Múa trống Trà Liên trong lễ khánh thành Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ - Ảnh: H.N
Sử sách còn ghi lại rằng thời chúa Nguyễn Hoàng đóng đô ở làng Trà Bát, chúa đã cho xây dựng dinh thự, đồn binh, thành lũy, cảng thị, chiêu dân lập ấp, khiến ngôi làng cát trắng hoang vu trở nên phồn thịnh. Khi chúa Nguyễn Hoàng mất, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nối ngôi đã cho dời dinh chúa vào Thừa Thiên Huế, Trà Bát trở thành cựu dinh và trở lại với dáng vẻ của làng quê yên ả. Đến nay đã gần năm trăm năm...
Trải qua gần năm trăm năm bể dâu, tất cả di tích về thời kỳ các chúa Nguyễn dựng nghiệp ở làng Trà Bát đã bị bom đạn chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt san thành bình địa. Tuy vậy con dân ngôi làng này vẫn ghi lòng tạc dạ công lao mở cõi của các chúa Nguyễn đồng thời gìn giữ các di sản của tiền nhân. Múa trống cũng là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa thời các chúa Nguyễn được nhân dân trân trọng gìn giữ và lưu truyền, để rồi mỗi dịp hội làng tiếng trống lại vang lên mang tới người xem bao niềm hứng khởi.
Múa trống làng Trà Liên bắt nguồn từ tích kể lại mỗi khi Chúa Tiên đi kinh lý về đều tổ chức ca múa hát chào mừng ở trong dinh phủ và múa trống là tiết mục mở màn. Thấy điệu múa hay, chúa khuyên trong cung nên duy trì. Và cũng từ đó, được sự nâng đỡ và coi trọng của Chúa Tiên nên múa trống trở thành một điệu múa nghi lễ của cung đình, phục vụ cho những dịp đại lễ ở trong phủ chúa như đón tiếp sứ thần, đón tiếp thương nhân, ăn mừng thắng trận.
Về sau, khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên chuyển thủ phủ vào Huế, làng Trà Liên không còn là nơi đóng dinh trấn thì môi trường diễn xướng của múa trống cung đình cũng mất dần và tản mát vào dân gian, trở thành điệu múa được sử dụng trong các lễ hội và sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Một thời gian dài, điệu múa này bị thất truyền và mãi đến năm 1959, các cụ cao niên trong làng đã thành lập đội múa, phục dựng, tập luyện để biểu diễn trở lại.
Những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, múa trống của làng Trà Liên đã nổi tiếng là điệu múa hay, độc đáo. Đội múa trống của làng thường được mời đi biểu diễn ở các vùng lân cận trong các lễ hội dân gian và để lại những ấn tượng khó quên cho người thưởng thức. Nghe kể, múa trống của làng Trà Liên đã từng giành được huy chương vàng tại hội diễn văn nghệ dân gian tỉnh Bình Trị Thiên năm 1987.
Năm ấy, các tiết mục văn nghệ dân gian của các huyện thuộc tỉnh Bình Trị Thiên được bố trí biểu diễn ở các sân khấu ngoài trời xung quanh Đại Nội Huế. Huyện Triệu Hải (huyện cũ thuộc tỉnh Bình Trị Thiên, sau thuộc tỉnh Quảng Trị) tham gia các tiết mục múa dân gian, độc tấu sáo trúc, hò Như Lệ, múa trống Trà Liên... Đặc biệt, múa trống Trà Liên đã chinh phục khán giả trên xứ sở múa cung đình ngoài cả dự đoán. Khi đội múa trống Trà Liên biểu diễn, tiếng trống nổi lên rộn ràng đã thu hút khán giả ở các sân khấu khác ùa đến xem. Bấy giờ trong mấy chục huyện của tỉnh Bình Trị Thiên không ở đâu có múa trống đặc sắc như vậy nên người ta ngạc nhiên, thích thú và vỗ tay không ngớt khi tiết mục múa trống Trà Liên kết thúc.
Điều làm nên nét đặc trưng riêng biệt của múa trống Trà Liên đó là điệu múa này ra đời và phát triển ở chốn cung đình nên chú trọng đến lễ thức, mực thước, trang nghiêm. Điều này thể hiện qua trang phục, sắp xếp đội hình cho đến những động tác múa đều mang đậm dấu ấn của một điệu múa nghi lễ cung đình. Tiết tấu múa chậm rãi, động tác múa luôn giữ điệu nhịp nhàng và khoan thai. Đội hình múa di chuyển hàng ngang, hàng dọc, hàng chéo rất quy củ.
Một đội múa trống Trà Liên thường có 9 người, trong đó có 1 nam đánh trống cái, 2 nam gõ phèng la, 2 nam gõ sênh, 2 nữ đánh xập xõa và 2 nữ múa quạt. Đôi khi để cho điệu múa thêm phần vui nhộn sẽ có thêm 1 người hóa trang thành ông địa cầm chiếc quạt mo vừa đi vừa phe phẩy theo điệu múa trống pha trò.
Người múa trống cái là chỉ huy, điều khiển sự ngừng nghỉ và nhịp điệu nhanh chậm của cả đội múa. Người này mặc trang phục màu đỏ, vàng, quần áo rộng, lưng cuốn đai, đầu đội mũ, chân đi giày vải bó như binh lính thời xưa. Các động tác múa trống không quá phức tạp nhưng để múa ra múa, không hề đơn giản. Người múa trống không chỉ phải thuộc các động tác mà còn phải thể hiện được vẻ đẹp của điệu múa.
Một cái trống cái đặt cố định giữa sân khấu, người múa trống cầm dùi liên tục gõ vào mặt, cạnh và tang trống. Thân mình luôn di chuyển, quay vòng, nhún nhảy tiến thoái. Trong điệu múa trống Trà Liên có các động tác múa đi ngang đánh trống, vừa đánh trống vừa nhún nhảy quay vòng quanh trống. Các động tác phải mạnh mẽ, dứt khoát. Nên người múa trống phải khỏe khoắn, nhanh nhẹn thì điệu múa mới sôi nổi, đẹp mắt. Thanh niên làng Trà Liên ai cũng thích múa trống, nhưng chỉ vài người múa đẹp.
Trống được diễn tấu cùng sênh, phèng la và xập xõa. Những người gõ sênh, phèng la, xập xõa biểu diễn nhịp nhàng, uyển chuyển theo từng nhịp chỉ huy của người đánh trống. Ngoài ra, trong điệu múa trống Trà Liên còn sử dụng dàn nhạc cụ phụ họa gồm có trống con, kèn, sáo, đàn nhị, đàn nguyệt. Sự kết hợp của các nhạc cụ đó tạo ra những âm thanh độc đáo, mang âm hưởng dân gian cổ xưa.
Ngày nay, múa trống Trà Liên cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, khó có thể có môi trường diễn xướng như xưa. Vậy nhưng, vào những dịp lễ trọng, làng luôn tạo điều kiện thuận lợi để múa trống lại có thể vang lên phục vụ bà con. Các cụ cao niên am hiểu về múa trống vẫn không quên củng cố lại điệu múa và truyền dạy cho lớp trẻ để tiếp tục gìn giữ.
Ngày chúa Nguyễn Hoàng nam tiến khai hoang mở cõi, vùng đất Đàng Trong còn là một nơi hoang vắng. Vùng đất mới cần mọi nguồn lực để phát triển nhanh chóng, và trên hết cần sự quyết tâm và ý chí của con người. Trong thời gian đầu lập nghiệp, Chúa Tiên đã sử dụng ca múa nhạc trong đó có múa trống để di dưỡng tinh thần. Sau đó điệu múa này được truyền bá ra ngoài dân gian và tồn tại đến ngày nay, trở thành di sản văn hóa quý báu của làng Trà Liên. Vì vậy, múa trống Trà Liên là một điệu múa gắn liền lịch sử mở cõi của các chúa Nguyễn cần được kế thừa, bảo tồn. Và không những chỉ bảo tồn, mà còn phải quảng bá, tạo điều kiện cho điệu múa này được đưa vào biểu diễn thường xuyên hơn.
Hiện nay, các địa điểm liên quan đến dinh chúa Nguyễn ở Trà Liên đang được lập quy hoạch tu bổ. Mục tiêu là tạo ra một không gian lưu niệm nhằm tôn vinh, tưởng niệm về thời kỳ dựng nghiệp của các chúa Nguyễn cũng như tạo ra một khu du lịch mang tính chất lịch sử, văn hóa và tâm linh. Nhân dân làng Trà Liên rất muốn được trình diễn múa trống ngay giữa không gian lưu niệm thời các chúa Nguyễn mở cõi, xung quanh có khán giả ngồi xem. Nếu được như vậy, múa trống Trà Liên vẫn được gìn giữ với những thanh âm hào hùng vang vọng mãi…
Bài in trên Cửa Việt số chuyên đề 9 (3.2023)