Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nguồn gốc và quá trình Việt hóa thơ Tứ tuyệt

1.

Bakhtine cho rằng: “Thể loại đang sống trong hiện tại nhưng bao giờ cũng nhớ tới cái quá khứ của mình, nguồn gốc của mình. Thể loại, đó là ký ức sáng tạo của nhân loại trong tiến trình văn học. Chính điều ấy làm cho thể loại và khả năng của nó có thể thống nhất được một cách đầy đủ và liên tục trong sự phát triển. Điều đó cắt nghĩa vì sao muốn nhận biết đúng đắn một thể loại cần phải tìm nguồn gốc của nó“ (Những vấn đề thi pháp Đôtxtôiepxki, Nhà xuất bản Nhà văn Xô Viết - Matxcơva - 1962, trang 162).

Đi tìm dấu hiệu hiện đại hóa thơ tứ tuyệt trước hết cần phải biết hình tính, đặc tính ban đầu của nó ra sao để đối sánh. Trên đại thể, thơ tứ tuyệt khởi nguyên từ Trung Quốc. Về thời điểm xuất hiện, có người cho nó ra đời sau luật thi, là sự cắt đôi của một bài luật thi nên còn gọi là tiệt cú. Nhiều người lại cho rằng nó ra đời trước luật thi. Nhưng một chữ “trước“ thôi cũng có hai luồng ý kiến:

1.1. Một loại ý kiến nói tứ tuyệt có mầm mống từ Kinh thi (ra đời cách đây 2.500 năm, vào khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên) tức thuộc nguồn văn chương bình dân. Song theo PGS Nguyễn Khắc Phi thì mỗi bài trong Kinh thi có nhiều chương (ít nhất 3 chương), các chương sau lặp lại chương đầu chỉ thay đổi chút ít dù mỗi chương phổ biến bốn câu. Có điều không có bài nào bốn câu đứng độc lập. Đến đời Hán Ngụy hình thức thơ bốn câu vẫn được duy trì, chỉ có điểm khác là số chữ ở mỗi câu, từ bốn chữ trong Kinh thi đã nâng lên năm hoặc bảy chữ. Sang thời Lục Triều, hình thức thơ bốn câu lại càng phổ biến, trong thơ ca dân gian cũng như thơ ca bác học.

1.2. Loại ý kiến khác cho rằng thơ tứ tuyệt xuất hiện từ thời Lục Triều (281 - 618) có lẽ căn cứ vào thực tế định vị của thơ tứ tuyệt giai đoạn này. Nhưng nói như GS Phan Ngọc “Thể loại nào cũng phải đạt đến cách nhìn riêng của nó, lúc đó mới có phong cách“ .

Xét ở phương diện lịch sử - văn hóa, theo thiển ý chúng tôi, đến thời Lục Triều tứ tuyệt mới có phong cách, ít ra cũng đã thành tên gọi. Cơ sở xã hội, cơ sở triết lý xác nhận phong cách thơ tứ tuyệt. Thời Lục Triều là thời kỳ hỗn loạn chưa từng có trên đất nước Trung Hoa, nội họa, ngoại hoạn xảy ra liên tiếp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn giai cấp rất kịch liệt, đời sống nhân dân cực khổ điêu đứng. Chỉ trong khoảng 160 năm thôi, ở miền Nam Trung Quốc có bốn triều đại nối tiếp nhau (từ năm 420 - 589), sâu xa hơn đó còn là sự khủng hoảng của tư tưởng thống trị đương thời. Trong hiện thực đen tối, trong cuộc đời bể dâu gắn với những biến cố thăng trầm hưng phế ấy, con người, nhất là thi nhân - bằng chiêm nghiệm, linh nghiệm hướng mình vào lẽ được mất, chính tà, đúng sai... và thoát mình vào những lẽ huyền vi của tạo hóa, của cuộc đời, của cõi heo hút buồn thương số phận, mà thơ tứ tuyệt sinh thành dường như để chứng nghiệm những điều ấy. Tuy nhiên, phải đến đời Đường (618 - 904) nghĩa là cách đây khoảng 1.300 năm, thơ tứ tuyệt mới được “luật hóa“ nghiêm ngặt, đó là thể thơ chỉ gồm bốn câu năm chữ (ngũ ngôn tứ tuyệt), bốn câu bảy chữ (thất ngôn tứ tuyệt) được cấu trúc lại và đẩy lên đỉnh cao, cắm một mốc son chói sáng và tạo ra sự lan tỏa ảnh hưởng đến nền văn học nước khác, mà rõ nhất là văn học Việt Nam. Rực rỡ đến mức  âm ba của nó dội vào tâm lý tiếp nhận thơ tứ tuyệt bao giờ cũng gắn liền với định ngữ: Tứ tuyệt Đường thi hoặc gọi tứ tuyệt hiện đại mang âm hưởng Đường thi và như thế vô tình lại đặt tứ tuyệt vào thể loại có nguồn gốc bác học (hiểu theo nghĩa khi nó đã thành tên gọi, theo nghĩa sự tiến hóa lên đến đỉnh cao của thể loại này).

