong lòng mình và nuôi lớn Phật tính trong chính bản thân thành một tượng đài vững chắc. Nó sẽ giúp ta nhìn thế giới khác đi, nhìn cuộc đời khác đi”.

Tự dầm mình trong khí hậu của cô đơn, trong cái màu sắc Khổ đế của Phật giáo và dùng lăng kính ngày xưa để yêu và sống, chỉ có điều Trịnh Công Sơn nói bằng nhạc và thơ: “Nghe xót xa hằn lên tuổi trời/ Trẻ thơ ơi/ Trẻ thơ ơi/ Tin buồn từ ngày mẹ cho/ Mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). Do đó thế giới nhạc ngữ Trịnh Công Sơn rất lạ: Thực quyện Ảo, Không quyện Có, Khoảnh Khắc hòa lẫn với Thiên Thu… Nhưng ngày nào đời sống còn hiến tặng những “cây trái trần gian” thì ngày đó Trịnh Công Sơn còn tha thiết với đời. Dẫu đó chỉ là những sắc màu của kỷ niệm, của sự chia lìa, khổ đau, mất mát: “Dù đến rồi đi/ Tôi cũng xin tạ ơn người/ Tạ ơn đời/ Tạ ơn ai/ Đã cho tôi tình sáng ngời/ Như sao xuống từ trời” (Tạ ¬n). Cả cuộc đời ông là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của một Phật tử. Trong Để gió cuốn ®i, ông đã hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không/ Để gió cuốn đi/ Để gió cuốn đi” và trong bài Ru em“Yêu em yêu thêm tình phụ/ Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”. Đây là thái độ “phá chấp” của một con người thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Bởi “tôi yêu cuộc đời và cuộc đời cũng đã yêu tôi. Đó là niềm an ủi lớn trong cuộc đời này. Vì thế trong lòng tôi không có một giây phút nào nuôi một lòng oán hận với đời. Dù có đôi khi nhân gian bạc đãi với mình, và con người phụ rẫy mình, nhưng cuộc đời réng lớn quá và mỗi chúng ta chỉ là những hạt bụi nhỏ nhoi trong trần gian mà thôi. Giận hờn, trách móc mà làm gì, bởi vì cuộc đời sẽ xóa hết những vết bầm trong tâm hồn chúng ta, nếu lòng ta biết độ lượng. Ta biết tha thứ những điều nhỏ thì cuộc đời sẽ tha thứ cho ta những điều lớn hơn”. -  ông đã từng nói như thế.

            Sự nhạy cảm với tính hữu hạn của đời người theo qui luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử trong dâu bể vô thường đã làm nên một phong cách Trịnh Công Sơn “một mình một cõi” với những ca từ đầy chất thơ, triết lý, kết hợp với những khúc thức giản dị mang âm hưởng giọng thứ (La thứ) u hoài, man mác, gợi lên một sự trầm tư không dứt về ý nghĩa tồn tại của đời người trên dòng thời gian tuyến tính, mà xét đến cùng cũng chỉ là một tiến trình từ chiếc nôi đến nấm mồ không thể đảo ngược:“Dưới vòng nôi mọc từng nấm mồ/Dưới chân người cỏ xót xa đưa” (Cỏ xót xa ®ưa). Thế nhưng, đôi khi Trịnh Công Sơn cũng rất “hảo hán” và “ngông nghênh”. Trong Này em có nhớ, Trịnh Công Sơn hát: “Chúa đã bỏ loài người/ Phật đã bỏ loài người/ Này em xin cứ phụ người”. Và ông cũng mạnh bạo tuyên bố trong bài Tự tình khúc“Chỉ có ta trong một đời” rồi chọn cách sống hết mình: “Hãy cứ vui chơi cuộc đời/ Đừng cuồng điên mơ trăm năm sau/ Còn đây em ngọt ngào/ Đứng bên ngày yêu dấu/ Nhìn mây trôi đang tìm về núi cao” (Hãy cứ vui như mọi ngày). Đây không phải là một thái độ nổi loạn theo kiểu hiện sinh mà là cách nhìn nhận của một Phật tử trước những nỗi khổ đau và tính cách tạm bợ của cuộc đời. Nhưng dù có “ngông nghênh” tới đâu, Trịnh Công Sơn cũng về với cái trầm buồn, u hoài, xa vắng. Tất nhiên, đó không phải là cái buồn vu vơ theo kiểu “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (thơ Xuân Diệu) mà là cái buồn của trí tuệ. Nói cho cùng Trịnh Công Sơn vẫn là thi sĩ của nỗi buồn. Dường như chỉ nỗi buồn mới có khả năng tạo ra cái đẹp của nghệ thuật? Thế gian này sẽ hiểm nguy hơn, dễ đổ vỡ hơn nếu chỉ có tiếng cười vui và những hoan lạc. Trong bầu khí quyển rợn ngợp hư vô, Trịnh Công Sơn nhìn thấy:“Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa). Sỏi đá cũng cần có nhau huống chi con người! Nhưng thời gian vẫn được đắp đổi bằng bốn mùa trông ngóng. Tình người vẫn được xưng danh bằng những Tình sầu,Tình xaTình nhớ… Biết đến bao giờ ta mới cảm nhận được niềm hân hoan của “bờ xa nước cạn đã chìm vào cơn mưa”?

            Ông lớn lên qua cuộc chiến tranh dai dẳng, cùng khắp đến nỗi đứng ở tọa độ nào trên đất nước này cũng nhìn thấy và trải nghiệm không khí chiến tranh. Ông lang thang, ngơ ngác, lặn chìm giữa cuộc sống bức bối, ngột ngạt, giữa tiếng bom cày nát quê hương: “Đại bác đêm đêm dội về thành phố/ Người phu quét đường/ Dừng chổi đứng nghe/ Đại bác đêm đêm ru da thịt vàng/ Đại bác nghe quen như câu dạo buồn/ Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương/ Trẻ con chưa lớn để thấy quê hương” (Đại bác ru ®êm). Dưới một bầu trời như vậy, thân phận con người là một vấn nạn lớn. May thay! Con người là một sinh vật luôn biết vượt lên hoàn cảnh. Để vượt thắng nỗi đau ấy, con người tìm kiếm mọi nẻo đường để “hòa giải” với thiên nhiên, với người khác, với chính mình, với cái siêu linh trên một trình độ khác cao hơn, không đơn giản, để “đạt thân” ở chốn “quê nhà đích thực”: “Tìm thấy nỗi nhớ từ mỗi chiếc lá/ Góc phố nào cũng thấy quê nhà” (Tình yêu tìm thấy). Tình yêu chính là “miền đất hứa” giữa chốn nhân gian này. Nhưng nợ trần không dễ, không dài. Thượng đế hào phóng ban cho con người tình yêu thì ngài cũng hào phóng đặt luôn vào đấy cả sự khổ đau, mất mát: “Cuộc đời cho tôi/ Cho tôi trái cấm/ Trên đôi môi em/ Cuộc đời cho thêm/ Cho em có cánh/ Bay đi vội vàng” (Giọt lệ thiên thu); “Một ngày tình cờ biết em/ Là ngày lạ lùng biết trần gian”(Còn thấy mặt người). Từ em, tôi nhận ra những mầu nhiệm của cuộc sống. Nhưng cũng từ em, tôi biết thêm thập giá đời: “Tưởng rằng đã quên/ Cuộc tình sẽ yên/ Tưởng rằng đã quên thân đau muốn nằm/ Vì từng bước em/ là từng mũi đinh cuồng điên” (Tưởng rằng ®ã quên). Và rồi: “Đời tôi ngốc dại tự làm khô héo tôi ơi” (Chiếc lá thu phai).

            Tuy nhiên, nếu chỉ vì lý do ấy mà Trịnh Công Sơn mất hẳn khả năng yêu và mất tình yêu thì có lẽ Trịnh Công Sơn đã không trở thành “người viết tình ca hay nhất thế kỷ” (lời nhạc sĩ Thanh Tùng). Có lần ông tâm sự: “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị tình phụ. Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá, không yêu được chốn này thì yêu nơi khác. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu”. Và tình yêu là phương thuốc diệu kỳ giúp con người quên đi nỗi ê chề của kiếp “sỏi đá”. Bởi qua tình yêu, con người hiểu rằng cần phải cưu mang trong mình dòng máu nóng để kéo dài kiếp sống trong vũ trụ giá băng này.

            Như “Đức giáo hoàng của Ái Tình Giáo”, Trịnh Công Sơn lớn tiếng cổ vũ: “Hãy yêu nhau cho gạch ngói có tin vui” (Hãy yêu nhau ®i). Nhưng tình khúc của Trịnh Công Sơn lại phảng phất những nét buồn, tái hiện từ cõi lòng những tiếng gọi da diết, lẫn khuất trong đó là những hờn ghen, giận tủi vô thường của con người trong kiếp trầm luân. Ông quen với những cuộc chia ly hơn là những phút gặp gỡ. Gặp gỡ trong giây lát rồi xa cách nghìn trùng. Tất cả đối với ông chỉ là những ký ức dĩ vãng, những chuyện tình huyền thoại xen lẫn những mảng đời thường của hôm qua nhiều hơn là hôm nay.

            Trịnh Công Sơn đã thênh thang “một cõi đi về” mà bóng dáng ông vẫn còn mãi trong hồn người, hồn đất chốn này. Cái ông để lại không phải là cái có thể cầm nắm được mà là hơi ấm tâm linh, niềm an ủi dặn dò của một Phật tử dành cho bao người đã đến và sẽ đến trần gian này làm người. Nó là những lời thì thầm dấu yêu, những khúc thơ đau thương về thân phận kiếp người, cái đẹp muôn đời mà con người có đầy đủ tư cách cất mình vươn tới.

     T.C

 

Trịnh Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 183 tháng 12/2009

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground