C |
ách đây khoảng bảy tám năm, một sự kiện xảy ra ở Canada làm chấn động dư luận xã hội ở một số nước Châu Âu và Bắc Mỹ, khiến người ta quan tâm thực sự đến khía cạnh ý thức hệ của ngôn ngữ. Một học giả Pháp được mời đến Canada nói chuyện về quyền con người trong một hội thảo lớn. Học giả cho biết ông sẽ nói về những thành tựu mới về quuyền con người trên thế giới (nguyên văn: Sur les nouvelles acquistions du droit de I’homme dans le monde). Trong tiếng Pháp từ “ home” vừa có nghĩa là con người(cả nam lẫn nữ), vừa có nghĩa là người đàn ông. Rắc rối là ở chỗ đó. Phía Canada đề nghị học giả Pháp thay đổi từ “home” thành từ “humain” một từ bác học ít thông dụng-có nghĩa là con người cả nam lẫn nữ. Học giả Pháp không chịu, cho rằng người Pháp xưa nay quen dùng như thế, ai cũng hiểu như thế, không có gì phải thay đổi cả. Phía Canada cho rằng dân chúng Canada không chấp nhận sự “bất bình đẳng” ngôn ngữ đó và sự đôi co làm cho hội nghị không tiến hành được.
Chuyện trục trặc nói trên tưởng là việc nhỏ nhưng nó là giọt nước làm tràn ly sau cả một quá trình suy nghĩ để cải tiến ngôn ngữ làm cho ngôn ngữ phù hợp hơn với xu thế thời đại trong chiều hướng tiến bộ xã hội. Nhân dân Pháp vốn có truyền thống cách mạng, luôn tiên phong trong việc đấu tranh cho tự do, bình đẳng, bác ái. Thế mà trong tiếng Pháp tinh thần “trọng nam khinh nữ” thể hiện hết sức lộ liễu. Ngoài thí dụ vừa nêu về từ “home” vừa chỉ con người nói chung vừa chỉ người đàn ông, người ta còn gặp không biết bao nhiêu điều bất bình đẳng khác, chẳng hạn trong tiếng Pháp không có từ giống cái cho các nghề nghiệp như giáo viên (professeur), thầy thuốc (médecin), kỹ sư (ingéniuer), vv…Trước trào lưu đòi hỏi bình đẳng về giới qua ngôn ngữ, phái tả khi đang cầm quyền ở Pháp cách đây ít lâu đã mạnh dạn đề xuất những thay đổi quan trọng trong cách gọi phụ nữ thực thi các nghề nghiệp không có từ giống cái. Theo thông tư của chính phủ cánh tả thời đó, từ nay sẽ gọi nữ giáo viên làprofeeseure, nữ kỹ sư là ingénnieure, nữ thầy thuốc là médecine, nữ văn sĩ là écrivaine vv…
Qua những điều nêu trên ta thấy rằng tuy ngôn ngữ vốn là sản phẩm tự phát của toàn dân, được hình thành và phát triển qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau, rằng những cố gắng riêng lẻ của cá nhân khó mà ảnh hưởng đến bước đi của nó nhưng khi cần thiết các nhà chuyên môn cũng như nhà nước có thể can thiệp ít nhiều vào hoạt động ngôn ngữ, nhất là vào hệ thống từ vựng, và biến đổi hình thái(morphologie) khi thấy cấp bách phải hướng ngôn ngữ về phía tiến bộ xã hội.
Nhìn lại tiếng Việt hiện nay ta thấy hệ thống từ ngữ dùng để xưng hô không còn phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hoá hiện đại hoá và sự hội nhập của đất nước vào cộng đồng quốc tế nữa, nhất là khi có chủ trương cải cách hành chính toàn diện, triệt để. Thực vậy, trong các cơ quan nhà nước và trong các xí nghiệp, việc xưng hô theo kiểu gia đình “ anh- em”, “chú cháu” “bác-cháu” “cô-cháu” vv… ảnh hưởng đáng kể đến cách giải quyết công việc, làm lẫn lộn công- tư, lí trí với tình cảm. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt trên truyền hình, người xem thường bị “sốc” khi nghe một vận động viên chừng 25 tuổi xưng “em” với một phóng viên chừng 22 tuổi. Có những sinh viên cứ nói là xưng “em” với tất cả mọi người, kể cả với bạn bè.
Những đề xuất sau đây có thể chưa được hoàn hảo nhưng chắc chắn sẽ là những gợi ý có tính chất đặt vấn đề.
Trong ngành giáo dục:
-Trong các trường mẫu giáo- mầm non cách xưng hô là “cô-cháu”
-Trong các trường Tiểu học và PTCS, cách xưng hô là “thầy, cô-em”.
-Trong các trường PTTH và Đại học, cách xưng hô là “thầy, cô-tôi” đối với học sinh, sinh viên. Thầy cô xưng “tôi” và gọi học sinh, sinh viên là “anh, chị”.
Trong các lĩnh vực hành chính, kinh tế, sự nghiệp:
-Người dân xưng hô với cán bộ, công tư chức: “Ông, Bà, Cô” hoặc biết rõ vị trí trách nhiệm thì dùng các danh hiệu như “Giám đốc”, “Chủ nhiệm”vv..
- Cán bộ, công chức gọi người dân là “Ông, Bà, Cô”.
- Nên dùng từ “Ngài” để gọi những người có vị trí xã hội đặc biệt như Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng cầm quyền, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Tỉnh hay Thành phố trực thuộc, Đại sứ, Chánh án Toà án tối cao…
Trong quân đội:
- Cách xưng hô nói chung là “tôi -đồng chí” giữa các sĩ quan với nhau, và giữa sĩ quan và chiến sĩ cũng như giữa các chiến sĩ trong khi làm việc. Khi cần thiết thì gọi nhau bằng cấp hàm hay chức vụ: “Đại uý”, “Thượng sĩ”, “Tiểu đội trưởng”vv…
Trong ngành công an:
- Nói chung cách xưng hô phần lớn như trong quân đội. Riêng giữa phạm nhân và quản giáo cách xưng hô hiện nay là “thưa cán bộ”. Có lẽ nên thay bằng các danh hiệu chỉ chức vụ cụ thể như “giám thị”, “trại trưởng”… Bởi vì cách xưng hô “thưa cán bộ” gây ra sự đối lập cán bộ- nhân dân.
Trong các tôn giáo:
- Có những cách xưng hô riêng cho từng cộng đồng giáo dân. Tuy vậy đối với người thường cần có sách hướng dẫn để tiện giao tiếp, đảm bảo sự trang nghiêm tôn giáo vừa đảm bảo đoàn kết dân tộc. Một người thường khi gặp một linh mục, một nhà sư hay một chức sắc Cao đài thì xưng hô thế nào cho phải phép?
Việc xưng hô theo một qui định thống nhất và hợp lý có một tầm quan trọng thực sự trong đời sống chính trị xã hội hiện nay. Nếu những người có trách nhiệm quan tâm suy nghĩ tìm cách cải tiến tình hình thì đó sẽ là một đóng góp có ý nghĩa cho việc chuẩn hoá và hiện đại hoá tiếng Việt.
T.Q.Đ