Trong sáng tác và tiếp nhận, người ta vẫn theo cách làm của tứ tuyệt đời Đường và thưởng thức theo ý vị của Đường thi mà thôi. Có thể kiểm chứng điều này ở chỗ tứ tuyệt Trung Hoa (sau Đường thi), tứ tuyệt cổ điển Việt Nam dùng niêm luật quá nhiều, điển tích quá nhiều, từ ngữ ước lệ quá nhiều. Tuy vậy, cũng cần lưu ý rằng tính chất quy phạm phản ánh sự hoàn thiện trong tính toàn vẹn của nó, nghĩa là khi đã quy phạm thì không được thừa, không được thiếu. Thể loại nào (không loại trừ tứ tuyệt), cũng có những quy phạm tác động vào văn học như một sức mạnh lịch sử hiện thực, sự phá vỡ quy phạm của tứ tuyệt hiện đại không có nghĩa là gạt tính quy phạm ra ngoài lề, mà mục tiêu hướng tới phải thiết lập một quy phạm mới theo cách của thời hiện đại, vì quy phạm cũ không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống và thơ thời hiện đại. Nói như GS Trần Đình Sử : “Thể loại là một mô hình đời sống được đúc kết lại mà mô hình cuộc sống hiện đại đã thay đổi thì thể loại cũng thay đổi theo”.

Điều này cho thấy ngược dòng thời gian tìm nguồn gốc một thể thơ như tứ tuyệt không phải không có ích cho ngày hôm nay.

2. Thơ Đường nói chung, thơ tứ tuyệt nói riêng đã vượt thời gian, không gian hội nhập vào dòng chảy văn học nước Việt. Quá trình tiếp nhận tinh hoa văn hóa Trung Quốc và biến đổi nó để trở thành một thứ tài sản tinh thần quý báu của dân tộc ta đã được ghi nhận.

Thơ Đường là niềm tự hào của dân tộc Trung Hoa, nhưng từ lâu đã là tài sản văn hóa chung của nhân loại. Nhắc lại điều ấy cũng không thừa vì chúng ta không “lạm dụng“ tài sản chung ấy.

Trong thực tế, những hình ảnh của thơ ca nước ngoài một khi đã vào thơ Việt thường đều Việt hóa. Toàn bộ văn học chữ Hán (trong đó có thơ) khẳng định sự độc lập của đất nước, ca ngợi non sông. Đó là văn học của con dân đất Việt, văn học vì trách nhiệm người dân, bầy tôi với sự tôn vinh của dân tộc. Điều này đã khẳng định dấu hiệu Việt hóa nội dung thơ ca, mà tứ tuyệt Việt Nam là một bộ phận.

Theo GS Lê Đức Niệm, thơ Đường vào Việt Nam sớm nhất là bài Mẫn nông của Lý Thân. Chúng tôi lại thấy một sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy lý thú - bài thơ này lại là một bài tứ tuyệt:

Sứ hòa nhật đương ngọ

Hãn trích hòa hạ thổ

Thùy tri bàn trung xan

Lạp lạp giai tân khổ

Bài dịch thơ Đường đầu tiên ở Việt Nam này như sau:

Cày đồng đang buổi ban trưa

Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày

Ai ơi bưng bát cơm đầy

Dẽo thơm một hạt, đắng cay muôn phần

Bài thơ biến thành bài ca dao Việt Nam tự bao giờ không hay, vì nó đã được Việt hóa theo điệu lục bát - “điệu tâm hồn“ người Việt và hiển nhiên, không ai còn nghĩ đó là bài thơ Đường vì nó mang đậm hồn thơ Việt. Ngay cả tứ tuyệt trung đại Việt Nam không phải là một kiểu “thơ dịch” rập khuôn hoàn toàn Trung Quốc mà đã Việt hóa nội dung như trên đã nói.

Hai học giả Bùi Văn Nguyên-Hà Minh Đức thì dựa vào thư tịch cổ để xác định:“Đến cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI, chúng ta mới có một dòng thơ ca viết bằng chữ Hán, nhưng chứa đựng nội dung dân tộc“. Tứ tuyệt ở  Việt Nam xuất hiện khá sớm khi có văn học thành văn. Những bài thơ nổi tiếng như Nam quốc sơn hà, Thuật hoài, Tụng giá hoàn kinh sư... đều là tứ tuyệt. Theo nhà phê bình Đinh Quang Tốn, giá trị tác phẩm có hai loại: Giá trị thời đại và giá trị nghệ thuật, mà những tác phẩm tứ tuyệt trên có giá trị thời đại lại không nhiều, nếu không nói là hiếm. Điều này cần bàn thêm nhưng rõ ràng là dường như cảm hứng sử thi thật ít đến với tứ tuyệt từ xưa đến nay.

Lướt qua cánh đồng văn học, thời thơ Lý-Trần của ta đa phần là tứ tuyệt. Thơ văn Lý - Trần (3 tập đã công bố) có đến 200 bài tuyệt cú bên cạnh hơn 300 bài thất luật, phần còn lại là các thể khác. Chứng tỏ hai thế kỷ nhà Trần, thơ ta đi theo trào lưu thể loại thơ Đường Tống là chủ yếu. Non 1000 năm văn học nước nhà, các nhà thơ Việt Nam đều hầu hết có thơ tứ tuyệt. Không chỉ ở Trung Quốc mà các tài thơ Việt Nam đều thích làm thơ tứ tuyệt. Thêm một xác quyết về vị trí thơ tứ tuyệt trong hai nền văn học.

Ở Việt Nam, các nhà thơ theo trường phái cổ điển thường vẫn tuân thủ nghiêm túc “Đường luật“ khi sáng tác thơ tứ tuyệt chữ Hán hay chữ Nôm. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của thơ Nôm (bắt đầu từ đời Trần, Hậu Lê) dần dần những cách luật của thơ Đường ít nhiều bị phá vỡ. Trường hợp câu thơ thất ngôn xen lục ngôn trong thơ Nguyễn Trãi lµ mét dÉn dô. 

 Có ý kiến lại cho cha ông ta đã “nhào nặn“ để sáng tạo ra một thể thơ độc đáo: Thơ song thất lục bát mà hai câu thất bắt nguồn từ thơ Trung Hoa còn hai câu lục bát chính là thơ Việt Nam thuần túy (ca dao). Xem ra nhận định này chưa chứng minh được, nghĩa là thiếu cơ sở chắc chắn. Chỉ xét phần giao là hai câu thất đã thấy khác nhau. Câu thơ thất ngôn Trung Hoa theo nhịp chẵn trước lẻ sau (4/3 hoặc 2/2/3), còn câu thơ Việt ở đây là lẻ trước chẵn sau (3/4 hoặc 3/2/2) khác nhau hoàn toàn, thực ra nhịp 3/4 là nhịp trùng khớp với nhịp hát nói. Riêng về vần thì thơ Trung Hoa chủ yếu vần chân (cước vận), không hề có vần lưng (yêu vận) trong thi pháp Trung Hoa như câu thất thứ hai. Ngay cả vần chân “cách hiệp vần không giống cách hiệp vần của tiếng Hán, vần của thơ chữ Hán rất chặt, vần Việt Nam chấp nhận một phạm vi xê dịch rộng theo độ mở, miễn là duy trì dòng hay âm sắc“. GS Phan Ngọc phân tích có lý hơn: “Nếu ta nhìn thơ song thất như một tổng thể hữu cơ thì hai câu thất ở đây là một loại thất ngôn của tổng thể này... Nói cách khác đi thất ngôn ở đây là thất ngôn của lục bát“. “Lối cắt mạch của câu hát trong song thất lục bát không phải do đặc điểm gì xuất phát từ tính cách Việt Nam, mà là do quan hệ với hai câu lục bát ở sau“.

Nêu một ví dụ cụ thể như thế để thấy trong thực tế có sự tiếp biến, song nhận ra nó không phải dễ. Bất cứ một sự vơ vào máy móc nào cũng đều phản khoa học.

Quá trình Việt hóa thơ tứ tuyệt cũng có nghĩa dân tộc hóa bằng nội lực. “Cái nội lực chính là  bản lĩnh dân tộc, tinh thần dân tộc, kiên trì bền bỉ để giữ bản sắc của mình, thuần duỡng, bản địa hóa những yếu tố ngoại nhập, bổ sung phong phú thêm bản sắc dân tộc“.

Thơ tứ tuyệt nhiều thế kỷ qua đã trở thành thể thơ truyền thống của Việt Nam. Các nhà thơ dù viết về vấn đề gì với những tâm trạng phức tạp thế nào thì vẫn nằm trong “văn mạch dân tộc“ như Xuân Diệu đã khẳng định.

Ngày nay thơ tứ tuyệt đã được hiện đại hóa, cung cấp một cái nhìn mở rộng về thể tứ tuyệt. Đó là thể thơ bốn câu, nhưng số chữ trong mỗi câu có thể dài ngắn tự do, có thể là lục bát, có thể tám chữ, bảy chữ, sáu chữ, năm chữ, bốn chữ, ba chữ, thậm chí hai chữ... Quá trình hiện đại hóa này không phải bắt nguồn từ mảnh đất hoang, chưa có người cày xới mà ngược lại, hiện đại hóa chỉ là sự tiếp tục đi lên của truyền thống ở những giá trị và tầm cao mới theo yêu cầu và tình hình của thời đại.

           

V.V.L

 

Võ Văn Luyến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

21 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground