Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những chuyển động từ sách


1. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, tổng doanh thu toàn ngành xuất bản năm 2022 đạt 3.994,09 tỷ đồng, tương ứng tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 38.029, với 598.938.423 bản in. Năm qua, các chỉ số về đầu sách, bản sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước đều tăng so với những năm trước đó. Đồng thời, lần đầu tiên, ngành xuất bản cán mốc mục tiêu 6 bản sách/người/năm (trong đó có 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập, giáo viên; 2,98 bản là các loại sách khác).

Trong bối cảnh năm 2022 được đánh giá là năm thế giới có nhiều biến động, phức tạp, dẫn đến nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên ngoài và bên trong, thì số liệu nói trên là rất ấn tượng cho nỗ lực từ 57 nhà xuất bản và 2.050 cơ sở phát hành sách trong cả nước. Tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì có lẽ những người làm sách, quan tâm đến nhịp đập của sách, đến việc lan toả văn hoá đọc vẫn còn nhiều trăn trở, nhiều việc để phải nghĩ, phải làm.

Ngược dòng thời gian một chút. Nếu như những năm 1990, ngành xuất bản của chúng ta bước vào làn sóng thứ nhất với việc Việt Nam mở cửa, hội nhập quốc tế, người Việt ý thức về việc tìm hiểu thế giới bên ngoài để hợp tác, những đầu sách phục vụ cho việc đó bắt đầu có mặt ở Việt Nam, thì khoảng mười năm đầu thế kỷ 21 là làn sóng thứ hai, khi Luật Doanh nghiệp và Công ước Berner về bản quyền tác giả được ban hành đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp và các đơn vị xuất bản. Việc tham gia vào công ước Berner giúp Việt Nam có những bước tiến và sự hòa hợp chung với thế giới về quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vấn đề quyền tác giả. Từ 2015 - 2020 là làn sóng thứ ba: Cơ bản chúng ta đã thoả thuận xong với các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới, hoàn thành các hiệp định song phương và đa phương. Muốn hợp tác sâu rộng và phát triển hơn nữa, cần đi sâu vào tri thức nền tảng của nhân loại: Khoa học, tư tưởng... Và hiện nay, chúng ta đã bước vào làn sóng thứ tư, xuất bản thời công nghệ, xuất bản số.

2. Có thể nói, khoảng 10 năm trở lại đây, nhận thức về vai trò của văn hoá đọc, tầm quan trọng của sách đối với sự vận động xã hội đã được nâng lên thấy rõ. Bắt đầu từ năm 2014, Chính phủ chọn ngày 21/4 hằng năm trở thành Ngày Sách Việt Nam, và từ năm 2022 nâng lên thành Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam. Theo đó, các bộ ban ngành liên quan đã có những văn bản cụ thể và đề án thúc đẩy văn hóa đọc, như Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo về việc đổi mới thư viện và phát triển văn hóa đọc trong nhà trường phổ thông và mầm non; Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể là: “Phấn đấu 85% người sử dụng thư viện (đối với học sinh, sinh viên là 90%)”; đồng thời Luật về thư viện cũng đề cập đến việc Phát triển văn hóa đọc ở Điều 30.

Những văn bản, đề án được cụ thể hóa thông qua các giải pháp, chương trình hoạt động cụ thể, như: Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc do Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch tổ chức hằng năm, từ năm học 2017 - 2018, đã lan tỏa đến hàng triệu học sinh, sinh viên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Các Thư viện khoa học tổng hợp không ngồi chờ độc giả, liên tục đổi mới sáng tạo trong các hoạt động để thu hút người đọc, tổ chức các thư viện lưu động về địa phương, trường học. Ngày Sách Việt Nam đi vào đời sống với các hoạt động Ngày hội đọc sách, Tuần lễ đọc sách diễn ra hằng năm ở khắp các cấp học. Hội Xuất bản Việt Nam - Văn phòng phía Nam đã thực hiện nhiều tọa đàm, hội thảo với nội dung thúc đẩy thói quen đọc sách, đồng thời xây dựng đề án Danh mục sách bổ trợ hoạt động dạy và học trong nhà trường tiểu học. Đẩy mạnh các Hội sách truyền thống và Hội sách trực tuyến (online). Một số trường học, đặc biệt là hệ thống các trường tư thục đã xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường. Các địa điểm sinh hoạt cộng đồng như Đường Sách TP. Hồ Chí Minh, Phố Sách Hà Nội, Đường Sách Vũng Tàu, Đường Sách Buôn Ma Thuột, Đường Sách TP. Cao Lãnh đã đi vào hoạt động, lan tỏa tốt vào đời sống nói chung và thanh thiếu nhi nói riêng.

Không chỉ ở đô thị, văn hoá đọc cũng từng bước lan toả đến các vùng sâu vùng xa. Đồng hành với các đơn vị xuất bản là những tổ chức, cá nhân, đơn vị thiện nguyện xây dựng các tủ sách tại trường học, tủ sách tại các điểm văn hoá, sinh hoạt cộng đồng. Những chương trình như Sách hoá nông thôn, Thư viện container, Sách hay cho học sinh tiểu học, Chủ nhật yêu thương, Hạt mầm xanh. Sách vì tương lai, Triệu bản sách cho trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa, thư viện tư nhân ở khắp các vùng miền v.v... là những điểm sáng trong việc phát triển văn hoá đọc.

Đường sách Tp. Hồ Chí Minh thường xuyên diễn ra các hoạt động liên quan đến sách - Ảnh: L.M.L

Đường sách Tp. Hồ Chí Minh thường xuyên diễn ra các hoạt động liên quan đến sách - Ảnh: L.M.L

3. Về thị trường sách, chưa bao giờ số lượng và chất lượng sách đa dạng và phong phú như hiện nay. Mười, mười lăm năm trước, bước vào Hội chợ sách Frankfurt (Đức) hay Hội chợ sách thiếu nhi Bologna (Ý), không ít người làm sách thầm mơ ngày nào để sách Việt Nam có được diện mạo đẹp như sách ở các nước phát triển? Thì vài năm trở lại đây, sách Việt đã không hề kém cạnh về mĩ thuật. Nhiều hoạ sĩ trẻ năng động đã san phẳng khoảng cách mĩ thuật sách bằng những sản phẩm artbook thật sự ấn tượng. Đặc biệt, một số hoạ sĩ như Khoa Lê, Thái Mỹ Phương, Phạm Quang Phúc, Hoàng Giang, Phùng Nguyên Quang, Huỳnh Kim Liên, Hoàng Trang… đã làm sách trực tiếp với các nhà xuất bản lớn ở Mỹ, Anh, Ý, Singapore, Trung Quốc...

Tuy nhiên, vẫn còn đó những thách thức với người làm sách.

Tác động của các dự án thiện nguyện về sách là rõ ràng. Nhưng vẫn chỉ dừng ở mức độ như muối bỏ biển. Trong số các Đường Sách đã đi vào hoạt động, có lẽ chỉ Đường Sách TP. Hồ Chí Minh để lại dấu ấn rõ ràng và định hình được chỗ đứng trong lòng độc giả. Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây do Hội Xuất bản Việt Nam chủ trì, được nâng lên thành Giải thưởng Sách Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản đồng chủ trì, vẫn chưa tạo được cú hích trong việc nhận diện sách hay, quảng bá sách hay trong xã hội, với những bất cập nhất định về tiêu chí lựa chọn và tôn vinh sách hay. Việc chống sách lậu vẫn là nỗi đau đầu, gây khó khăn nhiều cho các đơn vị xuất bản. Thậm chí, sách lậu còn được phát hành ngang nhiên trên các sàn thương mại điện tử hay các diễn đàn, trang mạng xã hội. Doanh thu từ ngành xuất bản còn vô cùng hạn chế so với các ngành nghề khác. Vẫn là số liệu khởi sắc của năm 2022, trong 57 nhà xuất bản, chỉ 5 nhà xuất bản có doanh thu đạt trên 100 tỷ đồng, phía ngược lại, có đến 6 nhà xuất bản doanh thu dưới 1 tỷ đồng/năm.

Vấn đề xuất khẩu sách vẫn là bài toán được nêu ra từ lâu, nhưng chưa được giải một cách rốt ráo. Số lượng đầu sách bán bản quyền được ra thế giới không nhiều, và tập trung chủ yếu vào dòng sách tranh truyện, artbook đề cập đến các vấn đề có tính toàn cầu như môi trường sinh thái, các vấn đề đặt ra với trẻ em ở thời đại công nghệ, tranh truyện dân gian. Việc chuyển ngữ và quảng bá tác phẩm văn học còn vô cùng hạn chế. Đã gần 30 năm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp. Kế đến có thể kể lác đác một vài tác phẩm của Lê Lựu, Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Vũ Đình Giang, Phong Điệp, Nguyễn Danh Lam, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thuý, thơ Ý Nhi, Mai Văn Phấn... Hay đáng kể và gây được sự chú ý là tập truyện ngắn Tình yêu sau chiến tranh (Love after war) do Hồ Anh Thái và Mayne Karlin chủ biên in ở Mỹ cũng đã 20 năm. Đa số được dịch theo kết nối của những cá nhân, kênh phát hành hạn chế, nhỏ lẻ. Chúng ta vẫn chưa tổ chức được công tác dịch các tác phẩm văn học tiêu biểu, có hệ thống để quảng bá ra các nước. Nỗ lực từ phía đơn vị xuất bản như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Phụ nữ mới bước đầu có một số bản dịch tác phẩm văn học bản tiếng Anh, phát hành trong nước, tuy nhiên chất lượng bản dịch chưa hẳn đã đạt tới tốt nhất.

4. Trở lại với làn sóng thứ tư, xuất bản thời công nghệ, xuất bản số đã gợi ra ở trên. Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong ngành xuất bản hiện nay đang là cơ hội, đồng thời cũng nhiều thách thức với những người làm sách.

Nếu như cách đây 600 năm: công nghệ thời thượng là công nghệ in, sản phẩm thời thượng là sách giấy dung chứa toàn bộ tri thức của đời sống, khiến cho nhu cầu xã hội tăng vọt đồng thời giá trị của sách cực cao. Xuất bản, in và phát hành từng là động lực cho sự phát triển của kinh tế, khoa học, văn hoá và giáo dục thế giới. Còn hiện nay, công nghệ thời thượng là công nghệ phần mềm. Sản phẩm thời thượng, giá trị cao là điện thoại thông minh chứa đựng gần như mọi thông tin thời đại cho con người.

Hiện tại, đã có 19 nhà xuất bản được xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử (tăng 72,7% so với năm 2021)  góp phần đưa số lượng đầu sách điện tử tăng gần 1,5 lần. Nỗ lực của những nhà xuất bản này đã tạo thành điểm nhấn cho ngành Xuất bản thời gian vừa qua, thể hiện ở sự tăng trưởng ngoạn mục của sách nói, audibook, tạo đà cho văn hóa đọc phát triển tương đối mạnh mẽ, nâng cao vị trí, vai trò của ngành trong giai đoạn hiện nay.

5. Phát minh của Gutenberg về công nghệ in chữ rời và máy in đã tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ của cả một thời đại mang tên ông: kỷ nguyên Gutenberg kéo dài từ giữa thế kỉ 15 đến thập niên cuối cùng của thế kỉ 20. Kỷ nguyên ấy cho phép tri thức của cả thế giới được tích luỹ và chuyển giao thông qua sách giấy, thúc đẩy cho sự hình thành cuộc Cách mạng khoa học vào giữa thế kỉ 16 và đến lượt nó lại làm tiền đề cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỉ 18.

Có thể nói, không có bất cứ quốc gia phát triển nào nói không với sách. Trong lịch sử, sự ra đời và hoàn thiện công nghệ làm sách biểu thị phần nào của các nền văn minh. Gần nhất, câu chuyện nước Nhật trở mình, lớn mạnh, do nhiều yếu tố, trong đó cần phải kể đến là sự phổ biến và lớn mạnh của việc khuyến đọc.

Và như vậy, một đất nước đã chạm mốc con số 100 triệu dân như Việt Nam, là thị trường, dư địa rất nhiều cho sách lan toả. Chúng ta cần cùng nỗ lực và chờ đợi sự chuyển động từ sách. Từ những quyết sách lớn của Chính phủ về văn hoá đọc. Từ sự chung tay của các cá nhân, đơn vị, đặc biệt là các doanh nghiệp và cả cộng đồng. Để mười, hai mươi năm nữa, hy vọng về những thế hệ công dân mới, thật khác, lớn lên cùng sách.

Lúc đó, thực sự, những tủ sách, kệ sách, thư viện chắc chắn sẽ là trung tâm, là trái tim của mỗi gia đình, lớp học, nhà trường và các các điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng.  

L.M.L

LÊ MẬU LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 343

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground