Lò rèn của ông Nguyễn Đức Tân, một trong những lò rèn thủ công còn hoạt động ở phường 3 - Ảnh: H.T.T
Những nghệ nhân còn gắn bó với nghề rèn truyền thống ngày nay đang phải đối mặt với muôn vàn thách thức từ sự cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp giá rẻ, đến khó khăn trong việc truyền nghề cho thế hệ trẻ và những rào cản trong việc liên kết sản xuất và áp dụng công nghệ hiện đại. Thế nhưng, chính tình yêu nghề đã trở thành nguồn động lực để họ tiếp tục giữ lửa cho những lò rèn, bảo tồn nét đẹp di sản và gìn giữ hồn cốt của vùng đất quê nhà thân thương.
Theo ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, vào thế kỷ XVI - XVII, Đông Hà thuộc tổng An Đôn, huyện Đăng Xương. Đây là thời kỳ người Việt mở rộng bờ cõi về phương Nam, và người dân đã định cư, lập làng, khai khẩn vùng đất này. Theo nhiều nguồn tài liệu, dòng họ đầu tiên khai khẩn đất Đông Hà là người từ Đông Triều (Hải Dương) và làng Hiền Lương (Thừa Thiên - Huế). Các dòng họ Trần, Nguyễn, Ngô, Lê, Hoàng từ nhiều miền đất khác nhau như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị cùng quần tụ, lập nên xóm làng. Tuy nhiên, nghề rèn không xuất hiện ngay từ buổi đầu mà được truyền vào Đông Hà bởi hai anh em họ Nguyễn Đức, người làng Lễ Môn (Gio Linh).
Sự xuất hiện của nghề rèn đã đánh dấu bước chuyển trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân Đông Hà xưa. Nghề rèn không chỉ đáp ứng nhu cầu nông cụ trong sinh hoạt hàng ngày của cư dân địa phương mà còn phục vụ cho các vùng lân cận. Thời kỳ hưng thịnh của nghề rèn phường 3, Đông Hà không chỉ ghi dấu ấn về mặt kinh tế mà còn tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc. Ngày nay, dù phải đối mặt với nhiều thách thức khó khăn, những giá trị tinh hoa ấy vẫn tiếp tục được lưu giữ trong từng sản phẩm, từng câu chuyện của những người thợ rèn còn bám trụ với nghề.
Nghề rèn không chỉ đòi hỏi kỹ năng khéo léo, kiên nhẫn mà còn cần sự phối hợp ăn ý giữa các thành viên trong lò rèn. Để tạo ra những sản phẩm sắc bén, bền đẹp như dao, rựa, cuốc, liềm,… các “nghệ nhân” phải thực hiện một quy trình lao động thủ công đầy công phu, nơi mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác. Yếu tố quyết định thành công của lò rèn chính là sự phối hợp nhịp nhàng của cả đội ngũ. Trong đó, thợ cả với tay nghề cao và nhiều năm kinh nghiệm giữ vai trò chủ chốt. Họ không chỉ dẫn dắt các thành viên khác mà còn quyết định hình dáng, độ bền và chất lượng của từng sản phẩm, biến từng thỏi sắt, thép thành những công cụ hữu ích, mang đậm dấu ấn của nghề rèn truyền thống.
Nguyên liệu chính của nghề rèn là sắt và thép, được người dân thu mua nhập về với số lượng lớn để dùng dần. Kế đến là than - nguyên liệu không thể thiếu để nung chảy vật liệu, làm vật liệu dễ định hình qua các công đoạn. Sau khi định hình từ vật liệu, sản phẩm được đưa vào lò nung, sau khi lấy ra người thợ sẽ tiến hành tôi luyện, quai đập liên tục (rèn nóng) để rèn ra thành phẩm. Thành phẩm rèn ra phải qua tiếp công đoạn gia công rèn nguội để chuẩn hình và có độ sắc nhọn tùy sản phẩm. Một lò rèn truyền thống cần ít nhất 2 đến 4 nhân lực: Một thợ cả, một người phụ thụt ống hơi cho than đỏ (giữ lửa), một người đóng búa và người chuyên mài và trui. Mỗi người đều đóng vai trò quan trọng trong việc chế tác, từ nung sắt, quai búa, gọt dũa, đến hoàn thiện sản phẩm.
Dù từng là nghề truyền thống gắn bó với đời sống kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng ngày nay đang đối mặt với nhiều thách thức lớn khiến ngọn lửa trong những lò rèn dần tàn lụi. Đặc thù nghề rèn cần nhiều nhân công và yêu cầu cao về kỹ năng khiến giá thành sản phẩm thủ công khó cạnh tranh với hàng hóa công nghiệp, dẫn đến nguy cơ mai một nghề. Một trong những nguyên nhân chính khiến nghề rèn mai một là lớp trẻ không còn mặn mà với nghề truyền thống của đời trước. Nhiều thanh niên trong các gia đình có truyền thống làm nghề rèn đã lựa chọn con đường khởi nghiệp hoặc lao động trong các lĩnh vực khác vì cho rằng nghề rèn nặng nhọc, vất vả và thu nhập không ổn định, khó đáp ứng nhu cầu cuộc sống hiện đại.
Do đặc thù sản xuất thủ công, nghề rèn truyền thống yêu cầu nhiều nhân công tham gia vào từng công đoạn. Chính điều này khiến giá nhân công cao, kéo theo giá thành sản phẩm tăng, khó cạnh tranh với các mặt hàng công nghiệp sản xuất hàng loạt. Ví như một cây rựa thủ công có giá dao động khoảng từ hai đến ba trăm nghìn đồng, trong khi sản phẩm công nghiệp chỉ khoảng một trăm tám mươi nghìn đồng. Việc chênh lệch về giá thành khiến nhiều khách hàng lựa chọn sản phẩm công nghiệp, gây khó khăn lớn cho đầu ra của các lò rèn truyền thống nơi đây.
Máy đóng búa được hỗ trợ từ chế độ chính sách của tỉnh nhà đã giúp ông Nguyễn Văn Lộc tiếp tục giữ lửa lò rèn - Ảnh: H.T.T
Chính sự đòi hỏi về nhân công và quy trình làm nghề phức tạp khiến sản phẩm làng rèn truyền thống khó cạnh tranh về giá, tuy nhiên nghề rèn truyền thống vẫn giữ được chỗ đứng nhất định trên thị trường địa phương nhờ vào chất lượng và uy tín đã được khẳng định qua nhiều thế hệ. Để duy trì và phát triển nghề trong nhịp sống hiện nay, rất cần sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc giảm bớt khó khăn cho người thợ, cải tiến kỹ thuật mà vẫn giữ được bản sắc truyền thống.
Trước thực trạng nhiều làng nghề truyền thống, trong đó có nghề rèn phường 3 đang dần mai một, chính quyền địa phương đã có những chính sách và hành động thiết thực nhằm bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Với sự chỉ đạo từ ủy ban nhân dân các cấp và sự hỗ trợ từ các sở, ban, ngành, nhiều giải pháp đã được triển khai nhằm giúp người dân giữ lửa cho những lò rèn truyền thống vốn là niềm tự hào của vùng đất Đông Hà xưa.
Anh Nguyễn Văn Thương - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường 3 với ánh mắt thoáng vẻ bùi ngùi, hồi tưởng lại thời kỳ nghề rèn từng là niềm tự hào của địa phương, chia sẻ: “Trước đây, nghề rèn phường 3 là một trong những hoạt động tiểu thủ công nghiệp hiệu quả và sôi động của địa phương. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến 2012, UBND phường 3 đã cử tôi làm trưởng đoàn đi thực tế, cùng lãnh đạo, cán bộ và các nghệ nhân đến học hỏi mô hình sản xuất tại các làng nghề ở Nam Định và Bình Định. Những chuyến đi ấy mở ra nhiều điều mới mẻ khi chúng tôi tận mắt chứng kiến cách họ áp dụng công nghệ hiện đại và sản xuất theo dây chuyền. Mỗi hộ gia đình hoặc mỗi người đảm nhận một công đoạn, giúp tối ưu hóa chi phí nhân công và giảm giá thành sản phẩm đáng kể. Sau những chuyến thực tế, đến khi đề xuất và tìm hướng áp dụng thực tế ở địa phương, chúng tôi gặp không ít trở ngại. Người dân vẫn quen với phương pháp sản xuất truyền thống, tự tay hoàn thiện tất cả các công đoạn để giữ bản sắc riêng của từng sản phẩm. Sự thiếu liên kết giữa các lò rèn đã khiến việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất dây chuyền trở nên khó khăn. Một số hộ không thấy phù hợp với sự đổi mới, hoặc cảm thấy không hiệu quả về mặt kinh tế, nên đã chuyển hướng sang các ngành nghề dịch vụ khác”.
Lời chia sẻ của anh Thương vừa chất chứa nỗi niềm tiếc nuối trước sự mai một của nghề truyền thống từng rực rỡ, vừa là sự trăn trở về hướng đi mới để khôi phục, và phát triển cho những lò rèn còn lại.
Ngoài những khó khăn trong việc cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp giá rẻ, đa dạng về mẫu mã, và tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực kế thừa, nghề rèn phường 3 còn đối mặt với bài toán nan giải về ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Việc duy trì hoạt động lò rèn, đồng thời hiện đại hóa sản xuất để bắt kịp xu thế mà vẫn giữ được nét đặc trưng của nghề, đang là nỗi trăn trở lớn không chỉ với các nghệ nhân mà cả chính quyền địa phương. Nhiều thợ rèn tại phường 3 bày tỏ rằng việc áp dụng máy móc hiện đại như máy cán thép, máy đột dập, máy đóng búa,… có thể mang lại lợi ích lớn, giúp tăng năng suất và giảm bớt gánh nặng lao động thủ công. Tuy nhiên, thực tế không phải hộ làm nghề nào cũng đủ khả năng tài chính để đầu tư các thiết bị có giá thành cao này, và thủ tục để nhận hỗ trợ từ chính sách địa phương cũng là một rào cản đối với họ.
Ông Nguyễn Đức Tân, một thợ rèn với hơn ٤٠ năm kinh nghiệm ở phường ٣, chia sẻ: “Lò rèn của tôi là một trong số ít lò thủ công còn đỏ lửa. Nếu có thêm máy móc hiện đại như máy đóng búa hay máy cắt, chúng tôi có thể tăng năng suất lên gấp đôi. Dù biết chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, nhưng thủ tục xin còn phức tạp, mà chúng tôi lại không quen làm, nên thành ra ngại”.
Đối với ông Nguyễn Văn Lộc, một nghệ nhân rèn giàu kinh nghiệm tại phường ٣ được hỗ trợ mua máy đóng búa (trị giá khoảng ٣٠ triệu) nhờ chính sách củng cố, khôi phục và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Nếu không có máy đóng búa, tôi đã phải bỏ nghề từ lâu. Trước đây để vận hành lò rèn trong nhà cần ít nhất 3 người, nhưng từ khi có máy đóng búa, chỉ cần mình tôi là đủ. Để được hỗ trợ thiết bị hiện đại giúp duy trì và giữ nghề, tôi phải qua nhiều thủ tục như chứng minh tài sản của lò rèn, xin cấp giấy phép kinh doanh và nhiều giấy tờ thủ tục khác. May mắn là tôi được người thân am hiểu và hỗ trợ làm hồ sơ nên thủ tục được duyệt, giúp tôi giữ được nghề”.
Câu chuyện của ông Tân và ông Lộc phần nào phản ánh những khó khăn và hạn chế trong việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ, đặc biệt đối với những người thợ rèn nhiệt huyết, đầy đam mê nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống. Tỉnh Quảng Trị hiện đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tích cực, tuy nhiên, quy trình thực hiện vẫn yêu cầu tuân thủ nhiều thủ tục hành chính phức tạp. Điều này khiến không ít người dân, đặc biệt là những người không quen thuộc với các quy định, gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Điều này làm hạn chế sự phổ biến của các thiết bị hiện đại trong sản xuất và khiến nhiều thợ rèn gặp khó khăn trong việc duy trì và phát triển nghề. Vì vậy, thiết nghĩ để tối ưu hóa hiệu quả của các chính sách hỗ trợ, nên chăng cần đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa, đồng thời cử cán bộ văn phòng chuyên trách trực tiếp hỗ trợ người dân trong việc hoàn thiện hồ sơ xin hỗ trợ trang thiết bị hiện đại, giúp giữ và duy trì nghề. Điều này không chỉ giúp người thợ rèn dễ dàng tiếp cận công nghệ mà còn mở ra cơ hội để nghề rèn truyền thống phường ٣ có thể phát triển bền vững trong bối cảnh hiện đại hóa.
Thời “hoàng kim”, làng rèn truyền thống Phường 3 có ngày xuất đi gần hai nghìn sản phẩm, được tiểu thương đến tận lò lấy hàng chuyển đi các vùng trong và ngoài tỉnh. Nghề rèn nay dù không còn sôi động như trước nhưng vẫn giữ được chỗ đứng nhất định nhờ những thế mạnh riêng biệt là chất lượng mà rèn công nghiệp khó có thể sánh bằng. Theo chia sẻ của các nghệ nhân, mặc dù nghề rèn thủ công đang dần mai một, nhưng “nghề làm vẫn có tiền, và nhiều khi làm không hết việc”.
“Làm nghề phải lấy chữ tín và chất lượng làm đầu” - đó là triết lý của ông Nguyễn Văn Lộc. Mỗi sản phẩm tạo ra từ nghề truyền thống phải giữ được cái “hồn” của nghề. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ từ chính quyền và cộng đồng để quảng bá sản phẩm, định hướng nghề nghiệp và đào tạo lớp trẻ, đồng thời cải tiến quy trình sản xuất mà vẫn giữ được nét truyền thống. Ông kể lại một kỷ niệm đáng nhớ: “Con trai tôi làm việc ở Đà Nẵng, có đợt về đặt mua cho công ty ba cây rựa để phát cây. Rựa tôi làm bán giá ba trăm nghìn đồng, trong khi rựa công nghiệp chỉ có một trăm tám mươi nghìn đồng. Ban đầu mọi người trong công ty phân vân vì giá cao hơn, nhưng sau khi dùng thử, ai cũng thích vì rựa thủ công cầm chắc, đằm tay, sắc bén, phát cây ngọt lịm. Chuyến về thăm nhà lần tiếp theo, anh giám đốc công ty còn dặn con trai tôi mua thêm để dùng dần và tặng người thân”.
Các sản phẩm từ lò rèn của ông Lộc không chỉ phục vụ khách hàng tại địa phương, mà còn được các chú bộ đội biên phòng đặt hàng để sử dụng trên tuyến biên giới. Những con dao, cây cuốc, cây rựa chắc chắn, sắc bén của ông đã trở thành người bạn đồng hành đắc lực trong những công việc hàng ngày của người dân quanh vùng, khẳng định chất lượng vượt trội của nghề rèn thủ công so với sản phẩm công nghiệp.
Chia sẻ về tương lai của nghề rèn phường 3, ông Lộc không giấu được nỗi lo lắng: “Hiện nay, nghề rèn ở phường 3 chủ yếu do những người trung niên từ 55 tuổi trở lên gánh vác. Điều khiến tôi trăn trở nhất là sợ rằng sau này không còn ai nối nghiệp, lò rèn sẽ nguội lạnh”. Ông bày tỏ hy vọng chính quyền địa phương sẽ có những định hướng mở, giới thiệu và khuyến khích thanh niên quan tâm đến nghề rèn, giúp họ tiếp cận, học hỏi và lập nghiệp từ nghề truyền thống này.
Hiện nay dù đối mặt với không ít khó khăn từ sự cạnh tranh khốc liệt của sản phẩm công nghiệp giá rẻ đa dạng về mẫu mã, thiếu hụt nguồn nhân lực kế thừa, đến thách thức trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nghề rèn phường 3 vẫn giữ trong mình giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế lâu đời. Những ngọn lửa đỏ từ lò rèn không chỉ thắp sáng một nghề truyền thống mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, kiên trì và khát vọng giữ gìn di sản, ngành nghề cha ông để lại.
Để bảo tồn và phát triển nghề rèn truyền thống, lan tỏa nét văn hóa độc đáo của vùng đất Đông Hà cần có sự chung tay giữa những người làm nghề, chính quyền địa phương và cộng đồng. Đó là sự nỗ lực vượt qua thách thức, đồng thời sáng tạo những hướng đi mới, kết hợp công nghệ hiện đại với bản sắc truyền thống, xây dựng thương hiệu vững chắc và mở rộng thị trường. Hy vọng nghề rèn không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn có thể vững bước, trở thành niềm tự hào, một điểm đến đầy giá trị và bản sắc khi nhắc đến thành phố Đông Hà.